Ngôi làng của những gái mại dâm ở Nghệ An

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Hình ảnh thê thảm trên "quê hương cách mạng": Ngôi Làng của những gái mại dâm ở Nghệ An.

(Theo tin vnExpress, trích báo Tiền Phong, 03/10/2001) - Ngay sau chợ Vinh (Nghệ An) sầm uất, có một làng nghèo, không có điện, nước, đường, trường và ngay cái tên cũng không. Theo nhiều người dân, đây là nơi cung cấp trẻ đánh giày, gái mại dâm, xích lô, cửu vạn cho cả khu vực.

Ngôi làng gồm nhiều thuyền, bè nứa và túp lều dựng trên dải đất nổi giữa sông Cửa Tiền. Hiệp, một thanh niên trong làng, tâm sự: "Nói nghe đau lòng, nhưng điều dễ nhận thấy nhất ở đây là có rất nhiều trẻ con và nuôi nhiều chó. Dân sông nước vẫn có truyền thống đẻ vô tội vạ. Người đông, chất đào thải nhiều, lại không có nhà vệ sinh nên người ta phải nuôi nhiều chó để dọn dẹp bớt".

Hầu hết những đứa trẻ trong làng đều không có cha. Mẹ của chúng là gái mại dâm, sau những lần đi khách, do bất cẩn nên đã sinh ra chúng. Có trường hợp như bà Hồ Thị Tám, 42 tuổi, quê Quỳnh Minh (Quỳnh Lưu, Nghệ An) có tới 14 con. Mỗi đứa một dòng họ, có đứa không có họ. Em Phúc, 14 tuổi, bị công an bắt về tội trộm cắp, khi lập hồ sơ đi trại giáo dưỡng thì cả mẹ lẫn con đều nhìn nhau, không biết ghi họ gì. Cuối cùng bà mẹ đành liều ghi cho Phúc họ Nguyễn.

Trẻ con trong làng không được đi học, bởi đơn giản cái ăn đã thiếu nói gì đến chữ. Chúng phải lao động từ rất sớm, làm đủ thứ nghề kiếm sống. Ðứa 3-4 tuổi thì đi ăn mày. Ðến khi lên 7-8 thì đi đánh giày, làm thuê, thậm chí trộm cắp. Bọn tội phạm đã lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của các em để lôi kéo vào con đường buôn bán, vận chuyển ma túy. Không ít Tú Bà đã dẫn dắt các em gái mới lớn vào hành nghề mại dâm ở các nhà hàng, quán cà phê.

Ở chợ Vinh gần đây còn xuất hiện loại hình lao động mới dành cho trẻ con. Ðó là nghề dọn vệ sinh. Cứ chiều chiều, khi sắp đến giờ đóng cửa chợ, các em tụ tập từng tốp, chui rúc vào quầy hàng để nhặt nhạnh những gì người ta bỏ đi trong ngày, đồng thời quét dọn chợ. Người chủ nào tốt bụng cho 500 đồng tiền công, có người không cho, còn mạt sát.

Chính quyền địa phương cho biết, việc tồn tại làng không tên này khiến họ rất đau đầu bởi chưa tìm ra cách quản lý. Dân cư trong làng từ khắp nơi đổ về, không có hộ khẩu, không nhà cửa, nghề nghiệp, đến cả chứng minh thư cũng không. Vì vậy, dù rất muốn cho họ đăng ký tạm trú, nhưng chính quyền đành bó tay.

 


Back to Home Page