Một chủ điểm đấu tranh

để dân chủ hóa Việt nam:

Hủy bỏ điều 4 Hiến Pháp

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Một chủ điểm đấu tranh để "dân chủ hóa" Việt Nam: Hủy bỏ điều 4 Hiến pháp.

Los Angeles - (9/7/2001) - Ðại hội 9 của đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) tháng 4/2001 vừa qua cho thấy một điều. Ðảng CSVN đã hết khả năng lãnh đạo. Họ tranh giành, chửi bới, thậm chí có thể chém giết nhau để giành giật chức Tổng bí thư đảng. Cuối cùng chức vụ Tổng bí thư được trao cho Nông Ðức Mạnh, một khuôn mặt vô thưởng vô phạt để những đảng viên có thế lực trong đảng có thì giờ đánh nhau giành quyền lực sau hậu trường. Không có một dấu hiệu gì Nông Ðức Mạnh có thể làm gì khác hơn Nguyễn Văn Linh, Ðỗ Mười hay Lê Khả Phiêu. Ðại Hội vừa xong, lệnh từ Bộ Chính trị tăng cường các biện pháp đàn áp các nhân vật tranh đấu cho tự do tín ngưỡng, nhân quyền và tự do dân chủ như HòaThượng Thích Quảng Ðộ, Linh Mục Nguyễn Văn Lý... Tình hình đất nước đi vào bế tắc không lối thoát.

Từ lâu một số người trong và ngoài nước tranh đấu ôn hòa cho tự do dân chủ và nhân quyền bằng phương pháp bất bạo động hy vọng rằng đến một lúc nào đó trước áp lực quốc tế và quần chúng quốc nội những người cộng sản ý thức được trách nhiệm của mình sẽ thực hiện những thay đổi cần thiết để đưa đất nước ra khỏi bế tắc. Sự hy vọng này cạn dần qua năm tháng trước sự ù lỳ của những người lãnh đạo và hoàn toàn tiêu tan sau Ðại hội 9 của đảng CSVN. Ðảng cộng sản - bộ máy cầm quyền - đang lún dần vào một tình trạng thối nát "thượng bất chính, hạ tất loạn" không còn ai bảo được ai. Nguyên nhân sinh ra tình trạng thối nát hiện nay là chính sách độc quyền độc đảng, độc tôn của đảng CSVN, và điều đáng sợ là họ vẫn cho đó là một cơ chế chính trị "dân chủ gấp trăm ngàn lần nền dân chủ tư sản."

Nhưng không phải chỉ người cộng sản Việt Nam kẹt, phía cộng đồng người Việt hải ngoại cũng kẹt. Sau 26 năm 2 triệu người Việt sống ở hải ngoại với phương tiện và nhân lực dồi dào kiên trì đấu tranh mong tái lập chế độ dân chủ tại Việt Nam vẫn chưa mang lại một kết quả nào khích lệ. Chúng ta không tạo nổi một áp lực chính trị gì đáng kể lên đảng CSVN buộc họ phải xét lại đường lối chính trị. Lý do vì chúng ta thiếu tổ chức, thiếu đường lối, tranh đấu bằng tình cảm hơn là bằng lý trí.

Lúc này không phải là lúc truy nguyên sâu xa cái gì đưa đất nước đến chỗ bế tắc hiện nay. Có thể lý do nằm trong huyết quản của mỗi người Việt Nam chúng ta. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc kiên cường, nếu không làm sao chúng ta có thể thắng quân Nguyên, làm sao thắng Pháp giành độc lập. Nhưng chúng ta thiếu chiều sâu. Chúng ta dễ dàng nghe theo những chủ thuyết viễn vông thẳng tay chém giết nhau. Chúng ta thắng nhiều trận giặc nhưng thường thất bại trong xây dựng. Ai cũng nói yêu đất Mẹ nhưng đất Mẹ thường bị hắt hủi, bị lợi dụng hơn là được trìu mến. Ðất nước Việt Nam càng ngày càng xuống giá và bị khinh bỉ trước cộng đồng thế giới. Ai có thể kính trọng một nước nằm trong danh sách những nước nghèo nhất trên thế giới? Cộng đồng hải ngoại thì gần ba thập niên vẫn chưa xây dựng nổi một tập thể có tiếng nói đáng kể vì quá nhiều tổ chức đoàn thể, quá nhiều đường lối và quá nhiều tiếng nói.

Ðã đến lúc người cầm quyền và thành phần trí thức trong nước và người Việt hải ngoại nhìn lại thực trạng đất nước để tìm ra một đường lối khai phá bế tắc hiện nay.

Trong những năm gần đây hầu hết các nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và tự do tín ngưỡng như Hòa thượng Thích Huyền Quang, Linh Mục Nguyễn Văn Lý, cụ Lê Quang Liêm, đa số các tổ chức chính trị, các nhà bình luận bên phía quốc gia đều đi đến một nhận định chung là bế tắc đất nước phát sinh từ cơ chế chính trị của nhà cầm quyền cộng sản nên đã đồng thanh lên tiếng đòi hỏi thay đổi cơ chế này để khai thông bế tắc. Trên hết và trước hết là Ðiều 4 của bản Hiến Pháp năm 1980 giao trọn quyền lãnh đạo quốc gia cho đảng Cộng Sản Việt Nam. Ðiều khoản này rập khuôn Ðiều 6 của bản Hiến Pháp Liên bang Xô viết. Khi tu chính Hiến Pháp vào năm 1992 sau khi khối Liên xô sụp đổ Ðiều 4 vẫn được sao chép lại với một chút thay đổi cho hợp thời trang.

Trong khi đó, một số đảng viên cộng sản thức thời và một số trí thức trong nước cũng đồng thanh lên tiếng yêu cầu đảng CSVN nên hủy bỏ Ðiều 4 để tạo một căn bản cho mọi người dân có cơ hội đóng góp vào sinh hoạt chính trị quốc gia. Tiếng nói quả quyết nhất là của tướng Trần Ðộ, một đảng viên kỳ cựu nhiều uy tín, và mới đây của hai nhà trí thức Mác-Xít, ông Trần Khuê và bà Nguyễn Thị Thanh Xuân.

Ðiều 6 Hiến Pháp Liên bang Xô viết ghi: "Ðảng Cộng Sản Liên Sô, lực lượng tiên phong và là trọng tâm của các cơ chế chính trị, bao gồm tất cả các hệ thống nhà nước và cơ quan công cộng. Ðảng Cộng Sản Liên Sô hiện hữu vì nhân dân và phục vụ cho nhân dân. Ðảng Cộng Sản Liên Sô vũ trang với chủ nghĩa Mac-Lenin, quyết định mọi đường lối liên quan đến việc phát triển xã hội và các chính sách đối nội lẫn đối ngoại, xây dựng những kiến trúc vĩ đại vì nhân dân Sô Viết, hoạch định mọi kế hoạch, hệ thống hoá và lý luận hoá cho cuộc đấu tranh vì thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản. Tất cả những tổ chức của Ðảng hoạt động trong khuôn khổ qui định Hiến Pháp của nước Cộng Hoà Liên Bang Sô Viết.

Ðiều 4 của bản Hiến Pháp Việt Nam hiện nay (1992) viết: "Ðảng cộng sản Việt Nam, đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành quyền lợi của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, theo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội ..."

Sau khi cướp được chính quyền bằng vũ lực thay vì tổ chức bầu cử tự do để cho dân quyết định ai xứng đáng lãnh đạo quốc gia, đảng CSVN viết Hiến Pháp (1980, 1992) giao trọn quyền lãnh đạo cho mình. Khẩu hiệu dân làm chủ chỉ là một khẩu hiểu giả trá. Ðảng nắm quốc hội, quân đội, công an, tòa án, mọi hoạt động kinh tế, xã hội và có quyền nhúng tay vào nội bộ các tôn giáo. Mọi phản kháng có tổ chức đều bị đàn áp bằng vũ lực, cá nhân chống đối đều bị kết án phản động và bỏ tù. Và từ đó như một cái xe không có thắng đảng cộng sản Việt Nam đi từ sự lạm quyền này đến sự lạm quyền khác, đảng viên thủ đắc vào trong tay gần hết tài nguyên quốc gia và làm cho khả năng vươn lên của đất nước bị thui chột. Ðất nước càng ngày càng tụt dần trên thang giá trị quốc tế.

Gần đây hơn để chuẩn bị cho Ðại Hội 9, đảng cộng sản Việt Nam đã cho thành lập những buổi tọa đàm tại Hà Nội nói là để "Chỉnh đốn để tồn tại và phát triển" có sự tham gia của Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương (BTTVHTU) và Hội đồng Lý luận Trung ương (HÐLLTU) và một số nhà lý luận cũng thuộc nội bộ đảng từ miền Nam ra như ông Trần Khuê và bà Nguyễn Thị Thanh Xuân. Các cuộc tọa đàm có thể chỉ là một thứ hội đồng chuột, nhưng qua các tài liệu được phổ biến (Ðối Thoại 2001 Tập 1,2,3,4 và 5 của Trần Khuê và Nguyễn Thị Thanh Xuân) người ta thấy ít nhất đảng CSVN cũng thấy được rằng muốn giải quyết bế tắc của đất nước không có một con đường nào khác hơn là cất bỏ Ðiều 4 Hiến Pháp. Trong một thư gởi tân tổng bí thư Nông Ðức Mạnh ông Trần Khuê và bà Nguyễn Thị Thanh Xuân mạnh dạn đề nghị xóa bỏ Ðiều 4 Hiến Pháp. Ông Khuê và bà Thanh Xuân viết:

"Ðây không phải là điều mới lạ, sáng tạo gì của Ðảng ta. Chẳng qua là sao chép từ Ðiều 6 của Hiến pháp Liên Xô từ năm 1980, nghĩa là 11 năm sau khi Bác Hồ qua đời. Ðiều 4 đã đặt đảng CSVN vào vị thế siêu quyền lực, siêu pháp luật, không chịu bất cứ sự giám sát nào kể cả cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước là Quốc hội. Nói khác đi, Ðảng không chịu sự kiểm soát của Nhân Dân mà đang ngồi trên đầu trên cổ Nhân Dân (các viện sĩ Liên bang Nga nói Ðảng Cộng sản Liên Xô sụp đổ vì đã xa rời nhân dân là không đúng, nó đổ vì đã dính quá chặt vào đầu vào cổ Nhân Dân nên khi Nhân Dân không chịu nổi nữa thì hất nó ra khỏi đầu khỏi cổ mình, thế thôi). Chính Ðiều 6 ở Hiến pháp Liên Xô và Ðiều 4 ở Hiến pháp Việt Nam đã tạo điều kiện pháp lý cho những đảng viên tồi tệ có thể lộng hành, lộng quyền một cách không giới hạn. Không thể chống được bọn cửa quyền, tham nhũng cũng chính là do Ðiều 4 này.

"Nhiều đảng viên (trong đó có cả những đảng viên chân chính và thông minh) cứ lo bỏ Ðiều 4 sẽ mất vai trò lãnh đạo của Ðảng. Họ nhầm. Họ quên rằng hồi 45-46 dù không có Ðiều 4 mấy chục triệu nhân dân vẫn đi theo sự lãnh đạo của Cụ Hồ và 5,000 đảng viên. Họ cũng quên lời Cụ Hồ khi thấy có những đảng viên muốn làm "quan cách mạng", lên mặt lãnh đạo, đã nhắc nhỡ: đảng cộng sản không thể tự vỗ ngực tự xưng mình là người lãnh đạo và bắt nhân dân thừa nhận sự lãnh đạo của mình. Bỏ điều 4 thì mất bọn cửa quyền tham nhũng chứ không thể mất Ðảng. Tóm lại: bỏ thì còn, để thì mất. Liên Xô và Ðông Âu đã là cái gương tày liếp, tùy Ðảng và Nhân Dân lựa chọn."

Bỏ ra ngoài quan điểm tôn vinh Hồ Chí Minh của ông Khuê và bà Thanh Xuân (hoặc đó là quan điểm thành thật của hai tác giả, hoặc là một lá bùa hộ mệnh trong quan hệ tế nhị nội bộ của đảng cộng sản mà sự tranh luận chính trịï có thể đưa đến sự thanh toán lẫn nhau) chúng ta phải công nhận lập luận của ông Khuê và bà Thanh xuân hết sức vững chắc.

Trong bối cảnh hiện nay ít nhất người Việt ở hai bên chiến tuyến đều có một đồng thuận là "hủy bỏ điều 4 Hiến Pháp". Ðó là con đường duy nhất còn lại. Và quả bóng đang ở trên sân người cộng sản, họ nắm quốc hội và qua quốc hội họ có thể hủy bỏ Ðiều 4.

Về phần người Việt hải ngoại cần biến công tác này thành một chủ điểm, một chương trình đấu tranh trường kỳ, một điểm xoáy, kết hợp lại ý chí của toàn dân dùng sức mạnh của lý luận buộc đảng CSVN phải hủy bỏ Ðiều 4. Công cuộc vận động này sẽ không bị thời gian làm lỗi thời, có tính hợp lý để chinh phục sự ủng hộ của các lực lượng dân chủ trên thế giới, và có tính thuyết phục thành phần đảng viên cộng sản.

Theo dõi quá trình dân chủ hóa của khối Liên xô trong thời gian từ 1988 cho đến năm 1992 chúng ta thấy tại quốc gia nào cũng có một phiên họp quốc hội hủy bỏ điều khoản cho phép đảng cộng sản nắm toàn quyền (như điều 4 của bản Hiến Pháp Việt Nam) trước khi bước qua ngưỡng cửa dân chủ. Kinh nghiệm của các quốc gia Ðông Âu và Liên xô cho thấy sau khi tu chính các đảng cộng sản liên hệ vẫn còn cầm quyền (như một nhu cầu liên tục hành chánh và ổn định) như đảng đa số nhưng các đảng phái chính trị khác có căn bản luật pháp tham gia sinh hoạt chính trị quốc gia, và sau cùng dân chủ đã đến một cách hòa bình. Tiến trình dân chủ hóa nhanh hay chậm, êm thắm hay hỗn loạn tùy thuộc vào các yếu tố khác như dân trí, khả năng của người lãnh đạo, ảnh hưởng của các khối tôn giáo và dân tộc tính của từng quốc gia. Nhanh như Ba Lan, Tiệp Khắc, vừa phải như Hung Gia Lợi và chậm như Bảo Gia Lợi, Liên bang Nga, nhưng cuối cùng dân chủ đã đến.

Và đó là tiến trình chính trị tất yếu của Việt Nam trước khi Việt Nam trở thành một quốc gia dân chủ có khả năng huy động mọi tài nguyên nhân vật lực và trí tuệ của toàn dân để trở thành một quốc gia có tầm vóc xứng đáng với vị trí địa dư và khả năng tiềm tàng của dân tộc.

TRẦN BÌNH NAM

 


Back to Home Page