Nhận định về thương mại và quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.
Hà Nội (5/7/2001) Dưới đây là bài viết của một cán bộ trẻ tuổi Lê Chí Quang, Cử nhân luật, đang được truyền tay ở Hà Nội trong những ngày qua nhận định một cách khá trung thực và sâu sắc về nội bộ CSVN trước vấn đề Hiệp Thương. Tài liệu này nhận được qua e-mail:
Ðại hội Ðảng Cộng sản Việt nam lần thứ IX vừa thành công tốt đẹp. Nhiệm vụ đối ngoại trong thời gian tới đã được vạch ra là: "Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, chính sách đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế. Việt nam muốn là bạn và là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hoà bình, độc lập và phát triển. Xây dựng môi trường hoà bình và tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế- xã hội, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng và bảo vệ đất nước, đồng thời góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội".
Chúng ta đang sống trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt, một thế giới của thông tin và công nghệ tin học, của hội nhập và toàn cầu hoá. Trong một thế giới mở và cạnh tranh khốc liệt như vậy, chiến lược phát triển kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, của mỗi nước đều phụ thuộc rất nhiều vào những thành tố bên trong cũng như bên ngoàị Thật vậy, ngày nay không một quốc gia phát triển nào có thể tồn tại với một nền kinh tế chỉ có nội địa và một nền ngoại giao đóng kín.
Chiến lược ngoại giao của mỗi quốc gia có quan hệ tổng thể đến các chiến lược khác của đất nước, đó là mối quan hệ hữu cơ khăng khít, đan xen, hoà quyện và phối hợp chặt chẽ với các chiến lược khác của đất nước. Xưa kia do quá nhấn mạnh đến tính chất giai cấp của xã hội và vấn đề ý thức hệ, ta thường căn cứ vào hình thái kinh tế xã hội để quyết định địch ta. Cùng chế độ chính trị là bạn bè, khác đi, là kẻ thù. Do vậy, chúng ta đã từng phải trả giá hết sức đắt cho những quan niệm ấu trĩ và cực đoan đó. Chúng ta từng có quá nhiều kẻ thù, phải đánh nhau liên miên. Chỉ ít là phải canh chừng, phải đối phó, bị cô lập, bị kỳ thị ... May thay những người lãnh đạo Ðảng và nhà nước đã nhận ra và sửa chữa những sai lầm đó. Giờ đây chúng ta đã có quan hệ ngoại giao với hơn 100 nước và tổ chức trên thế giới. Ðầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam ta ngày càng nhiều hơn. Kèm theo đó là những hiệp định thương mại được ký giữa nhà nước ta với các quốc gia và các tổ chức quốc tế.
Tuy nhiên, trong chủ trương đường lối cũng như trong thực thi nhiệm vụ đối ngoại có một vấn đề tôi cho là rất không thoả đáng, nếu không muốn nói thẳng là một khuyết điểm, một sai lầm trường cửu của ta: quan hệ Việt Nam - Hoa kỳ.
Tiến trình quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ.
Cách đây hai thế kỷ, trong những ngày đầu thành lập của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, người Mỹ đã vượt biển để tìm đối tác mậu dịch, và một trong những nước được hướng tới là Việt Nam. Tổng thống Hoa Kỳ lúc đó là Jefferson đã tìm cách mua hạt giống lúa Việt Nam để đem trồng tại quê hương Ông. Năm 1823 Tổng thống thứ 7 của Hoa Kỳ Andrew Jackson đã gửi quốc thư mở quan hệ buôn bán với triều Minh Mạng. Ðáp lại, năm 1873, nhà ngoại giao Bùi Viện, vâng mệnh vua Tự Ðức đã sang gặp Tổng thống Ulysses Grant cầu viện kháng Pháp. Những ngày trước cách mạng Tháng 8 chính lãnh tụ Hồ Chí Minh đã cùng một phi công Mỹ tên là Show tìm đường đến gặp tướng Mỹ Shannon để bàn việc hợp tác chống Nhật. Từ đấỵ phía Mỹ đã cử một số chuyên gia quân sự đến căn cứ địa Việt Bắc giúp quân đội tạ Tiếc rằng, sau đó quan hệ Việt - Mỹ không những không tiếp tục nảy nở mà hai nước lại trở thành kẻ thù không đội trời chung của nhau trên trận tuyến ý thức hệ. Cuộc nội chiến đó đã cướp đi mấy triệu sinh mạng người Việt (ở cả hai miền) và gần 60,000 ngàn binh lính Mỹ. Sau năm 1975 chúng ta tạm thắng thế. Sau chiến bại Mỹ vẫn có ý giao hảo với Việt Nam vì một vài lý do (khâm phục sự dũng cảm và anh hùng của dân tộc VN; muốn dùng VN để chống lại sự bành trướng của TQ...) Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Kissinger bay sang Hà Nội để thuyết phục và tìm phương thức liên kết nhưng đã bị từ chối một cách thẳng thừng. Rời Việt Nam, Ông ta đã sang với Trung Quốc. Và cũng từ đó chính sách cấm vận của Mỹ được ban bố, như chiếc vòng kim cô chụp xuống đầu nền kinh tế VN.
Một nền kinh tế tập trung, quan liêu bao cấp hướng tới ảo vọng hão huyền về một thứ chủ nghĩa Cộng sản không tưởng đã tàn phá nền kinh tế nước ta, đẩy chúng ta đến bờ của sự phá sản và đói nghèo. Chủ nghĩa xã hội tan rã ở các nước Ðông Âu và Liên Xô, dù muốn hay không, đã buộc chúng ta phải xem xét lại học thuyết Mác - Lênin. Kinh tế thị trường là quy luật tất yếu của lịch sử, cải cách và mở cửa là một bước đi tuy muộn màng song cũng đã kịp giúp ta vực dậy phần nào nền kinh tế. Từ đó, nền ngoại giao của ta trở nên thông thoáng và quan hệ Mỹ-Việt cũng từng bước được cải thiện.
4/1992, Mỹ cho phép xuất khẩu sang VN hàng hoá đáp ứng nhu cầu thiết yếu của con người. Tiếp đó cho phép các công ty Mỹ mở văn phòng đại diện, tiến hành nghiên cứu khả thi, rồi cho phép các hãng Mỹ tham gia đấu thầu các công trình tại VN.
7/1993, Mỹ tuyên bố không can thiệp việc các tổ chức tài chính quốc tế (quỹ tiền tệ quốc tế IMF, ngân hàng thế giới WB, ngân hàng phát triển Châu á ADB) nối lại quan hệ với VN. Và tháng 11 cùng năm (1993). Hội nghị quốc tế về viện trợ phát triển cho VN đã họp tại Paris, đại biểu Mỹ đã tham dự với tư cách là quan sát viên.
Ngày 3/2/1994, Tổng thống Mỹ Clinton tuyên bố bãi bỏ cấm vận chống VN. tiếp sau đó bộ Thương mại Mỹ chuyển VN từ nhóm Z (gồm Bắc Triều Tiên, Cu Ba và VN) lên nhóm Y ít hạn chế thương mại hơn (Gồm Liên Xô (cũ), Khối Vác-sa va (cũ) An ba ni, Mông cổ, Lào, Cam pu chia). Bộ Thương mại và Vận tải Mỹ cũng bãi bỏ lệnh cấm tầu biển và máy bay Mỹ vận chuyển hàng hoá sang VN, và tầu VN được vào cảng Mỹ nhưng phải xin phép trước 7 ngày và thông báo tàu đến trước 3 ngày.
6/8/1995, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ở cấp Ðại sứ. Sự kiện này mở đầu thời kỳ giao bang đầy đủ giữa VN và Hoa Kỳ, trong đó hợp tác kinh tế và thương mại sẽ là trọng tâm trong quan hệ hai nước.
Nhưng để được hợp tác đầy đủ về kinh tế và thương mại với Mỹ, VN cần phải được hưởng quy chế tối huệ quốc trong thương mại.
Về vấn đề quy chế tối huệ quốc.
Ðiều I - GATT quy định: "Bất cứ một thuận lợi, đặc ân, đặc quyền hoặc đặc miễn nào do bất kỳ một bên nước ngoài nào dành cho bất cứ một sản phẩm nào, xuất phát, hoặc gửi đến một nước khác, sẽ được dành cho sản phẩm tương tự, xuất phát hoặc gửi đến lãnh thổ của tất cả các bên kết ước khác một cách tức thì và vô điều kiện"
Trong khi đó Từ điển ngoại giao VN giải thích: "Chế độ đối xử ưu đãi nhất mà các nước dành cho nhau trong quan hệ kinh tế và buôn bán, về các mặt thuế quan, hàng hoá trao đổi, tầu bè chuyên chở, quyền lợi của pháp nhân và tự nhiên nhân các nước này trên lãnh thổ nước kia. Theo tập quán quốc tế, khi một nước cam kết cho một nước khác hưởng chế độ này thì phải dành cho nước đó tất cả những ưu đãi mà mình sẽ dành cho một nước thứ ba"
Giáo trình Luật quốc tế của trường Ðại học Luật Hà Nội lại định nghĩa: "Tối huệ quốc là một chế độ mà theo đó từ nhiều nhân tố pháp nhân nước ngoài và nước sở tại được hưởng các quyền ưu đãi mà các tự nhiên nhân và pháp nhân của bất kỳ một nước thứ ba nào đang được hưởng và sẽ được hưởng trong tương lai".
Như vậy có nhiều cách định nghĩa về quy chế Tối huệ quốc nhưng cuối cùng tất cả các định nghĩa đều phản ánh nội dung cơ bản của Tối huệ quốc là quốc gia này dành cho công dân và pháp nhân quốc gia kia các quyền và những ưu đãi đã hoặc sẽ dành cho công dân và pháp nhân của bất kỳ quốc gia thứ ba nào.
Sự cam kết Tối huệ quốc sẽ làm đơn giản hoá các thủ tục hành chính, là cơ sở để tạo ra các chính sách thẳng thắn, rõ ràng hơn, và còn được xem như biện pháp tránh việc sử dụng quyền lực tuỳ tiện của các quan chức ngành hành pháp trong vấn đề thương mại. Có thể nói quy chế Tối huệ quốc chính là tấm Hộ chiếu đỏ để các quốc gia có thể bước tới hoà nhập vào thị trường quốc tế, đồng thời nó cũng là chiếc chìa khoá để các nước phát triển mở rộng cánh cửa thị trường thoả mãn nhu cầu xuất khẩu hàng hoá. Quy chế Tối huệ quốc luôn là kết quả cuối cùng mà các quốc gia đều mong muốn đạt được trong hiệp định được ký kết.
Những điều kiện của quy chế tối huệ quốc trong quan hệ thương mại Việt- Mỹ.
Do không phải là thành viên của GATT, VN không đương nhiên được hưởng quy chế tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Hoa Kỳ. Ðể có được quy chế này, Việt Nam phải ký một hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ. Nhưng trên thực tế Hoa Kỳ luôn gắn vấn đề thương mại với các yếu tố chính trị. Chiếu theo mục 4 Ðạo luật Thương mại Hoa Kỳ 1974 về quy định việc áp dụng quy chế Tối huệ quốc, VN có thể được hưởng quy chế này bằng cách hội đủ các điều kiện sau đây:
1/ Ðáp ứng yêu cầu về các quy chế tự do di trú theo phần 402 của đạo luật thương mại 1974 (Tu chính luật Jackson- Vanik).
2/ Hợp tác với Mỹ trong vấn đề tìm kiếm người "mất tích" (trong danh sách MIA), trong chiến tranh Ðông Dương, thoả mãn những điều khoản của phần 403 thuộc Ðạo luật Thương mại.
3/ Ðạt được một hiệp định thương mại song phương với Hoa kỳ, hiệp định này cũng phải bao gồm một số điều khoản khác như việc bảo vệ chống việc nhập lậu hàng hoá; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, khuyến khích thương mại và tư vấn.
Theo pháp luật của Hoa Kỳ, nếu Tổng Thống chứng minh được trước Quốc hội là VN đã thoả mãn các quy định tại phần 402 & 403 nêu trên, Tổng thống có thể không áp dụng Tu chính luật Jackson-Vanik và đi đến ký kết hiệp định thương mại với VN. Hiệp định này giới hạn trong thời gian khởi đầu là ba năm và được gia hạn mỗi lần ba năm. Hiệp định này phải:
a) Quy định rằng nó là đối tượng để giới hạn, ngừng hoặc huỷ bỏ vì lý do an ninh quốc gia.
b) Bao gồm các quy định bảo đảm an toàn để đàm phán và áp đặt những hạn chế đơn phương về nhập khẩu trong trường hợp xảy ra, hoặc đe doạ sự bất ổn định thị trường nhập khẩu.
c) Quy định rằng nếu VN không phải là nước tham gia công ước bản quyền sở hữu công nghiệp hoặc công ước bảo hộ quyền tác giả, VN vẫn quy định cho các công dân Hoa Kỳ được hưởng những quyền tối thiểu mà có thể áp dụng nếu VN tham gia một hoặc hai công ước này.
d) Quy định việc bảo hộ quyền tác giả và quyền sở hữu công nghiệp, việc giải quyết các tranh chấp và bất đồng thương mại, các biện pháp thúc đẩy buôn bán.
e) Quy định việc xem xét lại các hiệp định thương mại và các quan hệ thương mại giữa Hoa Kỳ và VN.
Ðể hiệp định thương mại giữa Hoa Kỳ và VN có hiệu lực thì nó phải được Quốc hội Mỹ phê chuẩn. Hạ viện và Thượng viện phải đưa riêng ra một nghị quyết với đa số phiếu tán thành hiệp định thương mại đó, và lúc đó Tổng thống mới có quyền ký quyết định ban hành luật.
Hàng năm Tổng thống Mỹ phải quyết định việc khôi phục quy chế Tối huệ quốc. Ðối với VN Tổng thống Mỹ phải tường trình trước quốc hội vào các thời điểm 30/6 và 31/12 hàng năm. Trong bản tường trình đó, phải đề cập đến việc VN hợp tác trong vấn đề tù binh chiến tranh và tìm kiếm người mất tích, phân tích hiện trạng và chính sách di trú của VN.
Ngoài những cản trở do pháp luật hiện hành của Hoa Kỳ quy định, đối với nước ta có vấn đề đặc thù trong quan hệ Việt Mỹ, đó là vấn đề tù binh chiến tranh, và tìm kiếm người mất tích. Thực tế cho thấy phía VN đã có sự hợp tác một các đầy đủ để giải quyết tốt nhất vấn đề nhân đạo này, và chính quyền Mỹ cũng đã công nhận.
Hoa Kỳ cũng nêu vấn đề quyền con người đối với VN, và đây có thể trở thành mấu chốt của vấn đề. Chỉ sau khi được Quốc hội Mỹ thông qua, Hiệp định thương mại mới có giá trị thực thi, mà trước khi thông qua bao giờ Quốc hội Mỹ cũng tham khảo ý kiến của Uỷ ban Tự do tôn giáo và Uỷ ban Nhân quyền của quốc hộị Ta hãy nghe một số ý kiến của các Nghị sỹ Mỹ phát biểu vào năm 97 : "... sự đàn áp tiếp tục diễn ra ở VN, đã chứng tỏ một điều khác. Cuộc biểu tình gần đây nhất của 49 tù chính trị ở nhà tù Ba Sao, và những cố gắng của Hà Nội nhằm bóp méo việc tuyệt thực đã để lộ bộ mặt thật của một chế độ không hối hận..." (Theo lời Nghị sỹ Justin Hattan). Và, như lời ông Dan Rather trong một bài xã luận trên tờ National Review: "... thực sự chúng ta tin tưởng rằng, một đất nước đã mất 58 nghìn sinh mạng để cho một thế hệ VN có thể sống tự do, đất nước đó có động cơ thúc đẩy là một lời thôi thúc cao quý hơn..."
Tiến trình đi đến Hiệp định Thương mại đã được diễn ra như sau: tháng 12/1997, Công ước Bản quyền Sở hữu Công nghiệp và Bảo hộ Quyền tác giả giữa VN và Hoa kỳ đã có hiệu lực. Tháng 11/1997, công dân VN khi xuất cảnh không phải xin phép nhà nước VN nữa. Cũng trong tháng 6 năm đó (1997), Tổng thống Clinton tuyên bố: "Việt Nam đã cộng tác có hiệu quả trong vấn đề tìm kiếm người Mỹ tại VN". Như vậy VN đã thoả mãn các yêu cầu của Tu chính Jackson - Vanik.
Tháng 3/1998, VN đã được hưởng quy chế đãi ngộ Tối huệ quốc, nhưng từ đó đi đến một Hiệp định thương mại song phương giữa hai nước không ngờ lại vẫn còn một chặng đường dài đầy chông gai. Ðã có lúc chúng ta tưởng dịp may đã nắm chắc trong tay, nhưng bỗng nhiên nó bị tuột khỏi tay một cách bất ngờ. Sau khi bản Hiệp định đã được Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Ðại diện Thương mại Hoa Kỳ ký tắt, vào đầu năm 2000 trong một cuộc gặp bên lề một hội nghị tại New Zeeland, Tổng thống Bill Clinton và Thủ tướng Phan Văn Khải đã chuẩn bị rất sẵn sàng để ký kết chính thức. Hai vị đã sát vai nhau đi dạo rất lâu và ngồi bên nhau chụp ảnh với vẻ vui tươi, hồ hởi thì bỗng nhiên một bức điện từ Việt Nam gửi sang yêu cầu thủ tướng Phan văn Khải không được ký kết. Nghe nói sau này, trong khi kiểm điểm ở hội nghị TU 11b trước Ðại hội IX, cựu tổng bí thư Lê Khả Phiêu thì đổ tội cho cố vấn Lê Ðức Anh, còn cố vấn Lê Ðức Anh thì đổ trách nhiệm cho Bộ Chính trị. Mong rằng vấn đề này sẽ phải được kiểm điểm nghiêm túc để làm rõ trách nhiệm và rút kinh nghiệm để ngăn chặn sự lộng hành, sự độc đoán dẫn đến những quyết định sai lầm tại hại bỏ lỡ thời cơ (chúng ta đã bỏ lỡ thời cơ nhiều lần!), làm thiệt thòi quyền lợi của nhân dân, ghìm đất nước trong tình cảnh tụt hậu ngày càng xa so với thế giới. Cần công bố công khai khuyết điểm hay tội trạng của những người này để nhân dân định công - tội cho phân minh.
Chính quyền Bush có thể cứng rắn hơn trong vấn đề Việt Nam, nhưng cũng sẽ không thể không ủng hộ Hiệp định Thương mại. Tuy nhiên, để đi đến hiệu lực, Hiệp Ðịnh Thương Mại còn phải được Quốc hội phê chuẩn. Mà như đã nói ở trên, Quốc Hội Hoa Kỳ luôn gắn vấn đề Nhân quyền với vấn đề kinh tế nhất là đối với các nước Cộng sản. Trong khi đó, không hiểu sao hàng loạt các hành vi vi phạm quyền con người của ta vẫn tiếp tục diễn ra. Những vụ đàn áp tự do tôn giáo, những vụ bắt người, khám nhà trái phép đối với các ông Lê Hồng Hà, Hà Sỹ Phu, và gần đây nhất là vụ bắt giam và khám nhà trái phép đỗi với ông Vũ Cao Quận... có nguy cơ gây nên những phản ứng tiêu cực của Quốc Hội Hoa Kỳ đối với Hiệp Ðịnh Thương Mại. Bằng chứng là, mới gần đây, Uỷ ban tự do tôn giáo của Quốc Hội Mỹ đã gây sức ép buộc Ngân hàng thế giới đình chỉ một khoản vay hơn 300 triệu Ðô la của ta mà WTO đã hứa từ trước. Chúng ta không nên chỉ luôn sẵn sàng tìm cách trách cứ người khác và ngu biện tất cả phần đúng về phía mình, càng không nên vừa chối tội vừa vu khống chửi bới ngưòi ta như bà Phan Thuý Thanh khi trả lời các tổ chức quốc tế về vụ bắt giam cựu chiến binh Vũ Cao Quận. Việc ký kết Hiệp Ðịnh Thương Mại bị đình trệ cách đây đã gần một năm là lỗi ở chúng ta.
Việt nam trong con mắt người Mỹ.
Có hai cách nhìn nhận VN trong con mắt người Mỹ. Loại thứ nhất cho rằng VN không quan trọng đối với Mỹ, bởi vì VN vừa ở quá xa, vừa rất nhỏ bé đối với Mỹ, cả về quy mô quốc gia lẫn tiềm năng kinh tế.
Về diện tích: VN chỉ bằng 1/25,8 diện tích của Mỹ. Dân số: bằng 1/3,4. Về tiềm năng kinh tế: tổng sản lượng quốc dân của Việt Nam bằng 1/171,4 của Mỹ. (GDP của Mỹ là 4,800 tỷ Ðôla, VN là 28 tỷ Ðôla). Chỉ số thu nhập bình quân đầu người Mỹ là 19,856 Ðôla, VN khoảng 320 Ðôla, bằng 1/62,2 của Mỹ. Với cách nhìn nhận này, nhiều người Mỹ muốn quên hẳn hai tiếng VN ngay sau thất bại 1975.
Loại thứ hai, chủ yếu là các thương gia, các cựu chiến binh... và một số quan chức chính phủ có tầm nhìn chiến lược về ASEAN và VN. Họ nhận thức được vị thế địa chính trị quan trọng ở khu vực Ðông Dương và Ðông nam Châu á của Việt Nam.
Việt Nam án ngữ con đường biển huyết mạch từ Bắc Á xuống Ðông Á và Ấn Ðộ Dương. VN có quân cảng Cam Ranh, một quân cảng tốt vào loại thứ hai trên thế giới mà từ đây có thể kiểm soát toàn bộ số tàu bể đi qua khu vực này. Hãy điểm qua mấy chuyến viếng thăm vấn gần đây của các cường quốc đối với VN.
Tháng 11/2000: Tổng thống Mỹ Clinton; Tháng 1/2001: Thủ tướng Ấn độ Atal Vajpayee; Tháng 1/2001: Bộ trưởng tư pháp Nhật Mashahiko Komura; Tháng 2/2001: Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Trì Hạo Ðiền; Tháng 2/2001: Tổng thống Singapor S.R. Nathan.
Ngoài ra, chưa kể ta còn huỷ bỏ chuyến viếng thăm của Ðô đốc tư lệnh lực lượng Thái Bình Dương Dennis Bair của Mỹ hồi tháng 2/2001. Tuy nhiên, trong lịch trình ngoại giao Bộ trưởng ngoại giao Mỹ Colin Powell sẽ viếng thăm VN vào tháng 7/2001 này.
Tổng thống Nga Putin trong chuyến thăm tháng 3/2001 đã xoá cho VN khoản 8 tỷ Ðôla trong tổng số 11 tỷ mà VN còn nợ của Nga. Trước cuộc viếng thăm của tổng thống Putin, ngày 15/1/2001 Nga đã phái một phần hạm đội Thái Bình Dương trong đó có hai khu trục hạm Udaloy, chuyên săn và diệt tàu ngầm, vào cảng Cam Ranh để chứng tỏ Nga quyết tâm bám giữ vị trí chiến lược này.
Trong tầm chiến lược của Mỹ, điều quan trọng hơn nữa là có thể sử dụng Việt Nam làm tiền đồn kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc về phía Nam tạo nên nguyên nhân gây mất ổn định ở khu vực châu á. Người Mỹ không quên rằng VN và Trung Quốc có mối thâm thù vĩnh cửu từ hàng nghìn đời nay. Trong lịch sử, chiến tranh Việt-Trung đã nhiều lần nổ ra và Việt Nam luôn luôn chiến thắng.
Trước kỳ Ðại hội đảng CSVN lần thứ IX, theo tin của Washington Post, một phái đoàn ngoại giao bí mật của Trung Quốc đã sang thăm VN với ý đồ vận động cho Tổng bí thư Lê Khả Phiêu được ở lại thêm một nhiệm kỳ nữa. Biết được động thái này của Trung Quốc, Mỹ điều ngay hàng không mẫu hạm USS KITTY HAWK từ vịnh Thái Lan vào biển Nam Hải nhằm gửi tín hiệu cho Trung Quốc rằng đừng can thiệp vào công việc nội bộ của VN. Vì Mỹ không muốn VN ngả vào lòng Trung Quốc.
Trước những thay đổi mới của tình hình quốc tế và khu vực, Mỹ càng phải có những động thái tích cực hơn trong quan hệ với VN. Trong chuyến viếng thăm Hà nội 7/1997, Bộ trưởng tài chính Mỹ Robert Rubin, đã phát biểu: "... Trong chính sách hợp tác toàn cầu của mình, Tổng thống Bill Clinton nhận thức rõ vị trí của VN- một nước có tiềm năng rất lớn ở khu vực...". Một nghị sỹ Mỹ cũng đã khẩn thiết lưu ý chính phủ: "...Nước Mỹ đã bỏ rơi VN vào năm 75 và để quên VN vào những năm sau 80; giờ đây người Mỹ đã có cơ hội để sửa chữa những sai lầm nàỵ" Dưới thời tân Tổng thống Bush nhiều quan chức ngoại giao của Mỹ ở các nước khác bị thay đổi nhưng Mỹ vẫn giữ Pete Peterson - một " chàng rể " Việt Nam, người đã từng có câu nói nổi tiếng: "Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, nhưng những gì chúng ta có thể thay đổi được là tương lai" - làm Ðại sứ tại Hà Nội.
Quan hệ Việt - Mỹ, mối quan hệ ngoại giao cần được ưu tiên hàng đầu đối với Việt Nam.
Dẫu có mong ước tương lai về một thế giới đa cực thì thực tế hiện nay, về cơ bản điều đó vẫn chưa hiện hữu. Cho đến nay, Mỹ vẫn là một cường quốc kinh tế, khoa học, công nghệ, quân sự, là một trong ba trung tâm kinh tế của thế giới, là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (LHQ), cũng như các tổ chức thuộc hệ thống LHQ, và các tổ chức Quốc Tế khác. Tại tổ chức tiền tệ Quốc Tế (IMF) Mỹ nắm giữ 2/3 số phiếu.
Với sức mạnh về kinh tế, khoa học kỹ thuật, quân sự, Mỹ đang chi phối đời sống kinh tế và chính trị Quốc Tế, nhất là sau thời kỳ chiến tranh lạnh.
Ðể thực hiện những mục tiêu của Ðảng và nhà nước đề ra trong nhiệm kỳ Ðại hội IX, ta cần tranh thủ được sự ủng hộ của Mỹ trong quan hệ kinh tế. Trước hết tập trung vào ba lĩnh vực chủ yếu là: thương mại và du lịch, đầu tư trực tiếp và hợp tác phát triển.
Về phát triển buôn bán đối ngoại: nếu hiệp định thương mại Việt- Mỹ được Quốc Hội Mỹ thông qua, ta có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Mỹ những sản phẩm may mặc, giầy dép, nông thổ sản, đồ mỹ nghệ, cao su, dầu thô....
Về nhập khẩu ta có thể nhập máy móc, thiết bị công nghệ cao, nguyên vật liệu để phát triển sản xuất trong nước. Xúc tiến các dự án thăm dò và khai thác dầu khí và năng lượng, xây dựng ngành công nghiệp lọc, hoá dầu, kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy thuỷ điện, điện nguyên tử. Ðầu tư xây dựng các khu công nghệ cao, tại thành phố Hà Nội và Saigon, kêu gọi đầu tư vào một số dự án xi măng, sắt thép... và các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng.
Công nghiệp nhẹ: kêu gọi đầu tư và mở rộng các nhà máy dệt, may mặc, sản xuất giày.
Nông nghiệp: tập trung các dự án chăn nuôi và chế biến thịt, nông, lâm thổ sản, bông, ép dầu.
Tranh thủ được các khoản viện trợ như ODA,OPIC, TDT của chính phủ, các tổ chức phi chính phủ để tập trung cho các lĩnh vực nhân đạo, y tế, giáo dục, đào tạo.vv..
Tranh thủ học bổng của chính phủ Mỹ và các trường đại học để đào tạo sinh viên và nghiên cứu sinh VN.
Ngoài ra ở Mỹ còn có một lược lượng đông đảo Việt kiều, có vốn và tri thức sẵn sàng đầu tư về VN nếu có điều kiện.
Nếu quan hệ Việt-Mỹ tốt đẹp ta có thể nhận được chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập GSP, là chế độ ưu đãi đặc biệt mà Mỹ dành cho một số nước đang phát triển.
Không chỉ có vấn đề kinh tế. Cho đến nay, Mỹ vẫn là cường quốc số một, đăc biệt là về hải quân và không quân. Ta có thể tranh thủ được sự ủng hộ của Mỹ để hiện đại hoá quân đội, và tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ để đòi lại chủ quyền của ta ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Hiện nay Mỹ đang rất cần các căn cứ quân sự ở Ðông Nam Á, nhất là từ khi Mỹ trao trả 2 căn cứ quân sự Subick và Clark cho Philippines. Nếu nhận được thoả thuận cho thuê một vài đảo nhỏ ở quần đảo Hoàng Sa thì hẳn là Mỹ sẽ cùng ta kiên quyết bảo vệ chủ quyền đương nhiên của Việt Nam đối với quần đảo này, bằng sức mạnh quân sự lẫn tiếng nói quan trọng của Mỹ tại Toà án Công pháp Quốc Tế trong vấn đề chủ quyền của VN.
Trên đây chỉ mới là phác thảo một vài lợi ích cơ bản trong quan hệ Việt- Mỹ. Những ý kiến này có thể không những không hợp mà còn bị xem là thù nghịch đối với một số người có tư tưởng bảo thủ mà trong thâm căn cố đế họ cứ muốn khẳng định rằng Mỹ vẫn còn, và bao giờ cũng cứ là kẻ thù số một của VN. Họ vẫn hù doạ rằng Mỹ không từ bỏ dã tâm muốn quay trở lại xâm lược VN! Thực ra đây chỉ là tư tưởng cực đoan của một số người có nhận thức quá chừng xơ cứng, rất lạc hậu với thời cuộc. Mừng rằng, sau Ðại hội IX, khá nhiều lực lượng khống chế cơ bản trong số này đã ra đi. Hy vọng rằng những gương mặt mới sáng đẹp hơn của tân tổng bí thư Nông Ðức Mạnh và nhiều uỷ viên Bộ Chính trị, nhiều uỷ viên Trung ương Ðảng trẻ trung hơn, học thức hơn sẽ có đủ tầm trí tuệ để thực sự đổi mới nhận thức, xác định lại một cách đúng đắn đường lối, chủ trương đối ngoại nói chung, đặc biệt là nói riêng về vấn đề quan hệ Việt Mỹ.
Như chào đón êkip lãnh đạo Việt Nam mới, ngày 1-5-2001 tổng thống G. Bush đã quyết định gia hạn miễn áp dụng điều luật bổ sung Jackson-Vanik đối với Việt Nam thêm một năm. Ngày 8 tháng 6 năm 2001 ông đã trình bản Hiệp Ðịnh Thương Mại song phương Việt - Mỹ lên Quốc hội. Theo lời đại sứ Peterson bản Hiệp Ðịnh Thương Mại này có thể được Quốc hội Mỹ thông qua trước ngày 4 tháng 7 năm 2001 vì đã được sự đồng thuận của cả hai đảng.
Ðể hướng tới một tương lai đúng đắn và sán lạn cho mối bang giao Việt Nam- Hoa Kỳ, từ đấy tìm được những gì cần thiết cho công cuộc xây dựng một nước Việt Nam dân chủ, công bằng, giầu mạnh, văn minh, tôi xin dẫn lời tổng thống Mỹ Clinton phát biểu trong chuyến viếng thăm VN- tại Saigon trước các doanh nghiệp hai nước: "...Hiệp định thương mại mà Mỹ đã ký với VN, sẽ còn giúp đỡ nhiều nhà đầu tư tới nước các bạn nhiều hơn. Hiệp định cũng sẽ giúp đỡ để phát triển một thị trường mở cửa rộng hơn, phức tạp và tự do, dựa trên những quy tắc quốc tế về luật pháp. Và điều đó sẽ mang lại nhiều phần thưởng hơn cho sự sáng tạo và đầu óc sáng kiến của dân tộc VN phi thường. Cả hai đất nước chúng ta sẽ phê chuẩn Hiệp định này và sẽ thực hiện đầy đủ Hiệp định. Những sự thay đổi mà hiệp định sẽ mang lại, sẽ chỉ có thể bao quát hơn chứ không bị lo ngại... Những năm hận thù đã trôi qua. Hôm nay chúng ta có một quyền lợi được chia sẻ trong niềm hạnh phúc và thịnh vượng của các bạn. Chúng tôi có đánh cược vào tương lai của các bạn và chúng tôi muốn trở thành đồng minh của các bạn".
Hà Nội ngày 19 tháng 6 năm 2001
Lê Chí Quang