Cao Ủy Nhân Quyền LHQ nghe tường trình về

những đàn áp tôn giáo của Cộng Sản Việt Nam

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Cao ủy Nhân Quyền LHQ lắng nghe tường trình về việc CSVN đàn áp Tôn Giáo.

Liên Hiệp Quốc (New York) (TinVB) - (2/5/2001)  - Vào lúc 3 giờ chiều ngày 27 tháng 4 năm 2001, thời điểm mà Cộng Ðồng Việt Nam khắp nơi đang chuẩn bị tổ chức ngày quốc hận 30-4 lần thứ 26, và trong lúc cao trào đấu tranh đòi tự do tôn giáo đang dâng cao trong nước thì tại trụ sở Liên Hiệp Quốc thuộc thành phố Nữu Ước Hoa Kỳ, một phái đoàn đấu tranh đòi tự do tôn giáo và Nhân Quyền cho Việt Nam đã tiếp xúc với văn phòng Cao Ủy Nhân Quyền, được Ông Goro Onogima, phụ tá đặc biệt Cao Ủy Trưởng, và Bà Martha Springer, phụ trách Chính Trị Vụ niềm nở đón tiếp.

Bà Nguyễn Hồng Liên, chủ tịch hội Nhân Quyền Việt Nam tại New York, người điều hợp cuộc gặp gỡ đã mở đầu chào hỏi và nói lên mục đích cuộc viếng thăm. Kế đến, mỗi thành viên phái đoàn đã tự giới thiệu mình với các vị đại diện Cao Ủy Nhân Quyền LHQ.

Sau phần giới thiệu, ông Phạm Ðình Ðệ thuộc Liên Ðoàn Cử Tri Mỹ Gốc Việt từ tiểu bang New Hampshire đã trình bày việc giam cầm, bắt bớ trái phép của nhà cầm quyền CSVN, cũng như việc bầu cử thiếu tự do tại Việt Nam.

Thượng Tọa Thích Thiện Ân, một người Hoa Kỳ theo đạo Phật, đại diện cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Hoa Kỳ trình bày một số dữ kiện cụ thể về cuộc đàn áp giáo hội PGTN của CSVN. Ngài cũng tóm lược 8 điểm lời kêu gọi Dân Chủ cho Việt Nam của Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ vừa công bố gần đây.

Linh mục Nguyễn Hữu Lễ, Giám Ðốc Ðiều Hành Ủy Ban Quốc Tế Tự Do Tôn Giáo cho Việt Nam đã thay mặt Ủy Ban trình bày tính chất vô cùng tinh vi và xảo quyệt của chính sách đàn áp tôn giáo tại Việt Nam. Gần đây, những người ngoại quốc thăm Việt Nam thấy nhà thờ, chùa chiền mở cửa thường cho rằng đã có tự do tôn giáo tại phần đất này. Sự thật, đó chỉ là hình thức bên ngoài, thực chất thì CSVN đã dùng mọi cách len lỏi, xâm nhập nội bộ các tôn giáo nhằm khống chế, kiểm soát lèo lái các giáo hội theo chiều hướng của nhà cầm quyền.

Hiền tài Nguyễn Thanh Liêm, thuộc giáo hội Cao Ðài Việt Nam tại Hải Ngoại, thành viên Hội Ðồng Liên Tôn Hải Ngoại, đã tường trình những hành vi của CSVN xâm nhập và khống chế giáo hội Cao Ðài. Hiền tài cũng trao cho vị đại diện Cao Ủy Nhân Quyền những chứng cớ cụ thể và một bản thỉnh nguyện thư.

Về phía Phật Giáo Hòa Hảo, Anh Nguyễn Minh Châu, Tổng Thư Ký Ban Trị Sự Giáo Hội PGHH Hải Ngoại, một người rất trẻ đã trình bày gẫy gọn, mạch lạc với những hình ảnh cụ thể về tình hình đàn áp Phật Giáo Hòa Hảo ở trong nước, nhất là vụ CSVN quản chế cụ Lê Quang Liêm, vụ cụ bà Nguyễn Thị Thu tự thiêu...

Kế đến, BS Ðỗ Văn Hội, phụ tá điều hành Ủy Ban Quốc Tế Tự Do Tôn Giáo Việt Nam đã trình bày những diễn biến mới nhất về đàn áp tôn giáo tại Việt Nam như vụ chận xét HT Thích Quảng Ðộ, vụ ngăn chận việc Tăng Ðoàn Huế tổ chức chay đàn, vụ quản chế Linh Mục Nguyễn Lý và cụ Lê Quang Liêm hai năm, việc sách nhiễu các LM ủng hộ cha Tađêô Nguyễn Văn Lý v.v... Ông nêu việc CSVN dùng thủ đoạn bôi lọ, vu cáo LM Nguyễn Văn Lý trên hệ thống thông tin của nhà nước và bản dịch quyết định 401 quản chế LM Nguyễn Văn Lý làm cho đại diện Cao Ủy rất ngạc nhiên.

Ngoài ra, sau khi nghe về một vị dân cử của Na Uy - Ông Lars Rise - đã bị CSVN bắt giam và trục xuất khỏi Việt Nam sau khi gặp gỡ các vị lãnh đạo tôn giáo, đại diện Cao Ủy đã rất chú ý. Nhân dịp này, BS Ðỗ Văn Hội trao cho đại diện Cao Ủy bản Kiến Nghị cùng với danh sách chữ ký của đồng bào Việt Nam từ khắp thế giới gửi về thỉnh cầu Liên Hiệp Quốc can thiệp buộc nhà cầm quyền CSVN phải thả ngay các vị lãnh đạo tôn giáo, các tín đồ cùng những chiến sĩ đấu tranh nhân quyền đang bị CSVN giam giữ hoặc quản chế..., hủy bỏ những nghị định phản dân chủ như Nghị định 31/CP về quy chế quản chế hành chánh, Nghị Ðịnh 26/CP về quy chế tôn giáo v.v..

Tiếp theo, cô Venessa Bùi, Phó Chủ Tịch Hội Văn Hóa Khoa Học Việt Nam từ Texas trình bày vấn đề đàn áp tự do ngôn luận tại Việt Nam. Hiện nay, các cơ quan truyền thông đều do nhà nước kiểm soát. Anh Hùng Nguyễn, chủ tịch hội Ái Hữu Các Chuyên Gia Trẻ Việt Mỹ (Vietnamese American Professional Alliance) từ California trình bày hệ thống giáo dục bất công tại Việt Nam. Những thành viên khác của phái đoàn như BS Nguyễn Nam, Cố Vấn Hội Văn Hóa Khoa Học Việt Nam từ Texas, anh Trịnh ÐìnhVinh, thuộc đoàn Nắng Mới tại New York, em Phạm Minh Bảo, một thanh niên rất quan tâm nhân quyền Việt Nam, Cô Vũ Xuân, một chuyên gia trẻ từ California, tất cả đều nói lên nhân định và quan tâm của họ đối với sự đàn áp nhân quyền và tự do tôn giáo đang diễn ra tại Việt Nam. Ða số thành viên phái đoàn thuộc giới trẻ, diễn đạt rất cụ thể, khúc triết và thực tế.

Sau phần trình bày là phần trao đổi ý kiến giữa các thành viên phái đoàn với đại diện của Cao Ủy về các vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam. Chị Hồng Liên, trưởng phái đoàn đã trao một kiến nghị thỉnh cầu Cao Ủy Nhân Quyền LHQ chính thức cử một Ðặc sứ Nhân Quyền tại Việt Nam để theo dõi những vi phạm nhân quyền như đã làm tại Campuchia trong năm qua. Văn phòng Cao Ủy hứa sẽ cứu xét lời đề nghị này.

Mặc dù thời lượng văn phòng Cao Ủy dành cho phái đoàn chỉ khoảng một giờ, nhưng cuộc tiếp xúc đã diễn ra gần hai tiếng đồng hồ vì có những vấn đề quan trọng. Các vị đại diện Cao Ủy đã hết sức niềm nở, thông cảm nỗi khó khăn của nhân dân Việt Nam hiện nay.

Vào buổi tối cùng ngày, phái đoàn đã dự tiệc thân mật tại một nhà hàng tại Nữu Ước với có sự có mặt của đại diện cộng đồng Việt Nam Nữu Uớc và New Jersey, một thành phố lân cận của New York trong tình đồng hương thắm thiết.

Ðược biết, trước buổi gặp mặt này, Bà Barbara Crossette, phóng viên của đại nhật báo New York Times đã dành cho phái đoàn một cuộc phỏng vấn đặc biệt kéo dài gần một tiếng đồng hồ. Ngày thứ bảy 28/4, báo này đã đưa tin trong mục Quốc Tế về cuộc gặp gỡ của phái đoàn tại trụ sở Liên Hiệp Quốc và tình hình vi phạm nhân quyền ngày càng xấu hơn và trầm trọng tại Việt Nam.

 

Quốc tế lên án Việt Nam đàn áp tự do tôn giáo:.

WASHINGTON DC (VB) (1/5/2001)  -- Nhân dịp kỷ niệm ngày tự do báo chí lần thứ 11, Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới đăng một danh sách 30 nhà lãnh đạo trên thế giới đã vi phạm quyền tự do báo chí trong thời gian qua.

Trong danh sách này có Chủ tịch Cuba Phidel Castro, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, lãnh tụ Bắc Hàn Kim Chính Nhật, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Iraq Saddam Hussein, và cựu Tổng bí thư đảng CSVN Lê Khả Phiêu.

Trong phần kể tội Lê Khả Phiêu, Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới đã ghi như sau về tình trạng báo chí và tự do ngôn luận tại Việt nam:

"Kể từ năm 1997, Tướng Lê Khả Phiêu, cựu chính ủy quân đội và bây giờ là tổng bí thư Ðảng CSVN, đã củng cố việc nhà nước kiểm soát báo chí. Năm 1999, dưới ảnh hưởng của Phiêu, Quốc Hội CSVN đã chấp thuận luật mới cho toàn quyền điều hành ngành truyền thông, đặc biệt là Internet, giao cho Bộ Văn Hóa và Thông Tin. Là một sản phẩm thuần túy của quân đội và bị xét như bất tài bởi nhiều đồng chí, Lê Khả Phiêu đã xiết vòng vây nhằm vào các nhà bất đồng chính kiến VN, đặc biệt là các nhà báo. Họ bây giờ có thể lãnh án nặng vì tội "làm mất uy tín" và "loan tin thất thiệt."

Một trong những người đó, Nguyễn Ðình Huy đã bị tù từ tháng 11/1993. Ông bị án 15 năm tù vì "tham dự một phong trào bị cấm đoán." Ông 68 tuổi. Các nhà báo ngoại quốc nào tìm cách đi lệch đường đều không được đón mừng ở VN. Sylvaine Pasquier, ký giả tờ tuần báo Pháp L'Express, đã bị công an thẩm vấn, rồi trục xuất khỏi VN hồi tháng 4/2000."

 


Back to Home Page