Cha Tổng Ðại Diện Giáo Phận Huế

thay mặt ÐTGM Stêphanô Nguyễn Như Thể

đi thăm cha Nguyễn Văn Lý

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Cha Tổng Ðại Diện giáo phận Huế đi thăm cha Nguyễn Văn Lý:

Sáng ngày thứ ba 17-4-2001, lúc 10 giờ, cha Stanislaô Nguyễn Ðức Vệ, Tổng đại diện Giáo phận Huế, với sự tháp tùng của cha sở Trí Bưu, đã thay mặt Ðức TGM Stêphanô Nguyễn Như Thể, về An Truyền thăm cha Nguyễn Văn Lý và toàn thể giáo dân. Trước hết, cha TÐD đã trao cho cha Lý món quà của Ðức TGM là một tràng chuỗi Mân Côi. Việc này khiến người ta liên tưởng đến sự kiện Ðức Thánh Cha Gioan-Phaolô II cũng đã tặng linh mục chân phước tử đạo Jerzy Popieluszko một tràng chuỗi Mân Côi khi vị chân phước anh hùng còn đang tranh đấu cho tự do tôn giáo và nhân quyền tại Ba Lan năm 1984. Cha TÐD cũng cho cha Lý biết là nhà cầm quyền CSVN muốn áp lực Ðức TGM Huế cấm cha Lý thi hành mục vụ (đặc biệt là giảng dạy) tại giáo xứ An Truyền. Ðức TGM đã khẳng khái trả lời với người nhà nước: "Giáo luật là giáo luật! Pháp luật là pháp luật! Các ông thấy cha Lý làm sai pháp luật thì cứ đem ra mà xét xử. Phần tôi, tôi không thể nào cấm cha Lý làm việc mục vụ, trừ phi ngài giảng dạy sai tín lý và luân lý". Câu trả lời này đã khiến cho hai trung tá đặc trách phản gián và tôn giáo (phòng A16) là Pha và Thuận rất tức tối và thất vọng (xin xem Biên bản số 18 do cha Lý lập). Câu trả lời khẳng khái đó của vị chủ chăn Giáo phận Huế cũng khiến người ta nhớ lại vụ việc nhà cầm quyền CS thành phố Sài gòn, cách đây gần một thập niên, đã áp lực cha Bề trên Dòng Chúa Cứu Thế cấm cha Chân Tín đấu tranh cho tự do tôn giáo, dân chủ nhân quyền và phê phán chế độ CS (qua tạp chí Tin Nhà và qua các bài giảng...). Cha Bề trên DCCT đã trả lời: "Nếu cha Tín, với tư cách linh mục, dạy sai tín lý và luân lý thì tôi mới cấm ngài được. Còn khi ngài thi hành bổn phận công dân theo cách ngài nghĩ mà tôi cấm thì ngài sẽ kiện tôi tới tận Rôma. Mấy ông đi mà vận động riêng với ngài!". Câu nói của Ðức TGM Stêphanô cũng khiến người ta nhớ lại chuyện Ðức TGM Philipphê đã trả lời với nhà cầm quyền CS tại Huế khi họ yêu cầu ngài cấm cha Lý làm việc mục vụ tại giáo xứ Ðốc Sơ cách đây hơn 20 năm: "Các ông thấy cha Lý sai pháp luật thì cứ dựa vào pháp luật mà xử lý. Phần tôi, làm sao tôi lại tự chặt tay chân tôi được!?"

Những người bạn của cha Nguyễn Văn Lý gặp nhiều gian khổ:

1) Trước hết, đó là các giáo dân An Truyền. Họ đang cùng chủ chăn của mình vác thập giá. Vì phải thay phiên nhau bảo vệ cha sở ngày đêm, nhiều người phải bỏ cả công ăn việc làm (đặc biệt là chằm nón hay đạp xe thồ) khi tới phiên canh gác. Vốn đã nghèo, nay họ lại đành phải hy sinh thêm nữa chút thu nhập thường nhật. CS thật là thâm độc: vừa dùng áp lực tâm lý vừa dùng áp lực kinh tế để làm cho giáo dân khốn đốn, nản lòng. Dù vậy, họ vẫn vui tươi an bình, đồng tâm nhất trí và chia sẻ đùm bọc nhau. Càng gặp khó khăn, họ càng trở nên bác ái và can đảm, đặc biệt sau vụ dân biểu Na-uy Lars Rise bị CS hành hung vì đã viếng thăm cha sở và giáo xứ của họ. Có mấy cán bộ CS nhận xét: "Dân An Truyền trước đây hiền lành lắm, nói gì nghe nấy, nhưng từ khi ông cha Lý về thì đã trở nên cương quyết và bạo dạn lạ!" Mấy tay cán bộ này quên rằng họ mang trong huyết quản dòng máu của hai lãnh tụ khởi nghĩa là Ðoàn Hữu Trưng và Ðoàn Tư Trực, những người đã can đảm chống lại cường quyền áp bức thời vua Tự Ðức (năm Bính Dần, 1866). Nhất là các cán bộ ấy quên rằng chính Thánh Thần Sự Thật đang tác động trên cha con giáo xứ An Truyền.

2) Tiếp đến, đó là những sinh viên, học sinh, học trò vi tính hay anh văn của cha Lý trước đây. Nhiều em mạo hiểm đến thăm cha Lý, trên đường về nhà đã bị công an chặn lại hành hung, đấm đá túi bụi, bất chấp luật pháp là cấm đánh người, dù người đó đã bị kết án... Ðấy là trường hợp của một sinh viên tên Phong (tối ngày 18-4-2001). Sau khi cho em một trận nhừ tử, công an đã buộc giáo sư chủ nhiệm của em (ở đại học) về An Truyền bảo lãnh em. Trong lúc bị tra khảo, em Phong có nói tên của một người bạn. Thế là người bạn này cũng bị mời "làm việc" (thẩm vấn) sau đó. Công an làm thế để Phong trở nên cớ rắc rối cho mọi người, từ đó bị bạn bè thầy giáo ghét bỏ, cô lập. Một thanh niên khác là Nguyễn Bình Thành, sau lúc dự Lễ Lá (8-4-2001) tại giáo xứ Nguyệt Biều, đã bị một tên côn đồ (do công an thuê) gây sự và dùng gậy đánh túi bụi trong một quán nước. Thành không đánh lại mà chỉ né đỡ. May mà giáo dân ùa đến giải thoát kịp. Thế nhưng Thành cũng bị nhiều vết thương trầm trọng. Trên đường về, lúc tới gần nhà thờ Phường Ðúc, khoảng 10g30 sáng, anh lại bị bốn tên lạ mặt trên hai chiếc honđa chạy ngược chiều ép sát vào đường. Bốn tên này phóc xuống xe, chẳng nói chẳng rằng, nhảy vào hành hung Thành ngay. Thành vội la to: "Cướp! Cướp! Bà con ơi!!!" Thế là mọi người chung quanh ùa ra. Bốn tên côn đồ chạy mất.

Riêng hai em Hoàng Trọng Bi và Hoàng Trọng Dũng, thuộc giáo xứ Nguyệt Biều, đã bị gọi đi thẩm vấn liên tục từ 9 đến 19-4-2001, vì cái tội có liên hệ với cha Lý, chở đồ đạc và chuyển thông tin cho ngài, cũng như đã dám phản kháng chính quyền áp bức giáo dân và cướp đất giáo xứ. Phần lớn thời gian, hai em đã giữ thái độ im lặng (riêng em Dũng chỉ nói trong ngày đầu tiên thôi). Có một công an dọa em Bi: "Mày muốn chơi luật rừng thì tao sẽ chiều ý mày". Tay này còn văng tục vào em và dọa bóp cổ em. Trước câu hỏi của tay thẩm vấn: "Mày lấy gì làm chứng là mảnh ruộng bên nhà thờ thuộc về nhà thờ?", em Bi đã khẳng khái đáp: "Tôi lấy mạng sống tôi và mạng sống bà con giáo xứ tôi để làm chứng!".

3) Cuối cùng là hai người bạn đồng chí hướng với cha Lý: cha Giải và cha Lợi. Kể từ đầu tháng 4/2001, mỗi khi đi làm mục vụ trong toàn thể họ đạo (tới các xứ lẻ) hoặc tới các cộng đoàn khác để giảng dạy, giải tội hay giúp tĩnh tâm, cha Giải luôn được nhiều công an bám sát, có khi đi kè kè bên cạnh rất lộ liễu. Lúc thì 4 người, lúc lại 8 người. Ðôi khi mấy tay này còn vọt lên trước, ngoái cổ nhìn lui ra chiều khiêu khích.

Cha Lợi cũng được săn sóc kỹ không kém. Sau khi cắt điện thoại của ngài đầu tháng 2 (để ngài không thể gởi và nhận email từ máy riêng), chính quyền đã phá địa chỉ email của ngài từ tháng 4 (bằng cách tự quyền thay đổi mật khẩu). Bởi thế cha Lợi hoàn toàn bị phong tỏa tin tức thư tín cả tháng nay rồi. Xin lưu ý: nhà cầm quyền CSVN luôn tự cho mình cái quyền kiểm soát hay ngăn chận điện thoại, điện thư của mọi công dân. Họ dễ dàng làm được điều này vì mọi phương tiện truyền thông (đặc biệt các servers vi tính) đều nằm trong tay họ cả. Song song đó, mỗi khi ra khỏi nhà, cha Lợi cũng bị công an kèm sát. Hôm thứ hai phục sinh (16-4-2001), đang khi cha Lợi đang ngồi trong phòng khách của một dòng nữ, thì tay công an có nhiệm vụ kèm cặp đi vào, theo sau là hai công an địa phương (chắc anh ta đã gọi theo để hỗ trợ). Vừa thấy ngài, tay công an kèm cặp liền nói: "Chúng tôi đã gởi nhiều giấy triệu tập mà anh vẫn không chịu đi làm việc, thì anh phải lo ở nhà chứ!" Thấy thái độ vô giáo dục của tay này, cha Lợi nói: "Anh muốn bám sát tôi, đó là quyền của anh. Nhưng anh nên đợi tôi ngoài đường. Anh chẳng phải là khách của nhà dòng mà chạy xồng xộc vào đây! Hai là tôi đi đâu thì đó là quyền của tôi. Khi nào các anh ra lệnh cấm, tôi mới ở nhà. Nhưng xin nhớ cho rằng: lúc đó là vì tôi ở thế yếu, chịu sự áp bức của bạo quyền, chứ chẳng phải là vì tôi tự nguyện vâng lời các anh".

Cho đến nay, sau 5 lệnh triệu tập, cha Lợi vẫn nhất quyết ở nhà. Sau mỗi lần gởi giấy, công an chỉ nghe được một câu từ cha Lợi: "Các anh chỉ còn có một việc là bắt tôi. Mà bắt tôi thì cũng như bắt một pho tượng vậy thôi!"

Ðịa chỉ email mới của cha Phan Văn Lợi : <ptprete@yahoo.co.uk>.

Nói tóm lại, âm mưu của nhà cầm quyền CSVN hiện nay là biến các nhà tranh đấu và bạn bè của họ thành cớ rắc rối, phiền nhiễu cho mọi người, để mọi người xa lánh, cô lập họ, và nếu ghét bỏ thì càng tốt. Một khi bị cô lập hoàn toàn, tinh thần của những người này, theo chính quyền hy vọng, sẽ suy sụp và ý chí họ bị bẻ gãy. Ý thức được điều đó, trong cộng đoàn dân Chúa tại Huế cũng như nơi người lương, đang dấy lên phong trào thăm viếng, hiệp thông với những ai đang bị phong tỏa hay gặp rắc rối vì tranh đấu cho tự do tôn giáo và nhân quyền.

Phóng viên tường trình từ Huế.


Back to Home Page