Bà Caroline Heather

phát ngôn viên Human Rights Watch Úc Châu

lên tiếng phản đối Cộng Sản Việt Nam

kết án tù cha Tađêô Nguyễn Văn Lý

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Asia

Bà Caroline Heather, phát ngôn viên Human Rights Watch Úc Châu lên tiếng phản đối Cộng Sản Việt Nam kết án tù cha Tađêô Nguyễn Văn Lý.

Australia - (Tuesday 23/10/2001) - Sau khi nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam vội vàng kết án Cha nguyễn Văn Lý 15 năm tù, mọi người khắp nơi trên thế giới cũng tức khắc lên án sự dã man và hành động đầy tính chất khủng bố của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đối với các tôn giáo ở Việt Nam. Hôm 23/10/2001, bà Caroline Heather, phát ngôn viên Human Rights Watch Úc Châu đã bày tỏ phản ứng của cơ quan này trước việc cha Tađêô Nguyễn Văn Lý, chánh xứ An Truyền, Huế bị kết án 15 năm tù. Sau đây là phát biểu của bà Caroline Heather trong một cuộc phỏng vấn do Thông Tấn Xã VietCatholic thực hiện:

Khi hỏi về phiên tòa xử cha Tađêô Nguyễn Văn Lý, người tranh đấu cho nhân quyền và đặc biệt là tự do tín ngưỡng tại Việt Nam, bà trả lời:

Caroline Heather: Chúng tôi theo dõi vấn đề này ngay từ đầu nên chúng tôi có biết về phiên tòa đó. Chúng tôi đã có công văn gởi đến các chính trị gia, trong đó có quyền thủ tướng Úc, ông John Howard, và lãnh tụ đối lập Kim Beazley, các nhà lãnh đạo tinh thần và đặc biệt là Ðức Tổng Giám Mục George Pell, người mà chúng tôi nghĩ là rất quan tâm đến vấn đề này. Chúng tôi cũng gởi một kháng thư đến tòa đại sứ Việt Nam tại Canberra để phản đối việc này.

Khi hỏi bà nghĩ sao về phiên tòa đó, bà cho biết:

Caroline Heather: Một trong những vấn đề đáng quan ngại là tính khả tín của nhà nước Việt Nam đối với các văn kiện mà họ phê chuẩn. Nhân quyền có tính chất phổ quát. Cho nên, khi đặt bút ký vào các văn kiện họ phải hoàn toàn đồng ý với các định nghĩa trong đó và phải chấp hành. Họ không có quyền diễn dịch lại theo cách có lợi cho họ, tức là có hại cho người dân. Nếu họ không đồng ý thì họ đừng ký. Tôi nghĩ là họ coi thường cộng đồng quốc tế.

Trở lại trường hợp của cha Lý. Cha Lý chỉ thực hiện những đòi hỏi nhân quyền bình thường trong phạm vi đã được quy định trong các văn kiện do nhà nước Việt Nam ký và cam kết tôn trọng. Cho nên, việc bắt giam cha Lý đã là một sai lầm. Việc đưa ngài ra tòa xét xử một cách sơ sài, chóng vánh, không công bằng là một điều mà chúng tôi cực lực phản đối.

Khi hỏi bà nghĩ sao về mức án 15 năm mà nhà nước Việt Nam đã xử với cha Lý, bà cho biết:

Caroline Heather: Như tôi đã nói ở trên chính việc bắt giam và đưa ngài ra tòa đã là một sai lầm. Dù kết án ngài 1 ngày tù giam cũng là một điều không thể chấp nhận. Mức án 15 năm tù giam là quá nặng và làm chúng tôi rất bất mãn. Tuy nhiên, tôi vẫn lạc quan tin rằng thế giới này đang biến đổi nhanh chóng. Trước ngày 11/09/2001 ai có thể tưởng tượng ra nổi một biến cố khủng bố kinh hoàng đang làm thay đổi sâu sắc lịch sử nhiều dân tộc như chúng ta đang thấy không? Thành ra, tôi tin rằng cái nhà nước độc tài đang thống trị ở Việt Nam không sống nổi đến 15 năm nữa để thi hành cho xong bản án của cha Lý.

Khi hỏi bà có nghĩ là nhà nước cộng sản Việt Nam lợi dụng tình hình thế giới trong thời gian xảy ra vụ khủng bố 11/09/2001 tại Hoa Kỳ này để vội vàng xét xử cha Lý không, bà trả lời:

Caroline Heather: Cái đó thì chắc chắn rồi.

Khi hỏi bà nghĩ sao về lời kết án cho rằng cha Lý "phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc", bà cho biết:

Caroline Heather: Tôi làm việc với người Việt Nam tị nạn từ năm 1975 và thường xuyên theo dõi các bản án mà nhà cầm quyền Việt Nam giáng xuống trên những người đối lập. Tôi thấy họ thường dùng cụm từ "phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc" để kết án cách vu vơ.

Nhưng mà, theo tôi được biết, và biết chắc chắn vì tất cả những người tị nạn đều nói giống nhau, và vì chính ông đại sứ Việt Nam tại Úc cũng khẳng định với tôi như vậy, thì sau khi chiếm được toàn Việt Nam, nhà nước đã chia dân chúng thành nhiều thành phần khác nhau để đối xử. Có thành phần họ trọng dụng, có thành phần họ không dùng đến dù có tài năng, thậm chí có thành phần họ còn bắt đi tù và đi lao động khổ sai. Tôi cho rằng đó mới chính là hành động phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc. Lẽ ra, năm 1975 họ đã có một cơ hội để đoàn kết dân tộc lại trong công cuộc tái tạo đất nước. Họ đã không làm như thế nhưng càng khoét sâu thêm chia rẽ giữa Nam Bắc, giữa người cộng sản và không cộng sản, giữa người có tín ngưỡng và người vô thần. Cho nên, tôi nghĩ lẽ ra họ mới chính là những người đáng bị đem ra xử về tội "phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc".

Khi hỏi bà về  kinh nghiệm đấu tranh cho nhân quyền của bà, và theo bà, người Việt Nam tại Úc và trên thế giới nên làm gì để hỗ trợ việc tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam, bà cho biết:

Caroline Heather: Tôi để ý nhận xét thì thấy đa số người trẻ Việt Nam sống tại Úc này có khuynh hướng theo đuổi những ngành khoa học kỹ thuật. Tôi nghĩ người Việt Nam phải khích lệ giới trẻ Việt Nam tham gia vào các hoạt động chính trị nhiều hơn. Với tình hình Việt Nam hiện nay, cần phải có các chính trị gia cấp tiểu bang và liên bang để trực tiếp lobby các chính sách đối ngoại của Úc. Hiện nay, đang là mùa bầu cử, cũng là một cơ hội cho cộng đồng Việt Nam trực tiếp đặt vấn đề với các chính đảng. Tôi biết trong nhiều vùng ở Sydney, lá phiếu của cử tri Việt Nam có thể là tiếng nói quyết định.


Back to Home Page