Ðâu là vấn đề chính yếu

của Giáo Hội Việt Nam hôm nay

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Ðâu là vấn đề chính yếu của Giáo Hội Việt Nam hôm nay?

Ðức Ông Trần Văn Hoài

 

Vấn đề của Giáo Hội Việt Nam cũng như của các Giáo Hội khác dưới quyền cai trị của chế độ cộng sản là vấn đề muôn thuở giữa Thiện và Ác, giữa Thiên Chúa với Satan.

Nói vậy chắc các vị quốc doanh sẽ phật ý, nhất là vị nào đã xác tín rằng "Ðảng cộng sản Việt Nam luôn luôn nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói rõ sự thật......" Như vậy đảng cộng sản Việt Nam khác các đảng cộng sản trên thế giới, vì đảng cộng sản Việt Nam đã đi theo sát gót Ðức Giêsu hơn người công giáo, hơn cả một số vị lãnh đạo tinh thần cao cấp của Giáo Hội công giáo.  Vì các vị nầy, bước theo Ðức Giêsu là Ðường, là Sự Thật, nhưng các ngài không "luôn" nhìn vào sự thật được như Ðảng cộng sản Việt Nam, vì các ngài cũng có khi sai lầm nhìn vào sự giả dối.

Vấn đề muôn thuở giữa Giáo Hội công giáo với Satan đã được Chúa Giêsu nói rõ với các môn đệ của Ngài trước khi Ngài lên trời: ".....Ở giữa thế gian, chúng con sẽ phải đau khổ, nhưng chúng con hãy can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian." (Gio. 16,33; 17,14-21)

Tại Việt Nam, vấn đề muôn thuở nầy được thay hình đổi dạng theo nhu cầu sức khỏe của chế độ cộng sản của xã hội chủ nghĩa:

1. Từ sau ngày 30/4/1975 đến nửa thập niên 80, khi chế độ cộng sản mạnh với uy quyền của đế quốc cộng sản quốc tế, thì vấn đề của Giáo Hội Việt Nam là vấn đề bắt bớ và chống đối. Ở trong nước thì Giáo Hội bị bắt bớ trên cả hai bình diện pháp lý và thực tế. Trên mặt pháp lý thì Giáo Hội không được xem như là một pháp nhân, nghĩa là không còn một quyền lợi xã hội nào hết, vì thế bị tước đoạt hết tài sản, tước đoạt hết mọi cơ cấu sinh hoạt như chủng viện, dòng tu, trường học, bệnh viện.... Tất cả các nhân sự của Giáo Hội như là linh mục đều bị đi cải tạo tại các tù ngục hoặc bị giam lỏng tại gia đình và mất quyền sinh hoạt nghĩa vụ của linh mục. Còn người công giáo thì bị xem như là công dân hạng nhì, mất hết quyền lợi công dân, mà chỉ còn lại nghĩa vụ. Giáo Hội bị tước lột hết mọi quyền bính, bị đoạt quyền pháp nhân. Nói một cách vắn tắt là nhà nước cộng sản xem Giáo Hội công giáo như đã chết trước mặt pháp luật, và người công giáo là kẻ thù của nhân dân, nên phải tìm đủ mọi cách để thanh toán cho hợp pháp, nhất là các vị lãnh đạo tinh thần. Giáo Hội ở trong nước bị đặt trong tình cảnh đá đè trên co, nên Giáo Hội ở hải ngoại đã nổ lực lên tiếng phản đối, tổ chức các hội đoàn, các cơ cấu chính trị để "chống cộng", nghĩa là lên án sự bắt bớ Giáo Hội tại quê nhà.

2. Nhưng vào thập niên 80-90, khi mà cộng sản cảm thấy ý thức hệ cộng sản bị dư luận quốc tế lên án, các anh hùng cộng sản thời đại như Mao Trạch Ðông, Hồ Chí Minh bị xuống giá trong đầu óc giới trẻ, thì nhà nước cộng sản Việt Nam thay đổi thái độ đối với Giáo Hội. Các cụ triết gia khoa học xã hội, các cụ quốc doanh, ngồi lại nghiên cứu vấn đề tôn giáo để tuyên bố lại một giáo điều mới: Tôn giáo không còn là thuốc phiện ru ngủ con người, mà là "nhu cầu của một bộ phận nhân dân." Dựa vào khám phá mới của khoa tôn giáo học nầy, nhà nước đưa ra nghị định tôn giáo mới để chuẩn bị cho một đường lối "hòa hợp hòa giải", một sự sống chung hòa bình cho "tốt đời đẹp đạo". Ở hải ngoại thì chiến dịch bài chống cộng được đưa vào các hang cùng ngỏ hẻm, chiến dịch ấy gọi là "Hoa hồng đỏ hải ngoại". Một số linh mục tuyên úy đã tuyên bố: Ðã đến lúc không còn hận thù nữa, mà phải quên quá khứ để xây dựng tương lai. Chống cộng là điều hủ lậu, xưa như trái đất. Thế là các đảng phái chính trị hải ngoại bị xẹp như trái bong bóng đâm thủng, vì các lãnh tụ được mời về hợp tác tại quê nhà. Các hội đồng công giáo bớt nghị lực chống cộng vì các vị tuyên úy phải lấy đức bác ái tha thứ làm đầu trong công tác mục vụ.

3. Qua giai đoạn 3, sau khi bức thành Bá Linh, tượng trưng cho uy quyền và sự bưng bít của đế quốc cộng sản bị sụp đổ, thì trong thế giới cộng sản chỉ còn lại Trung Hoa, Bắc Hàn và Việt Nam. Cuba đúng ra không phải là một nước cộng sản hoàn toàn theo thuyết Mác-Lê. Cộng sản Việt Nam cảm thấy mất đi điểm tựa, lại bị đàn anh Trung Quốc sẵn sàng sửa phạt vì tội phản bội. Chỉ còn lại một đường sống là "tự túc tự cường". Nhưng tự túc tự cường làm sao đây? Và đỉnh cao trí tuệ đã không khó khăn tìm ra giải pháp. Nếu Ðảng cộng sản Việt Nam sống trên xương máu của nhân dân, thì đảng cộng sản cũng có thể chết vì sức mạnh của nhân dân. Sức mạnh của nhân dân, khi cộng sản yếu thế, là sức mạnh tinh thần, do các tôn giáo nuôi dưỡng. Như vậy muốn sống còn thì phải dựa vào tôn giáo. Sức mạnh tôn giáo lớn nhất là công giáo. Nếu hòa đồng được với công giáo là cộng sản sẽ sống còn.

Sau đây là một phát minh lạ lùng của đỉnh cao trí tuệ loài người:

Chuyển sự chống đối giữa 2 ý thức hệ hữu thần và vô thần, chuyển sự thù nghịch giữa chủ nghĩa quốc gia và cộng sản, chuyển sự mâu thuẫn giữa Giáo Hội công giáo và nhà nước xã hội chủ nghĩa thành một sự chống đối giữa lòng Giáo Hội công giáo Việt Nam: cha mẹ chống đối con cái.

Vì thế vấn đề của Giáo Hội Việt Nam hôm nay là vấn đề của một gia đình bị chia rẽ, trong đó cha mẹ chống đối con cái, con cái bất bình với cha mẹ. Ðây là một sự thật không ai chối cãi được. Một sự thật đau lòng!

Chỉ có một tay đạo diễn thần tình lắm mới tạo nên được màn bi hài kịch nầy, đáng được trao tặng giải thưởng Oscar!

Ðoạn bắt đầu là các linh mục quốc doanh. Họ là con cái đứng ra chống đối cha mẹ, là Giáo Hội Việt Nam nói chung. Nhưng đây chỉ là đoạn mở đầu để tạo nên bỡ ngỡ cho khán giả. Họ là con cờ chống đối chiến thuật, rồi sự chống đối nầy sẽ trở nên sự tiếp tay, như chúng ta sẽ thấy về sau.

Tiếp đến các năm sau 1995, không ai trong chúng ta ở hải ngoại mà không thấy "cha mẹ chúng ta" là các giám mục đã tỏ ra một thái độ khó hiểu, mơ hồ, xem ra như gián tiếp bênh vực nhà nước cộng sản và trách móc con cái ở hải ngoại: Các Ngài tuyên bố: nếu lên tiếng chống đối nhà nước thì các ngài sẽ khó làm việc tại quê nhà. Ðó là gián tiếp bịt miệng con cái, gián tiếp còng tay chân con cái không cho hoạt động giúp giải phóng Giáo Hội và quê hương. Và trong khi đó thì tại quê nhà, con cái ngày đêm rình chực nghe đài Vatican, Veritas hoặc B.B.C, V.O.A hay R.I.F để mong có tin hoạt động gì của anh em bên ngoài, hầu giúp giải thoát được quê hương và Giáo Hội. Thật mâu thuẫn!

Có vị làm cha, làm mẹ, khi ra nước ngoài không phải để thăm con cái, nhưng để kiếm tiền, lại tuyên bố trắng trợn: Cờ ba que còn treo làm gì! Bỏ vào sọt rác cho rồi. Có vị được mời đến dự lễ do con cái tổ chức kỷ niệm quê hương, thấy cờ quốc gia thì bỏ về không chủ lễ!

Thường tình thì con cái thiếu kinh nghiệm vấp phải sai lầm, buộc lòng cha mẹ phải lên tiếng sửa dạy. Còn tại Giáo Hội Việt Nam?

Còn tệ hơn nữa, có vị làm cha làm mẹ đã rỉ tai với các vị lãnh đạo tinh thần các Giáo Hội bạn như Mỹ, Pháp để họ không yểm trợ các con cái có "tinh thần chống cộng" và lặp lại điệu nói phiền trách: "Anh em làm vậy, chúng tôi ở nhà khó làm việc."

Còn tệ hơn nữa là khi đức cha Nguyễn Sơn Lâm tuyên bố: "Ðảng cộng sản Việt Nam luôn nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật", thì một vị cao cấp khác công khai bênh vực, trong lúc đó thì toàn thể con cái trong và ngoài nước đều phản đối. Sau đây xin quý vị thẩm định lý lẽ bênh vực của vị cha mẹ cao cấp đưa ra: "Theo Ðức Giám Mục, đó chỉ là ý kiến riêng của Ðức Cha Lâm, không liên lụy đến người khác. Khi mà có tình trạng phát biểu một bài như vậy thì người ta có quyền khen hay chê. Ngay cả lời phát biểu của Ðức Giáo Hoàng cũng có người khen kẻ chê". Lý luận và so sánh thật ngộ nghỉnh!

Con cái giáo dân trong và ngoài nước phản đối Ðức Cha Lâm, không phải phản đối việc Ðức Cha Lâm có quyền hay không có quyền khen chê, mà phản đối việc một Giám Mục trắng trợn khen cộng sản mến chuộng và thực hành đúng theo sự thật, không kém gì Chúa Giêsu, trong lúc đó thì chính Ðức Giám Mục cũng biết cộng sản là kẻ chuyên nói dối và phỉnh gạt.

Trong lúc Ðức Cha Lâm nâng cộng sản lên hàng Chúa Giêsu thì Ðức Giám Mục, để bênh vực Ðức Cha Lâm, đã hạ bậc Ðức Giáo Hoàng xuống ngang hàng Ðức Cha Lâm.

Các nhà thần học phản đối Ðức Giáo Hoàng, khen chê Ðức Giáo Hoàng vì họ sai lầm nhất là trong các vấn đề luân lý. Ngược lại, con cái phản đối Ðức Cha Lâm, không phải vì con cái sai lầm mà vì Ðức Cha Lâm sai lầm trong việc bênh vực và tâng bốc kẻ phá Giáo Hội. Ðức Giám Mục còn kết luận: "Ðừng để đối phương thủ lợi". Ðối phương đó là những người không ưa Giáo Hội, như cộng sản. Họ cố tình chia rẽ nội bộ chúng ta".

Quý vị thấy lời khuyên nầy có ý nghĩa như thế nào? Ðối phương thủ lợi khi chúng ta phản đối Ðức Cha Lâm, hay họ thủ lợi khi chúng ta làm thinh đồng ý với Ðức Cha Lâm và bênh vực Ðức Cha Lâm?

Tất cả những sự kiện nầy chỉ là mở màn để đi vào tấn bi kịch Linh mục Nguyễn Văn Lý. Người đạo diễn đã khéo đặt cho khán giả thấy 2 vai chính trực diện đương đầu: một bên là bậc cha mẹ, một bên là đoàn con cái.

Về phía cha mẹ, có nhà nước cộng sản yểm trợ.

Về phía con cái, chỉ có đoàn lũ con cái với các tôn giáo bạn.

Khi mở màn, người ta thấy đứa con là linh mục Nguyễn Văn Lý, với đàn chiên bé nhỏ Nguyệt Biều treo bảng trên mảnh đất bị nhà nước chiếm đoạt: "Chúng tôi cần tự do tôn giáo". Trong khi đó, trước mặt tiền của nhà thờ nhỏ bé họ Nguyệt Biều có câu biểu ngữ khác: "Tự do tôn giáo hay là chết."

Tại Việt Nam chưa có tự do tôn giáo. Ðó là điều không phải chỉ người Việt Nam chúng ta thấy, mà cả phái đoàn Tòa Thánh, các phái đoàn các nước và ngay cả Liên Hiệp Quốc cũng đều công nhận.

Như vậy ai là người có bổn phận trước tiên phải đòi hỏi nhà nước: "Chúng tôi cần tự do tôn giáo"?

Phải chăng là các giám mục? Là bậc làm cha, làm mẹ?

Cái hay của người đạo diễn là đổi trắng thay đen, là làm cho việc đáng khen ngợi của cha Lý thành việc đáng phiền trách, mặc dù không phủ nhận là việc xấu! Làm sao cho là việc xấu khi bản chất nó là tốt? Nếu nhà đạo diễn làm cho dư luận lên án việc cha Lý là việc xấu, thì cha Lý đã thành công. Không! Nhà đạo diễn sẽ có cách cải trang diễn viên rất tài tình. Họ dùng các thứ phấn màu hóa trang để biến đổi cha Lý từ một công dân tốt, biết ý thức quyền lợi làm người của công dân, trong đó có quyền tự do tôn giáo, thành một công dân phản động, phạm pháp; từ một vị linh mục ý thức trách nhiệm đối với Giáo Hội và quê hương, hóa thành một con chiên ghẻ, một linh mục bất xứng, chống đối các giám mục.

Và đây là sân khấu của vở kịch:

Cha Lý bị đặt ngồi trước mặt nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên ngày 26/2/2001 để nghe bản án "quản chế hành chánh": "Công dân Nguyễn Văn Lý đã có hành vi, vi phạm pháp luật làm phương hại đến an ninh quốc gia".

Màn tiếp: ngày 16/5/2001,hàng trăm công an vây quanh nhà cha sở An Truyền và bắt cha Lý đem giam tại bệnh viện Mang Cá, Huế. Hiện giờ cha Lý bị biệt giam tại lao Thừa Phủ, Huế, không được ai thăm viếng, ngay cả bà con xa gần, vì thế không một ai biết tin tức gì về cha Lý.

Tiếp đến màn cảnh sân khấu được di chuyển ra hải ngoại. Cha Lý được cải trang thành một linh mục, bị cha mẹ lên án, vì là linh mục chống đối quyền cha mẹ:

Ðức Cha Phạm Minh Mẫn, Tổng Giám Mục Sàigòn, trên đường công lý qua Mỹ, đã viết một bức thư cho giáo dân đề: "Tìm ánh sáng soi đường". Trong bức thư, người đã gián tiếp lên án cha Lý là "những nhà cải cách ồn ào, quy kết Giáo Hội đã biến thành phản chứng" và cũng gián tiếp ca ngợi sự tiến triển của sự sống của Giáo Hội dưới chế độ cộng sản: "Muốn khám phá sự hiện diện cứu độ của Thiên Chúa, hãy nhìn tiến trình đổi mới đang diễn ra trong lòng cuộc sống của cộng đồng dân Chúa."

Các màn kế tiếp: Chúng ta thấy bàn tay đạo diễn của cộng sản đặt trên sân khấu các diễn viên trực diện chống đối nhau: Một bên là cha mẹ, một bên là con cái, trong một bầu không khí căng thẳng!

Cha mẹ: Ðức Cha Phạm Minh Mẫn, trên đường công du sang Mỹ, tuyên bố sẽ đến thăm một giáo xứ Việt Nam tại José, California. Giáo dân phản đối ồn ào lên và nhất quyết không tiếp đón Ðức Tổng Giám Mục vì đã có thái độ không tốt đối với cha Lý nói lên trong bức thư. Thế là từ giáo quyền của giáo phận S. José có lời trách móc cha Lý là một linh mục không tốt vì có thái độ chống đối Hội Ðồng Giám Mục. Rồi vị tuyên úy giáo xứ chống đối Ðức Cha Mẫn đã bị Giám Mục giáo phận S. José cho một hình phạt trừng trị!

Một màn tiếp: Khắp địa bàn nước Mỹ, từ Tây qua Ðông, từ Nam lên Bắc, con cái Giáo Hội Việt Nam tổ chức các buổi lễ, các buổi hội họp, các đêm thắp nến để yểm trợ và ủng hộ việc làm của cha Lý.

Ngược lại, đứng về phía cha mẹ, các linh mục tuyên úy làm thinh im lặng. "Ðã đến giờ điểm của giáo sĩ chưa?", anh Nguyễn Tiến Cảnh ở Florida, một con chiên đã phải đau đớn buộc lòng thốt lên câu hỏi nầy.

Ông George Bush, tổng thống Mỹ, quốc hội Mỹ và các nghị sĩ ở các nước Pháp, Bỉ, Na Uy đã lên tiếng ủng hộ sự đòi hỏi tự do tôn giáo tại Việt Nam của cha Lý, thế mà bậc cha mẹ của con cái Giáo Hội Việt Nam vẫn im hơi lặng tiếng; các đài phát thanh Vatican, Veritas, cũng ấp úng, không dứt khoát thái độ.

Trên sân khấu, đứng trước thái độ dứt khoát của con cái chống nhà nước cộng sản và ủng hộ việc đòi tự do tôn giáo của cha Lý và của các tôn giáo khác, chúng ta thoáng nghe qua làn sóng điện siêu tần số những lý lẽ của cha mẹ đưa ra như sau:

Việc cha Lý đòi là đúng, nhưng phương cách làm thì không đúng, vì kêu gọi Hội Ðồng Giám Mục phải làm như cha Lý. Thực ra khi cha Lý kêu gọi các Ðức Giám Mục, thì người lấy lời của Hồng Y tiên khởi Trịnh Như Khuê và thưa với các Giám Mục: "Con xin thống thiết và tha thiết kêu gọi: "Kính xin Ðức Hồng Y, các Ðức Tổng Giám Mục, các Ðức Giám Mục trong Hội Ðồng Giám Mục, kể từ nay không họp chung nữa như lập trường của cố Ðức Hồng Y tiên khởi Việt Nam, Giuse Maria Trịnh Như Khuê đã nói với Ðức cố Tổng Giám Mục Philiphê Nguyễn Kim Ðiền và với con, tại Hà Nội ngày 01/9/1975: "Hồng Ðồng Giám Mục Việt Nam không nên họp, vì họp mà không thể nói được những điều lương tâm đòi hỏi phải nói, thì thà đừng họp, càng họp càng suy yếu, tạo nên một hình ảnh không trung thực về Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam dưới chế độ cộng sản...." Lời kêu gọi như vậy xúc phạm đến bề trên! Lý luận như vậy có xác đáng hay không? Tùy độc giả khẳng định.

Một tiếng nói khác rỉ tai: Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam theo đường lối của Vatican, nếu Vatican không lên tiếng thì Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam cũng phải làm thinh.

Một tiếng nói khác phản pháo: Vatican tìm cách giúp Giáo Hội Việt Nam chứ không tranh đấu thay cho Giáo Hội Việt Nam. Vì thế Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam không đủ can đảm lên tiếng đòi hỏi nhà nước cộng sản thì Vatican có lên tiếng cũng vô ích. Trước sự im lặng có hệ thống của các bậc bề trên làm cha làm mẹ, của các cơ quan truyền thông nồng cốt của Giáo Hội công giáo Việt Nam, ở hải ngoại con cái đau đớn đặt vấn đề: Ai đã dàn cảnh thái độ nầy rồi đổ lỗi cho Vatican?

Anh Nguyễn Tiến Cảnh, trong bài trả lời Ðức Cha Mẫn tựa đề: "Ðâu là ánh sáng soi đường?", đã bực tức đặt câu hỏi: "Vậy thì ai đã ra lệnh cho các cơ quan truyền thông không loan báo tin tức đấu tranh của cha Lý? Phải chăng là một nhân vật cao cấp Việt Nam nào đó ở Vatican?"

Bối cảnh sân khấu lại chuyển qua Paris: Vào trung tuần tháng 6 (2001) vừa qua, Ðức Cha Lâm qua công du tại Âu châu. Ðài R.I.F phỏng vấn về vụ cha Lý. Người gián tiếp tô vẻ một cha Lý không có bộ mặt: "Như tại Thanh Hóa của tôi, các cha hoặc giáo dân có biết về con người cha Lý như thế nào đâu? Chỉ biết rằng có một linh mục Lý như vậy... Chúng tôi cũng hy vọng rằng trong một hoàn cảnh đất nước hiện nay, nếu muốn đấu tranh cho một lý tưởng, thì ai cũng sẵn sàng làm, mà đấu tranh trong một xã hội chủ nghĩa thì rất là khó khăn và tế nhị, nếu người nào muốn làm công việc đó thì phải có một khuôn mặt hay một tư cách nào đó, để hy vọng giấy lên được một sự đồng tình rõ ràng và thành tâm ủng hộ của nhiều người, còn nếu chỉ với tư cách một cá nhân, không có bộ mặt thiện cảm thì sự đấu tranh đó sẽ hoàn toàn mang tới sự thất bại. Sau cùng người kết luận: "Chúng tôi không xét đến vấn đề đó."

Rồi một số con cái đã gởi thư phản đối đến Ðức Cha từ Mỹ, Gia Nã Ðạị.... với lý luận rằng: Tại sao trong lúc thế giới lưu tâm đến vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam qua các lời kêu gọi của cha Lý, thì Ðức Cha, một vị Tổng Thơ Ký của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam, đang sống trong sự đàn áp tôn giáo của nhà nước Việt Nam, lại tuyên bố là "Chúng tôi không xét đến vấn đề đó!"

Ðâu còn cảnh cha con một lòng chung lưng đấu cật để xua đuổi kẻ thù của Giáo Hội? Ðâu còn cảnh di cư 1954, cha mẹ con cái cùng nhau bỏ tất cả để chạy vào Nam trốn ác quyền cộng sản! Ðâu còn cảnh tị nạn 1975, cha con liều sống liều chết chạy ra nước ngoài, để có thể cùng nhau bảo tồn lấy đức tin của tổ tiên anh hùng tử đạo, đã để lại trong huyết quản chúng ta?

Bàn tay khôn tinh độc ác của cộng sản đã tạo nên nội chiến, tạo nên nồi da xáo thịt, tạo nên cảnh anh em cùng chung máu thịt, con Rồng cháu Tiên, trở lại chém giết nhau. Hôm nay họ lại thành công tạo nên trong lòng Giáo Hội Chúa, cảnh cha con chống đối nhau, cha con bắt lý nhau. Cái nét hài hước của vở bi kịch nầy là tài đạo diễn làm cho cha con trở nên kẻ thù nhau chỉ vì cùng một mục tiêu tốt là bênh vực, là cứu Giáo Hội! Thật không gì bi thảm cho bằng cảnh tượng hôm nay, cha con chúng ta đã trở thành những hình múa rối do bàn tay cộng sản giật dây theo bản kịch của họ!

Ðích nhắm của cha con chúng ta là giải trừ cộng sản.

Bây giờ, ngược lại, cha nhắm vào con, con nhắm vào cha để giải trừ nhau. Còn cộng sản? Không còn là đích nhắm nữa, mà lại trở nên kẻ "đối thoại" với cha mẹ! Là người ân nhân ban ân huệ cho Giáo hội.

Tấm bi hài kịch nầy chưa bao giờ được diễn ra trong một nước dưới ách cộng sản như các nước ở Ðông Âu.

Nguyên do tấn kịch được thực hiện tại Việt Nam, phát xuất từ một chính sách mà nhà đạo diễn tài tình cộng sản đã biết lợi dụng thời cơ và chúng ta vô tình bị sập vào cái bẩy lịch sử nầy. Ðó là chính sách Ostpolitik.

Ðể hiểu rõ chính sách nầy, chúng ta thử đi ngược lại dòng lịch sử, trong mối liên hệ giữa các nhà nước cộng sản với các giáo Hội công giáo, nằm dưới quyền kiểm soát của họ. Vào đầu thập niên 1960, dưới thời Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI; Ðức Hồng Y quốc vụ khanh Casaroli đã thi hành một chính sách đối với các nước cộng sản Ðông Âu, gọi là Ostpolitik. Nhưng mục tiêu của chính sách nầy là "Chính sách ngả tay xin" hay là "Bắt tay" vì Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI chủ trương "đi từng bước nhỏ" để có thể đặt các vị chủ chăn cho các Giáo Hội Ðông Âu.

Còn Ðức Hồng Y Casaroli thì xác quyết Ostpolitik là một chính sách "đi theo xu hướng lịch sử do Chúa quan phòng hướng dẫn". Chính người đã viết như vậy trong cuốn sách người để lại như một tập hồi ký công việc của người (Nella Chiesa e per il Mondo, Tr. 273). Người chủ trương "cứu vãn cái gì có thể cứu vãn được".

Người còn nói một cách bi quan hơn nữa là chính sách "ngửa tay xin" nầy không phải là một cách thế để sống còn "modus vivendi" mà là một cách thế để khỏi chết "modus non moriendi" (id. Trang 310).

Trong cuốn tiểu sử của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, do hai tác giả nhà báo Mỹ Carl Berntein và Ý là ông Marco Politi viết bằng anh ngữ: His Holiness quả quyết như sau: Ostpolitik do Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII khởi xướng và Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI thực hiện, nhằm thu giảm cường độ căng thẳng giữa các sự bắt bớ, để có thể xây dựng nhà thờ mới, phong chức nhiều linh mục hơn, bổ nhiệm các Giám Mục mới, tắc rằng là nhằm hổ trợ cho một sự chung sống hòa bình".

Theo lời Ðức Ông Vicent Cascel Orti, viết về các Giáo Hội ở Âu Châu từ năm 1945-1991, thì ông quả quyết như sau: "Hành động của Tòa Thánh đã làm cho một phần thế giới Công Giáo bối rối, lúng túng và chống đối. Họ nghĩ rằng "modus vivendi" các thế để sống còn chỉ cho Giáo Hội được sống sót, chứ không cho Giáo Hội được tự do thực sự. Ðây là một "Sự nhượng bộ để thả cho kẻ thù thẳng tay hành hạ con cái mình". (La Chiesa in Europa, Giáo Hội ở Âu Châu. Trang 42-43). Các hiệp ước "modus vivendi" nầy, bắt đầu được áp dụng cho Hung Gia Lợi vào năm 1964 và cho Nam Tư năm 1966. Nhưng Giáo Hội Ba Lan thì phản đối từ đầu.

Vào năm 1978, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II lên ngôi. Một vị cao cấp trong giáo triều Vatican liền đưa ra một nhận xét rất chính xác như sau: "Ðức Thánh Cha nầy không chỉ nói suông như chúng ta là "Chúng ta hãy từ từ đi từng bước đối với mấy ông cộng sản nầy". Không! Ðức Thánh Cha nầy vào đây để bắt cộng sản quỳ gối trước bàn thờ."

Vào ngày 2/6/1979, Ðức Thánh Cha về thăm quê hương Ba Lan của Ngài. Các vị lãnh đạo cộng sản thế giới nóng lòng chờ đợi một biến cố lớn và biến cố đã đến.

Ngài không chỉ trích một chính phủ cộng sản nào ở Ðông Âu, Ba Lan hay Nga Sô. Với phong độ của một vị lãnh đạo thế giới có uy quyền, có trách nhiệm, Ngài chỉ đòi hỏi những gì của con người và của tôn giáo mà đế quốc cộng sản đã cướp mất. Ngài đòi đế quốc cộng sản phải tôn trọng các quyền căn bản của con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo và Ngài đòi các chính phủ cộng sản phải tôn trọng các giá trị tôn giáo.

Ðó là phát súng lệnh.

Rồi vào ngày 31/8/1980, Nghiệp đoàn Ðoàn Kết Solidarnosc ra đời, đòi hỏi quyền lợi của thợ thuyền, của người công dân.

Ngày 5/9/1980, nghĩa là chỉ 5 ngày sau thôi, thì Ðiện Cẩm Linh sai sứ giả sang điều đình với Ðức Thánh Cha để xin Ngài can thiệp với Nghiệp đoàn Ðoàn kết để họ đừng đòi hỏi quá mức! Ðức Giáo Hoàng liền sai Ðức Hồng Y Casaroli, quốc vụ khanh của Ngài để đứng ra điều đình với đại sứ của Ðiện Cẩm Linh. Từ ngày ấy cho đến ngày bức tường Bá Linh bị sụp đổ, con đường liên lạc đỏ Cẩm Linh-Casaroli được mở thường trực để giải quyết các đòi hỏi của Tòa Thánh.

Nhìn vào giòng lịch sử, chúng ta thấy rõ nguyên nhân phát xuất sự mâu thuẫn trong nội bộ Giáo Hội Việt Nam chúng ta:

Về phía các vị chủ chăn, các vị làm cha làm mẹ chúng ta, các ngài áp dụng một chính sách mà trong lịch sử chúng ta thấy không có lợi cho Giáo Hội, vì thế Ðức Giáo Hoàng đương kim đã triệt để loại bỏ. Nhờ vậy Ngài mới cứu Giáo Hội Công Giáo và thế giới khỏi ách cộng sản.

Về phía con chiên bổn đạo thì can đảm và hăng say đi theo đường lối cứng rắn đòi quyền tự do tôn giáo, không những cho Giáo Hội Công Giáo, mà còn theo tinh thần đối thoại của Tông Thư gởi Giáo Hội Á Châu của Ðức Giáo Hoàng, để kết hợp với các tôn giáo bạn đòi quyền tự do tôn giáo cho tất cả các tôn giáo.

Giáo Hội Công Giáo Việt Nam bị nhà nước cộng sản đặt vào một hoàn cảnh éo le của một đại gia đình chia rẽ, trong đó con cái với cha mẹ luôn luôn mâu thuẫn nhau, luôn luôn đối chọi nhau. Vậy phải làm thế nào đây?

Nếu chúng ta tiếp tục đòi hỏi chính quyền cộng sản phải trả quyền làm người cho người dân, quyền tự do cho các tôn giáo, thì chúng ta tiếp tục sa vào cái bẫy của cộng sản, vì thể nào cha mẹ chúng ta cũng không bằng lòng.

Nếu cha mẹ chúng ta tiếp tục thinh lặng không lên tiếng ủng hộ các đòi hỏi của chúng ta, rồi còn nói vào nói ra với các Giáo Hội Công Giáo Âu Châu để họ phiền trách chúng ta, thì các ngài cũng vẫn tiếp tục sa vào lưới bẫy của cộng sản.

Phải chăng chúng ta đang sa vào thế cờ bí không phương giải thoát?

Theo chúng tôi nghĩ là chúng ta phải thay đổi chiến thuật. Nhà nước cộng sản, hình như mỗi tháng, mỗi năm họ phải thay đổi chiến thuật. Nhờ vậy hôm nay họ mới đưa được chúng ta vào cái tròng nầy.

Về phía chúng ta là con cái, từ đây chúng ta vẫn cứ đòi hỏi nhà nước và phải đòi hỏi một cách mạnh mẽ hơn: phải trường kỳ đấu tranh cho được tự do tôn giáo. Như cha Lý và anh em Nguyệt Biều đã cương quyết: Tự do tôn giáo hay là chết. Nhưng, chúng ta không nên "lời qua tiếng lại" với các bậc làm cha làm mẹ của chúng ta nữa, hầu tránh khỏi sa vào cái lưới bẫy do cộng sản gài sẵn cho chúng ta.

Ðối với nhà nước, chúng ta đòi hỏi. Ðối với cha mẹ, chúng ta cầu xin thương yêu và yểm trợ, cầu xin sự làm thinh im lặng, đừng nói quanh nói co, để làm nhụt duệ khí của con cái. Hãy để cho con cái đấu tranh, trong lúc các ngài bị kẹt. Nếu không thì các ngài cũng như con cái sẽ sa vào bẫy của kẻ thù. Cái bẫy nầy là một dây thòng lọng, càng vào bẫy, càng chống đối nhau và như vậy sẽ càng bi thắt cổ chặt hơn.

Nếu hai bên làm thinh không chống đối, chỉ trích nhau, nhưng vẫn cứ giữ vững lập trường thì đâu có ích gì, vì các ngài vẫn còn bị kẻ thù nắm trong tay. Sau đây là một câu hỏi, nếu các ngài tìm ra được câu trả lời, thì chắc sẽ giúp chúng ta thoát được tình trạng gia đình chia rẽ hôm nay: "Tại sao các ngài áp dụng chính sách ngửa tay xin, trong lúc cộng sản mất hết uy thế với ảnh hưởng quốc tế và đang sợ sức mạnh các tôn giáo tiêu diệt?" Tại sao? Vì lý do gì?

Các lý do chắc chắn các Giám Mục biết rõ hơn chúng ta. Chúng ta chỉ đoán mà đưa vào các sự kiện lịch sử, nếu sai lầm thì xin các ngài sửa sai để đổi lập trường.

Các lý do đưa các bậc cha mẹ chúng ta phải theo chính sách "ngửa tay xin" đã được nghiên cứu và chuẩn bị trong các biến cố sau đây:

1. Trong vụ phong thánh: Nhà nước tuyệt đối chống vụ phong thánh và một vị Giám Mục được nhà nước sai qua Vatican để nói lên sự chống đối nầy.

2. Cái chết khả nghi của đức Tổng Giám Mục Philiphê Nguyễn Kim Ðiền, là một sự đe dọa và cảnh cáo cho những vị lãnh đạo tinh thần nào dám tỏ ra chống đối chính sách tôn giáo của nhà nước.

3. Việc nhà nước cự tuyệt không chấp nhận đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận nhậm chức phó, có quyền thế vị của Tổng Giáo Phận Sàigòn.

4. Lễ quốc táng của Ðức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình, Tổng Giám Mục Sàigòn.

Mỗi biến cố là một bước chuẩn bị; mỗi biến cố là một thông điệp nói lên lời đe dọa hay dụ dỗ và cử chỉ ngoạn mục cuối cùng để đưa trọn chúng ta vào bẫy là sự "cởi mở" của chính sách nhà nước. Nhà nước cho xây nhà thờ, cho phép mở chủng viện, cho phong chức tân linh mục, nhượng bộ trong việc bổ nhiệm các Giám Mục mới... như chính sách Ostpolitik.

Hãy ngửa tay xin thì sẽ được. Và cha mẹ chúng ta đã áp dụng chính sách "ngữa tay xin" để tin đó là được một phần nào tự do tôn giáo!

Cha mẹ chúng ta đã đưa ra những kết quả nầy mà biện minh cho chính sách mềm dẻo, đối thoại của Ostpolitik.

Như vậy thì chúng ta cả cha lẫn con vẫn còn tự ý nằm trong cái bẫy của cộng sản.

Nếu chính sách mềm dẻo nầy, cuối cùng có thể giải thoát được Giáo Hội, thì tại sao Ðức Giáo Hoàng của chúng ta đã loại bỏ? Và nếu Ngài đã loại bỏ và nhờ đó làm sụp đổ được bức tường Bá Linh, thì tại sao chúng ta lại còn tiếp tục chạy theo, để đưa vào áp dụng cho Việt Nam, chúng ta không muốn cứu Giáo Hội Việt Nam khỏi ách cộng sản ư? Chính sách của cha mẹ chúng ta hiện nay có phải là chính sách của Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II không?

Chỉ còn một cách duy nhất là chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ lại thật chu đáo 4 biến cố kể trên và tìm hiểu ý nghĩa của nó. Rồi hãy cùng nhau lui lại sự thật lịch sử của ngày 20/7/1954 và ngày 30/5/1975.

Ðức Ông Trần Văn Hoài


Back to Home Page