Phụ tá Bộ Trưởng Ngoại Giáo Mỹ Lorne Craner

đối thoại với Việt Nam về chuyện Nhân Quyền

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Cộng Sản Việt Nam tuyên bố đã có cuộc nói chuyện "thẳng thắn và hiểu biết hơn" với Mỹ về nhân quyền.

HÀ NỘI (TH) 2/08/2001 - Ngày 2/08/2001, nhà cầm quyền Hà Nội mô tả là đã có cuộc đối thoại "có tính cách xây dựng" với phía Hoa Kỳ về vấn đề nhân quyền sau nhiều tháng có những lời lẽ gay gắt giữa hai kẻ cựu thù đối với hành động bắt giam và quản chế một số lãnh tụ tôn giáo tại Việt Nam.

Phụ tá Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ đặc trách về vấn đề dân chủ, nhân quyền và lao động, Lorne Craner gặp một viên chức cao cấp của bộ ngoại giao Cộng Sản Việt Nam, Ðinh thị Minh Huyền, hôm Thứ Tư mùng 1 tháng 8-2001, trong cuộc gặp hàng năm để đối thoại về chuyện nhân quyền.

Ông Craner cũng đã gặp các viên chức Cộng Sản Việt Nam tại Bộ Lao Ðộng và các chức việc phụ trách về tôn giáo vụ của nhà nước.

Các cuộc thảo luận đã diễn ra một cách "thẳng thắn, dẫn tới hiểu biết nhau hơn" Phan thúy Thanh, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Cộng Sản Việt Nam, nói với báo chí. Bà nói phía Hoa Kỳ đã nêu một số "trường hợp đặc biệt" nhưng phía Việt Nam "tái nhấn mạnh đến nguyên tắc đối thoại là phải tôn trọng lẫn nhau."

Một cách gián tiếp, Cộng Sản Việt Nam vẫn tránh né trả lời trực tiếp cũng như sự nhìn nhận việc bắt giam Linh Mục Nguyễn văn Lý, quản chế Hòa Thượng Quảng Ðộ, cụ Lê quang Liêm và một số lãnh tụ tôn giáo khác là vi phạm nhân quyền trầm trọng, là đàn áp tôn giáo và đi ngược lại chính bản hiến pháp cũng như luật pháp của chế độ.

Chính phủ Hoa thịnh Ðốn đã phản đối những hành động gần đây của Hà Nội khi bỏ tù linh mục Nguyễn văn Lý, quản chế Hòa Thượng Quảng Ðộ, người đã hai lần được đề nghị giải Nobel Hòa Bình.

Ðối lại với những can thiệp đó, Cộng Sản Việt Nam luôn luôn nói nước ngoài can thiệp vào nội bộ Việt Nam. Ðồng thời, Hà Nội lại đòi Mỹ phải trợ cấp cho các nạn nhân chất độc da cam.

Tháng trước, Mỹ và Cộng Sản Việt Nam ký một văn bản đồng ý hợp tác về nghiên cứu sự tác hại của chất độc da cam nhưng cho tới nay sự trợ giúp trong vấn đề này chỉ có ở các tổ chức từ thiện tư nhân.

Sau các cuộc đối thoại về nhân quyền, người ta không thấy tòa đại sứ Mỹ tại Hà Nội hoặc bộ ngoại giao Mỹ phổ biến gì về kết quả của các cuộc họp.

Trong khi phụ tá ngoại trưởng Craner đối thoại tại Hà Nội thì ở Hoa thịnh Ðốn, Ủy Ban Hợp Tác Quốc Tế của Hạ Viện Mỹ đã biểu quyết thông qua dự luật Nhân Quyền cho Việt Nam. Theo đó, nếu được toàn thể quốc hội Mỹ thông qua và tổng thống Bush ký ban hành, đạo luật này sẽ buộc chính phủ Mỹ phải cột vấn đế nhân quyền vào các khoản viện trợ bên ngoài lãnh vực viện trợ nhân đạo. Ðồng thời, Mỹ sẽ thành lập một cơ quan theo dõi vấn đề nhân quyền tại Việt Nam và điều này sẽ ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Hồi tháng Năm 2001 vừa qua, thứ trưởng ngoại giao Mỹ James Kelly khi đến Hà Nội đã phản đối mạnh mẽ việc bắt giam Linh Mục Nguyễn văn Lý. Tuy nhiên khi ngoại trưởng Colin Powell đến Việt Nam với rất nhiều yêu cầu về vấn đề nhân quyền, ông đã không thảo luận về chuyện này với Hà Nội và cử phụ tá Craner nói chuyện thay sau khi ông đã rời Hà Nội.

 

Hạ viện Mỹ thông qua dự luật Nhân quyền cho Việt Nam

(RFA, 02/08/2001) - Ủy Ban Ðối Ngoại của Hạ viện Hoa Kỳ hôm 1-8-2001 đã thông qua dự luật nhân quyền cho Việt Nam. Dự luật vừa mới được thông qua có những điểm chính như:

- Thành lập một ủy hội chuyên theo dõi tình trạng nhân quyền ở Việt Nam để quyết định chính sách của Hoa Kỳ và các định chế quốc tế.

- Chỉ viện trợ cho Việt Nam khi nào phía Hoa Kỳ minh xác được là Việt Nam đã trả tự do cho mọi thành phần chính trị và tôn giáo đang bị tù đày. Tuy nhiên viện trợ nhân đạo vẫn được tiếp tục.

- Tiếp xúc và tài trợ cho các tổ chức thực tâm phát triển tự do và dân chủ ở Việt Nam.

- Tái xét và giải quyết những trường hợp di dân tị nạn hội đủ tiêu chuẩn đi Mỹ nhưng bị loại một cách bất công do tình trạng tham nhũng ở Việt Nam.

- Can thiệp để Việt Nam ngưng phá sóng đài Á Châu Tự Do. Hành pháp phải bảo đảm các chương trình trao đổi văn hóa giữa hai nước được vô tư để phục vụ lợi ích chung.

Ðược biết dự luật này sẽ được đệ trình trước khoáng đại Hạ viện Hoa Kỳ vào đầu tháng Chín tới đây, khi quốc hội nhóm trở lại.


Back to Home Page