Giáo dân xứ An Truyền quyết tâm
lên đường đi tìm cha sở Nguyễn Văn Lý
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan
Giáo dân xứ An Truyền quyết lên đường đi tìm Cha sở Nguyễn Văn Lý.
Như đoán biết việc làm của giáo dân An Truyền khi đến ngày giáp hai tháng cha sở của họ bị bạo quyền cộng sản bắt đi, sáng sớm hôm 18-7-2001 vừa qua, lúc 5 giờ 45, việt cộng Nga, trưởng công an xã Phú An, đã tới nhà ông Sử là chủ tịch hội đồng giáo xứ. Nga nói với ông Sử: "Ông phải ngăn cản giáo dân, đừng để cho họ đi tìm cha sở". Ông Sử nói: "Anh nói gì lạ vậy! Việc họ thấy cần là họ làm, tôi ngăn cản sao nổi". Nghe thế tên Nga bỏ về.
Giáo dân An Truyền trước đó gần 10 ngày đã làm Tuần cửu nhật tại nhà thờ cầu nguyện cho cha Tađêô Nguyễn Văn Lý. Ðã hai tháng rồi không thấy cha, giáo dân ngày càng thêm nhớ, một nỗi nhớ khôn nguôi, và hôm nay họ rủ nhau đi tìm vị mục tử.
Sau khi đã cầu nguyện tại nhà thờ, đoàn người già có trẻ có (từ 10 tuổi đến trên 80 tuổi) bắt đầu lên đường lúc 8giờ sáng. Họ vừa ra khỏi cổng làng, tới cổng trụ sở xã, thì mấy chục tên Cộng Sản liền ra chặn lại. Sau khi dở nón từng giáo dân một để khủng bố tinh thần, trưởng công an Nga hỏi: "Tụi bây đi đâu?" Trong hàng ngũ giáo dân có những người đáng tuổi cha mẹ của y, lối hỏi của kẻ tự xưng là "đầy tớ nhân dân" này quả là xách mé, vô giáo dục. Giáo dân bình tĩnh và nhã nhặn trả lời: "Chúng tôi đi tìm cha chúng tôi!". Dùi cui lăm lăm trong tay, bọn Cộng Sản đuổi giáo dân đi lui và nói: "Tụi bây biết cha tụi bây mô mà tìm?" - "Các ông nói tạm giam cha 2 tháng; chúng tôi thấy chưa trả về thì chúng tôi đi tìm!".
Lui đến cổng làng, giáo dân ngồi lỳ xuống. Tên công an Thuận (một tay chuyên đánh người) chỉ vào mặt cô Ý, một giáo lý viên rất năng nổ và can đảm, mà nói: "Con Ý này là đầu đảng!" Giáo dân trả lời: "Không có ai đầu đảng hết! Tất cả chúng tôi đều nhớ cha, tất cả chúng tôi đều đi tìm". Tên Thuận vẫn khăng khăng xỉa vào mặt cô Ý: "Chính mi dẫn đầu!" Giáo dân trả lời: "Không ai dẫn đầu cả, chúng tôi tự đi tìm cha!". Ngồi giữa đám giáo dân, ba thiếu nữ Ý, Thương, Hạnh đồng thanh nói, không chút sợ hãi: "Bắt cha chúng tôi ngày 17 tháng 5/2001, nay đã là ngày 18 tháng 7/2001. Nói tạm giam 2 tháng thì phải thả cha chúng tôi ra!". Tên Thuận mỉa mai: "Tụi bây nhớ ngày kỹ hỉ (rõ quá nhỉ!). Nhưng việc của nhà nước, tụi bây làm chi biết được!" Cô Thương trả lời: "Ðài phát thanh nhà nước có nói rõ ràng, ai cũng nghe hết! Nhà nước mà cũng biết nói láo với dân hả?" Ðể trấn áp, tên Nga xỉ mặt từng người một còn tên Quốc (một công an khác) thì nạt nộ. Giáo dân bèn đồng thanh la to: "Hai tháng rồi, thả cha chúng tôi ra!"
Thấy thế, bọn Cộng Sản bèn hèn nhát túm lấy các em nhỏ đang ngồi hàng đầu và tát tai đánh đập các em, mong làm các em sợ hãi, nhưng các em vẫn la to: "Thả cha chúng tôi ra! Thả cha chúng tôi ra!" Bọn chúng liền hỏi: "Ai tổ chức việc này?" Các em trả lời: "Không ai tổ chức hết! Chúng tôi nhớ cha, chúng tôi đi tìm". Một việt cộng tên Tiên trâng tráo dọa các học sinh: "Tụi bây đều là học sinh trường Phú An cả! Mai tao nói với ông thầy Lượng đuổi tụi bây cho tụi bây biết". Các em trả lời: "Ðuổi thì có cha dạy!" Tên Tiên dọa tiếp: "Tụi bây học lên cấp 3, tao cho tụi bây rớt hết". Các em chỉ bĩu môi khinh bỉ những trò đê mạt mà Cộng Sản hiện vẫn thường dùng đối với học sinh sinh viên này, chẳng những tại An Truyền mà trên khắp cả Việt Nam.
Một mệ già 82 tuổi nói: "Cha của tui mô rồi, trả lại cho tui". Tên Quốc hét lớn, giọng hết sức mất dạy: "Ðứa nào to mồm đấy hả?" Bà già nói: "Mệ của mày đây! Còn sống hay chết, trả lại cha cho tui!". Thấy dọa nạt đôi co với những giáo dân chất phác nhưng kiêu hùng này cũng vô ích, bọn Cộng Sản bèn xông vào, xô đẩy, tính đuổi mỗi người đi mỗi ngã, không cho đứng giữa đường. Giáo dân nói: "Ðường làng của chúng tôi thì chúng tôi đứng". Một tên công an nâng cằm bé Huyền mà coi, với thái độ hù dọa. Bé Huyền trả lời: "Mặt ông giống mặt tôi mà coi cái gì?" Hắn bèn đánh bé. Bé hoảng sợ bỏ chạy. Ðặng Công Diệu, bí thư xã Phú An (kẻ đã được nêu tên nhiều lần trong các biên bản của cha Lý và là hung thần đối với giáo dân An Truyền), Diệu chụp tay bé Nhạn. Bé Nhạn ngang nhiên trả lời: "Chúng tôi chưa tới tuổi để các ông bắt". Diệu bèn xấu hổ thả tay bé ra rồi hô hào đồng bọn bắt ai về nhà nấy, nhưng giáo dân cương quyết đứng lì tại chỗ. Mãi cho tới khi mấy tên Cộng Sản về, giáo dân mới ra về.
Hôm sau Cộng Sản mời ông Sử ra trụ sở xã "làm việc" (thẩm vấn). Cộng Sản bảo ông: "Là chủ tịch hội đồng giáo xứ, ông phải lo dẹp trước những kiểu biểu tình như thế!" Ông Sử trả lời: "Tôi làm chi mà dẹp được. Tôi làm việc hội đồng là lo chuyện đạo đức, kinh kệ thôi". Cộng Sản nói: "Nếu không lo dẹp, ông chịu hoàn toàn trước pháp luật" - "Các anh đem roi điện và dùi cui về mà dẹp nhân dân!"
Cha Lợi can "tội vu cáo nhà cầm quyền quản chế" mình
Như trong bản tin đã loan trước đây, sau khi "làm việc" (thẩm vấn) với cha Giải về lá thư hiệp thông với anh em Phật giáo, công an thành phố Huế đã gởi "giấy triệu tập" đến cha Lợi hôm 18-7-2001, buộc cha tới đồn công an Phước Vĩnh ngày hôm sau để thẩm vấn. Cha Lợi đã khẳng khái ghi vào biên nhận: "Tôi không đi. Các anh có việc gì cần gặp tôi, xin mời tới nhà. Các anh đã quản chế tôi 3 tháng rồi!".
Sáng ngày 19-7-2001, lúc 9g30, Trần Xuân, trưởng đồn công an Phước Vĩnh, cùng với hai nhân viên công an khác là Long và Ngưu, tất cả mặc đồng phục, lại đến nhà cha Lợi, đưa giấy triệu tập thứ hai kèm thêm biên bản về việc cha đã không chấp hành lệnh triệu tập thứ nhất. Ðọc biên bản, thấy có hàng chữ: "ông Lợi còn vu cáo nhà cầm quyền quản chế ông", cha Lợi bèn ghi vào cuối biên bản: "Tôi phản đối câu "ông Lợi còn vu cáo nhà cầm quyền quản chế ông". Viết như thế là sai! Tôi thực sự đã bị nhà cầm quyền quản chế không văn bản hơn 3 tháng nay rồi. Ðiều này có nhiều người làm chứng". Trần Xuân bèn nói: "Làm chi có chuyện đó!" Cha Lợi nói: "Nè, các anh nhìn lui đằng sau các anh. Cậu này chẳng phải thuộc tốp công an ngày đêm rình rập chặn đường tôi và theo dõi những ai vào thăm tôi sao?" Cha Lợi vừa nói vừa chỉ một tên công an trẻ, mặc thường phục, vốn đã lẻn vào nhà lúc nào không hay và đang ngồi bên đồng bọn. Ai nấy quay lui nhìn y, cả 3 công an lẫn người nhà cha Lợi. Ba tay công an sắc phục bẽ mặt, còn tên thường phục cút ngay tức thì. Ðược đà, cha Lợi rồi người nhà kể lại rành mạch các trường hợp công an đã chặn đường cha cũng như chặn đường, lục soát, phạt tiền, đánh đập những thân hữu vào thăm cha (xin xem lại các bản tin trước đây). Em gái cha Lợi còn nói với Trần Xuân: "Chính anh đã để cho tốp công an thường phục đó lùa người ta vào đồn của anh để dễ hù dọa, tra khảo hơn mà! Anh không nhớ 18 người của anh tại đồn đã thay phiên nhau thẩm vấn hai em sinh viên từ 9 đến 11 giờ đêm vì "tội" đã vào nhà tôi trong 5 phút sao?" Trần Xuân bèn cười giả lả! Thật đúng là Cộng Sản dối trá một cách thản nhiên, y như đã tàn ác một cách lạnh lùng trong việc trấn áp chư tăng Phật giáo Thống nhất và tín đồ Phật giáo Hòa hảo trong thời gian gần đây. Cha Lợi còn nói với 3 tay công an: "Tôi xin lặp lại điều trước đây tôi đã nhờ anh Phước (công an khu vực) nhắn với cấp trên các anh: Có đàng hoàng thì cho tôi một tờ lệnh quản chế. Chứ dùng cả đám đông để chận một mình tôi thì đó là cung cách của lũ cướp đường chứ không phải là cung cách của người đại diện pháp luật!"
Cầm tờ biên nhận thứ hai trong tay, cha Lợi ghi vào bên dưới: "Vì những đàn áp bức bách đối với tôi trong thời gian qua, tôi tiếp tục không đi làm việc. Các anh đã quản chế tôi không văn bản 3 tháng nay rồi. Các anh muốn bắt tôi thì bắt". Cha còn nói thêm: "Tôi là một con người chứ không phải là một con vật mà các anh muốn lôi cổ đi đâu thì lôi bằng cái gọi là "lệnh triệu tập"! Chẳng lẽ các anh giam lỏng tôi trong nhà không xét xử, không văn bản rồi bây giờ ban cho tôi chút ân huệ thở chút khí tự do ngoài đường qua việc đến đồn công an sao?"
Vậy là kể từ đầu tháng 4/2001 đến nay, cha Lợi đã từ khước không chấp hành 7 lệnh triệu tập (cao hơn giấy mời). Lúc này tại nhà cha, hai bên cửa ra vào, cha treo sẵn một chiếc áo dòng đen và một xắc tay nhỏ, trong đó để một khăn mặt, một bộ đồ lót, một bàn chải và một ống kem đánh răng. Nghe tiếng còng số 8 lách cách là đi ngay, "cho trọn vẹn con đường làm chứng" (bài thơ Hai mươi năm tư tế).
Phóng viên tường trình từ Huế