Giáo Xứ An Truyền mở chiến dịch cầu nguyện

cho cha Nguyễn Văn Lý

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Giáo xứ An Truyền mở chiến dịch cầu nguyện cho cha Nguyễn Văn Lý.

Cuộc hành hương La Vang của các bà mẹ giáo xứ An Truyền: vào ngày 3-7-2001, trong tinh thần hiệp thông cầu nguyện cho 3 cha Tađêô Nguyễn Văn Lý, Phêrô Nguyễn Hữu Giải, Phêrô Phan Văn Lợi, hội các bà mẹ giáo xứ An Truyền đã đi hành hương Lavang để dâng lên Ðức Mẹ Giáo hội Việt Nam, giáo phận Huế và đặc biệt là những ai đang trung thành theo gót Chúa Giêsu Kitô, can đảm làm chứng cho sự thật trước mặt trần đời.

Các bà bắt đầu lên xe ca từ 5 giờ sáng. Khi xe vừa ra khỏi cổng làng và ngang qua trụ sở xã (vốn cũng là đồn công an) thì "bị phát hiện". Có 3 tên công an lập tức phóng xe honda đuổi theo. Ðối với bọn này thì mọi động tĩnh tại An Truyền lúc này đều bị kết án là có ý đồ xấu xa cả. Vì xe ca đi khá nhanh nên người ta thấy bọn chúng rú honda như điên cuồng để bắt kịp, và từ đó bám sát đuôi, không rời nửa bước. Ngồi trên xe ca, các bà mẹ cầu nguyện liên tục bằng cách đọc kinh lần hạt cho đến khi tới linh địa La Vang. Sau khi nghỉ ngơi tí chút, các bà lên đài Mẹ "làm việc Ðức Mẹ" (nghĩa là đọc những kinh liên quan tới Ðức Mẹ). Một bà nhìn lui, thấy ba tên công an vẫn trâng tráo bám sát. Chắc chúng nghĩ rằng những phụ nữ chân lấm tay bùn và đơn sơ mộc mạc này đang có những ý đồ ghê gớm. Phải bắt cho được tại trận để có thành tích công trạng! Thây kệ bọn vô lại này, các bà vẫn bình tĩnh đọc kinh.

Làm việc Ðức Mẹ xong thì đến phần dâng các lời nguyện. Vừa nghe cha Lê Viết Phục DCCT nêu ý cầu nguyện cho cha quản xứ Tađêô, các bà mẹ đồng loạt khóc òa, khóc to tiếng không tưởng tượng được, khiến mọi khách hành hương khác ở linh đài cũng phải ngạc nhiên. Chính cha Phục cũng xúc động theo và đành phải lảng ra xa một lúc kẻo cũng thổn thức không chịu được như các bà. Lòng thương nhớ vị mục tử quả là sâu đậm, khó xoa dịu nổi. Cha Tađêo ở trong tù mà biết được chuyện này chắc cũng rất lấy làm cảm động. Nhưng rồi chẳng lẽ khóc mãi. Cuối cùng một bà đại diện dâng lên nén hương và cầu nguyện như sau: "Lạy Mẹ, chúng con xin dâng cha quản xứ chúng con cho Mẹ. Xin Mẹ thương đến ngài vì những gì ngài làm là làm sự thật và những gì ngài nói là nói sự thật. Chúng con xin dâng Mẹ giáo xứ chúng con. Giáo xứ chúng con nghèo cả tinh thần và vật chất, từ lâu mong ước một chủ chăn và nay mới được. Nhưng chúng con vui chưa hết vui, mừng chưa hết mừng thì giờ đây Cộng Sản đã bắt cha chúng con, không biết đem đi đâu, còn để sống hay đã giết chết (ngang đây bà lên giọng như để cho ba tên công an nghe thấy). Chúng con đau lòng xót ruột, chẳng biết làm sao, chỉ chạy đến Mẹ, kêu xin Mẹ, dâng cha chúng con cho Mẹ. Chúng con cũng xin Mẹ phù hộ cho hai cha Phêrô, bạn của cha quản xứ. Xin cho hai vị chân cứng đá mềm (Phêrô là "đá" mà!) để cùng cha chúng con góp phần vào việc giải thoát Ðất nước, Giáo hội và giáo phận khỏi ách nô lệ của bạo quyền vô thần". Kết thúc buổi cầu nguyện, mọi người hát Kinh Hòa Bình, vừa hát vừa khóc. Sau đó đoàn người vào nhà cha quản nhiệm trung tâm La Vang, xin ngài dâng thánh lễ cho họ. May thay, lúc đó có cha Tuệ, cha Dụ và cha gì đó không biết tên. Ba vị đã đồng tế theo ý nguyện của các bà.

Nghỉ trưa xong, ban chiều các bà mẹ đọc kinh tiếp. Cũng sốt sắng và xúc động như ban sáng. Khoảng 4 giờ chiều (ngày 3/07/2001), tất cả về lại An Truyền, lòng bình an thanh thản, tin tưởng vào sự trợ giúp của Ðức Maria Hiền Mẫu. Ba tên "công an cộng sản" cũng bám theo dân cho đến tận cổng nhà thờ An Truyền. Chẳng biết rồi đây chúng có lôi cổ ai trong số các bà lên xã hạch sách không?

Tuần cửu nhật của giáo xứ An Truyền: Ðúng 9 ngày trước khi giáp 2 tháng cha Tađêo bị bắt, nghĩa là hết lệnh tạm giam thứ nhất, tức từ hôm 8-7-2001 đến nay (17-7-2001), toàn thể giáo xứ An Truyền đã làm tuần cửu nhật cầu nguyện cho cha quản xứ. Thương cha, họ hiện giờ chỉ biết đọc kinh cầu nguyện, dâng cha cho Chúa, xin Người cho cha được an mạnh xác hồn, dù đang sống trong bàn tay sói dữ. Họ đã từng cố gắng đi gặp nhà cầm quyền để đòi lại cha xứ hay ít nhất thăm gặp ngài, nhưng thứ nhà cầm quyền cộng sản "của dân, do dân, vì dân" này đã bóp chết ý định của "bọn thảo dân" đó từ trong trứng nước. Mới đây, đoán chừng cha xứ còn ở trong bệnh viện Mang Cá (Thành nội Huế), một số thanh niên nam nữ An Truyền đã mạo hiểm đi thăm. Họ đã may mắn lọt qua trạm gác đồn Mang Cá, nhưng đang trên đường tới bệnh viện thì bị một tên công an từng về công tác ở An Truyền phát hiện, thành thử tất cả phải rút lui. Thôi thì cầu nguyện vậy!

Thương cha, nhớ cha, sáng ngóng, chiều trông, giáo hữu đếm từng ngày thời gian cha xứ bị tống ngục. Trong lá thư báo cáo về việc "làm tuần cửu nhật cầu nguyện cho cha xứ sớm về với giáo xứ", họ đã viết những lời mộc mạc nhưng cảm động như sau: "Ngày xưa vì yêu nhân loại, Chúa Giêsu đã xuống trần, hy sinh mạng sống để cứu loài người. Nay cha Tađêô Nguyễn Văn Lý cũng vậy. Vì yêu Chúa, muốn làm chứng cho Chúa; vì yêu Quê hương, muốn dân Việt được tự do; vì yêu Giáo hội, muốn Giáo hội được độc lập, cha chúng con đã hy sinh thân mình. Cha nhìn thấy không có công bằng và tự do trên đất nước nên cha phải cất tiếng nói lên sự thật. Chúng con cũng nguyện bước theo chân của cha quản xứ, để làm chứng cho sự thật. Vì theo Chúa noi gương cha chẳng có gì là mất mát cả!" Và họ cho biết chương trình như sau: "Sáng đọc kinh từ 5g đến 6g30: Lần hạt Bảy Sự Thương Khó Ðức Mẹ, hát Kinh Hòa bình - Trưa đọc kinh từ 12g đến 1g30: Lần hạt Mân Côi, đọc "Các Kinh Hay" (do cha Lý sưu tập và biên soạn), cầu nguyện, hát Kinh Hòa bình - Tối đọc kinh từ 6g đến 7g30: Làm việc Ðức Mẹ, đọc kinh Mẹ Hằng Cứu Giúp, cầu nguyện, hát Kinh Hòa Bình".

Họ lại tâm sự: "Mỗi lần đọc kinh là giáo xứ chúng con lại khóc vì nhớ đến những lời cha đã giảng dạy, nhớ đến các cử chỉ cha làm trong nhà thờ. Mỗi khi đọc kinh sáng, cha luôn luôn quỳ ngồi trước ảnh Ðức Mẹ. Ðọc kinh xong, cha luôn luôn ôm hôn ảnh Các Thánh Tử đạo Việt Nam mà khóc. Cha cũng hay quỳ cầu nguyện trước tấm bia của cha Bửu Ðồng (đặt dưới ảnh Các Thánh Tử Ðạo), vị tiền nhiệm của Cha đã bị Cộng Sản chôn sống vào dịp tết Mậu Thân".

Cuối cùng, họ ghi lại như sau lời cầu nguyện đọc mỗi ngày trong tuần cửu nhật: "Lạy Chúa, Chúa đã nói với chúng con: "Ai hâm mộ sự thật thì theo Ta". Lạy Chúa, cha Tađêo đã theo gót Chúa, đã hiên ngang làm chứng cho sự thật, và thế gian đã bắt ngài. Lạy Chúa, trong mỗi một người chúng con đây có mấy ai hâm mộ sự thật? có mấy ai yêu thích lẽ công bình? Chúng con hiệp lời cầu nguyện, xin Chúa cho cộng đoàn giáo xứ chúng con đây đừng có ai chỉ lo tìm kiếm lợi lộc cho riêng mình, nhưng biết sống công bằng và bác ái, biết dâng lên Chúa những hy sinh lao nhọc trong công việc bổn phận hằng ngày mà cầu cho cha xứ chúng con được sớm về với đàn chiên đang mong đợi. Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu là nguồn mạch êm ái dịu dàng, có nỗi đớn đau và bất hạnh nào lớn lao hơn cho đời linh mục là không được dâng thánh lễ. Cha Tađêo chúng con không được dâng thánh lễ như vậy là đã gần hai tháng rồi. Lạy Chúa, Chúa với cha chúng con là bạn hữu tâm phúc gặp gỡ nhau hằng ngày trên bàn thánh. Giờ đây nơi địa ngục trần gian, chắc cha cũng luôn nhớ đến Chúa. Vì vậy chúng con khẩn nài xin Chúa hãy đến nâng đỡ an ủi cha chúng con, ban cho cha ơn can đảm chịu đựng mọi thử thách, và sớm có ngày được tự do!"

 

Các thân hữu của cha Nguyễn Văn Lý bị Cộng Sản trả thù:

Ðến hôm nay (17/07/2001), cha Lý đã qua lệnh tạm giam thứ nhất (2 tháng) và bắt đầu lệnh tạm giam thứ hai. Bất chấp lòng nhân đạo tự nhiên và công ước quốc tế nhân quyền mà CSVN ký rất ngon lành nhưng không bao giờ tuân giữ, đến nay nhà cầm quyền tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn không cho biết ngài hiện bị giam ở đâu, còn sống hay đã chết, vẫn không cho thân nhân thăm gặp. Song song đó, một chiến dịch trả thù hèn hạ thâm độc, với quy mô rộng lớn, đang được thi hành đối với các thân hữu của cha Lý.

a- Trước hết, như Quý vị đã rõ, ba người cháu của cha Lý tại Quảng Biên (Hoa, Cường, Việt) đã bị bắt giam gần cả tháng rồi và tới nay vẫn chưa được tự do (tin em Việt được thả là không chính xác). Bà Hiểu, chị của cha Lý và là O ruột của ba em này, đã cùng với em Dũng gởi đơn lên nhà cầm quyền nhiều lần để hỏi lý do bắt và xin phép đi thăm. Nhưng tới nay, người ta chỉ trả lời cách rất thản nhiên: "Bắt vì tội thu góp và phát tán những tin tức chống lại nhà nước", và vẫn không cho phép thân nhân gặp mặt. Theo gia đình cha Lý cho biết, sở dĩ 3 người có "tội" thu góp và phát tán tin tức chống nhà nước, đó là vì hôm cụ bà Trần Thị Kính mất, gia đình đã có trả lời điện thoại hải ngoại hỏi thăm tin tức cụ bà và cha Lý cũng như có gởi ra ngoài vài tấm ảnh đám tang của bà cụ. Quả thật trong chế độ cộng sản "dân chủ gấp triệu lần chế độ tư bản" này, người dân có thể bị gán ghép những tội tày trời cách bất ngờ nhất. Công an còn cho biết thêm: "Sở dĩ 3 tên đó không được thăm gặp vì không chịu nhận tội"!?! Phần em Dũng và bà Hiểu thì mấy tuần nay đã bị mời đi "làm việc" (thẩm vấn) liên miên. Riêng bà Hiểu, công an biết bà có phận sự ra Huế thăm nuôi cha Lý, nên đã chơi trò "phong tỏa kinh tế tù nhân" cách đê tiện và thâm độc bằng cách cấm bà không được rời khỏi địa phương. Bà đã dự tính ra Huế đầu tháng 7/2001 để nuôi cha Lý và một lần nữa xin gặp mặt em, nhưng nay thì cha Lý hẳn vò võ trông đợi. Lại một đòn tâm lý nữa! Xin đồng bào quốc nội và hải ngoại hãy hành động để cứu giúp ba tù nhân vô tội này.

b- Thứ đến, có hai người bạn của cha Lý cũng đang phải khổ sở vì ủng hộ cuộc đấu tranh của ngài mà có lẽ lâu nay ít người biết tới hoàn cảnh của họ. Chúng tôi muốn nói đến hai nhà trí thức công giáo tại Sài gòn: giáo sư Ðỗ Hữu Nghiêm và giáo sư Nguyễn Chính Kết. Ai đã từng lên mạng Internet thì chẳng xa lạ với hai cây bút uyên thâm, sâu sắc và phong phú  này. Sau khi cha Lý phát động cuộc đấu tranh, hai giáo sư đã nhảy vào cuộc bằng những bài viết ủng hộ lập trường vị linh mục đồng thời mời mọi cấp và mọi giới trong Giáo hội Việt Nam cũng hãy làm như mình. Một niềm vinh dự cho giáo phận Sài gòn! Hai giáo sư cũng thẳng thắn kêu gọi nhà nước và đảng CSVN hãy thực thi dân chủ, chấp nhận đối lập, cho người dân góp tiếng nói và hành động để xây dựng quê hương. Chính vì cái "tội" đó mà hai vị đã bị "mời đi làm việc" (thẩm vấn) tại UBND quận Gò Vấp ngày 5-4-2001. Trước khi nhận được giấy mời thì điện thoại và email của 2 vị đã bị cúp. Tối hôm đó giáo sư Nguyễn Chính Kết còn bị xét nhà, bị tạm giữ máy vi tính (cùng 98 đĩa mềm, 40 đĩa CD) và một số tài liệu mà cho tới hôm nay vẫn chưa được hoàn trả. Sau đó giáo sư phải làm việc thêm 3 ngày nữa tại Công An quận Gò Vấp nhưng với Công An thành phố để ký nhận những gì được in ra từ máy vi tính của mình (phải tốn hơn một ram giấy). Hai tuần sau phải làm việc thêm 2 ngày nữa để trả lời nhiều câu hỏi. Riêng giáo sư Ðỗ Hữu Nghiêm chỉ bị làm việc buổi chiều 5-4-2001.

Trên căn bản, theo như chúng tôi được biết, hai giáo sư vẫn chưa bị coi là làm điều gì phạm pháp có tính nghiêm trọng cả, nên vẫn được ở nhà, chỉ là một đối tượng cần để ý theo dõi thôi. Từ đó đến nay, mỗi tháng giáo sư Nguyễn Chính Kết đều hân hạnh được Công An thành phố "mời đi uống cà phê" để trao đổi về chuyện này chuyện kia, mỗi lần khoảng 2 tiếng. Và cũng kể từ ngày đó, đời sống hai vị trở nên khó khăn, do điện thoại và email bị cúp, việc làm ăn sinh sống phần nào bị ngưng trệ (vì sinh hoạt của họ lệ thuộc vào những thứ nầy), các mối quan hệ bị hạn chế hẳn lại, vì mọi người đều có sự e dè khi liên hệ với họ. Ðiều đau khổ nhất là hai giáo sư lại là chủ gia đình và là chủ lực kinh tế trong gia đình. Suốt mấy tháng nay, đời sống kinh tế của hai nhà bị thử thách, tình hình thu nhập rất bết bát. Riêng giáo sư Ðỗ Hữu Nghiêm, một tháng sau biến cố ấy còn bị cao huyết áp và tai biến mạch máu não nhẹ, khiến nửa người bên phải bị yếu đi, phải nằm bệnh viện hai tuần. Sự dấn thân của giáo sư Ðỗ Hữu Nghiêm đã "ảnh hưởng xấu" đến con cái: một người con không được nhận vào làm việc trong một công ty, khiến đến giờ cậu vẫn còn bị thất nghiệp. Tuy nhiên, hai giáo sư kitô hữu Công giáo đáng phục này vẫn vui lòng đón nhận tất cả như một cái giá phải trả cho hành vi ngôn sứ của mình. Chúng tôi xin phép hai vị được viết bản tin này để thông báo cho mọi người và xin mọi người luôn tưởng nhớ và trợ giúp cho hai chứng nhân can đảm nhưng tiếc là hiếm hoi này. Cũng xin cầu nguyện cho Giáo hội Việt Nam có thêm nhiều chứng nhân như thế nữa.

c- Cuối cùng, chúng tôi xin được thông báo về hiện tình của "Trần Quốc Toản xứ Nguyệt Biều", đó là em Hoàng Trọng Dũng. Em vừa bị lệnh quản chế 6 tháng tại địa phương. Trước khi giao lệnh quản chế này, để cho có "màu mè dân chủ", nhà cầm quyền xã Thủy Biều đã tổ chức một cuộc họp mặt nhân dân địa phương. Ðể lôi kéo mọi người đi, xã đã thông báo là có một cuộc họp đặc biệt, ai không đi bị mất "quyền lợi kinh tế"!?! Khi mọi người đã triệu tập đông đủ thì hóa ra là một cuộc đấu tố! Thật là thô bỉ! Khoảng 15 tên cò mồi (lớn tuổi) đã đứng lên "tố" em Dũng về đủ mọi tội lỗi (xin xem quyết định quản chế). Các kẻ này đã quên rằng trong số con cái của họ, có nhiều em là học trò vi tính của Dũng, vì khi cha Lý còn ở Nguyệt Biều và mở lớp dạy vi tính thì Dũng, vốn là học viên vi tính xuất sắc nhất của cha Lý, đã trở thành trợ giảng cho ngài trong một thời gian sau.

Sau màn "đánh hội đồng" ghê tởm, việt cộng Hoàng Trọng Lộc, chủ tịch UBND xã Thủy Biều (kẻ đã được nhắc tên nhiều lần trong các biên bản của cha Lý) đã trao quyết định quản chế cho Dũng. Không trả lời, không ký nhận, Dũng đã hoàn toàn giữ im lặng để bày tỏ thái độ khinh bỉ đối với thứ "công lý đàn áp" của chế độ này. Hoan hô em Dũng của chúng ta. Em thật xứng tên là Dũng! (Xin cảm ơn chị Nam Cao đã viết một bài rất cảm động về em). Em chẳng hổ là học trò và là con cái của cha Lý. Chúc em can đảm!

Trong bản tin này, chúng tôi không thể không nhắc riêng đến cha Lý. Hiện nay chẳng ai biết ngài bị giam ở đâu, còn sống hay chết. Rất nhiều tin đồn, lành có dữ có. Dữ nhất là tin đồn ngài đã chết. Ðể kiểm chứng, có người đã đề nghị một phương pháp hay nhất: đó là chính Ðức Cha Stêphanô Nguyễn Như Thể, Tổng Giám Mục Huế, hãy làm đơn xin đi thăm ngài. Với cương vị của ngài, chẳng lẽ nhà cầm quyền không cho? Sáng kiến này, một giáo dân hải ngoại là giáo sư Nguyễn Văn Tánh, đang ở Bỉ, đã có đề ra cho Ðức Tổng Giám Mục trong một lá thư gởi cho ngài ngày ngày 2 tháng 6 năm 2001. Sau đây là trích đoạn liên quan:

"Mục đích của thư này xin Ðức Cha hai điều:

1. Việc nhà cầm quyền cộng sản bắt giam linh mục Nguyễn Văn Lý là một hành động thô bạo, man rợ và ngạo mạn. Xin Ðức Cha (nếu cần cùng với Hội Ðồng Giám Mục) - với tất cả khả năng và bổn phận chủ chiên - tích cực can thiệp với nhà cầm quyền trung ương trả tự do không điều kiện cho linh mục Nguyễn Văn Lý được trở về nếp sống bình thường để "thực hiện chức trách, chức vụ tôn giáo ở xứ An Truyền..." và bất cứ nơi nào cần đến sự hiện diện một vị chủ chăn.

2. Không chờ đợi kết quả sự can thiệp và trong khi nhà cầm quyền địa phương không cho thân nhân linh mục Nguyễn Văn Lý thăm (mà chỉ cho nuôi!), xin Ðức Cha - trong cương vị chủ chăn - đi thăm nuôi linh mục Nguyễn Văn Lý, thay thế cho Cộng đoàn dân Chúa của hai xứ Nguyệt Biều/An Truyền và một cách đặc biệt cho giáo dân ở hải ngoại (vì ở xa, không thể thi hành bổn phận thăm "viếng... kẻ tù rạc" như lời dạy trong kinh "Mười Bốn Mối" của địa phận). Việc Ðức Cha đi thăm nuôi lúc này sẽ làm cho mọi người vui mừng: Trước hết là chính đương sự (linh mục Nguyễn Văn Lý) được vị chủ chăn đến viếng thăm, an ủi. (Ðây cũng là một thông lệ của giáo phận nhà dưới thời Ðức cố Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền đã thăm nuôi các linh mục - vì bài sai làm tuyên úy phục vụ trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa - đã bị đi học tập cải tạo sau ngày 30.4.1975). Thứ đến là Cộng đoàn dân Chúa địa phận nhà và ở hải ngoại có người đại diện đi thăm "viếng... kẻ bị tù rạc" chỉ vì tranh đấu cho Tự do tôn giáo và Tự do Dân chủ. Và sau cùng là cho chính Ðức Cha đã làm tròn bổn phận của một vị chủ chăn. Nhà cầm quyền địa phương không thể từ chối đòi hỏi chính đáng của Ðức Cha được".

Các chứng nhân và nạn nhân nói trên đây (mục a, b, c) đều là kitô hữu, đều là con chiên của các mục tử liên hệ. Vậy chúng ta hy vọng rằng Ðức Tổng Giám Mục Huế, Ðức Tổng Giám Mục Sài gòn, Ðức Giám Mục Xuân Lộc, cha quản xứ Nguyệt Biều, cha quản xứ Gò Vấp, cha quản xứ Quảng Biên cũng sẽ ghé mắt nhìn đến và bỏ công đi tìm (săn sóc, can thiệp cho) con chiên xấu số trong đàn chiên 100 con của mình. Như thế có hợp tình hợp lý không Quý vị?

Cha Nguyễn Hữu Giải bị "làm việc" (thẩm vấn)về lá thư thông hiệp với Phật giáo:

Tự ví mình như những ông trời con, coi nhân dân như cỏ rác, như súc vật, như nô lệ, muốn hạch hỏi dọa nạt ai là hạch hỏi dọa nạt, túm cổ đấm đá ai là túm cổ đấm đá, quản chế ai là quản chế, bắt bớ ai là bắt bớ, giam cầm ai là giam cầm, gán ghép ai tội gì là gán ghép, tuyên bản án nào cho ai là tuyên (xin xem cuốn "Hỏa Lò" của Nguyễn Chí Thiện). Tự đặt ra mục tiêu tối thượng là trấn áp nhân dân (chứ không phải bảo vệ công lý), trấn áp các tội hình sự thì ít (bao che cho những tay cầm quyền tham nhũng bạc tỷ là đằng khác), mà chủ yếu trấn áp những ai dám tuyên bố mình là nạn nhân của bất công bạo hành, dám lên tiếng bênh vực những người cô thân cô thế, cả gan đòi quyền làm người (tự do tôn giáo, tự do dân chủ), cả gan phê phán nhà nước mà không "xin phép", cả gan nói khác và nói ngược với chế độ. Tự đắc rằng bọn thảo dân đều run sợ trước bóng dáng công an, trụ sở công an, đều khiếp hãi trước chiếc còng, họng súng, nhà giam, đều công nhận nhà cầm quyền và công an bao giờ cũng "có lý", đều răm rắp "nhận tội" và "hối lỗi" sau khi "làm việc".

Với tất cả ý thức đó, công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, hôm 13-7-2001 mới rồi, đã triệu tập linh mục hạt trưởng Nguyễn Hữu Giải (đứng hàng thứ ba trong giáo phận Huế) đến trụ sở công an huyện Hương Thủy để ngang nhiên và xấc láo hạch sách ngài về chuyện ngài đã cùng linh mục Phan Văn Lợi viết lá thư hiệp thông hôm 24-6-2001 với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và Phật giáo Hòa hảo Thuần túy. Cha Giải đã phải "làm việc" (bị thẩm vấn) suốt ngày, buổi trưa "được nghỉ" về nhà ăn cơm.

Với thái độ ngạo mạn cố hữu, công an đã đặt ra cho linh mục Giải sáu câu hỏi chính và một yêu cầu căn bản. Sáu câu hỏi là: 1- Ai chủ động soạn thảo lá thư, ở đâu, lúc nào? 2- Ai đánh máy lá thư? 3- Ðã gởi cho những ai, ai tung lên mạng internet? 4- Hiện giờ còn giữ bản nào không? 5- Lá thư có âm mưu ý đồ gì? 6- Tại sao tham gia Hội đồng liên tôn đoàn kết quốc nội? Ai mời tham gia? Ðã họp bao nhiêu lần? Và một yêu cầu căn bản, đó là hãy nhận rằng mình đã "sai trái", "thành khẩn hối lỗi" để được nhà nước khoan hồng!?!

Với thái độ thẳng thắn, can đảm, có lúc nói to tiếng, nói "toạc móng heo", linh mục Giải cho biết ngài đã tự mình soạn thảo lá thư, sau đó đến gặp cha Lợi (đang bị quản chế tại gia không văn bản), cùng bàn bạc và cùng ký tại nhà cha Lợi. "Tại sao chúng tôi đã cấm ông đến nhà ông Lợi mà ông còn đến?" - "Tôi bất chấp lệnh cấm vô lý và vô luật pháp này. Và vì không lẽ nào xin phép những đại diện pháp luật mà lại có cung cách của lũ cướp đường là lấy thịt đè người, dùng số đông chặn lối, tôi đã "đi chui" vào nhà cha Lợi" - "Ði chui lúc nào, ông phải khai rõ" - "Tôi không nói, vì các anh không có quyền biết. Tôi chỉ cho hay là bức thư được ký ngày 24-06-2001, lễ thánh Gioan Tẩy giả, một ngôn sứ đã lên tiếng phê phán bạo quyền và đã phải vì đó mất mạng" - "Ai đánh máy lá thư?" - "Tôi không có bổn phận khai báo điều này. Tôi chỉ cho các anh biết là tôi chịu hoàn toàn trách nhiệm về thư hiệp thông".

Cha Giải tiếp đó cho biết ngài đã gửi cho một vài anh em bạn trong nước để cùng hiệp thông. "Ðã gởi cho những ai?" - "Tôi chẳng có thói quen "tố" bạn bè. Tồi tệ lắm! Các anh hỏi tên của họ đâu phải để làm sáng tỏ công lý mà là để đàn áp người tan. Vì thế các anh không có quyền biết mọi sự thật!" - "Vậy còn ai đã tung lá thư lên mạng?" - "Tôi không rõ. Nhưng dù có rõ tôi cũng chẳng đời nào tiết lộ cho các anh!" - "Hiện giờ ông còn giữ bản nào không? Phải lo nộīp gấp cho nhà cầm quyền" - "Không! Hiện giờ tôi không còn bản nào cả. Mà có còn tôi cũng chẳng nộīp. Có phải là tang chứng tội lỗi đâu mà nộp chứ!"

Công an hỏi tiếp: "Các ông viết lá thư đó với ý đồ nào?" Cha Giải trả lời: "Chúng tôi viết với 2 mục đích rất chính đáng và rõ rệt: một là chia sẻ nỗi đau của anh em tôn giáo bạn, hai là yêu cầu nhà cầm quyền tôn trọng tự do tôn giáo. Chúng tôi quá bức xúc và phải nói là phẫn nộ trước việc nhà cầm quyền tung toàn lực, thực hiện một "chiến dịch quân sự" nhằm ngăn chận một việc hết sức nhân nghĩa của đạo lý con người và đạo lý dân tộc, đó là đưa một cao tăng Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, một cao tăng già lão, bệnh hoạn, hết hạn xử lý của pháp luật, về chỗ cũ của ngài để chữa trị, săn sóc. Chúng tôi cũng rất đau lòng và kinh ngạc trước việc công an, sau khi đã bạo hành anh em Hòa Hảo nhiều lần chỉ vì họ đòi tự do tôn giáo, nay lại bao vây kinh tế đối với họ và thậm chí đã lợi dụng cơn đau của một tín đồ Hòa Hảo để bức bách, thẩm vấn và cuối cùng đuổi đương sự về nhà, không cho chữa trị. Hành vi vô nhân đạo này, tôi chưa hề thấy trong lịch sử, ngay cả nơi những chế độ tàn ác nhất trong quá khứ. Vì dù gì đi nữa, kẻ yếu đau bệnh hoạn phải được tạm thời ngưng đối xử như một bị can hay như một phạm nhân. Chúng tôi cũng viết lá thư đó để yêu cầu nhà cầm quyền tôn trọng tự do tôn giáo không phải chỉ trên văn bản hiến pháp, qua những lời lấp liếm lường gạt của phát ngôn viên bộ ngoại giao VN, nhưng trên thực tế, cách đích thật. Tự do tôn giáo này phải là tự do đúng nghĩa, trọn vẹn, như chúng tôi và cả thế giới văn minh hiểu, chứ không phải như nhà nước và những tay sai quốc doanh hiểu".

Thấy đuối lý và bẽ mặt, công an xoay qua vấn đề linh mục Giải tham gia Hội đồng Liên tôn Ðoàn kết quốc nội. "Tại sao ông tham gia Hội đồng này?" - "Tôi tham gia Hội đồng vì tôi thấy mọi tôn giáo tại Việt Nam lúc này đều là nạn nhân sự đàn áp thô bạo của nhà cầm quyền. Chúng tôi thấy cần phải đoàn kết để đấu tranh đòi lại những quyền giữ đạo và quyền làm người mà chúng tôi đã mất từ mấy chục năm nay!" - "Ông tự ý vào hay ai đã mời ông vào? Có họp lần nào chưa?" - "Khi sắp cùng với hòa thượng Thích Thiện Hạnh và cụ Lê Quang Liêm thành lập Hội đồng Liên tôn Ðoàn kết quốc nội, cha Nguyễn Văn Lý đã ngỏ ý mời tôi làm thành viên bên phía Công giáo và tôi đã nhận lời. Họp thì chưa lần nào, vì nhà cầm quyền luôn tìm cách ngăn chận. Nhưng điều đó chẳng cản trở được chúng tôi hiệp thông với nhau trong tinh thần và đường lối là cương quyết đấu tranh cho tới cùng để tôn giáo được độc lập trong tổ chức và tự do trong hoạt động, từ đó đưa đến dân chủ nhân quyền trọn vẹn cho mọi người Việt Nam".

Ban chiều ngày 13-7-2001, công an thẩm vấn giở bài bản cũ, tìm cách chứng minh cho linh mục Giải thấy việc viết thư hiệp thông như thế là "sai trái", là "phá hoại đoàn kết dân tộc", là "tự tạo khó khăn trong tương lai", là "làm mất thanh danh uy tín hạt trưởng của mình" (y như mới đây phát ngôn viên bộ ngoại giao Cộng Sản Việt Nam nói những dân biểu Hoa Kỳ bảo trợ "Ðạo Luật Nhân Quyền Cho Việt Nam Năm 2001" ngày 28-6-2001 là "tự làm hại uy tín thanh danh"!?!). Công an còn dỗ ngọt vị hạt trưởng là hãy "thành khẩn hối lỗi" và "hứa khắc phục trong tương lai" để "chúng tôi còn có thể đề bạt ông lên những chức vụ cao hơn trong giáo phận"!?! Với giọng dịu dàng, không còn nóng nảy như ban sáng, nhưng vẫn cương quyết, "cứng đầu cứng cổ", cha Giải nói: "Các anh xem tôi là hạng người nào mà đưa ra những đề nghị trẻ con như vậy? Tôi nói thẳng cho các anh biết: nên dẹp trò hù dọa và dụ dỗ lừa phỉnh đó đi. Mà các anh lấy quyền gì để đề bạt chứ? Ai cho phép các anh xen vào nội bộ Giáo hội và giáo phận? Tôi thấy việc cùng với cha Lợi viết bức thư hiệp thông đó là hoàn toàn chính đáng. Tôi cũng đã nghe rằng bức thư này đã làm anh em Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và Phật Giáo Hòa Hảo xúc động!" (Quả thế, qua điện đàm và qua internet, người ta đã cho cha Giải và cha Lợi biết là bức thư đó thật độc đáo và được đồng bào quốc nội lẫn hải ngoại đánh giá cao). Và vị linh mục can trường dũng cảm đã kết luận trong nỗi thất vọng bực tức của công an thẩm vấn tỉnh: "Các anh đừng mong tôi nhận tội, hối lỗi và xin chừa về sau. Ngược lại thì có!" Ðúng là "Có gan ra trước công an mới biết!".

Cha Giải trở về, "bạch hóa" mọi chuyện cho giáo dân và giờ đây, qua mạng internet, buổi đối đầu giữa đại diện tôn giáo với bạo quyền Cộng Sản được bạch hóa cho cả thế giới!

Chúng tôi cũng vừa mới nhận được tin: cha Lợi đã bị công an thành phố Huế gởi "Giấy triệu tập" (do thiếu tá Nguyễn Văn Hòa, phó Công An thành phố Huế ký) đòi tới đồn Công An phường Phước Vĩnh để làm việc. Cha Lợi nhất quyết không đi mà chỉ nói: "Các anh cần gì, mời tới nhà tôi. Tôi đã bị các anh quản chế 3 tháng nay rồi". Như thế cha Lợi đã khước từ lệnh triệu tập đến lần thứ 6. Chẳng biết hậu quả thế nào đây. Xin mọi người cầu nguyện cho.

Phóng viên tường trình từ Huế.

 


Back to Home Page