Giáo dân An Truyền tường thuật

những ngày trước và sau khi

cha Tađêô Nguyễn Văn Lý bị bắt

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Giáo dân An Truyền tường thuật những ngày trước và sau khi cha Tađêô Nguyễn Văn Lý bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt.

An Truyền ngày 5/6/2001.

Giáo xứ An Truyền xin tường thuật lại những ngày trước và sau khi cha Tađêô Nguyễn Văn Lý bị nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam bắt.

Như thường lệ, vào những buổi tối, sau khi dâng thánh lễ xong, cha và giáo dân đều quây quần bên nhau, người thì trong nhà xứ, kẻ thì đứng ngoài hoặc sau chái nhà thờ, nhằm canh gác kẻo kẻ xấu có những hành vi không hay đối với cha quản xứ.

Tối ngày 16/5/2001, vào khoảng 9 giờ, tự nhiên các ống nước trong nhà xứ kêu rùng rùng ghê gớm. Xin nhắc lại là những ngày này, cha Lý và cả giáo xứ đều đang hướng về bà cụ thân mẫu của cha, cha thao thức muốn vào gặp mẹ nên bầu khí mang vẻ u sầu. Khi nghe tiếng động to ấy thì các giáo dân ở nhà đều kinh hoàng và chạy tới nhà xứ. Cha quản xứ cũng lấy làm lạ. Bài hát Kinh Hòa Bình liền được cất lên, vang vọng khắp nhà xứ. Giáo dân đứng ngoài kinh ngạc nhưng cũng cùng hát thông công. Hát xong, cha ban phép lành tòa thánh (sic) cho mệ. Giáo dân đứng thinh lặng nhưng lòng lo âu, phân vân, nháo nhác lên. Ban phép lành xong thì cha xuống (vì đang ở trên lầu) để trấn an giáo dân. Cha nói cha có linh cảm mẹ cha gần về với Chúa. Nếu sự việc này mà đúng thì chắc cha cũng được mệ cầu nguyện cho nhiều lắm.

Cha vừa nói xong thì thấy hai ông công an đang đi ngoài nhà thờ. Vì họ đi như vậy hoài nên cha và giáo dân coi là thường. Cha đã đưa tay chào công an và nói: "Xin chào! Cứ về ngủ bằng yên. Không có chuyện gì phải lo!". Cha nói thế vì họ sợ cha vào thăm mẹ của cha nên trong 6 ngày mệ hấp hối, họ đã gia tăng người ở các trạm gác. Nói xong, cha bảo giáo dân cũng hãy đi ngủ.

Nhưng rồi 2 giờ sau, tức 11 giờ khuya, tiếng rùng rùng nơi ống nước lại vang lên. Cha cũng lại cùng giáo dân hát Kinh Hòa Bình. Rồi cha gọi điện vào gia đình và được trả lời là mệ vẫn chưa đi. Giáo dân và cha đã thinh lặng cầu nguyện. Ðến 3 giờ sáng (17/5/2001), một thanh niên đi làm cá về thấy công an canh gác nhiều thì đã báo với cha: "Con thấy công an về đông ghê!", nhưng cha nói: "Không can gì đâu! Các con yên tâm!". Khoảng 4 giờ sáng thì điện cúp. Giáo dân liền lấy đèn măng-sông thắp nơi mấy cửa chính, đề phòng kẻ lạ mặt đột nhập. Còn cha thì dậy làm công việc của cha, sớm hơn những hôm khác.

Tới 4 giờ 30 thì có tiếng giày đinh chạy thình thịch rất mạnh. Khi đó giáo dân đang lần hạt 7 Sự Thương Khó Ðức Mẹ đã tới chặng thứ 7. Như mọi buổi sáng, khi nào cha quản xứ "làm việc" (liên lạc điện thoại) thì giáo dân đều lần hạt để những người lạ mặt khỏi nghe tiếng gọi điện của cha. Lần đầu thì hai ông công an, rồi đến 4, đến 6, sau ôi chao nhiều vô số kể. Giáo dân liền la lối: "Cứu cha! Cứu cha!" nhưng vô vọng. Roi điện, dùi cui của công an cơ động vung lên tới tấp. Công an thường thì dùng bạo lực xô đẩy. Có một bà già thức trọn đêm cho tới giờ đó đã bị bạo quyền xô ngã. Chúng con cứ tưởng là họ sẽ tha. Không ngờ họ còn tới đạp trên bà nữa. Có một ông già 70 tuổi đã canh giữ nhà thờ suốt 3 tháng 10 ngày. Ông cố sức mở cửa ra, nhưng công an không chịu cho mở, sợ giáo dân sẽ chạy qua nhà xứ. Ông đã chống cự cho tới cùng nhưng đành phải thua, vì họ đã dùng roi điện mà đánh vào ông. Người ông thâm tím, phải nằm ê ẩm 5 ngày. Những giáo dân ở trong nhà xứ thì họ đuổi ra ngoài, điệu đi như những tên tù, thoi đánh tả tơi. Còn các giáo dân ở ngoài nhà xứ thì họ bắt đứng áp lưng vào vách, không được nhúc nhích. Có mấy bà sai lệnh đã bị thoi đánh. Mọi nhà giáo dân đều có công an bố trí trước cửa. Có người vừa nghe tiếng la, mở cửa ra định đi là họ bắt ở nhà. Ai không chấp hành thì đều bị đánh. Mặc giáo dân khóc than chửi rủa, nhà cầm quyền vẫn một mực giữ chặt cửa, không cho giáo dân tới nhà xứ.

Riêng cha xứ thì lúc ấy đang đọc lời chứng gởi qua quốc hội Mỹ. Cha cũng được một giáo dân báo, nhưng cha vẫn bình tĩnh trả lời: "Không can chi!" Bấy giờ trên lầu nhà xứ còn năm anh em chưa xuống. Trong nhà xứ bỗng vang tiếng trống báo động. Công an liền leo lên lầu. Nhà cầm quyền không nắm rõ ai đánh trống nhưng cũng vẫn quy tội cho hai em Tín và Xuân. Công an đã dùng hành vi thô bạo mà đánh hai em nầy ghê gớm lắm. Ba em còn lại trên đó thì nó bắt bỏ tay lên ngang đầu, quỳ xuống, trở mặt vào trong vách, để nó khám xét và tìm cha quản xứ. Lục lọi các phòng không thấy ngài đâu, nó điên tiết lên. Khi đó cha quản xứ đang trên sân thượng. Lúc cha từ từ bước xuống thì họ la lên: "Ðây rồi!" Cha liền hỏi: "Mấy anh làm gì đó?" rồi đưa hai tay cho họ còng. Nhưng họ đã không còng, chỉ kẹp nách 2 bên cha và kéo cha vào phòng, lập biên bản, bắt cha ký nhưng cha không ký. Họ vẻ (=bảo) cha đi nhưng cha không đi. Cha hỏi: "Lệnh bắt đâu?" và họ đã không trả lời. Rồi hai ông công an hai bên kẹp tay cha, dẫn xuống lầu, ra khỏi nhà xứ. Giáo dân kêu la thảm thiết nhưng không thể làm gì được với nhà cầm quyền. Trước cả lực lượng khoảng 600 công an, giáo dân đành thua. Còn như mọi ngày trong suốt ba tháng nay thì họ sẽ không làm gì với cha quản xứ được! Thành thử giáo dân giờ chỉ biết khóc. Họ cũng dùng roi điện đánh vào thân thể giáo dân. Số giáo dân bị thâm tím cũng nhiều.

Cha quản xứ bị dẫn đi ra, ngang qua nhà thờ. Cha muốn tiến về phía có đông giáo dân, nhưng nó không cho. Thật quá thảm thiết! Trong đời sống của giáo dân An Truyền chưa bao giờ chứng kiến một cảnh như thế. Có một em đã vùng vẫy khóc la hết sức dữ dội, liền bị công an đánh tát xô đẩy rất tội nghiệp. Các bà mẹ cũng khóc la um sùm.

Khi cha quản xứ bị dẫn lên xe và xe lên tới xóm đầu làng, thì số người không về được dưới nhà xứ liền ra đứng bên đường kêu la thảm thiết. Nhưng mà đành chịu mất cha thực sự rồi! Sự ra đi giáng u buồn tang tóc lên cả giáo xứ. Cả ngày hôm đó chỉ có tiếng khóc mà thôi!

Sáng 18/5/2001, giáo xứ khoảng 200 người đội nón ra đi tìm cha. Cả đoàn kéo đi kẻ trước người sau. Khi đi ngang qua trụ sở uỷ ban xã thì công an chận hỏi: "Tụi bây đi đâu?" Số người lớn không đáp, nhưng các em thiếu nhi đã trả lời: "Ði tìm cha xứ! Trả cha xứ cho chúng tôi!" Công an không ngờ giáo xứ lại đi, nên sau đó họ đã điện thoại gọi đồng nghiệp về quá đông. Họ dọa nạt, dùng roi điện để đẩy giáo dân lui về. Vì họ dùng bạo lực, nên giáo dân phải lùi, nhưng càng lùi thì càng la: "Trả cha xứ cho chúng tôi!" - "Ðả đảo bạo quyền!" - "Tự do tôn giáo hay là chết!" Giáo dân càng la, công an càng giận dữ và càng làm tới. Họ tăng thêm người, đem camera đến quay. Có một bà mẹ trẻ đã chống cự. Chị nói: "Các ông giấu cha tôi chỗ nào? Các ông cắt, chặt, chôn giấu xác cha chỗ nào, trả lại đây!" Công an tức giận, đòi bắn. Nhưng bà mẹ trẻ đó vẫn mạnh dạn: "Tôi sẵn sàng chết! Bắn thì bắn đi!" Họ dọa sẽ xô chị xuống ruộng, nhưng chị vẫn cứng rắn, đứng ra cho họ xô. Cuối cùng, thấy giáo dân la ó ghê gớm, công an không dám dùng bạo lực nữa.

Lui về tới sân nhà thờ thì giáo dân đến trước đài Ðức Mẹ đọc kinh. Công an không cho. Giáo dân bèn vào nhà thờ. Công an cũng vào. Họ chụp lấy tay các bà mẹ trẻ, vẻ về đừng đọc kinh. Nhưng họ đã bị giáo dân phản kháng quyết liệt: "Mấy anh bắt đạo phải không?" Công an liền lộng hành trong nhà thờ, họ mở toang các cửa, giở nón mũ và lật ngửa mặt từng giáo dân để quay phim, cách rất thô bạo, bất chấp sự phản kháng mãnh liệt của giáo dân.

Ngày 19/5/2001, có giấy mời các ông trong hội đồng giáo xứ lên ủy ban xã, nhưng các ông đã cứng rắn không đi. Ngày 20/5/2001 có giấy mời lên lại và 8 người phải lên, trong đó có Tín, Xuân, Hồi. Ðàn ông thì bị đánh đập vì không khai báo theo ý công an. Ðàn bà thì không bị đánh nhưng bị bắt khai báo, nhận định. Chị em không khai nên công an cũng đành chịu.

Trở lại chuyện ngày 17/5/2001. Sau khi cha bị đem đi thì Tín và Xuân đã bị bắt lên xã, bị đánh đập cả buổi sáng, đến trưa mới về. Khi trở về thì giáo dân đều khóc thương hai em đó, vì hai em bị đánh quá tàn bạo.

Cùng ngày 19/5/2001, nhà cầm quyền tỉnh, huyện, xã đã vào nhà xứ tịch thu khăn chế mà giáo xứ đã mua sẵn để để tang cho mệ (thân mẫu cha xứ). Họ lấy hết. Nhưng qua ngày hôm sau, cả nhà thờ vẫn trắng khăn tang, không trừ một ai, vì mọi người đã tự ý mua lại.

Kể từ khi cha quản xứ bị bắt, sáng trưa tối gì, giáo dân cũng tập trung tại nhà thờ để đọc kinh. Sau khi đọc kinh ai nấy đều khóc, vì nhớ lại những giây phút hiện diện của cha trên bàn thờ. Giáo xứ đang ngày đêm thương nhớ mong mỏi, nhưng chúng con vẫn tin tưởng chờ ngày hội ngộ. Dù còn chút thân tàn nào đi nữa, cha Tađêô Nguyễn Văn Lý vẫn là cha quản xứ của giáo xứ An Truyền chúng con. Ngài mới nhận xứ được 3 tháng 10 ngày !!!

Giáo dân An Truyền tường thuật.

 


Back to Home Page