Lễ Giỗ lần thứ 13

Ðức Cố Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền

 

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Lễ Giỗ Lần Thứ 13 Ðức Cố Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền.

Santa Ana. Chiều thứ sáu 8.6.2001, nhân ngày giỗ lần thứ 13 của Ðức Cố Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền, Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại cơ sở Orange County cùng Hội Bảo Trợ Giáo Phận Huế và Nhóm Thân Hữu Diễn Ðàn Kitô Hữu đã tổ chức lễ tưởng niệm ngài tại nhà thờ Saint Barbara, thành phố Santa Ana, California. Hiện diện trong thánh lễ, ngoài đông đảo tín hữu trong vùng, đoàn viên PTGD, Hội Bảo trợ Giáo Phận Huế, thân hữu Diễn Ðàn Kitô Hữu, còn có nhiều nhân sĩ và đại diện các đoàn thể trong cộng đồng tỵ nạn Việt Nam, công giáo cũng như không công giáo, như thẩm phán Nguyễn Trọng Nho, Tòa Án Tiểu Bang California, cựu Chuẩn Tướng Lê Văn Thân, nguyên Tỉnh Trưởng Thừa Thiên-Huế thời TGM Nguyễn Kim Ðiền, Bà Minh Nguyệt, CT Cộng Ðồng Việt Nam Miền Nam California, BS Nguyễn Trọng Việt, TTK Liên Minh Việt Nam Tự  Do, ông Lê Tử Hà, TTK Phong Trào Ðấu Tranh cho Tự Do Tôn Giáo và Nhân Quyền...

Trong khí thế  của cao trào đấu tranh đòi hỏi tự do tôn giáo tại quốc nội cũng như ở hải ngoại, lễ giỗ vị mục tử đã vì niềm tin tôn giáo, nhân phẩm và nhân quyền đã can cường đứng lên và đã hy sinh cả mạng sống không chỉ là cơ hội để suy tôn công đức người quá cố mà còn để nói lên quyết tâm của những người tham dự trong nổ lực đẩy xa hơn nữa nghĩa vụ hỗ trợ những vị lãnh đạo tôn giáo và tín hữu đang bị bắt bớ và hành hạ ở quê nhà.

TIỂU SỬ ÐỨC CỐ TỔNG GIÁM MỤC PHILIPPHÊ NGUYỄN KIM ÐIỀN (1921-1988)

(Nhân lễ giỗ lần thứ 13 của Ngài 8/6/88-8/6/2001)

- Ðức TGM Philipphê Nguyễn Kim Ðiền, sinh ngày 13-3-1921 tại Gia Ðịnh

- Chịu chức Linh Mục ngày 21-5-1947 tại Sài Gòn, làm Giáo Sư rồi Giám Ðốc Chủng Viện Thánh Giuse, Sai Gòn.

- 1955, gia nhập Dòng Tiểu Ðệ của Thánh Charles de Foucault, qua Phi Châu sống tập thể với các tu sĩ Dòng tại sa mạc Sahara.

- 1957 trở về Việt Nam phục vụ tại Sài Gòn, Lâm Ðồng, Cần Thơ, sinh hoạt mục vụ với người nghèo trong các xóm lao động, đạp xích lô để tự túc.

- 28-12-1960 được Tòa Thánh Vatican bổ nhiệm làm Giám Mục Cần Thơ (39 tuổi). -Lễ tấn phong tại Sài Gòn ngày 22-01-1961.

- 30-9-1964, làm Giám Quản Tổng Giáo Phận Huế thay thế Ðức TGM Phêrô Ngô Ðình Thục.

- 11-3-1968, chính thức làm Tổng Giám Mục Huế.

- Sau 30-4-1975, ngài tuyệt đối trung thành với Giáo Hội Roma, phản đối chính sách tiêu diệt tôn giáo, nhất là đối với Công Giáo của CSVN. Hai LM Hồ Văn Quý và Nguyễn Văn Lý bị CSVN kết án 20 năm tù vào năm 1977 vì đã phổ biến hai bài phát biểu của Ðức TGM Philipphê Nguyễn Kim Ðiền về "Tự Do Tôn Giáo tại Việt Nam" tố cáo chủ trương tiêu diệt đạo Công Giáo. Năm 1980, trong dịp tiếp các Ðức Giám Mục Việt Nam, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã ca tụng Ðức TGM Philipphê Nguyễn Kim Ðiền là "một người anh hùng".

- 19-10-1983, ngài gởi thư cho LM Nguyễn Thế Vịnh (theo Việt Minh từ 1945) là "Chủ Tịch Ủy Ban Liên Lạc Công Giáo Yêu Nước" địa chỉ 34 Ngô Quyền, Hà Nội, nội dung nói lên lập trường "hiệp nhất" với Giáo Hội Roma và cảnh giác mọi người trước âm mưu lập Giáo Hội Việt Nam "ly khai" với Vatican của CSVN.

- 11-8-1984, ngài gởi thư cho ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ Tịch Quốc Hội CSVN, phản đối việc Công An Bình Trị Thiên đối xử với ngài và LM Nguyễn Văn Lý, là vi phạm điều 10 khoản 7 của Hiến Pháp CSVN.

- Kể từ 5-4-1984, trong suốt 120 ngày, ngài bị Công An tỉnh Bình Trị Thiên "mời" đi "làm việc" (thẩm vấn)... và ra lệnh quản chế, cấm không cho ngài đi ra khỏi chu vi thành phố Huế. -Trước tình thế đó, ngày 19-10-1985, ngài đã viết thư gởi cho giáo dân: "Mai ngày khi tôi bị bắt, tôi xin anh chị em đừng tin một điều tuyên bố nào, dù lời tuyên bố đó mang chữ ký mà người ta gán cho tôi"...

- Ngày 8-11-1985, cảm thấy cái chết có thể đến với ngài bất cứ lúc nào nên ngài đã viết di chúc ngắn để lại cho các Linh Mục: "khuyên các cha hãy trung thành với Hội Thánh và đoàn kết với nhau, sống trọn vẹn bổn phận của chủ chăn nhân hiền"...

- Ngày 25-3-1988, ngài viết một bức thư gởi cho ông Nguyễn Văn Linh, sau khi ông được bầu làm Tổng Bí Thư đảng CSVN và tuyên bố chính sách "đổi mới"... Nội dung bức thư đòi xóa bỏ lệnh quản chế, được phục hồi quyền công dân, được tự do đi lại để thi hành nhiệm vụ Tổng Giám Mục đối với giáo dân Huế và thăm viếng các Giáo Phận khác thuộc Tổng Giáo Phận Huế.

NHỮNG GIỜ PHÚT CUỐI CÙNG VỀ CÁI CHẾT CỦA ÐỨC TGM PHILIPPHÊ NGUYỄN KIM ÐIỀN (Theo sự tìm hiểu của LM Nguyễn Văn Lý, Thư Ký của ngài)

- Cuối tháng 5/1988, ngài đau nặng, xin vào điều trị tại bệnh viện Nguyễn Trãi, Chợ Lớn . Có hai vị Giám Mục đã đến thăm và khuyên ngài nên xin vào bệnh viện Chợ Rẫy để có thể xét nghiệm và làm hồ sơ xin đi chữa bệnh tại Roma. Lúc đó cũng có tin Tòa Thánh đã can thiệp xin cho ngài qua Roma chữa bệnh nên ngài đồng ý xin qua bệnh viện Chợ Rẫy vì hy vọng sẽ được đi Roma trình bày với Ðức Giáo Hoàng tình hình Giáo Phận Huế. Có hai Linh Mục Nguyễn Ðức Vệ và Lê Thanh Hoàng ở Huế đi theo giúp ngài. Các bác sĩ cho biết bệnh của ngài quá nặng, không chữa được nên ngài có ý muốn trở về Huế. Nhưng sau đó có điện tín báo: "Nhà nước đã cho đi chữa bệnh ở nước ngoài, giấy tờ đã xong" nên ngài tiếp tục ở lại bệnh viện Chợ Rẫy.

- Sáng 6/6/1988, hai Linh Mục Nguyễn Ðức Vệ và Lê Thanh Hoàng đều vắng mặt, nhưng người em ruột của ngài là Nữ Tu Nguyễn Thị Thủy thường ở bên cạnh để săn sóc cho ngài. Nữ Tu Nguyễn Thị Quý, Dòng Con Ðức Mẹ Vô Nhiễm Huế xin thay thế Nữ Tu Nguyễn Thị Thủy để săn sóc ngài. Khoảng 10 giờ đến 11 giờ sáng ngày 6/6/1988, lợi dung lúc mọi người vắng mặt, một cô y tá đến trao cho ngài một nắm thuốc. Ngài hỏi cô ý tá: "Cô cho tôi uống thuốc gì vậy?" Cô trả lời: "Nhiệm vụ của ông là phải uống những gì chúng tôi điều trị ông, không được hỏi lôi thôi gì cả". Ngài rất phân vân, cuối cùng ngài bằng lòng uống. Uống xong, ngài cảm thấy rất đau đớn. Ngài hỏi cô y tá: "Cô biết tôi mấy giờ nữa thì chết không?" Cô y tá hốt hoảng và run sợ trả lời: "Con lạy cụ, xin cụ tha lỗi cho con. Việc này là do cấp trên". Ngài trả lời: "Không những tôi tha lỗi cho cô mà thôi, tôi còn tha thứ cho cả cấp trên sai cô làm, tôi tha thứ hết". Sau đó, em ruột ngài vào. Ngài nói với Dì Sáu: "Chén đắng Chúa trao, anh đã uống xong". Dì Sáu (tức Sơ Thủy, em ruột ngài) đi báo cho cô y tá biết: ngài đau đớn lắm. Khoảng 12 giờ 30 trưa, cô y tá đó trở lại cho ngài uống một liều thuốc khác. Sau đó, ngài bị tiêu chảy liên tục cho đến chết, không cầm lại được.

- Khoảng 13 gờ trưa 8/6/1988, ngài bấm chuông gọi cấp cứu, nhưng không có ai đến cả. Vài phút sau ngài qua đời tại lầu 2 Bệnh viện Chợ Rẫy.(Theo tài liệu ghi lại thì ngài qua đời lúc 1 giờ 30 ngày 8 tháng 6 năm 1988 lúc ấy chỉ có Dì Sáu bên cạnh). Ngài qua đời xong, cô y tá gọi điện thoại nói: "Vụ việc đã hoàn thành". Bệnh viện đã mổ ruột của ngài. Bộ ruột nát bầy nhầy khác thường. Bác sĩ tên Bình đã cho thân nhân vào đề nghị không nên đem về nhà nữa. Trong lúc bối rối, không có ai nhận nên bệnh viện đem chôn. Sau đó, cô y tá ấy thanh minh rằng cô không biết vị mà cô cho uống thuốc là ai, và cô đã xin lỗi thân nhân. Xác ngài được liệm trong hòm kẽm, có lồng kính để thấy được mặt. Môi ngài bị tím bầm, mũi trương sình bong bóng máu làm cho giáo dân rất thắc mắc.

Ðức Cố TGM Philipphê là một người trung thành với Giáo Hội, sống cuộc đời đạo đức, thánh thiện, yêu thương mọi người. Ngài là người can đảm dám nói lên sự thật, dám tố cáo âm mưu tiêu diệt tôn giáo của CSVN. Vì thế CS đã áp dụng những hình thức đàn áp dã man đối với ngài như: -ra lệnh quản chế, bao vây, không cho ngài được đi lại thi hành nhiệm vụ Giám Mục đối với con chiên; -bắt buộc ngài phải đến trình diện công an liên tục 120 ngày kể từ 5-4-1984 để trả lời các câu hỏi điều tra của họ. Cuối cùng, CSVN đã đầu độc ngài tại bệnh viện.

Tưởng nhớ đến Ðức TGM Philipphê Nguyễn Kim Ðiền, xin Chúa vì công nghiệp của ngài, ban cho Giáo Hội VN, Giáo Phận Huế và tất cả mọi người được hưởng sự tự do về tôn giáo, nhân quyền được tôn trọng và được hưởng một chế độ tự do dân chủ, hạnh phúc, hòa bình.

 


Back to Home Page