Chuyến viếng thăm Huế "nhớ đời"
của dân biểu Rise (Nauy)
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan
Chuyến viếng thăm Huế "nhớ đời" của dân biểu Lars Rise (Na-uy).
Dân biểu Lars Rise, thuộc quốc hội Na-uy (Bắc Âu), là một người rất quan tâm tới vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam. Chính ông đã gởi thư cho bộ Ngoại giao Việt Nam và đã cùng với 17,000 người khắp thế giới ký kiến nghị ủng hộ cha Nguyễn Văn Lý và giáo xứ Nguyệt Biều. Cha Nguyễn Văn Lý đã biên thư cám ơn ông ngày 22-01-2001.
Ðể nắm tình hình thực địa, ông Lars Rise cùng với một phụ tá và một nữ thông dịch viên đã đến Việt Nam (qua ngã Sàigòn) ngày 7-4-2001. Theo tin chúng tôi nhận được, hôm sau phái đoàn đã đi thăm Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ. Trưa ngày thứ 2, 9-4-2001, ba vị đã đến Huế, ghé tổ đình Từ Hiếu, thăm viếng thượng tọa Thích Thiện Hạnh (Trưởng tăng đoàn Phật giáo Việt Nam Thống nhất kiêm Chủ tịch Ủy ban Liên tôn đòi Tự do tôn giáo) và thượng tọa Thích Thái Hòa, thành viên Ủy ban này. Sau 3 giờ đồng hồ đàm đạo, phái đoàn đã về bãi biển Thuận An, một trong những bãi biển đẹp của miền Trung và thành phố Huế. Mọi sự cho đến đây đều êm xuôi an bình.
Lúc 6giờ rưỡi chiều, trên đường lên lại Huế, ông Lars Rise đã yêu cầu tài xế taxi chở phái đoàn ghé thăm cha Lý tại giáo xứ An Truyền. Lúc xe đi vào đường làng Truyền Nam, thì bỗng nhiên điện trong vùng bị cúp. Nhờ bóng tối, lại nối đuôi một chiếc xe chở cát sạn, chiếc taxi đã lọt qua các trạm kiểm soát, nhất là trạm cuối cùng, đặt tại trụ sở Ủy ban xã Phú An, nằm ngay trên đường dẫn vào nhà thờ giáo xứ.
Chiếc taxi vừa vào đến sân nhà thờ (lúc 7 giờ tối) thì chừng 7-8 công an cán bộ Cộng Sản có mặt bên ngoài nhà thờ ập đến. Số này là những kẻ có nhiệm vụ dự các thánh lễ cha Nguyễn Văn Lý làm để theo dõi và lập biên bản về các bài giảng trong lễ và các bài giáo lý cuối lễ của ngài. Bất chấp phép lịch sự tối thiểu đối với du khách ngoại quốc, mấy tay cán bộ này, với cung cách côn đồ, đã vây lấy ba vị khách và lôi họ đến trụ sở Ủy ban Nhân dân xã. Họ hết sức ngạc nhiên và bàng hoàng trước thái độ đón tiếp như vậy? Chẳng lẽ giáo dân của cha Nguyễn Văn Lý lại như thế? May thay, một số giáo dân cũng ùa ra. Họ vạch mặt mấy tên vô lại: "Ðây không phải giáo dân đâu, cán bộ Việt cộng đó!" Và nhờ đông hơn cũng như quyết liệt hơn, giáo dân đã giải cứu được ba vị khách quý cùng anh tài xế và đưa cả 4 vào nhà thờ tức thì. Thế là mấy tay công an không còn dám vọng động gì nữa.
Lúc ấy cha Nguyễn Văn Lý vừa tráng chén và đang chuẩn bị đọc lời nguyện kết lễ. Nhờ đã được thông báo trước, cha liền vắn tắt giới thiệu khách quý với giáo dân và giáo dân với khách quý. Mọi người vỗ tay reo hò. Kết thúc nghi thức thánh lễ, cha Nguyễn Văn Lý liền dẫn phái đoàn lui sau phòng thánh và vội vàng đưa vào nhà xứ, nằm ngay sau nhà thờ. Tháp tùng bảo vệ 5 vị là 10 giáo dân. Cổng nhà xứ, mới được cha Nguyễn Văn Lý sửa sang thiết kế lại, vừa gài then khóa chốt thì công an cũng lập tức ùa đến. Giáo dân (hơn 600 người) cũng chẳng chịu thua, làm thành nhiều hàng rào vây lấy công an và bao quanh nhà xứ.
Chỉ một lúc sau, lực lượng công an được tăng viện từ trụ sở xã cũng như từ trên Huế, lên tới 100 người. Ðứng đầu là trung tá Pha, trưởng phòng A16 (đặc trách gián điệp & tôn giáo). Công an la to, yêu cầu cha Nguyễn Văn Lý mở cổng và "giao nộp" phái đoàn dân biểu. Giáo hữu át tiếng la bằng cách đọc kinh và hát bài thánh ca "Kinh Hòa Bình" (của thánh Phanxicô Khó nghèo). Việt cộng liền đưa ba (3) loa phóng thanh đến, chơi trò "cả vú lấp miệng em". Họ cũng chuẩn bị thang để leo vào nhà xứ qua hàng rào, hòng bắt cho được mấy "tay ngoại quốc ngang nhiên" coi thường "luật... rừng" của nước CHXHCNVN.
Dù bị áp lực tâm lý nặng nề, ba vị khách ngoại quốc (cô thông dịch viên người Việt cũng từ Na-uy mà đến) vẫn bình tĩnh đàm đạo với cha Nguyễn Văn Lý. Ngài trình bày mọi sự việc, kể từ lúc phát khởi cuộc đấu tranh đòi tự do tôn giáo tháng 11/2000. Kết thúc, dân biểu Lars Rise hỏi cha Nguyễn Văn Lý có yêu cầu gì không? Ngài chỉ yêu cầu hai điều: (1) xin ông dân biểu nói với nhà nước CSVN là hãy để cho người dân Việt Nam được tự do lập các Văn phòng đối lập để đấu tranh chính trị công khai, ôn hòa và bình đẳng với đảng Cộng Sản. (2) đòi hỏi nhà cầm quyền Hà Nội bãi bỏ lệnh quản chế đối với cha cũng như đối với các nhà tranh đấu khác như bác sĩ Nguyễn Ðan Quế, cụ Lê Quang Liêm... Sở dĩ cha Nguyễn Văn Lý đưa ra yêu cầu thứ nhất vì ngài nghe nói một số anh em giáo dân công giáo trí thức tại Sài gòn (như Nguyễn Chính Kết, Ðỗ Hữu Nghiêm, Hồ Minh Ðiệp... toàn là cựu chủng sinh và cựu tu sinh) đã bị công an Cộng Sản thẩm vấn và hình như đã bị giam giữ vì có ý định công khai thành lập Văn phòng Ðối lập để thúc đẩy tiến trình dân chủ thực sự tại Việt Nam. Kết thúc buổi làm việc, ông dân biểu cùng vị phụ tá (cả hai đều theo Tin Lành) đã cùng đứng lên cầu nguyện với cha Nguyễn Văn Lý. Theo nhận xét của ngài, hai vị này rất mộ đạo. Có lẽ vì thế mà họ nhiệt tình dấn thân cho công cuộc đòi tự do tôn giáo tại Việt Nam.
Ðến 21 giờ, cha Nguyễn Văn Lý mở cổng để đưa khách vào lại nhà thờ theo yêu cầu của khách, nhưng Việt cộng không cho, buộc phái đoàn phải đến trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Phú An. Công an xô đẩy, lôi kéo ba bị khách bằng cách túm lấy cổ áo. Riêng anh tài xế taxi thì bị tay cán bộ tên Hồ Ðắc Vĩnh đánh cho hai bạt tai tóe lửa. Rõ ràng là một sự hành hung thô bạo. Giáo dân la ó phản đối để bênh vực cho những vị khách đáng thương đang trải qua một chấn động tâm lý họ chưa bao giờ gặp phải. Họ đi theo khách đến trụ sở Ủy ban và hô to nhiều lần (nhất là các thiếu nhi): "Tự do tôn giáo hay là chết!", "Ðả đảo đàn áp!" Ðối lại, có một nhóm phụ nữ, thân nhân của các cán bộ Cộng Sản thôn Truyền Nam, vừa ném đá vào giáo dân vừa chửi rủa. Ðến khi thấy không thắng nổi các tín hữu, Việt cộng bảo nhóm phụ nữ ấy giải tán thì họ kêu trách rằng: "Thuê người ta đến rồi bảo người ta về!". Phái đoàn dân biểu bị kết "tội vi phạm luật an ninh" vì "dám đi du lịch đến vùng cấm". Sau cùng, Việt cộng xô mạnh 3 vị khách lên xe công an, chở lên tỉnh. Anh tài xế taxi thì bị đuổi về với hai má sưng vù sau khi đã nghe thêm nhiều lời hăm dọa. Sau sự cố này, phái đoàn dân biểu Na-uy nhận thấy được ba điều: (1) dân chúng oán ghét Cộng sản; (2) giáo dân không sợ Cộng sản; (3) giáo dân thương phái đoàn như thương cha sở.
Khi mang dân biểu Lars Rise và người phụ tá lẫn cô thông dịch đi, không rõ Việt cộng còn hành hung họ thế nào. Chỉ biết là hôm sau, 10-4-2001, họ đã bay ra Hà Nội gặp tòa đại sứ Na-uy và tòa đại sứ Mỹ. Cũng từ ngày này, có hai bảng đề chữ "Vùng cấm" bằng tiếng Việt và tiếng Anh được đặt ở ngõ vào giáo xứ An Truyền, nên nhiều xe taxi (chẳng biết chở ai) sau đó đã được các trạm gác "mời đi lui".
Một cuộc tổng khủng bố:
Ngoài sự cố nói trên, công an Cộng Sản Việt Nam đang tung ra một chiến dịch khủng bố tinh thần mọi thành phần dân Chúa tại giáo phận Huế. Kẻ xông xáo nhất trong vụ này là tay trung tá Phạm Ðức Thuận, phó phòng A16. Anh ta cùng tay chân đi gặp nhiều chức sắc trong hàng ngũ giáo sĩ Huế, xuyên tạc công cuộc đấu tranh cho tự do tôn giáo và nhân quyền của cha Nguyễn Văn Lý cũng như các bạn của ngài là một hoạt động chính trị đơn thuần, mang màu sắc đảng phái. Luận điệu cổ điển đó khiến không ít vị hoảng hốt, nhưng phần lớn chẳng để mình bị mắc lừa. Ngoài ra, công an còn bố trí người canh gác theo dõi các dòng tu, cắt điện thoại, phá điện thư, dọa sẽ vào kiểm soát các máy vi tính và kiểm soát emails của các cộng đoàn. Những nơi nào trước đây có nhiều liên lạc với cha Nguyễn Văn Lý, cha Nguyễn Hữu Giải, cha Phan Văn Lợi thì được "chiếu cố" kỹ hơn. Nhưng các tu sĩ đã khẳng khái trả lời với công an: "Thư tín, dù là thư tín điện tử, vẫn là một bí mật không ai có quyền xâm phạm. Nhà nước muốn soát nhà, kiểm tra máy móc của chúng tôi thì phải có bằng cớ là chúng tôi đã vi phạm. Mà để có bằng cớ vi phạm, công an phải làm việc với chúng tôi đã. Sau khi đã làm việc với kết luận vi phạm rõ ràng, phải có lệnh của toà án, mới được phép khám xét nhà người ta!"
Song song đó, một bộ phận công an khác, đứng đầu là thiếu tá Nguyễn Văn Hòa, phó công an thành phố Huế, thay phiên nhau khủng bố tinh thần giáo dân ở Nguyệt Biều, đặc biệt là 42 giáo dân đã từng ký tên chung với cha Trần Văn Quý và Nguyễn Văn Lý vào việc đòi lại ruộng của giáo xứ. Những giáo dân đã tỏ ra can trường qua vụ nhà nước tháo dỡ 3 bảng hiệu ở tháp chuông nhà thờ, đúc bêtông con mương thủy lợi ngang qua đất nhà thờ, lột bỏ các tờ ghi điều 18-19 Công ước 1966, cũng bị gọi đi "làm việc" (thẩm vấn) liên miên. Những ai là công nhân viên nhà nước thì đều bị hăm dọa đuổi việc. Cho đến nay, tất cả đã vững vàng, nhờ thực hành ba bí quyết mà hai vị chủ chăn của họ đã dạy: (1) không sợ hãi, (2) không nhận tội (dù là nhận một vi phạm nhỏ), (3) kiên trì chịu đựng. Riêng em Hoàng Trọng Dũng, tân tòng, học sinh lớp 12, một thanh niên rất khí phách và đã phải nếm đủ mùi gian khổ có lập trường 4 không: "không nói, không viết, không ký và... không sợ!"
Cha Phêrô Phan Văn Lợi, thì sau 3 ngày "tịnh khẩu" tại trụ sở công an thành phố Huế, đến nay đã nhận được 4 "giấy triệu tập" (trước đây là "giấy mời") ghi ngày 7, 8, 9 và 11-4-2001, nhưng ngài vẫn nhất quyết không chấp hành. Trước lời hăm dọa của công an: "Là công dân, anh phải thi hành mệnh lệnh của nhà nước, của cơ quan an ninh, không thì sẽ phải chịu mọi hậu quả và bị xử lý nặng hơn", cha Lợi trả lời: "Tôi nhất định không chấp hành những mệnh lệnh mang tính đàn áp. Các anh chỉ còn có một việc là bắt tôi, và tôi sẵn sàng bị bắt bất cứ lúc nào. Tôi ‘làm việc’ với các anh đã hơn một tháng rồi (từ 8-3-2001), chẳng có gì để nói. Tôi sẽ không bao giờ đi ‘làm việc’ nữa. Ngang nhiên đòi thẩm vấn tôi ngay trong Tuần thánh thiêng liêng này, các anh quả là hết sức khinh mạn tôn giáo!". Kể từ lần triệu tập cuối cùng này, lúc nào cha Phan Văn Lợi ra khỏi nhà thì cũng có một viên công an kè kè bên cạnh (trước đây thì theo dõi xa xa phía sau).
Phóng viên tường trình từ Huế