Linh mục Phan Văn Lợi
tiếp tục bị công an thẩm vấn
Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan
Ngày 26-3-2001, cha Phan Văn Lợi tiếp tục bị công an thành phố Huế mời đến số 42 (số mới là 52) đường Hùng Vương để "làm việc" (thẩm vấn). Mở đầu, viên trung tá Phạm Ðức Thuận hỏi:
"Chúng tôi biết ông Lý và anh có liên lạc với một số tổ chức phản động nước ngoài và xúi giục kích động một số người trong nước đứng ra thành lập liên minh dân chủ để làm lực lượng đối lập với nhà nước. Có đúng thế không?"
Cha Phan Văn Lợi đáp:
"Vấn đề này do anh đặt ra, vậy yêu cầu anh cho bằng chứng!"
"Bằng chứng ở trong đầu óc anh chứ ở đâu! Chúng tôi mời anh đến đây để anh thực hiện nghĩa vụ công dân là thành thực khai báo những việc anh làm trước cơ quan an ninh"
"Nguyên tắc pháp luật là phải có bằng chứng! Vậy các anh có những bằng chứng nào: hình ảnh, băng cassette, băng vidéo?"
"Bằng chứng ở nơi con người anh, là sự thành khẩn sám hối của anh trước việc phản dân hại nước mình đã làm!"
Thoáng thấy trong xấp hồ sơ trước mặt (mà anh Thuận ngồi đối diện đang hé mở) một xấp giấy viết tay, mỗi tờ đều có tiêu đề "emails ngày..." và tiếp đó là nội dung của các emails, cha Phan Văn Lợi bèn nói:
"Những tin tức anh dựa vào việc đọc lén emails là vô giá trị. Emails có thể thật mà cũng có thể giả. Hai lá thư giả lấy tên Thượng tọa Thích Thiện Hạnh là một bằng cớ! Tôi không trả lời! Các anh vi phạm bí mật thư tín mà Hiến pháp quốc gia, Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền 1948 cũng như Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị 1996 có ghi rõ!"
"Cơ quan an ninh có quyền theo dõi những thư từ, emails, điện thoại liên quan tới hoạt động của những ai chống phá cách mạng, làm thiệt hại đến quyền lợi quốc gia dân tộc, cõng rắn cắn nhà gà, rước voi về dày mả tổ!!!"
"Làm thiệt hại đến quyền lực độc tài của đảng cộng sản thì có. Các anh đừng đồng hóa dân tộc với đảng. Kiểu đó chẳng còn lừa bịp được ai"
"Ông Lý và anh chỉ dùng việc đòi đất đai như một cái cớ, đòi tự do tôn giáo như một vỏ bọc, thực chất là các anh làm chính trị, nhằm lật đổ chế độ này!"
"Xin nói lại một lần nữa cho anh rõ, linh mục chúng tôi không làm chính trị, giáo luật không cho phép. Chúng tôi chỉ làm ngôn sứ, tranh đấu ôn hòa cho tự do tôn giáo và tự do dân chủ. Hai cái này đi liền với nhau. Quyền làm người và quyền sống đạo liên hệ với nhau chặt chẽ. Vì thế, như hòa thượng Thích Quảng Ðộ trong Lời kêu gọi dân chủ cho Việt Nam, như thượng tọa Thích Thái Hòa trong bản điều trần gởi Ủy hội Tự do Quốc tế, như bác sĩ Nguyễn Ðan Quế, như cụ Lê Quang Liêm... cha Nguyễn Văn Lý và tôi ủng hộ những ai và những tổ chức nào, ở bất cứ nơi đâu, dùng phương pháp bất bạo động và đấu tranh chính trị để đòi hỏi nhân quyền dân chủ và đa nguyên đa đảng cho Việt Nam. Phải đa nguyên, đa đảng thì mới có dân chủ thật sự, như tại hầu hết các nước văn minh trên thế giới. Ngay trong đảng Cộng Sản, có nhiều đảng viên cũng thấy đó là một nhu cầu cấp thiết để đảng Cộng Sản Việt Nam tự thanh tẩy và đất nước tiến bộ, ví dụ ông Nguyễn Vũ Bình, tướng Trần Ðộ, ông Hà Sĩ Phu, giáo sư Nguyễn Thanh Giang... Chế độ này có năm thứ độc quyền mà chúng tôi không thể chấp nhận: đó là độc quyền về tư tưởng (chủ nghĩa Mác-Lênin là hệ tư tưởng chính thống), độc quyền về chính trị (đảng Cộng sản là tổ chức lãnh đạo duy nhất), độc quyền về thông tin (mọi phương tiện truyền thông đều là công cụ của nhà nước), độc quyền về giáo dục (các tôn giáo với tư cách tôn giáo không được góp phần vào việc đào tạo các thế hệ trẻ từ cấp 1 đến đại học), và cuối cùng là độc quyền về pháp luật (không có tam quyền phân lập như tại các nước dân chủ văn minh; tư pháp, lập pháp, hành pháp đều nằm trong tay đảng Cộng sản). Năm thứ độc quyền đó làm cho đất nước không thể đi lên, gây bao bất công đàn áp... Còn với tư cách linh mục, thì chúng tôi có bổn phận nhắc nhở, mời gọi các giáo dân Công giáo đóng vai trò của họ giữa đời là thực hiện nghĩa vụ công dân, mà cụ thể lúc này là tìm cách đấu tranh chính trị cách công khai và dân chủ với đảng Cộng Sản. Tổ chức chuyện đấu tranh này như thế nào là việc của họ, những người ở giữa thế gian. Các anh không nên gán ý đồ và tham vọng chính trị cho giới linh mục chúng tôi!".
Ngày 29-3-2001. Anh Nguyễn Trân và một anh công an mới (không rõ tên tuổi, cấp bậc và chức vụ) đưa cho linh mục Phan Văn Lợi xem một tài liệu là "Bản tin ngày 25&27/03/2001" (trong đó có lá thơ của giáo dân Nguyệt Biều kể vụ công an lột bỏ các tờ giấy ghi điều 18&19 Công ước quyền dân sự được giáo dân dán ở nhà thờ, bài tường trình của một chứng nhân về vụ nhà nước làm lễ động thổ xây dựng khu vui chơi giải trí Thủy Tiên-Thiên An, cũng như bài thơ "Lời Chúa không bị ràng buộc" của cha Phan Văn Lợi). Ðầu đề tài liệu có dòng chữ: "Xin gởi đến quý vị bản tin cho linh mục Phan Văn Lợi chuyển ra". Hai anh công an hỏi:
"Tại sao anh không khiếu nại các vấn đề trên với phòng tiếp dân, với báo đài trong nước, với các cơ quan có thẩm quyền mà lại tung ra ngoại quốc qua email?"
Linh mục Phan Văn Lợi đáp:
"Về vụ chiếm đất Thiên An, thì các đan sĩ đã trình bày vấn đề với các cơ quan có thẩm quyền từ tháng 7 năm ngoái (2000) và qua năm lần bảy lượt, nhưng nhà nước có giải quyết gì đâu! Hôm 27-3-2001 mới rồi, công ty Du lịch Cố đô, với sự đồng ý cũng như sự hiện diện của nhà cầm quyền, đã ngang nhiên làm lễ động thổ tại hồ Thủy Tiên, dưới sự bảo vệ của một lực lượng công an đáng kể. Các thầy dòng đã chứng kiến sự việc với tất cả sự bức xúc và ngao ngán. Trình bày và khiếu nại sự việc cho báo đài ư? Báo đài ở Việt Nam đều là công cụ của Ðảng cả mà! Bao giờ có báo chí, đài phát thanh phát hình tư nhân trên đất nước này thì chúng tôi sẽ góp ý"
"Vụ Thiên An chưa giải quyết chứ chẳng phải là không giải quyết. Anh và tay nhân chứng nào đó tung tin như thế là tuyên truyền, bịa đặt, vu khống, xuyên tạc, nói xấu nhà nước (cả một lô danh từ đao to búa lớn)"
"Lương tâm các anh cho phép các anh nói như thế sao? Sự việc sờ sờ ra đó, chính truyền hình nhà nước cũng đã loan tin mà!"
"Ðất đai thuộc quyền Nhà nước! Nhà nước làm gì cũng vì dân, cho dân (!?), cũng vì lợi ích của nhân dân!"
"Nói khéo nhỉ! Vì lợi ích của nhân dân hay vì lợi ích của một số người trong đảng tại Huế, như lời các tu sĩ tố cáo?"
Kể từ ngày 4 đến ngày 6 tháng 4/2001, cha Phan Văn Lợi vẫn đến đồn công an thành phố, nhưng quyết định giữ im lặng hoàn toàn, sau khi đã viết một bản tuyên bố (trao cho nhân viên thẩm vấn), nội dung như sau:
"Tôi, linh mục Phan Văn Lợi tuyên bố rằng: (1) Những gì cần khai báo thì tôi đã khai báo đầy đủ. (2) Những ý kiến lập trường cần bày tỏ thì tôi đã bày tỏ rõ ràng. (3) Emails không có giá trị pháp lý, vì có thể thật cũng như có thể giả. Ðọc lén email là xúc phạm quyền bí mật thư tín đã nói đến trong Hiến pháp và Công ước quốc tế nhân quyền. (4) Hạch sách tôi về chuyện gởi email là vi phạm quyền tự do ngôn luận và tự do thông tin, dựa trên điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Vì thế tôi sẽ im lặng để phản đối chuyện áp bức một công dân và đàn áp tôn giáo qua một linh mục là tôi"
Trong lúc cha Lợi ngồi im lặng như một pho tượng, thì các công an thẩm vấn thay phiên nhau dụ dỗ rồi hăm dọa. Họ khuyên lơn cha Phan Văn Lợi hãy "phấn đấu" (nghĩa là "thành khẩn khai báo", "ăn năn sám hối tội lỗi", "chấm dứt mọi việc làm vi phạm pháp luật nhà nước"...) để được đi làm mục vụ và sống đời thong dong sung sướng như bao linh mục khác, kẻo lại sa vào vòng lao lý tù tội như trước đây. Cha Phan Văn Lợi nghĩ thầm trong lòng: "Tiếc quá! Chẳng có bài thơ "Ta không có gì để xin..." để tặng các anh tại đây!"
Chiều ngày thứ 6, 6-4-2001, công an buộc linh mục Phan Văn Lợi phải đi "làm việc" (thẩm vấn) ngày thứ 7, 7-4-2001, là ngày nghỉ hàng tuần theo luật định, vì đã "thiếu thiện chí" trong những ngày vừa qua. Cha Phan Văn Lợi bèn viết một tờ giấy yêu cầu nghỉ ngày thứ bảy và nghỉ cả tuần từ 9 đến 14 tháng 4/2001 là Tuần Thánh của đạo Công giáo, tuần lễ quan trọng nhất trong năm đối với Kitô hữu, để chu toàn các bổn phận thiêng liêng. Anh Thuận trả lời:
"Ngày mai, thứ bảy, anh phải tới "làm việc", dù mọi người khác được nghỉ. Ngoài ra, không có bổn phận thiêng liêng nào quan trọng bằng bổn phận của người công dân đối với nhà nước, bằng bổn phận khai báo trước cơ quan công an!"
"Tôi nhất định không đi! Các anh có muốn bắt thì bắt. Bắt cha Nguyễn Văn Lý hơi khó vì có 800 bổn đạo bảo vệ ngài. Bắt tôi thì dễ hơn, vì bên cạnh tôi chỉ có cha mẹ già của tôi và một đứa em gái".
Công an tiếp tục sách nhiễu giáo xứ An Truyền và Nguyệt Biều:
Như trong các biên bản số 9, 10 và 11 do linh mục Nguyễn Văn Lý lập, các cán bộ nhà nước như Phan Văn Quang, phó chủ tịch UBND huyện Phú Vang, Ðặng Công Diệu, chủ tịch UBND xã Phú An cùng toàn bộ 2 UBND và nhiều công an tỉnh, huyện, xã đã ra văn thư kết tội Hội đồng giáo xứ An Truyền là đã vi phạm nghị định 26/CP về hoạt động tôn giáo khi nâng cấp nhà xứ An Truyền (nhà trệt thành lầu một tầng) Họ buộc HÐGX phải đình chỉ việc nâng cấp (mà thực ra nghị định không hề cấm cản). Ðể hữu hiệu, họ còn hèn hạ sách nhiễu, cấm đoán, hăm dọa các thợ nề, thợ đóng "cốp pha", tài xế chở vật liệu xây dựng mà không dám trực tiếp gặp cha Nguyễn Văn Lý để bắt bẻ. Vì sợ bạo quyền, các thợ chuyên nghiệp này phải rút lui. Dù vậy, giáo dân vẫn bất chấp lệnh cấm phi lý nói trên. Thành ra suốt ngày chúa nhật 1/4/2001, toàn thể giáo xứ già trẻ lớn bé đã dốc toàn lực đổ bê tông mái bằng cho tầng lầu. Chiều đến, hoàn thành công việc, cha sở cùng đoàn chiên đã hân hoan bên nồi bún to tướng (cho người lớn) và thùng cà-rem vĩ đại (cho trẻ em) trước con mắt hằn học của nhiều cán bộ. Cha Nguyễn Văn Lý nhắn với người của nhà nước:
"Nghị định trung ương đã khắt khe rồi, mà quyết định của địa phương càng khắt khe hơn!"
Trong lúc đó, tại Nguyệt Biều, công an tỉnh Thừa Thiên, công an thành phố Huế và công an xã Thủy Biều đã triệu tập 5 thành viên thuộc Hội đồng Giáo xứ và 2 giáo dân trong nhiều ngày với nhiều hăm dọa (bảy người này là những anh chị em giáo dân đã can đảm đương đầu với bạo quyền Cộng Sản). Lý do là vì giáo xứ đã nhất quyết không để cho nhà cầm quyền lột các tờ giấy có ghi điều 18 và 19 trong Công ước Quốc tế về các quyền nhân sự và chính trị (năm 1966). Hai bên đã giằng co nhau ít nhất 4 lần về chuyện này (xin xem lại biên bản số 7 và 8 mà cha Nguyễn Văn Lý đã lập). Chính thiếu tá Nguyễn Hòa, phó đồn công an thành phố (một bản tin trước đây gọi nhầm là trung tá) đã nói với giáo dân Nguyệt Biều:
"Tụi bây đừng có mơ tụi tao sụp đổ. Giả như tụi tao có sụp đổ, thì trước đó, tụi tao đã làm cỏ tụi bay hết rồi".
Lời hăm dọa này cho thấy có thể nhà cầm quyền Cộng Sản đang có một kế hoạch bí mật nhằm thủ tiêu những ai lên tiếng đòi hỏi tự do tôn giáo và nhân quyền, một khi Cộng Sản thấy nguy cơ sụp đổ đến gần. Trước mắt, trong số 7 giáo hữu nói trên, có 3 là công nhân nhà máy xi măng Long Thọ có nguy cơ bị mất việc làm.
Tưởng cũng nên nhắc lại là sau lần thất bại cuối cùng trong việc gỡ các tờ giấy về nhân quyền tại Nguyệt Biều, nhà cầm quyền đã thuê một lũ côn đồ tối hôm đó đến ném đá vào nhà thờ, đài Ðức Mẹ, nhà của ông Lê Diệu (nguyên chủ tịch HÐGX) trong khoảng chừng một giờ. Ðến khi cha quản xứ Trần Văn Quý, nghe điện thoại báo động của giáo dân, lên tại hiện trường lúc 10 giờ đêm, bọn côn đồ mới chịu tháo lui.
Riêng về phần cha Nguyễn Văn Lý thì ngày càng được nhiều người thăm viếng, mà đặc biệt là các giáo dân và lương dân. Họ là nạn nhân thường nhật của chế độ áp bức này, họ thấm thía trong da thịt và trong gia đình lối cai trị nghiệt ngã và điều hành kinh tế tồi tệ của Cộng Sản, nên đã bày tỏ sự phản kháng bằng cách đến thăm con người đã và đang can đảm, thẳng thắn nói thay cho họ, tố cáo thay cho họ.
Phóng viên tường trình từ Huế