HANOI (VB) - 18/03/2001 - "Con Cọp Không Gầm Rống Nổi" - đó là nhan đề một bài bình luận trên tờ Asian Wall Street Journal hôm Thứ Sáu 16/3/2001, nội dung cho thấy viễn tượng Việt Nam khá bi đát. Dưới đây là bản dịch tóm lược.
Sau ba năm lơ lửng, Việt Nam mới cho thấy dấu hiệu hồi phục kinh tế năm ngoái (năm 2000) - và có lẽ đó là điều bất hạnh. Quá khứ cho thấy là các lãnh tụ Cộng Sản Việt Nam nhiều phần sẽ có những quyết định quyết liệt ảnh hưởng với sự thịnh vượng lâu dài khi bị áp lực. Với tình hình kinh tế dễ thở hơn, Ðại Hội 9 của Ðảng Cộng Sản Việt Nam, dự kiến họp tháng tư năm 2001, sẽ ít thấy hứng thú để cải tổ kinh tế và mở cửa ra cho các tiềm năng.
Chính hồi Ðại Hội 6 năm 1986, Hà Nội vẫn còn bị Mỹ cấm vận và sự hỗ trợ từ Nga đang nhỏ dần, lúc đó mới hủy bỏ việc trung ương hoạch định kinh tế để nhường chỗ cho kinh tế thị trường và mở cửa với thế giới bên ngoài. Các tiến bộ lúc đầu thật đặc biệt, đưa ra mong đợi rằng Việt Nam sẽ vào chung hàng với các nền kinh tế năng động từng tạo ra cái gọi là phép lạ Ðông Á. Việt Nam lúc đó được ca ngợi là con hổ tương lai.
Nhưng với các chế độ Cộng Sản các nơi sụp đổ hàng loạt, Cộng Sản Việt Nam mới lạnh cẳng. Và với viện trợ quốc tế và đầu tư nước ngoài tuôn chảy vào, sự khẩn cấp của cải tổ kinh tế đã nhường chỗ cho ưu tiên ổn định chính trị và tự bảo thủ. Hà Nội bác bỏ việc du nhập hệ thống đa đảng và, cách rời việc tiếp tục chương trình đổi mới, đã làm trì trệ nỗ lực tái cấu trúc, trì trệ các kế hoạch tinh giản và bán các hãng quốc doanh thua lỗ.
Cải tổ vẫn chưa chết, nhưng nó chỉ xảy ra khi cái nhà nước Cộng Sản Việt Nam lo thực hiện ở mức độ lơ lửng trong khi giảm tối đa cơ nguy liên hệ tới sự tự do hóa nhiều hơn. Thí dụ, năm ngoái, Việt Nam ký thương ước với Mỹ sau 4 năm thương thuyết, và mở thị trường chứng khoán đầu tiên tại Sài Gòn, 1 bước đã bàn thảo từ gần 10 năm.
Nền kinh tế chuyển tiếp đã cho đủ sự thịnh vượng để biến tham nhũng thành nguy cơ lớn, bất kể các vụ án làm ầm ĩ và trừng phạt nặng nền vài phạm nhân, nhưng không đủ đưa Việt Nam tới giai đoạn phát triển kế tiếp và ngang hàng các lân bang. Theo một ước lượng, với tốc độ hiện nay thì Việt Nam phải mất tới 25 năm mới bắt kịp Thái Lan, một nước mà khó xem được là khuôn mẫu từ khi bị khủng hoảng kinh tế khu vực đánh cho tơi tả năm 1997-1998. Và hố ngăn cách lớn hơn giữa Việt Nam và các nước phát triển như Singapore, nước đang đầu tư nhiều vào kỹ thuật tương lai, thấy rõ là càng lúc càng xa (càng lúc càng thua Singapore).
Những thành đạt ban đầu của Việt Nam đã xài cạn năm 1996, trước khi khủng hoảng khu vực xảy ra. Việt Nam có liền ba năm giảm phát và mức tăng kinh tế trong khoảng 3.5% tới 4.5%, đủ để ghìm cuộc suy thoái ở mức thấp, cho tới khi mọi thứ khấm khá chút đỉnh năm ngoái. Ngân Hàng Thế Giới WB ước tính rằng 37% dân số Việt Nam sống dưới mức nghèo đói, và 60% lực lượng lao động, tức 25 triệu người, thì đang thất nghiệp hoặc là làm việc dưới trình độ của mình. Khoảng 1.2 triệu việc làm phải tạo ra mỗi năm chỉ để vưà đủ cung ứng việc cho các thanh niên tốt nghiệp.
Các dự án giải tư đã trì trệ, mặc dù tiến trình này thường liên hệ tới việc lập công ty này thành 1 công ty tư, và chuyển cổ phần sang cho ban quản trị và nhân viên, với nhà nước vẫn giữ số lượng cổ phần lớn. Chỉ có 540 trong 1,000 hãng quốc doanh được đề nghị giải tư (cổ phần hóa) giữa các năm 1992 và 2000 được thực sự giải tư. Ðầu tư ngoại quốc được chấp thuận đã giảm còn 2 tỉ đô năm ngoái (một cách giả tạo được bơm phồng lên bởi giờ chót cho gộp vào luôn dự án dầu khí 1.1 tỉ đô còn đầy dấu hỏi) từ mức 9.3 tỉ đô năm 1996.
Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF đã ngưng chương trình điều chỉnh cơ cấu năm 1996 sau khi Hà Nội không giữ đúng chương trình cải tổ. Các nước cấp viện cũng nói về việc gài điều kiện vào viện trợ, tập trung giảm tham nhũng, tăng tốc giải tư và khuyến khích tư doanh. Nhưng các nước cấp viện vẫn rộng rãi, hứa cấp 2.4 tỉ đô năm ngoái, giảm chút đỉnh từ 1999, nhưng vẫn vượt xa đầu tư nước ngoài.
Với nhà nước xài tiền thoải mái, hầu hết người Việt thành thị thấy khá hơn 5 năm trước. Mặc dù thu nhập nông nghiệp đã giảm vì giá gạo và cà phê sụt, vẫn bù lại nhờ tín dụng được chính thức cấp cho nông thôn. Hàng rẻ đổ vào ào ạt từ Hoa Lục, mọi thứ từ đồ gia dụng cho tới trứng gà, làm dân đỡ khổ nhưng lại đang phá hoại các hãng quốc doanh địa phương.
Hơn 13,500 hãng tư Việt Nam đăng ký năm ngoái, nhờ luật mới gỡ bỏ nhiều thủ tục hành chánh. Du lịch đang tăng vọt, trong khi Việt Kiều gửi về nước 2 tỉ đô mỗi năm. Một bản nghiên cứu độc lập ghi nhận, "Không khí trên phố xá Việt Nam tươi vui hơn. Nhu cầu nội địa tại các thành thị đang mạnh mẽ," với, thí dụ, con số kỷ lục 1.5 triệu xe gắn máy mới tinh vừa bán được năm ngoái - mỗi chiếc trị giá gấp 4 tới 6 lần mức thu nhập trung bình cả năm (mỗi đầu người).
Tuy nhiên, dưới bề mặt là cả lô hầm hố nguy hiểm. Thí dụ một chuyện: Việt Nam sụt xuống hàng thứ 53 hồi năm ngoái, từ hạng 48 trong năm 1999, trong số 59 nước ghi trong bản tường trình về tính cạnh tranh toàn cầu của World Economic Forum. Thí dụ khác: Việt Nam đứng hàng thứ 76 trong 90 nước trong Chỉ Số Tham Nhũng 2000 in bởi Transparency International, còn thua cả những nước mạt hạng quốc tế như Zimbabwe.
Một trong bốn công tác chính của Ðại Hội 9 là tìm chiến lược kinh tế xã hội lâu dài. IMF, WB và hầu hết những người chỉ trích và thân hữu của Việt Nam đều đồng ý rằng Hà Nội cần phải gạt bỏ nỗi sợ mất quyền để đẩy mạnh cải tổ đợt nhì. Nhưng với các lãnh tụ già lão hiện nay đang thấy "đổi mới đợt 2" nguy hiểm hơn hiện tình, như nhà phân tích Carl Thayers ghi nhận, thì Việt Nam như dường vẫn cứ là con cọp không gầm rống nổi.
Chỉ tội nghiệp cho đồng
bào chúng ta.