WASHINGTON (VB) - 13/03/2001 - Hơn 10,000 đồng bào Thượng đã xuống đường biểu tình tại thị xã Ban Mê Thuột hôm Thứ Hai 12/03/2001. Tin này do Ðài Á Châu Tự Do RFA từ thủ đô Washington DC loan đi.
Bản tin Ðài RFA vào lúc 21:00 giờ đêm ngày 12/3/2001, đã loan cuộc phỏng vấn một lãnh tụ người Thượng đang về Washington biểu tình, và được cho biết như trên. Theo tin này, một cú phone từ ban tổ chức biểu tình gọi từ Việt Nam sang North Carolina cho lãnh tụ này đêm ngày 12/03/2001, nói rằng cuộc biểu tình bắt đầu lúc 9:30 giờ sáng Thứ Hai 12/03/2001 và cho đến đêm vẫn chưa chịu giải tán.
Mục tiêu những người biểu tình lần này cho biết tập trung vào ba điểm: đòi nhân quyền, đòi tự do tôn giáo, và đòi đất đai.
Nhắc lại, nhà nước Cọng Sản Việt Nam hôm Thứ Ba 6/03/2001 đã tung ra một chiến dịch tuyên truyền mới, chia 75,000 đô la nhằm vào 3 tỉnh và 16 huyện để chiêu dụ đồng bào Thượng sau đợt biểu tình hàng chục ngàn người hồi đầu tháng Hai năm 2001. Nhà nước cũng sẽ cấp xe và mở nhà in cho bốn tỉnh Ðắc Lắc, Gia Lai, Kontum và Lâm Ðồng để kêu gọi dân đừng chống lại nhà nước Cọng Sản Việt Nam. Tuy nhiên, không nghe Hà Nội nói gì về các đòi hỏi nhân quyền và tôn giáo của đồng bào Thượng.
Bản tin trong tháng 2/2001 của trang web Montagnard-foundation.org từ Hoa Kỳ của những người Thượng tị nạn Cọng Sản cho biết rằng Cọng Sản Việt Nam đã đàn áp tàn bạo cuộc biểu tình ôn hòa đầu tháng Hai năm 2001, đến nổi bây giờ vẫn chưa dám cho ký giả quốc tế tiếp xúc những người biểu tình.
Lúc đó, "quân đội Cọng Sản Việt Nam ra thiết quân luật vùng Cao Nguyên và gửi xe tăng, bộ binh và trực thăng để đàn áp cuộc biểu tình ôn hòa thực hiện kiểu Gandhi..."
Ở đoạn khác, trang web này kể về việc Cọng Sản Việt Nam trả thù rằng: "Nhiều người Thượng kinh sợ tới không dám mặc trang phục truyền thống hay nói tiếng Thượng trên đường phố vì sợ bị đánh. Thí dụ: Y-Ni Nie đã bị một nhóm người bao vây đánh tệ hại tới bất tỉnh giữa phố chỉ vì nói tiếng Thượng. Người Thượng hiện bị giam tại các buôn làng của chính họ. Nhà cầm quyền Cọng Sản Việt Nam đã bao vây hầu hết các làng Thượng ở Lâm Ðồng, Daklak và Gia Lai bằng xe tăng và bộ binh. Bộ đội và công an đã đào chiến hào và hố chiến đấu quanh các làng Thượng để giữ mọi người bên trong. Nhà nước không bán gạo và muối cho dân Thượng. Dân chúng tôi kêu khóc với chúng tôi rằng phụ nữ và trẻ con sẽ là những người đầu tiên chết vì đói và họ cần giúp đỡ."
Một số phóng viên
quốc tế tại Việt Nam đang hy vọng
được lên thăm vùng Tây
Nguyên để tìm hiểu sự thực.