Bài suy niệm của Ðức Cha G.B. Bùi Tuần
Giám mục Long xuyên
dịp Ðầu Năm Tân Tỵ 2001

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Bài suy niệm của Ðức Cha G.B. Bùi Tuần, Giám mục Long xuyên, dịp Ðầu Năm Tân Tỵ 2001.

 Dịp Ðầu Năm mới Tân Tỵ, nhận được bài suy niệm của Ðức Cha G.B. Bùi Tuần, Giám mục Long xuyên, chúng tôi xin kính gởi các thính giả thân mến của Ðài Chân Lý Á Châu, như những lời chúc tốt đẹp nhất của Năm mới Tân Tỵ : "Ta sẽ ở với các con mọi ngày cho đến tận thế". Có Chúa, là có mọi sự, có hạnh phúc thật, có an vui thật, dù gặp những nghịch cảnh, dù phải sống trong những giờ phút khó khăn.

 Chúng con xin hết lòng cảm ơn sự cộng tác chân thành và sự nâng đỡ quí báu của Ðức Cha. Năm mới, chúng con xin kính chúc Ðức Cha vạn an vạn phúc trong Chúa. Trong dịp Ðầu năm mới, chúng con xin kính chúc Ðức Hồng Y Chủ tịch HÐGM Việt nam, các Ðức TGM và các Ðức Giám mục một Năm tràn đầy ơn thánh Chúa, để hướng dẫn, với nhiều can đảm và hăng say, Giáo hội Việt nam trong việc mở rộng Nước Chúa, theo giáo huấn của Tông huấn sau Thượng Hội đồng Giám mục thế giới về Á Châu: "Ecclesia in Asia" (Giáo hội tại Á Châu), đã được ÐTC công bố tại New Delhi đầu tháng 11 năm 1999 và theo chỉ thị mới đây của Vị Chủ chăn toàn Giáo hội nhắc lại trong ngày bế mạc Ðại Toàn xá của năm 2000: "Duc in altum, hãy tiến ra khơi!".

 Sau đây là nguyên văn bài suy niệm của Ðức Giám mục, với tít đề "XUÂN và BIỂN":

 Mọi năm, dịp Xuân về, tôi hay đi thăm. Tôi thấy các nhà đều trang trí, các con đường đều được dọn dẹp. Ðâu cũng hoa. Hoa thiệt và hoa giả.

 Năm nay, dịp Xuân về, tôi thích lặng lẽ. Tôi ngắm nhìn những gì không trang trí được. Biển là một cảnh như thế. Biển thô sơ, không thể trang trí, nhưng nó rất đẹp, bao la bát ngát, hùng vĩ và mầu nhiệm. Nhìn ngắm Biển để thấy được rằng: Nhiều cảnh không trang trí được mà vẫn đẹp. Hơn nữa, nếu được trang trí, nó vẫn thô sơ và đồ trang trí sẽ bị coi là dư thừa, lạc lõng.

 Năm nay, dịp Xuân về, Biển còn là một gợi nhớ quan trọng. Tôi nhớ về những cơn giông bão năm vừa qua. Trước bão là phòng chống. Sau bão là khắc phục. Nhưng thách đố vẫn còn đó. Giông bão hữu hình là những biến cố bất ngờ đáng ngại. Giông bão vô hình là những biến cố bất ngờ còn đáng sợ hơn.

 Năm nay, dịp Xuân về, Biển còn gợi thêm cho tôi nghe tiếng Chúa gọi "ra khơi trong năm Tân Tỵ này". Biển khơi mà Chúa chỉ cho tôi thấy là xã hội và những con người Việt nam, năm Tân Tỵ này.

 Biển khơi này là biển khơi mênh mông, luôn chuyển biến. Nhiều người sẽ ngại ra khơi này, để đánh cá, vì họ sẽ về tay không. Hơn nữa, họ sợ có thể bị chết chìm. Thế mà, Chúa truyền cho tôi: hãy cứ ra khơi thả lưới.

 Tôi đọc lại bài Phúc Âm Luca: "...Chúa Giêsu bảo ông Simon: Hãy chèo ra chỗ sâu mà thả lưới bắt cá. Ông Simon đáp: Thưa Thầy, chúng con đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới". Họ đã làm như vậy và đã bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới". (Lc 4,4-6).

 Tôi cũng đọc thêm một đoạn Phúc Âm Thánh Gioan: "Ông Simon Phêrô, ông Tôma, gọi là Ðiđimô, Ông Nathanaen, người Cana, miền Galilea, các người con ông Giêbêđê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Simon Phêrô nói với các bạn: Tôi đi đánh cá đây. Các bạn đáp: Chúng tôi cũng đi với anh. Rồi mọi người ra đi. Nhưng đêm ấy họ không bắt được con cá nào.

 Khi trời đã sáng, Ðức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Ðức Giêsu. Người nói với các ông: "Này các chú, không có gì ăn ư?". Các ông trả lời: "Thưa không". Người bảo các ông: "Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, anh em sẽ bắt được cá". Các ông lại ra khơi, thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá" (Ga 21,2-6).

 Ðọc xong hai đoạn Phúc Âm trên, tôi nhận ra điều này: Bí quyết của công việc truyền giáo là sự vâng lời dấn thân. Mình không chọn việc, chọn chỗ cho mình. Nhưng sẽ hết mình với việc, với nơi Chúa trao cho mình; kết quả sẽ do Chúa mà thôi.

 Khi đi vào Tân Tỵ này, tôi cũng rất biết : biển khơi hiện nay là một biển khơi có những giông tố bất ngờ. Vì thế, các môn đệ Chúa tự nhiên rất ngại ra khơi. Tự nhủ mình là cuộc đời bảo vệ cơ chế, duy trì truyền thống, gìn giữ luật lệ, phát triển cơ sở... cũng đã tốt rồi.

 Tôi đọc lại Phúc Âm để tìm ánh sáng. Phúc Âm thánh Matthêu kể lại: "Ðức Giêsu xuống thuyền, các môn đệ cũng xuống theo. Và kìa biển động mạnh, khiến sóng ập vào thuyền. Nhưng Người vẫn ngủ. Các ông lại gần đánh thức Người và nói: Thưa Thầy, xin Thầy cứu chúng con, chúng con chết mất. Ðức Giêsu nói: Sao mà nhát thế, hỡi những người kém lòng tin. Rồi Người chỗi dậy, đe gió và biển, biển liền lặng. Người ta ngạc nhiên và nói với nhau: "Người này là người thế nào mà cả đến sóng gió và biển cũng tuân lệnh?" (Mt 8, 23-27).

 Ðọc xong đoạn Phúc Âm trên đây, tôi thấy phải theo gương các tông đồ mà dấn thân ra khơi. Khi ra khơi hãy mang theo phao hộ mình. Ðó là lòng tin tuyệt đối và vững vàng. Tin Chúa Giêsu và cầu nguyện với Chúa Giêsu. Người là Ðấng cứu độ. Không có Người, chúng ta không làm gì được.

 Vì thế, biết là sẽ gặp bão gió, nhưng tôi vẫn cứ ra khơi. Tôi tin Chúa Giêsu ở trên thuyền của tôi. Gió bão là những thử thách. Người truyền giáo phải chấp nhận thực tế đó với lòng khiêm nhường và lòng tin cậy phó thác.

 Xuân về, tôi nhìn Biển khơi năm Tân Tỵ này, tôi thương nó vô vàn. Chúa bảo tôi: hãy ra khơi. Chúa gọi các môn đệ Chúa hãy ra khơi. Ðó là lời sai đi. Ðó là địa chỉ được sai đến. Theo gương Thánh Phêrô và các Tông đồ, chúng ta hãy bỏ lại các các vấn đề không cần thiết, để vâng lời Chúa, cùng nhau ra khơi, thả lưới. Lưới của tôi là tình yêu. Tình yêu nhất là trong Lời Chúa, trong lời cầu nguyện, trong các hy sinh phấn đấu, trong tinh thần luôn tìm thực thi thánh ý Chúa, đặc biệt là trong các quan hệ thường ngày.

 Lạy Chúa, chúng con tạ ơn Chúa, vì đã hứa: Sẽ ở với chúng con mọi ngày cho đến tận thế.
 
 


Back to Home