Câu chuyện con cóc biến thành Hoàng Tử
của Ông Peterson, Ðại Sứ Mỹ tại Việt Nam

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Câu chuyện con cóc biến thành Hoàng Tử của Ông Peterson, Ðại Sứ Mỹ tại Việt Nam.

 Việt Nam, với hòn ngọc Viễn Ðông của Sàigòn ngày xưa, nay đã bị Nhà Cầm Quyền Cọng Sản Việt Nam biến đổi thành một nước nghèo nhất trên thế giới, nghèo đến nỗi Ông Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã ví nó giống như một con cóc xấu xí của thế giới, và nó đang chờ để được biến thành hoàng tử nếu được Hoa Kỳ ban cho một nụ hôn đặc ân. Sau đây chúng tôi xin gửi đến tất cả quý vị bài viết của Lê Thùy Lan, Vietnamese American News Networks, tường thuật Ông Peterson, Ðại Sứ Mỹ tại Việt Nam, kể cho quan khách của Hoa Thịnh Ðốn Mẫu chuyện thần tiên dí dỏm này:

 Washington - (VB) (9/3/2001) - "Nơi một xứ xa xưa, có nàng công chúa lượm được một chú cóc xấu xí. Vốn bản tánh thương yêu loài vật, cô đem chú cóc ấy về nuôi và cho ngủ cùng giường. Sáng hôm sau chú cóc biến thành cậu Hoàng Tử. Dĩ nhiên, Ðức Vua và Hoàng Hậu vẫn không tin được câu chuyện này." Mẫu chuyện thần tiên dí dỏm này được dùng làm một diễn dụ trong phần mở đầu của buổi nói chuyện với khoảng 150 quan khách của Ðại Sứ Douglas "Pete" Peterson tại khách sạn sang trọng St. Regis, ngay trung tâm thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, vào sáng thứ Sáu, mùng 9 tháng 3 năm 2001.

 Ngoài nhóm thân hữu và cá nhân tham dự, thành phần quan khách còn có hội viên của ban tổ chức Hội Á Châu Society, đại diện các hội đoàn liên hệ đến những công vụ Á Châu, một số các viên chức trong chính quyền và nhân viên của tòa Ðại Sứ Cộng Sản Việt Nam. Buổi nói chuyện này không "off the record" và cũng không giới hạn đại diện báo chí. Tuy nhiên, các phóng viên chỉ được thâu băng chứ không được thâu hình và chụp ảnh diễn giả cũng như quan khách tham dự. Họ không phải nhập thủ tục "đầu tiên" nên không được dùng điểm tâm chung với cử tọa đoàn.

 Mở đầu bài nói chuyện của ông, Ðại Sứ Peterson khuyên quý vị quan khách rằng nên sáng suốt để hiểu rõ những gì mình đọc trên sách báo, đừng tin hoàn toàn vào những bài vở ấy mà phải biết cách suy luận. Cũng như câu chuyện hoàng tử cóc trên đây như một ngụ ngôn dí dỏm để giúp vui cho quan khách cùng nhắn nhủ họ khi đọc về Việt Nam đừng để sách báo xuyên tạc làm lệch đường hướng suy nghĩ của mình.

 Vào đề chính về mối liên hệ giữa Hoa Kỳ và Cộng Sản Việt Nam ("CSVN"), ông nhấn mạnh rằng chính sách của Hoa Kỳ với Việt Nam vẫn không thay đổi. Hoa Kỳ vẫn tận tâm và chủ động giao thương với Việt Nam một cách chân thật, thẳng thắn, sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trên vấn đề kinh tế và luôn luôn chú trọng đến công cuộc tìm kiếm những quân sĩ Hoa Kỳ đã mất tích ("POW/MIA").

 Ðể làm gạch nối đưa đến phần diễn giảng về Bản Hiệp Ước Thương Mại giữa Hoa Kỳ và CSVN, ông Peterson đã tóm lược lịch sử những diễn biến của nạn khủng hoảng kinh tế trong quốc nội Việt Nam cũng như nhu cầu cần thiết để Hoa Kỳ thắt mối bang giao. Năm 1986, để giải quyết vấn đề chính yếu trong việc tìm kiếm POW/MIA cũng như cần phải thanh toán vấn đề tị nạn nhanh chóng, Hoa Kỳ đã đặt bước chân đầu tiên trong công tác tiến đến hòa giải. Tướng John Vessey là người có công trạng nhiều nhất trong việc mở rộng cánh cửa bang giao này dưới thời chính phủ Cựu Tổng Thống Ronald Reagan. 5 năm sau đó, Hoa Kỳ và CSVN đã phát họa bản sơ đồ đưa đến việc bình thường hóa bang giao. Trong khoảng thời gian từ 1994 đến 2000, Hoa Kỳ đã bỏ lệnh cấm vận, bình thường hóa liên hệ ngoại giao, và bãi miễn Tu Chính Án Jackson-Vanik cho CSVN. Tưởng cũng nên nhắc lại Bản Tu Chính Án Jackson-Vanik do vị cựu Thượng Nghị Sĩ Henry "Scoop" Jackson và cựu Dân Biểu Charles Vanik bổ túc vào Luật Thương Mại của Hoa Kỳ ban hành năm 1974. Bản tu chính này bắt buộc các quốc gia muốn giao thương với Hoa Kỳ cũng như xin tài trợ qua các công ty tài chánh quốc tế, như World Bank, IMF, phải biết tôn trong luật lệ nhân quyền và nhất là quyền tự do di trú.

 Tháng 3 năm 1998, cựu Tổng Thống Clinton đã phá lệ và quyết định bãi miễn tu chính này cho CSVN và đã 2 lần tăng thêm thời hạn bãi miễn. Việc bãi miễn tu chính này cho một quốc gia Cộng Sản đã gây phẫn nộ và đã bị Quốc Hội Hoa Kỳ, tổng hội American Legion và các hội đoàn trong cộng đồng Việt Nam chống đối mạnh mẽ. Họ cho rằng nhà cầm quyền CSVN chưa chịu áp dụng quyền tự do di trú cho người dân và vẫn còn hạn chế việc di chuyển và quyền lợi di trú ra nước ngoài cho các nhân vật đối lập. Thế nhưng, đến tháng 7 năm 2000, CSVN đồng ý ký kết bản Hiệp Ước Thương Mại.

 Dĩ nhiên, chuyến trở về này của Ðại Sứ Peterson là để cổ động Quốc Hội Hoa Kỳ sớm phê chuẩn bản hiệp ước ("BTA") vì khối thương mại Hoa Kỳ cũng như Việt Nam đều đang mong muốn để được tiến hành các công cuộc đầu tư. Ông so sánh bản hiệp ước BTA như một đội banh nhỏ đang tập dợt để sớm được tham gia vào NAFTA hay WTO, một hội banh "Superbowl" lớn hơn. Ông cho biết đây không phải là một việc đơn giản. Trong Quốc Hội Hoa Kỳ sẽ có những cuộc bàn thảo, tranh luận của hai phe chấp thuận và đối lập trong khi Việt Nam vẫn chưa khai trưởng rõ ràng luật lệ cũng chưa đủ khả năng để đón nhận một sự phát triển kinh tế mới. Việt Nam vẫn còn những tệ nạn tham nhũng, vẫn chưa hội đủ điều kiện nhân quyền theo tiêu chuẩn đòi hỏi của quốc tế. Ông Petersen còn nói thêm những vấn đề này phải tốn thời gian chứ không thể thay đổi một ngày một đêm. Tuy nhiên, dù Quốc Hội Hoa Kỳ chưa phê chuẩn hiệp ước, Việt Nam đã sửa soạn để chuẩn bị cho giây phút này.

 Câu chuyện Hoàng tử cóc kia của ông Peterson dẫn giải cho chúng ta biết nếu chỉ nhìn vào bản tường thuật về nhân quyền để suy đoán tiến trình của nhà cầm quyền Hà Nội trong năm 2000 vừa qua, ta sẽ không nhìn thấy rõ mức tiến. Do đó, ta cần phải tra cứu đà tiến triển trong vòng 5 năm qua thì sẽ nhận thức rõ ràng mức phát triển về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, chẳng hạn như dân chúng đã được quyền biểu tình chống những viên chức tham nhũng, có người còn gan dạ hơn mặc áo thun với những dòng chữ chống đối bằng tiếng Việt đằng trước và tiếng Anh đằng sau. Ông cho biết thêm là nhà cầm quyền CSVN đã cho phép giáo hội Tin Lành hoạt động, chỉ là không được tổ chức những buổi lễ tại gia. Và nhà cầm quyền CSVN đã áp dụng 3 trong số 8 tiêu chuẩn đưa đến việc cải tổ quyền lợi công nhân. Ông Peterson cũng nhấn mạnh các vấn đề tự do báo chí và các sĩ tử tranh đấu cho nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam cũng là mối quan tâm của Hoa Kỳ. Ðặc biệt là những người dân miền thượng du đã nổi dậy chống đối khi nhà cầm quyền Hà Nội xâm chiếm công khai những mảnh đất tổ tiên của những người dân lành này để làm lợi riêng. Những vụ lạm dụng quyền lợi, tham nhũng, lấn áp dân chúng và làm khủng hoảng kinh tế ngành trồng trọt cà phê của dân miền thượng du đã tạo phẫn nộ cho đồng bào miền Thượng trong nước và cả hải ngoại. Ngày 6 tháng 3 năm 2001, đồng bào miền Thượng Du đã xuống đường biểu tình và đã bị công an nhà nước đối xử rất thậm tệ. (Thứ Hai 12/03/2001, tại thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, phái đoàn cộng đồng miền Thượng Du cũng đã tụ họp biểu tình tại Quốc Hội và Tòa Bạch Ốc về vấn đề này.) Ông Peterson cho biết ông rất tiếc không thể cho cử tọa đoàn biết thêm chi tiết vì ngay chính ông cũng bị nhà cầm quyền Hà Nội từ chối không cho tham khảo sự việc tại Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam.

 Ðại Sứ Peterson còn nói thêm rằng trong kỳ Ðại Hội thứ 9 sắp tới, Ðảng Cộng Sản Việt Nam sẽ có nhiều khuôn mặt mới vì các viên chức Cộng Sản đến 60 tuổi cũng phải về hưu. Việt Nam là một quốc gia đứng hàng thứ 12 trong các quốc gia đông dân số nhất. Ða số sanh sau 1975; do đó, Việt Nam là một quốc gia rất trẻ nên cần chúng ta giúp đỡ. Người Mỹ chúng ta, ông nói thêm, không nên sơ xuất loại thải cơ hội này. Ông khuyến khích mọi người hãy ghé thăm Việt Nam để thấy cái hay cái đẹp của người Việt Nam. Họ sẽ có cảm giác như ông khi mới đến Việt Nam, dường như được chích một luồng thuốc kích thích, lâng lâng khi viếng đất nước này. Ai đến rồi cũng đều muốn trở lại!

 Ðiều ông Peterson quan tâm hơn hết là ý thức "an toàn cá nhân" của người dân Việt Nam. Dường như họ lo lắng, cẩn thận, tỉ mỉ cho rất nhiều việc, nhưng không hề nghĩ đến bản thân mình. Ông nói số người tử thương vì tai nạn xe cộ có thể được so sánh với con số tử thương của một chiếc máy bay 747 rơi mỗi tháng. Ông đã quyên được trên $10 triệu Mỹ kim từ các công ty kỹ nghệ tư nhân để lo về các dịch vụ an toàn cá nhân này trong khi chính phủ Hoa Kỳ chỉ cho ông $100,000.00.

 Bản hiệp ước BTA là chìa khóa mở cửa sức sống cho một Việt Nam mới còn non trẻ với những chương trình và cơ hội đưa đến sự mở mang kinh tế cho Việt Nam cũng như các công ty Hoa Kỳ. Với luật lệ về kinh doanh vừa được ấn hành tháng 2/2001, Việt Nam sẽ có thêm những dịch vụ do gia đình làm chủ. Ông Peterson cho rằng trong lịch sử Việt Nam từ xưa đến nay, nền kinh tế đương thời của Việt Nam là kinh tế tốt nhất và dân chúng hạnh phúc hơn.

 Ông kết thúc bài nói chuyện của ông bằng một mẫu đối thoại giữa một phóng viên nhà báo và một cựu chiến binh già nhân chuyến viếng thăm của cựu Tổng Thống Bill Clinton. Ðược hỏi đã từng chiến đấu chống Mỹ, tại sao ông mong muốn gặp tổng thống Hoa Kỳ? Ông này trả lời rằng "A thousand friends are not enough. One enemy is too many." Xin dùng câu tục ngữ "Thêm Bạn Bớt Thù" để diễn dịch. Ðại sứ Petersen chấm dứt bằng câu "Hãy suy nghĩ kỹ về câu ấy." Sau đó, ông chỉ dành thì giờ ngắn ngủi để trả lời các câu hỏi của quan khách. Tổng cộng chỉ đúng 5 câu hỏi.

 Cứ nghĩ "chủ nào tớ nấy". Nhưng thật ra, ông Peterson có trình độ và tài ăn nói cao siêu hơn, thích hợp với vai trò của một người ngoại giao giỏi. Ông có một tiểu sử khá đặc biệt, đã ở trong quân đội hơn 26 năm, đã từng chiến đấu ở Việt Nam, và đã là tù binh của Cộng Sản Việt Nam trong 6 năm rưỡi. Trước khi được chọn làm Ðại Sứ tại Việt Nam năm 1997, ông đã giữ chức Dân Biểu đảng Dân Chủ tiểu bang Florida trong 3 nhiệm kỳ. Hẳn chúng ta đều biết phu nhân Ðại Sứ cũng là người Việt Nam. Có điều tôi không hiểu tại sao người ta lại dùng chữ "the Honorable" trước khi nêu tên ông. Danh xưng này thường dùng cho những vị chánh thẩm để nói lên chức vị xử sự công bằng trước thanh thiên của họ.

 Không giống như ông Harter, Ðại Sứ Peterson không thiên lệch ý tưởng của mình lắm khi bàn về tình trạng của Việt Nam. Cho thấy kiến thức của ông về tự do nhân quyền, nạn tham nhũng tại Việt Nam không thiển cận và chứng tỏ rằng ông không hoàn toàn mù quáng trước những diễn biến trong nước. Phương cách nói chuyện của ông không cao ngạo, xem thường cử tọa đoàn như ông Harter. Tôi không rõ có phải vì đa số cử tọa đoàn là người Hoa Kỳ hoặc có chức phận lại ở trong một không khí sang trọng, sạch sẽ nên lối đối xử của ông Ðại Sứ cũng phải phù hợp. Vả lại quan khách phải trả tiền mới được vào xem thì cũng phải cho xứng giá tiền.

 Ðành rằng ông Peterson cao tay ấn hơn, nhìn sâu xa hơn, quan tâm tới vấn đề của Việt Nam hơn, tôi vẫn thấy ông chú trọng nhiều cho việc hữu hiệu hóa bản hiệp ước để đem lợi ích và tạo cơ hội cho giới đầu tư nhiều hơn. Cho dù Việt Nam có được thừa hưởng những món lợi từ bản Hiệp Ước, cái quyền lợi đó có tới tay người dân lành Việt Nam không? Hay sẽ nằm gọn trong tầm tay của 19 đảng viên Cộng Sản kia? Dĩ nhiên, ai tới Việt Nam cũng phải yêu quí Việt Nam vì người dân Việt Nam nổi tiếng với bản chất hiền hòa, hiếu khách thì dù ra đi khách vẫn luôn muốn trở lại. Ông Ðại Sứ đã không nhấn mạnh vấn đề khó khăn các công ty ngoại quốc gặp phải là do nhà cầm quyền Cộng Sản gây nên mà cứ lôi người dân hiền lành chất phát ra dỗ ngọt mấy ông tư nhân này. Sao tôi thấy nó giống như đem củ cà-rốt treo trước mặt để dụ dỗ chú lừa kéo xe vậy. Như thế, chúng ta có nên áp dụng câu chuyện hoàng tử cóc vào bài diễn văn của ông Ðại sứ chăng?

 Ở đoạn ông nói trong lịch sử Việt Nam, đây là thời kỳ kinh tế phồn thịnh nhất và người dân hạnh phúc hơn khiến tôi không đồng ý. Nếu không có kiến thức về lịch sử Việt Nam, ta dễ bị sai lầm khi phân tách điểm này. Ðất nước Việt Nam từ 4,000 năm qua, lúc nào chẳng chìm đắm trong chiến tranh. Khoảng thời gian hòa bình quá ngắn ngủi không đủ để hồi phục nền kinh tế đừng nói chi đến duy trì. Chỉ có 25 năm qua được gọi là hòa bình và có lẽ là quãng thời gian dài nhất để cải tổ và phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa. Nhưng hãy nhìn kỹ xem những tiến triển này trong vòng 25 năm qua có thực mang sự phồn thịnh đến cho dân chúng chăng? Với một quốc gia có nhiều tài nguyên phong phú, ngành nông nghiệp dồi dào từ hơn 4,000 năm qua, tại sao ngày nay Việt Nam trong cảnh thanh bình, lại trở thành một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới?

 Cuối cùng, suy gẫm lại lời khuyên của ông Ðại Sứ về câu nói của người cựu chiến binh Cộng Sản kia. "Thêm Bạn Bớt Thù" quả là ước nguyện của mọi người dân. Nhưng nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam có thực hiện điều này không? Họ có xem những người tù cải tạo là bạn của họ không? Những người tù này có được nhận lại quyền công dân của họ khi được phóng thích không? Trong cái cùng cực và tuyệt vọng của một đời sống thiếu tự do, thiếu ăn thiếu mặc, thiếu các tiện nghi mà các xã hội khác đang hưởng thụ, "Thêm Bạn Bớt Thù" để được thêm vài đồng đô la dù phải dẹp bỏ giá trị đạo đức con người của mình và để trở thành công cụ của đồng tiền có lẽ là giải pháp duy nhất. Như câu chuyện thần tiên nêu trên thêu dệt, khi kẻ thù kia trở thành vị hoàng tử cóc thì ta sẽ cùng sống hạnh phúc đến bạc đầu.

 (Lê Thùy Lan, Vietnamese American News Networks)
Lê Thùy Lan
 
 


Back to Home