Bài Phỏng Vấn
Ðức tân Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận

Prepared for internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

LITTLE SAIGON, USA (24/1/2001) -- Chúa Nhật 21 tháng 01 năm 2001, trước khi đọc kinh Truyền Tin, Ðức Thánh Cha đã chính thức công bố danh sách 37 Vị Tân Hồng Y trong đó có Ðức Tổng Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Ông Nguyễn Xuân Nghĩa, Phụ tá Tổng giám đốc Ðài Phát thanh Little Saigon Radio tại Hoa Kỳ, đã thực hiện một buổi phỏng vấn Ðức tân Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận như sau:

 Hỏi: Trước tin vui Ðức Cha được tấn phong Hồng Y, người Việt Nam ai cũng mong được biết cảm tưởng của Ðức Cha, cũng như muốn biết Ngài đã được biết tin này vào lúc nào?

 ÐHY Thuận: Ðây là dịp tốt tôi được gặp thính giả của Ðài Little Saigon. Trước hết, tôi xin chúc mừng năm mới đến tất đồng bào, quí vị lãnh đạo các tôn giáo, các vị bô lão, toàn thể anh chị em và các cháu rất thân mến. Xin Thiên Chúa ban nhiều ơn phúc lành cho tất cả mọi người, nhất là những người đang gặp đau khổ phần xác, hay là phần tâm hồn. Xin năm mới là một năm thành công, tốt đẹp cho tất cả chúng ta.

 Trả lời câu hỏi của Ðài là tôi biết tin được làm Hồng Y từ bao giờ. Thực sự, tôi được Ðức Thánh Cha gọi chiều thứ Sáu, 19 tháng Giêng, 2001 vừa rồi và nhận thư bổ nhiệm của Ðức Thánh Cha. Thành thử bấy lâu nay, các tin trên báo lắm lúc cũng là tin vịt thôi (cười thoải mái). Nhiều người tưởng tôi biết mà không nói nhưng Tòa Thánh làm tất cả mọi sự rất là cẩn mật. Nhiều báo đưa các tin về các vị ứng viên thì đều sai hết. Tại Roma, tất cả những vị Hồng Y, các Giám Mục đang còn làm việc trong các Bộ được mời vào Vatican mà nhận thư bổ nhiệm của Ðức Thánh Cha chỉ vào chiều thứ Sáu mà thôi. Và chiều thứ Sáu, các sứ thần Tòa Thánh ở trên thế giới gặp các vị Giám Mục được chọn làm Hồng Y trong ngày thứ Sáu thôi. Ðiều đó cho thấy Tòa Thánh rất là cẩn mật và thận trọng. Tin này cả thế giới biết đến cũng trong một ngày.

 Còn về cảm tưởng của tôi như thế nào. Trước hết, tôi nghĩ đến Giáo Hội Việt Nam, Giáo Hội Mẹ Việt Nam, là nơi tôi được chịu phép rửa tội, đã được đào tạo nên làm con Chúa, làm tông đồ của Chúa trong chủng viện, đã chịu chức linh mục, đã chịu chức giám mục, đã phục vụ ở đó và cũng gặp những gian truân ở đó cùng với tất cả mọi người trong Giáo Hội Việt Nam. Vì thế mà đối với mọi người trong Giáo Hội Việt Nam, trong giây phút này ở trong nước cũng như ngoài nước, tôi nhớ đến tất cả mọi người cách riêng, tất cả mọi người, Ðức Hồng Y Chủ tịch, các Tổng giám mục, Giám mục, anh chị em tu sĩ, các linh mục, toàn thể giáo dân, những người mà Chúa cho tôi được gặp trên bước đường của tôi đi và tôi đã nhận lấy ở nơi mỗi người nhiều sự nâng đỡ bằng nhiều cách để tôi được thực hiện theo ý Chúa.

 Cách riêng anh chị em ở hải ngoại, tôi càng có dịp nhiều lần viếng thăm, nói chuyện, chia sẻ, và vì thế tôi chúc anh chị em Tết năm nay tốt đẹp hơn nữa.

 Nói đến Giáo Hội Mẹ Việt Nam thì tôi không thể quên được nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam mà tôi rất gần gũi, tôi không bao giờ bỏ quên. Giây phút này tôi hướng về quê hương mà nghĩ đến nơi đã chôn cất mồ mả ông bà của tôi với bao nhiêu anh chị em xa gần và đó là nơi Chúa đã muốn tôi được sinh ra làm người Việt Nam, hãnh diện vì dân tộc của mình, vui niềm vui của đồng bào, buồn nỗi buồn của dân tộc chung với nhau. Nhất là trong năm nay được giảng cho Ðức Thánh Cha và Giáo Triều, tôi đã được dịp đón nhận nhiều thiện cảm và nhiều sự kính phục của các vị đối với dân tộc Việt Nam. Tất cả đều nói rằng dân tộc Việt Nam có một truyền thống anh dũng, có một nền văn minh, văn hóa tốt đẹp, và họ cầu chúc cho dân tộc Việt Nam của mình rất nhiều.

 Ngày hôm nay, được tin tôi làm Hồng Y thì nhiều vị trong Giáo Triều và nhiều vị thượng khách trong Ngoại giao đoàn đều nói với tôi rằng "chúng tôi mừng cho Giáo Hội Việt Nam, chúng tôi rất mừng cho dân tộc Việt Nam vì có một người Việt Nam đại diện ở trung tâm của Giáo Hội."

 Ngoài ra, trong khi nói về dân tộc thì tôi nhớ về gia tộc của tôi, những người đã đi trước tôi, đã hy sinh trong thời kỳ bắt đạo và đã chịu khổ vì Chúa, đã chịu lưu đầy xa xôi và đã bị cầm tù vì Chúa. Tôi lại nhớ đến tất cả bà con, họ hàng, đặc biệt là tôi nhớ đến bà thân mẫu của tôi, năm nay đã 98 tuổi và đang ở tại Úc Ðại Lợi. Tôi nhớ những lời thân mẫu của tôi thì đối với tôi như những lời khuyến cáo tôi trong cuộc đời linh mục. Cách đây ba năm, tôi còn nhớ nghe thuật lại là Cha Chu Quang Minh thuộc Dòng Tên ở Mỹ cùng đi với một Cha ở Úc đến thăm bà cố tôi. Hai cha hỏi bà cố có muốn Ðức Cha Thuận làm Hồng Y không. Bà cố trả lời rằng "thưa con không muốn". Hai Cha lấy làm lạ, và hỏi lại "tại sao bà cố không muốn Ðức Cha Thuận làm Hồng Y". "Thưa Cha con không muốn". "Vì sao". "Bởi vì khi con cho con của con vào chủng viện, con chỉ cầu xin Chúa cho con của con làm Linh mục để tế lễ Chúa là con vui lòng rồi. Còn đã đi tu làm linh mục thì đâu phải ham muốn những chức quyền danh vọng gì".

 Với tôi, những lời nói trên luôn luôn là những lời nhắc nhủ của bà mẹ dạy bảo con. Cách đây mấy tháng, tôi đi giảng ở Ðài Loan, tôi có ghé thăm bà cố tôi, tôi hỏi "hàng ngày Mẹ có nhớ cầu nguyện cho con không", thì bà cố nói "có chứ, ngày nào cũng nhớ cầu nguyện". Tôi hỏi rằng, "Mẹ cầu xin cho con cái gì". Bà cố chỉ trả lời một câu thôi là "cầu cho con biết làm bổn phận đẹp lòng Chúa". Ðiều ấy là cái cảm tưởng mạnh mẽ của bà Mẹ Việt Nam dậy con cái. Tôi thấy anh em hỏi tôi đã làm gì, tôi phải sống khiêm tốn và chỉ phục vụ Hội Thánh và Nhân Loại mà không nghĩ đến chức phận, quyền cao gì. Mỗi một điều là làm đẹp lòng Chúa chứ không tìm ý riêng và danh vọng gì cho mình cả.

 Ðó là những tâm tình của tôi, một tâm tình đặc biệt mà tôi muốn nói với anh chị em là một sự lạ lùng, kỳ diệu của tình yêu Thiên Chúa đối với tôi và lòng thương xót của Ðức Thánh Cha đối với tôi, lòng quý trọng của Ðức Thánh Cha dành riêng cho Giáo Hội Việt Nam và cho dân tộc Việt Nam. Bởi vì nước chúng ta nhỏ, thua kém nhiều nước khác mà bây giờ có hai Hồng Y, trong khi Philippines số người theo Công giáo bằng một nửa số dân (Công giáo) của Á Châu rồi, mà Phi cũng chỉ có hai Hồng Y trong nước và một Hồng Y đã hưu trí. Thành thử Ðức Thánh Cha thương yêu chúng ta cách riêng và lần thứ nhất chúng ta khó có lại là chúng ta có một Hồng Y ở ngoài nước Việt Nam ở tại Giáo triều. Ðó là ơn trọng. Ðứng trước điều ấy, thì tôi nhớ lại lời Ðức Hồng Y Thomas Seith (?) một vị lãnh đạo uy tín và can cường ở Tiệp Khắc. Khi Ngài được tin vị đại diện của Tòa Thánh đến báo tin cho Ngài làm Hồng Y, Ngài trả lời một câu bằng tiếng La tinh là "tôi bất xứng, xin cầu nguyện cho tôi". Hôm nay tôi cũng thưa với anh chị em là tôi bất xứng, xin cầu nguyện cho tôi.

 Hỏi: Thưa Ðức Cha, việc Ngài sắp được tấn phong Hồng Y liệu Ngài sẽ nhận thêm nhiều trách nhiệm nữa hay không, và liệu Ngài vẫn còn giữ trách vụ lãnh đạo Hội Ðồng Công Lý và Hòa Bình của Tòa Thánh nữa hay không?

 ÐHY Thuận: Làm Hồng Y là làm những người cố vấn của Ðức Giáo Hoàng, mà Bộ trưởng thì là cố vấn cần thiết và thân cận của Ðức Giáo Hoàng ở Roma. Các vị Hồng Y đều có một trách nhiệm, hoặc là làm Bộ trưởng, hoặc là tham gia làm thành viên các Bộ khác. Như vậy thì mới gọi là cố vấn của Ðức Thánh Cha. Khi lên Hồng Y thì lại gia tăng thêm trách nhiệm là thành viên của một hai ba Bộ khác, nhất là những vị ở Giáo triều thì phải làm thành viên nhiều Bộ, vì thế mà khó đi đâu được. Bất cứ tháng nào, Bộ này, Bộ kia đều cần có mặt mình đến họp và phải soạn những báo cáo, những câu trả lời cho các Bộ khác.

 Hiện giờ, với tư cách Bộ trưởng, tôi đã làm thành viên hai Bộ, là Bộ Truyền Giáo và Bộ Phụng Sự, nhưng khi làm Hồng Y rồi thì tôi có thể phải làm thành viên thêm một số Bộ nữa, nên công việc rất là nhiều. Hỏi rằng công việc Bộ Công Lý và Hòa Bình, tôi có tiếp tục làm nữa hay không, thì quả thực là như thế, và công việc ấy là cổ động công lý và hòa bình.

 Trong việc phân trách nhiệm thì Ðức Thánh Cha giao hai việc riêng. Việc gì thuộc chính trị thì thuộc phạm vi quyền hạn Bộ Ngoại Giao. Việc gì thuộc xã hội thì thuộc phạm vi quyền hạn của Bộ Công Lý và Hòa Bình. Vì thế mà tôi đứng về phía công việc xã hội trên thế giới, còn việc chính trị thì thuộc Bộ Ngoại Giao. Tôi đón nhận những tin tức, có ý kiến và chuyển lại Bộ Ngoại Giao.

 Còn việc Bộ Ngoại Giao thì có cách làm việc riêng của Tòa Thánh. Qua các cuộc gặp gỡ với sứ thần các nước có bên cạnh Tòa Thánh hoặc qua các sứ thần của Tòa Thánh có bên cạnh các nước, hiện Tòa Thánh có hơn 170 phái bộ ngoại giao với Tòa Thánh nhiều nước trên thế giới. Vì thế Tòa Thánh làm việc qua các phái đoàn ấy. Có nhiều khi chúng ta thấy rất là thinh lặng nhưng mà công việc vì thế mà lại có uy tín vì Tòa Thánh rất cẩn thận và làm đúng sự thực và khách quan nên chi các nước tín nhiệm và đến hỏi Tòa Thánh.

 Vai trò của tôi cũng tiếp xúc với các phái đoàn ấy như vậy mà vì thế công việc của tôi nằm trong phạm vi xã hội và tiếp xúc. Chẳng hạn tuần này thì tôi phải tiếp xúc với sứ thần của Hungary, các Giám mục của Hungary, tôi có một bữa cơm trưa với Ðức Hồng Y Quốc Vụ Khanh và với một số khác trong Giáo triều, với ông Chủ Tịch của Lương Nông Quốc Tế. Thành thử, nói về sự nghèo khó trên thế giới thì trong một bữa cơm trưa thì sẽ tiếp xúc và bàn về các cuộc hội họp bấy lâu nay về điều đó. Nên chi công việc nặng nề và có phân các công tác trong Tòa Thánh là như thế. Sẽ có dịp gia tăng các cuộc viếng thăm của các nước và đón tiếp phái đoàn của các nước. Dĩ nhiên trong đó không khỏi có quan hệ đến vấn đề đất nước của chúng ta, làm thế nào để xây dựng đất nước chúng ta tốt đẹp, nhưng mà làm theo hướng của Tòa thánh, không phải theo hướng của các nước, theo công pháp quốc tế.

 Ðến đây, một lần nữa, xin thân mến gởi lời chúc Tết tất cả mọi người và xin cầu nguyện cho tôi. Tôi sẽ dâng lễ trong đêm Giao thừa và cầu nguyện cho tất cả anh chị em, bất cứ tôn giáo nào để xin ơn trên phù hộ cho tất cả chúng ta.
 
 


Back to Home