Bạo động xảy ra
ở vùng Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam
và quốc lộ 14 bị ngăn chận

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Bạo động xảy ra ở vùng Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam và quốc lộ 14 bị ngăn chận.

 HÀ NỘI (Reuters) - 8/2/2001 - Tình hình hai tỉnh trồng cà phê ở vùng Cao Nguyên Trung Phần Việt Nam Gia Lai Kontum và Buon Ma Thuot Daklak vẫn tiếp tục căng thẳng sau nhiều ngày bạo động với hàng ngàn người dân tộc thiểu số dũng cảm nổi dậy để đòi lại những mãnh đất mà họ bảo là của cha ông họ để lại nhưng nay đã bị nhà nước xử dụng.

 Cuộc nổi dậy ở Daklak và Gia Lai có thể nói được là lớn nhất từ xưa đến nay mặc dù dưới sự đàn áp của Nhà Nước Cọng Sản Việt Nam. Một Viên Chức Ngoại Giao của Tây Phương ở Hà Nội cho biết, Nhà Nước Việt Nam đã điều động lực lượng quân đội và nhiều trực thăng tuần hành trong khu vực xảy ra bạo động để giải tán đám đông dân chúng.

 Một thường dân Buon Ma Thuot, Thủ Phủ của tỉnh Dak Lak nói rằng, khu vực thành phố đã trở lại yên tĩnh sau cuộc bạo động, nhưng vẫn còn rất nhiều người dân trong các khu phố Buon Don, Ea Sup và Ea H'Leo tiếp tục nổi lên xuống đường biểu tình kéo dài trong nhiều ngày. Những trực thăng của quân đội vẫn tiếp tục tuần hành trong những khu vực này trong nhiều ngày.

 Vào ngày thứ ba 6/2/2001, những người dân tộc thiểu số đã tấn công Bưu Ðiện Ea H'leo và đập phá các máy móc và hệ thống điện thoại.

 Những sự việc xảy ra làm cho những người dân tộc Kinh trong các khu phố trở nên sợ hãi, bất an vì đã có một vài nơi xảy ra những vụ chận đánh những xe cộ chạy trên đường và đánh đập những khách qua lại trên đường.

 Sự việc càng căng thẳng hơn khi những người dân tộc Kinh trong những khu vực xảy ra bạo động bị phong tỏa, và hàng loạt cảnh sát đã chận tất cả các ngã đường chung quanh khu vực xảy ra bạo động để ngăn chận những đám biểu tình sẽ lan rộng tới những khu vực dân cư khác.

 Những người thường dân ở khu vực bạo động cho biết, cuộc bạo động bắt đầu xảy ra ở Pleiku, thủ phủ của tỉnh Gia Lai vào ngày thứ Sáu 2/2/2001, nơi xảy ra sự xung đột giữa cảnh sát và những người biểu tình, dần dần số người biểu tình gia tăng, cùng với những tiếng hét la hung dữ, và những ngày tiếp theo sau lan dần xuống các vùng phía nam tỉnh Dak Lak.

 Những thường dân trong khu vực xảy ra bạo động cho biết, có hàng ngàn người dân tham gia cuộc bạo động. Và một viên chức ngoại giao cho biết, những người biểu tình họ tổ chức rất quy mô và đa số những người tham gia đều dùng những điện thoại cầm tay để liên lạc và điều hành đám đông.

 Sau một thời gian im lặng, Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam cho ra một thông báo ngắn nói rằng: "một số" người tập trung trước toà nhà Hội Ðồng Nhân Dân sau vụ bắt giữ hai người địa phương, nhưng nay đám đông đã được giải tán.

 Bộ ngoại giao không cho biết số người biểu tình là bao nhiêu, cũng không cho biết lý do tại sao hai người địa phương bị bắt.

 Một viên chức cảnh sát cho biết: "sự việc đã trở lại yên tĩnh, và chúng tôi cũng đã cho tuần hành kiểm soát chặt chẻ những nơi xảy ra sự việc."

 Viên chức cảnh sát này cũng cho biết, "những người biểu tình đã ngăn chận quốc lộ 14, đoạn đường giao thông giữa Buon Ma Thuot và Gia Lai Kon Tum trong vòng hai tiếng đồng hồ ngày thứ Hai 12/2/2001, và các đường giây điện thoại bị cắt đứt".
 
 


Back to Home