Tin BẾN SẮN, Việt Nam (UCAN 02/11/2000) - Nữ tu Maria Lý Muối, dòng Nữ tử Bác ái thánh Vinh Sơn đệ Phaolô, phụ trách cấp dưỡng tại trại phong Bến Sắn do chính phủ quản lý ở tỉnh Bình Dương phía nam Việt Nam. Nữ tu người Hoa 68 tuổi nói với hãng tin UCAN về 37 năm phục vụ tại trại phong, 32 năm phục vụ trong công việc bếp núc. Trại phong nằm cách thành phố Sài Gòn, khoảng 45 km về phía đông bắc.
UCA News: Xin dì cho biết đôi điều về gia đình của dì.
Trả Lời: Cha mẹ tôi là người Trung Hoa, quê quán ở tỉnh Quảng Ðông, qua Việt Nam lập nghiệp vào khoảng thập niên 20 (1910-1920). Tôi sinh năm 1932 tại Mỹ Tho, nay là tỉnh lỵ của tỉnh Tiền Giang ở đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng tôi lớn lên ở vùng Chợ Lớn (Chinatown của Việt Nam). Cha mẹ tôi theo đạo Khổng và thờ cúng tổ tiên.
Hỏi: Tạo sao dì trở lại đạo Công giáo và đi tu?
Ðáp: Khi tôi lớn, trong cuộc mưu sinh tôi có quen một số người đồng hương đã theo đạo Công giáo. Tôi mến cách sống và lòng bác ái của họ. Ðược họ chia sẻ về tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, tôi cảm phục, xin học đạo và được rửa tội năm tôi 19 tuổi. Sau khi theo đạo, tôi có ý dâng mình cho Chúa để phục vụ tha nhân nhưng chưa biết sẽ tu ở dòng nào. Tình cờ, bà ngoại tôi bệnh nằm chờ mổ ở bệnh viện Bình Dân ở Sài Gòn, tôi có dịp tiếp xúc với các nữ tu của Tu hội Nữ tử Bác ái thánh Vinh Sơn, đang chăm sóc các bệnh nhân nghèo ở đây. Nhờ sự khuyến khích và cổ vũ của một cha người Pháp dòng Lazariste đã có một thời gian dài truyền giáo tại Trung Hoa, tôi đã xin tu ở tu hội của các dì Nữ tử Bác ái thánh Vinh Sơn khi tôi 25 tuổi. Năm 1961 tôi được mặc tu phục của tu hội này. Như vậy cho đến nay tôi đã phục vụ với tư cách nữ tu được 39 năm. Sau một thời gian ngắn dạy giáo lý bằng tiếng Trung Hoa cho một cộng đoàn giáo dân Trung Hoa khoảng 70 người ở Ðà Lạt trên vùng cao nguyên, năm 1963 tôi được phân công về phục vụ bệnh nhân phong ở trại phong Bến Sắn do tu hội của tôi điều hành và ở mãi cho tận tới ngày hôm nay.
Hỏi: Xin dì cho biết công việc cụ thể của dì ở trại phong.
Ðáp: Khi được bề trên phân công về phục vụ bệnh nhân phong, thật sự mà nói tôi đã hơi sợ. Tuy nhiên, nhờ đức vâng lời tôi đã vui vẻ nhận công tác. Trong 5 năm đầu tiên ở trại phong, tôi đã làm công việc băng bó các vết thương của bệnh nhân, nuôi ăn và chăm sóc các bệnh nhân già, tàn phế nặng. Ðặc biệt tôi dạy giáo lý cho các bệnh nhân người Trung Hoa muốn trở lại đạo bằng chính tiếng mẹ đẻ (tiếng Hoa). Nên biết rằng hồi đó số bệnh nhân Trung Hoa chiếm gần 1/3 tổng số bệnh nhân của trại. Từ năm 1968 và liên tục cho tới nay, tôi nhận công tác nấu ăn cho bệnh nhân nằm trong bệnh viện của trại phong.
Hỏi: Xin dì nói rõ hơn về công việc nấu ăn mà dì đã phục vụ trong 32 năm qua.
Ðáp: Lúc đầu tôi trực tiếp nấu các món ăn cho người bệnh với sự phụ giúp của hai người. Từ sau ngày đất nước được tái thống nhất, để có thể được hiện diện tại trại phong nay do Nhà nước quản lý và phục vụ bệnh nhân phong, tôi và các chị em khác trong cộng đoàn xin làm nhân viên nhà nước. Tôi tiếp tục được giao công việc lo việc nấu ăn cho người bệnh. Hiện nay, tôi là trưởng khoa cấp dưỡng, phụ với tôi có 12 nhân viên, tất cả họ đều là bệnh nhân đã lành bệnh, ít tàn phế. Hiện tại có khoảng 1,000 bệnh nhân sống chung quanh trại phong, nhưng chỉ có 250 bệnh nhân nằm điều trị tại bệnh viện của trại phong. Mỗi ngày họ được phục vụ bữa ăn. Tôi đảm bảo cho 250 bệnh nhân mỗi ngày được hai bữa ăn đàng hoàng và cả bữa ăn sáng. Tiền thức ăn mỗi bữa là 2,000 đồng, không kể tiền gạo.
Hỏi: Xin dì cho biết tương quan của dì với cộng đồng người Trung Hoa có đạo ở Việt Nam như thế nào?
Ðáp: Sau khi theo đạo, tôi đã từng dạy giáo lý bằng tiếng mẹ đẻ ở vùng Chợ Lớn. Tôi đã từng tới nhà họ để dạy giáo lý khi cha sở họ đạo yêu cầu. Ở trại phong Bến Sắn, do có nhiều bệnh nhân người Hoa, sự hiện diện của một nữ tu người Hoa nói tiếng mẹ đẻ để an ủi, vỗ về, thương yêu bệnh nhân là điều an ủi lớn đối với bệnh nhân. Họ thật sự quý mến và kính trọng tôi. Trước giải phóng, hàng ngày một linh mục người Pháp dòng Lazarite đã làm lễ và giảng bằng tiếng Hoa tại nhà nguyện của trại phong. Chúng tôi được đọc kinh, đọc sách thánh bằng tiếng Hoa. Nhưng hiện nay chúng tôi không còn thánh lễ bằng tiếng Hoa vì các giáo sĩ nước ngoài phải rời Việt Nam sau năm 1975 và ít có linh mục bản xứ nào nói được tiếng Hoa.
Hỏi: Tương quan của dì với Thiên Chúa dì tôn thờ như thế nào?
Ðáp: Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu Thiên Chúa đã là nguồn động lực to lớn cho tôi. Sự phục vụ của cộng đoàn nữ tu chúng tôi thật độc đáo vì tất cả chúng tôi đều là công nhân viên của Nhà nước, mặc dù tu hội chúng tôi thành lập trại phong vào năm 1952 để chăm sóc cho những bệnh nhân mà chúng tôi thu gom ở Sàigòn. Chúng tôi phục vụ người bệnh trong việc điều trị, điều dưỡng, cấp phát thuốc, nuôi ăn và tài vụ. Chúng tôi còn tổ chức các dự án may mặc giúp bệnh nhân tạo thu nhập và giúp con em bệnh nhân đi học và dạy dỗ chúng.
Hỏi: Dì nhận định như thế nào về tương lai bản thân dì và tương lai của tu hội?
Ðáp: Chúng
tôi phục vụ bệnh nhân với
tất cả tấm lòng yêu thương
và thông cảm với nỗi bất
hạnh của họ, nhưng chúng tôi cũng
muốn ươm trồng ơn gọi cho tu hội.
Ðã có nhiều thanh nữ sống
trong trại phong đã trở thành
nữ tu. Lòng trung thành với
lý tưởng của tu hội "phục
vụ người nghèo chính là
phục vụ Chúa Giêsu Kitô" đã
giúp tôi được bình an trong
tâm hồn giữa những xáo
trộn của xã hội. Tôi đã
68 tuổi nên không có ý nghĩ
trở về quê hương sống ơn
gọi của mình dù có người
cho là nên làm. Tôi xin được
phục vụ bệnh nhân phong ở đây
cho đến chết. Hàng ngày, tôi
đều cầu nguyện trước Thánh
thể Chúa Kitô, nhờ lời
các thánh tổ phụ là thánh
Vinh Sơn và thánh nữ Louise Marillac,
tôi xin cho Giáo hội Việt Nam sống tốt
đạo đẹp đời.