Huế - (1/12/2000) - Nhân
ngày lễ kính các Thánh Tử
Ðạo VN (24.11) một linh mục Huế hiện
đang ơ giáo xứ Nguyệt Biều
là linh mục Nguyễn văn Lý đã
đưa ra bản tuyên ngôn nói về
tình trạng mất tự do tôn giáo
tại tổng giáo phận Huế, nói
lên những khắc khoải của một
người quan tâm đến vận mạng
của giáo hội tại đây, đồng
thời lên án gắt gao những
cấm đoán và kiểm soát của
nhà cầm quyền CSVN đối với
những sinh hoạt tôn giáo. Hiện
tại nhà thờ Nguyệt Biều của
nơi Linh mục Lý hiện đang cư ngụ
cũng đang đòi đất lại
do chính quyền chiếm cứ. Linh mục
Lý đã bị bắt ở tù
hai lần vì đòi hỏi tự do
Tôn giáo và hiện đang bị quản
thúc cũng chỉ vì đấu tranh
cho Tự do Tôn giáo. Tuy nhiên trong chính
tuyên ngôn này, linh mục nói sẵn
sàng chịu chết cho lý tưởng
như sau: "Tuy bất xứng, tôi cũng
nguyện noi gương các Thánh Tử
Ðạo Việt Nam, Tu sĩ Gioankim Marcel Nguyễn
Tân Văn tử đạo rũ tù
ngày 10-7-1959 tại trại 2 Yên Bình gần
Hà Nội, Giáo Hội và Hội Ðồng
Giám Mục thầm lặng Trung Quốc hiện
nay và, gần gũi nhất là, Ðức
cố TGM Philipphê Nguyễn Kim Ðiền,
người đã khổ vì đạo
và chết vì đạo ngày 08-6-1988
tại Sài gòn. Tuy nhiên, ai cố tình
bách hại tôi thì ngang nhiên vi phạm
điều 19 Tuyên Ngôn Nhân Quyền
của Liên Hiệp Quốc
Tôi không chủ yếu trình bày thực trạng Giáo Hội Công Giáo và thực trạng tôn giáo tại Việt Nam nói chung vì có thể thiếu một số chi tiết chính xác. Tuy nhiên, từ tình hình Giáo phận Huế, Quí Vị có thể hiểu được thực trạng Giáo Hội Công Giáo của cả Việt Nam.
Giáo phận Huế vừa có một vị Tổng Giám Mục Giám Quản Tông Tòa sau 6 năm chờ đợi, vừa có một lễ truyền chức 5 tân Linh mục sau hơn 18 năm vắng bóng, vừa được phép mở lại Ðại Chủng Viện sau hơn 18 năm đóng cửa. Phải chăng đời sống tôn giáo đang đầy phấn khởi, đang được tự do? Hoàn toàn không phải thế!
Sau đây là một vài nét về thực trạng Giáo phận Huế để chứng minh:
1. Tiểu chủng viện Hoan Thiện, 11 Ðống Ða - Huế, đang bị Nhà nước dùng bạo lực chiếm đóng từ tháng 12-1979 làm trường Trung học Phổ thông cấp 2-3 Nguyễn Chí Diễu, khiến cho gần 300 chủng sinh phải lang thang tu học tại gia, chỉ biết chờ đợi được xét duyệt lý lịch để may ra được vào Ðại chủng viện một cách nhỏ giọt do ân huệ của Nhà nước ban xuống. Tiểu chủng viện nầy, cả Giáo phận Huế cũng như nhân dân thành phố đều biết rõ, là nơi đào tạo linh mục; thế nhưng Chính quyền cứ cố tình gian dối cho rằng đó chỉ là một trường trung học tư thục để tịch thu.
Hơn 100 Chủng sinh bị Nhà nước đuổi khỏi Tiểu chủng viện Hoan Thiện và Ðại chủng viện Huế từ 1979 đành lưu lạc khắp nơi, một số phải chạy ra nước ngoài để được làm Linh mục. Hiện nay còn khoảng 15 Chủng sinh đang lang thang tại Huế đợi chờ ngày được vào Ðại chủng viện mà không biết đến bao lâu. Họ có tội tình gì ? Ðó không phải là đàn áp Tôn giáo sao?
2. Quyền tấn phong và bổ nhiệm Giám mục, quyền đi cử hành bí tích Thêm sức, quyền phong chức, bổ nhiệm Linh mục và tuyển chọn chủng sinh trên lý thuyết là của Giáo Hội, "Nhà nước không can thiệp vào" (lời Ông Ðỗ Mười), nhưng trong thực tế, tất cả đều do Chính quyền đồng ý hay không ("Mọi chuyện chính đáng đều được quyền làm nhưng phải xin phép trước đã" !?) Trong suốt 261 năm bị bách hại (1625-1886), tuy các Giám mục, Linh mục, Chủng sinh phải trốn tránh, có khi bị bắt, bị giết . . . nhưng các quyền thiêng liêng ấy chẳng bao giờ mất : Giáo hội vẫn hoàn toàn chủ động phong chức và bổ nhiệm nhân sự theo ý mình. Còn hôm nay, tuy mang tiếng là "Tự do", thực chất Giáo Hội hết sức bị động, phải ngửa tay xin ân huệ Nhà nứơc, không tuyển chọn, phong chức và bổ nhiệm được người mình cho là xứng đáng và cần thiết. Chính quyền ấn định số Ðại chủng viện được mở, số chủng sinh cho từng Giáo phận và thời gian cho mỗi kỳ thi tuyển, như thể Ðại chủng viện là trường đào tạo cán bộ Nhà nước vậy ! Chính quyền lấy quyền gì mà ấn định các con số ấy? Thiên Chúa kêu gọi ai thì người ấy xin tu, Giáo hội có khả năng bao nhiêu thì Giáo hội nhận, xét đủ tư cách hay không thì Giáo hội truyền chức. Ơn Thiên triệu chứ có phải ơn Mác-xít triệu hay ơn Chủ Nghĩa Xã Hội triệu đâu ! Hơn 18 năm qua, Chính quyền đã làm Giáo phận Huế thiệt mất khoảng 80 tân linh mục, mà thường là Giáo hội có thể đào tạo được.
Chính quyền xen vào nội bộ Giáo Hội cách trắng trợn, dùng áp lực để sắp xếp, lèo lái theo ý mình, tuân theo một nguyên tắc nghiệt ngã : "Nhà nước phải quản lý toàn diện", dựa trên một quan niệm quá lố về quyền bính : "Luật Nhà nước là tối thượng", nhằm một ý đồ đen tối biến Giáo Hội thành một công cụ mềm dẻo, một nô bộc trung thành, một tay chân ngoan ngoãn. Tất cả đều lồng trong những chiêu bài : "Có tốt đời mới đẹp đạo", "được tự do nhưng trong khuôn khổ", "kính Chúa phải đi đôi với yêu Chủ Nghĩa Xã Hội". Chính vì Giáo Hội dè dặt chưa yêu ngay CNXH mà phải bị o ép đủ điều. Và càng bị trói buộc thì Giáo Hội lại càng không thể yêu cái ý thức hệ độc đoán cứ bắt mọi người phải học và phải yêu nó cho bằng được. Mỗi học sinh từ cấp 1 đến đại học đều phải thấm nhuần "chân lý" nền tảng: "Yêu nước hôm nay là phải yêu CNXH". Ðộc tài về tư tưởng là thứ độc tài ghê gớm nhất, thâm hiểm nhất!
3. Ðức nguyên Giám quản Giacôbê Lê Văn Mẫn được Hội Ðồng Cố Vấn bầu làm Giám quản Huế theo giáo luật từ 1990. Suốt 4 năm qua, cả Giáo phận Huế đều vâng phục Ngài là Vị Bản quyền chính thức, thế nhưng chính quyền cứ cố tình không nhận, tạo ra bao rắc rối khó khăn cho Giáo Hội. Ðó chẳng phải là can thiệp thô bạo vào nội bộ của Giáo Hội sao ? Nếu Ngài có tội gì thì Chính quyền đã bắt và xử theo pháp luật. Nếu Ngài chẳng đủ tài đức thì Hội Ðồng Cố Vấn bầu lên làm gì, và Tòa Thánh Vatican ắt đã không chuẩn nhận. Thế tại sao Chính quyền không vừa ý ? Phải chăng chỉ vì Ngài chưa yêu CNXH hết lòng ? Tình trạng Ðức Giám Mục Nicôla Huỳnh Văn Nghi, Giám quản Sài Gòn cũng đang tương tự. Chính quyền lấy quyền gì mà không thừa nhận các Ngài?
4. Tuyển sinh các Dòng nam nữ đều phải ẩn núp dưới nhiều hình thức. Cho đến khi khấn trọn đời, trở thành tu sĩ thực thụ, nào có mấy ai trong họ suốt 19 năm qua được tự do nhập hộ khẩu vào Dòng, cứ phải "tu chui" hoài mãi. Tu thì có gì là tội mà phải "chui" ? Các Dòng muốn lập thêm một cộng đoàn mới tại những nơi cần thiết theo nhu cầu của Giáo Hội thật khó như bay lên trời. Dòng Con Ðức Mẹ Vô Nhiễm (Phú Xuân, Kim Long) có cơ sở Nhà mẹ bị Chính quyền đứng ra thuê hơn 19 năm nay, tiền không trả mà nhà cũng chẳng giao, dù trên lý thuyết thì Chính quyền nói sẵn sàng trả lại. Biết đến bao giờ ? Muốn tu cũng không có chỗ để tu!
5. Giáo hữu các vùng kinh tế mới, xứ đạo xa xôi như Quảng Bình, Khe Sanh, Bình Ðiền, Nam Ðông, A Lứơi hàng năm đến lễ Giáng Sinh, Phục Sinh chỉ ước ao có một Thánh Lễ thôi nhưng cũng khó lòng mà được. Hết lý do nầy đến lý do khác, Nhà nước khất mãi giấy phép làm Nhà Thờ, cũng chẳng cho Linh mục đến cử hành Thánh Lễ hoặc ban Bí tích cho họ. Ðời sống Tôn giáo bình thường, phồn thịnh, phấn khởi chỗ nào?
6. Giáo Hội hằng hết sức mong ước được cộng tác vào công việc giáo dục, y tế, truyền thông, xã hội . . . nhưng biết đến khi nào mới được phép mở lại các trường học, bệnh xá, viện mồ côi, nhà khuyết tật, trung tâm văn hóa của mình mà vốn đã bị Nhà nước trưng thu hoặc buộc phải trao nhượng tất cả?
Giáo Hội có được một tờ báo nào riêng, một nhà in nào riêng để phổ biến giáo lý của mình chăng? Muốn thế thì điều kiện tiên quyết vẫn là phải "kiên định lập trường Xã Hội Chủ Nghĩa" hay ít nhất là không có tí gì phê bình chế độ Nhà nước. Quyền tự do tư tưởng, tự do trình bày niềm tin, tự do rao giảng Phúc Âm và Chân Lý, tự do chọn trường và môn học cho con em... đến bao lâu mới có cách bình thường?
7. Tại Giáo phận Huế trước đây, vì gặp Ðức cố TGM Philipphê Nguyễn Kim Ðiền cương quyết chống lại, Chính quyền thất bại trong việc lập Ủy Ban Ðoàn Kết Công Giáo Yêu Nước. Hiện nay chính quyền đã và đang mời một số Linh mục, Tu sĩ tham gia Hội Ðồng Nhân Dân là cơ quan quyền lực Nhà nước, hoặc Mặt Trận Tổ Quốc VN. Thâm ý là mượn một số Linh mục, Tu sĩ, giáo dân tuyên truyền cho Chủ Nghĩa Xã Hội, hỗ trợ cho Chế Ðộ.
Sau đây là một vài nét chung về Giáo Hội Công Giáo Việt Nam và ít tâm nguyện riêng:
8. Tôi không dám gọi Ðức Giám mục nào, Linh mục nào là "quốc doanh", vì tôi nghĩ các Ngài có thể cũng hết lòng trăn trở, kể cả trong nước mắt, để tìm cách sao cho Giáo hội được mở mang, dễ hoạt động. Nhưng những gì các Ngài thu được trước mắt không thể bù lại những mất mát quá lớn lao sẽ còn di lụy lâu dài trong lịch sử, làm méo mó hình ảnh một Giáo hội hiên ngang xây dựng Nước Trời, tự do rao giảng tiếng nói lương tâm, mạnh dạn phê phán mọi bất công, sai lầm bất cứ từ đâu đến, thay vào đó chỉ tạo nên hình ảnh một Giáo Hội yếu nhược, qụy lụy ngày càng rõ nét, chạy theo một vài thuận lợi nhất thời trước mắt, chỉ biết "cộng tác" (collaborer) mà thiếu hẳn "đề kháng" (en résistant) [Công thức collaborer en résistant của Ðức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II], làm nản lòng đại bộ phận Dân Chúa và bao người thiện chí trước đây vốn khâm phục Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Phải chăng nên chịu khó uốn lưỡi vài lời "phấn khởi", "hân hoan", "khôn ngoan", "ngưỡng mộ" để được xuôi thuận công việc hoặc thậm chí để đuợc các đặc quyền đặc lợi...?
9. Tôi có thể bị lên án là tại sao không quan tâm cộng tác trong các lãnh vực giáo dục, y tế, xã hội mà cứ om sòm đòi hỏi tự do tôn giáo hoài ? Một điều dễ hiểu là chính nhờ có tự do Tôn giáo mà Giáo Hội mới có điều kiện góp sức ngăn chặn sự ác, thăng tiến xã hội và đóng góp nhiều Kitô hữu nhiệt tình dấn thân phục vụ trần thế về mọi mặt. Tự do lương tâm và tự do Tôn giáo là cơ sở để có được và bảo đảm được những quyền tự do chân chính khác. Tôi muốn sống thật yên ổn để được phục vụ mọi người, nhưng trên hết mọi sự, vì say mê Thiên Chúa và yêu mến con người, tôi phải chiến đấu cho tự do Tôn giáo đích thực, kiên trì đòi hỏi mãi cho đến khi Việt Nam có cuộc sống Tôn giáo bình thường như tại đa số các nước trên Thế giới, nơi đó dân chúng không hề lên tiếng đòi hỏi cũng như Chính quyền chẳng cần lặp đi lặp lại điệp khúc : "Nhà nước bảo đảm tự do tín ngưỡng", "chính sách Tôn giáo trước sau như một". Cứ xem 2 bản kiến nghị của Hội Ðồng Giám Mục Việt Nam gởi Thủ Tướng Chính Phủ ngày 18-10-1992 và ngày 26-10-1993 thì đủ thấy Giáo Hội Việt Nam thiếu quá nhiều quyền cơ bản nhưng chỉ đành biết kiến nghị và chờ đợi, đợi chờ mà thôi.
Ðối chiếu với điều 18 và 19 Tuyên Ngôn Nhân Quyền ngày 10-12-1948 của Liên Hiệp Quốc (mà Việt Nam được là thành viên từ năm 1977). Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo ngày 7-12-1965 và Tuyên ngôn về Giáo dục Kitô giáo ngày 28.10.1965 của Công Ðồng Vatican II (xin xem phụ lục đính kèm), thử hỏi Giáo Hội Việt Nam đã được những quyền cơ bản gì?
10. Có thể có kẻ phê phán rằng tại sao các Linh mục khác vẫn cam phận làm việc, thậm chí có vị còn xem ra vừa lòng mọi chuyện nữa, mà hình như chỉ có mình tôi cứ luôn lên tiếng đòi hỏi tự do Tôn giáo (từ sau 1975, tôi đã bị bắt ở tù hai lần vì đòi hỏi tự do Tôn giáo và hiện đang bị quản thúc cũng chỉ vì đấu tranh cho Tự do Tôn giáo)( ). Tất nhiên có rất nhiều người, bằng nhiều cách, cùng chiến đấu như tôi hoặc hơn tôi. Nhưng cũng có thể có người muốn khôn ngoan giữ mình để còn có thể phục vụ, chứ Linh mục nào cũng vào tù cả thì việc mục vụ biết ủy cho ai?
Tôi hy vọng các Kitô hữu đích thật và mọi người thành tâm thiện chí sẽ tán thành tuyên ngôn 10 điểm trên đây của tôi. Tôi cũng xác tín rằng cùng với tôi, đã, đang và sẽ có nhiều thế hệ Kitô hữu cùng muốn chia sẻ ơn gọi ngôn sứ của Môsê, Giêrêmia, Eâdêkien . . . từ hơn 3000 năm nay : "Hãy để cho dân tôi được tự do đi tế lễ Thiên Chúa" (Xh 5,1) và "Ta truyền cho con điều gì, con phải nói . . . đừng sợ gì cả !" (Gr 1,7; Ed 2,6)
Tuy bất xứng, tôi cũng nguyện noi gương các Thánh Tử Ðạo Việt Nam, Tu sĩ Gioankim Marcel Nguyễn Tân Văn tử đạo rũ tù ngày 10-7-1959 tại trại 2 Yên Bình gần Hà Nội, Giáo Hội và Hội Ðồng Giám Mục thầm lặng Trung Quốc hiện nay và, gần gũi nhất là, Ðức cố TGM Philipphê Nguyễn Kim Ðiền, người đã khổ vì đạo và chết vì đạo ngày 08-6-1988 tại Sài gòn. Tuy nhiên, ai cố tình bách hại tôi thì ngang nhiên vi phạm điều 19 Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc.
Xin Quí Vị và mọi người cầu nguyện cho tôi mỗi ngày để tôi đủ nghị lực chu toàn nhiệm vụ Thiên Chúa trao phó mà không trút cho ai được. "Thiên Chúa đã chỉ cho tôi một chỗ đứng, tôi không có quyền trốn thoát" (Thư gởi ông Diôgnêtos, tk 1)
Tôi xin đặt Tuyên ngôn nầy dưới sự bảo trợ của Chúa Giêsu Kitô, Ðức Mẹ La Vang, Thánh cả Giuse, các Thánh Tử Ðạo Việt Nam, cùng các Tổ chức Nhân quyền Quốc tế. Xin Quí Vị và mọi người giúp tôi phổ biến rộng rãi để Ðất nước tôi sớm có Tự do Tôn giáo và Tự do Lương tâm đích thực. Xin chân thành cảm ơn Quí Vị và kính chào mọi người.
Nhà Chung Huế, Lễ
Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam:
24.11.1994
Một linh mục bé nhỏ
ở Huế: Tađêô Nguyễn
Văn Lý
Kỷ niệm 6 năm Bản
tuyên ngôn trên đây:
Lễ Các Thánh Tử
Ðạo Việt Nam: 24. 11. 2000
Lm Tađêô Nguyễn
Văn Lý
Cố Vấn UB ÐT cho TDTG
tại VN (CRFV)
Nơi ở : Nhà Thờ
Công Giáo Nguyệt Biều, xã Thủy
Biều, Huế
Ðịa chỉ Bưu điện
: 37 Phan Ðình Phùng, Huế - Việt Nam
Tel. 011. 84. 54. 846429 hoặc 011. 84.
54. 881061
E-mail : nvlgph@dng.vnn.vn hoặc nguyenvanly@dng.vnn.vn