Linh Mục Nguyễn Văn Lý
bị nhà cầm quyền cọng sản Việt Nam
quản chế không xét xử trong 2 năm

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Linh Mục Nguyễn Văn Lý bị nhà cầm quyền cọng sản Việt Nam quản chế không xét xử trong 2 năm.

 Kính thưa Qúy vị,
Chúng tôi mới nhận được tin qua điện thoại là cha Tađêô Nguyễn Văn Lý đã bị nhà cầm quyền Cọng Sản Việt Nam tỉnh Thừa Thiên ra lệnh quản chế không xét xử trong 2 năm, qua Quyết định 401/QÐUB ký ngày 26/2/2001 và có hiệu lực từ ngày 27/2/2001. Quyết định này được ký bởi ông Nguyễn Xuân Lý, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên. Nó dựa trên một văn bản pháp lý lớn hơn là Quyết Ðịnh 31/CP, một văn bản quái đản và bất công chưa từng có tại một nước văn minh nào trên thế giới này, một văn bản đã bị các tôn giáo cũng như mọi nhà tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam đòi hỏi hủy bỏ từ lâu nhưng nhà nước Cọng Sản Việt Nam vẫn nhất định giữ lại để khống chế hoạt động và làm giảm ý chí tranh đấu của mọi ai bất đồng chính kiến hay đấu tranh ôn hòa.

 Với quyết định bất công tàn ác này, kể từ nay linh mục Lý không được ra khỏi làng Truyền Nam, giáo xứ An Truyền, dù để đi thăm giáo dân, giúp người hấp hối hay tham dự các buổi lễ, cuộc họp chung của linh mục đoàn tại Huế. Nay hễ linh mục Lý ra tới cổng nhà thờ liền bị nhân viên chính quyền ngăn chận lại, có lúc lên tới cả trăm người.

 Theo chúng tôi biết, hôm ra quyết định 401 đó, nhà cầm quyền cọng sản đã phải phái gần 150 nhân viên đến nhà xứ An Truyền. Ðược báo động, giáo dân đã vây quanh nhà xứ trước, để bảo vệ chủ chăn của họ. Thành thử người ta đã chứng kiến cảnh 150 công an đứng vòng ngoài, gần 100 giáo dân đứng vòng trong, ở giữa là linh mục Nguyễn Văn Lý đối diện với 6 người đại diện nhà cầm quyền. Viên đại diện (trong ủy ban xã) đọc lệnh với cung giọng hốt hoảng và kết thúc với lời "xin lỗi": "Thưa linh mục, chúng tôi chỉ làm theo lệnh trên".

 Nhà cầm quyền cọng sản cho biết: linh mục Lý có 10 ngày để khiếu nại. Cha Lý nói: "Tôi nhất định không khiếu nại, vì tôi không chấp nhận chế độ này. Tôi cực lực phản đối biện pháp bất công này nhưng vì các ông dùng bạo lực nên tôi đành phải chịu thôi". Dù vậy, cha Lý cho biết, hễ có giáo dân nào lâm cơn nguy tử, cần xức dầu kẻ liệt, ngài cũng liều mạng, vượt ruộng, băng đồng, lội sông, bất chấp mọi nguy hiểm, vì chủ chăn không thể bỏ mặc con chiên của mình.

 Sau đó là bắt đầu những chương trình phát thanh (trên máy phóng thanh của xã) nhằm đả kích và bôi nhọ cha Lý. Xin lưu ý: trụ sở Ủy ban xã nằm gần cổng nhà thờ. Nhà cầm quyền cọng sản kết án cha Lý đủ mọi tội chính trị, có lúc còn nói xấu thanh danh của ngài rất là hèn hạ. Có hôm cha Lý đã ra Ủy ban và nói thẳng với họ rằng: "Theo như lời kết án của các ông trên máy thì tôi đáng tội tử hình hay ít nhất cũng là chung thân. Vậy tôi xin nộp mình cho xã và yêu cầu xã giam tôi lại".

 Với những biện pháp nghiệt ngã như trên, bao nhiêu chương trình thăng tiến đời sống kinh tế, văn hóa cho giáo dân và lương dân tại Truyền Nam, An Truyền đành phải tạm thời xếp xó. Nhà cầm quyền cọng sản nhất định không chịu cho ngài đem các máy vi tính đang để tại Nguyệt Biều về An Truyền để dạy cho học sinh (cha Lý là một chuyên gia vi tính tự học rất giỏi). Tiền bạc nhiều người gởi giúp cho ngài để cấp học bổng cho học sinh nghèo cũng bị chặn lại bằng đủ cách. Công an ngang nhiên lục soát đồ đạc, thậm chí thân thể của những ai đến An Truyền, nhất là những người bị họ nghi là chuyển cho ngài tiền bạc hay tài liệu. Cha Lý muốn giúp đỡ cho con cái của ngài mà lúc này đành phải bất lực.

 Qúy vị biết: An Truyền là một họ đạo rất nghèo khổ về nhiều mặt. Họ bị thiệt thòi trong chuyện chia ruộng và chia mặt đầm (để làm cá). Những phần tốt đều được nhà cầm quyền cọng sản dành cho các làng bên lương hay các làng "có công với cách mạng". Cả giáo xứ 800 nhân khẩu mà chỉ được một sinh viên đại học. Phần lớn các học sinh bỏ học lúc xong cấp hai (tức là lớp 8) để đi làm ruộng, đạp xe đạp thồ, trẻ nữ thì chằm nón, mỗi ngày cố gắng tối đa cũng chỉ được 10 ngàn đồng việt nam (tức 75cents).

 Nhiều linh mục bạn đã cố gắng về thăm cha Lý cũng bị công an ngăn chận. Ngay linh mục Nguyễn Hữu Giải là hạt trưởng, có quyền trên cả hạt Hương Phú (nơi có giáo xứ An Truyền) cũng bị ngăn cản không biết bao nhiêu lần, dù ngài nhân danh là hạt trưởng để đi thi hành công vụ. Bản thân vị hạt trưởng này cũng luôn bị theo dõi, kèm sát. Các điện thoại chung quanh nhà ngài (ngài không có máy điện thoại riêng) cũng bị cắt hẳn.

 Linh mục Phan Văn Lợi cũng cùng chung số phận. Quanh nhà linh mục này luôn có công an theo dõi kẻ ra người vào. Linh mục đi đâu cũng có ít nhất hai hoặc ba công an bám theo. Mỗi khi đi làm công việc gì, linh mục phải đi vòng vo nhiều bận để đánh lạc hướng và cắt các đuôi bám theo. Còn điện thoại của linh mục thì dĩ nhiên đã được cho "nghỉ" từ lâu. Hai linh mục Giải và Lợi bị một số kẻ yếu bóng vía coi như người hủi, phải tránh xa hoặc mời đi khỏi cho mau, vì sợ đằng sau các vị là những anh công an bám gót rình mò. Tuy thế, vẫn không thiếu những cá nhân và cộng đoàn can đảm "chấp chứa" hai nhà tranh đấu này để giúp hai vị hoạt động. Lần nọ được một người từ xa hỏi trên điện thoại: "Khó khăn mà linh mục đang gặp là khó khăn nào?", linh mục Lợi đáp: "Khó khăn đó chính là lòng sợ hãi".

 Kết thúc bản tin này, chúng tôi khẩn thiết yêu cầu mọi cơ quan quốc tế nhân quyền, mọi người thiện chí trên thế giới hãy mau chóng và mạnh mẽ can thiệp để nhà nước Cọng Sản Việt Nam phải tức tốc hủy bỏ quyết định bất công, sai trái và tàn ác là "quản chế không xét xử" nói trên đối với linh mục Nguyễn Văn Lý. Ðồng thời cũng kính xin mọi người ra sức hoạt động để Quyết định 31/CP bị xóa sổ vĩnh viễn trên đất nước Việt Nam.

 Thừa Thiên, Việt Nam, ngày 29/2/2001
(Phóng viên tường trình từ Huế)
 
 


Back to Home