Huế - (11/2/2001) -- Kể từ hôm về nhận xứ mới An Truyền (thứ hai ngày 5/2/2001) cho tới hôm nay, linh mục Nguyễn Văn Lý chỉ lên lại xứ cũ Nguyệt Biều được hai lần (thay vì 3 lần mỗi tuần như dự định). Lần đầu là ngày thứ tư 7/2/2001: ngài lên để chuyển một số đồ đạc về An Truyền. Trong lần này, hai thanh niên của ngài (đi trước ngài) đã bị Công An chặn tại cầu Lòn (gần cầu Bạch Hổ) lúc 4 giờ chiều và họ tịch thu ổ đĩa cứng (trong đó có Lời Chứng trước QH Mỹ ngày 13/2/2001) cùng vài đĩa mềm của ngài do hai em ấy giữ. Ngay đêm đó, lúc 12 giờ khuya, cha Lý cùng với gần 40 giáo dân An Truyền cỡi 20 chiếc Honda lên lại Nguyệt Biều tìm hai thanh niên nhưng không thấy. Thì ra hai em đã bị đưa về Lao Thừa Phủ để thẩm vấn suốt đêm và đã được thả ra lúc 3 giờ sáng ngày thứ năm 8/2/2001 tại Nguyệt Biều.
Ðến ngày thứ sáu mồng 9/2/2001, cha Lý định lên lại Nguyệt Biều thì bị chặn giữa đường. Hiện nay Công An đã đặt nhiều trạm kiểm soát ở con đường dẫn vào làng Truyền Nam (nơi giáo xứ An Truyền tọa lạc). Tất cả những ai lạ mặt đều bị xét hỏi giấy tờ. Cha Lý cũng chưa thể đem đồ đạc, nhất là máy móc về xứ mới để khai triển lớp vi tính cho dân, vì sợ Công An chận lại tịch thu.
Giờ đây, cha Lý đi đâu trong xứ, như đưa Mình Thánh Chúa, thăm giáo dân thì đều có người của chính quyền theo sát. Nhưng ngược lại, giáo dân An Truyền, vốn dũng cảm không kém giáo dân Nguyệt Biều, cũng luôn đi theo chủ chăn của họ. Có hôm cả đoàn cha con bị gần 100 công an và du kích địa phương dàn hàng ngang đẩy lui, không cho đi tiếp. Chiều hôm 11/2/2001, chính quyền xã đã đến gặp cha Lý tại nhà xứ, yêu cầu ngài tiếp tục ra trụ sở Ủy ban xã để "làm việc" (nghĩa là bị thẩm vấn) như họ đã làm việc với ngài suốt cả ngày 9/2/2001. Cha Lý đã thẳng thừng từ chối. Trong lúc đó, giáo dân nườm nượp vây quanh nhà xứ để hỗ trợ cho vị chủ chăn và biểu lộ tinh thần đoàn kết cũng như ý chí bất khuất. Chính quyền trả lời rằng vì ngài từ chối không đi "làm việc" với họ nên họ cũng không cho ngài ra khỏi khu vực giáo xứ An Truyền. Vậy là chính quyền cộng sản đã dùng mọi cách thô bạo để ngăn chận hoạt động của vị linh mục mà không đưa ra một văn bản nào.
Về phần cha Lý, tuy mới ở với giáo dân gần một tuần, ngài đã trình bày cho họ mọi chi tiết về công cuộc đấu tranh của ngài. Ai nấy đều nhất trí và chẳng chút chi tỏ ra sợ hãi. Nay thì mỗi giáo dân đã chuẩn bị sẵn cho mình một bảng khẩu hiệu "Tự do tôn giáo hay là chết" và sẵn sàng mang theo khi cần tuần hành. Ðó là chưa kể cha Lý, hôm về nhận xứ mới, đã đem theo 6 bảng "Chúng tôi cần tự do tôn giáo" và "Tự do tôn giáo hay là chết" (gấp đôi số bảng tại Nguyệt Biều). Sáu bảng này đang nôn nóng chờ ngày trương lên. Tưởng cũng nên lưu ý với quý vị: làng Truyền Nam chính là quê hương của hai vị anh hùng Ðoàn Trưng và Ðoàn Trực, những lãnh tụ nông dân đã tổ chức cuộc nổi dậy của các dân phu bị cưỡng bức và đày đọa trong việc xây Khiêm Lăng (lăng vua Tự Ðức, gần làng Nguyệt Biều) (các sử thần triều Nguyễn đã gọi cuộc nổi dậy chống cường quyền này là "Giặc chày vôi"). Giáo dân giáo xứ Tân Mỹ kề cận cũng đã được thông báo tình hình đấu tranh và sẵn sàng ứng cứu hỗ trợ cho An Truyền.
Ðược hỏi vì sao cha không thể liên lạc điện thoại (di động) với ai từ cả mấy hôm nay, khiến đồng bào hải ngoại cũng như nhiều nơi khác trong nước đâm lo lắng, cha Lý cho biết xứ An Truyền ở khá xa thành phố (hơn 10 cs) lại nằm giữa đồng ruộng, mạng điện thoại di động phủ sóng rất yếu, thành thử việc liên lạc khó hơn là ở Nguyệt Biều. Hiện ngài đang cố gắng nhờ các chuyên gia khắc phục.
Trở lại chuyện giáo xứ Nguyệt Biều, thì kể từ sau khi cha Lý đi khỏi, Công an đã đến từng nhà giáo dân ban đêm, thường vào khoảng 11-12 giờ khuya, đem lời hăm dọa và khuyên họ đừng tin theo cha Lý nữa. Các giáo dân tân tòng thì bị khủng bố cách đặc biệt hơn. Công an còn xem các học sinh công giáo Nguyệt Biều đang học trường nào để đến tận trường, dọa đuổi học hay không cho thi cử nếu các em còn theo cha Lý, còn liên lạc hay thăm viếng ngài. Ngoài ra, những sinh viên ngoại tỉnh đến học tại Huế và thuê nhà ở thôn Nguyệt Biều để có thể theo các lớp Anh văn và Vi tính miễn phí của cha Lý thì nay bị chính quyền bảo phải đi thuê nhà chỗ khác. Rõ ràng là Nhà Nước ngày càng tỏ ra hung bạo với cả dân lành. Tiếc rằng cho đến nay, vị quản xứ chính thức của Nguyệt Biều là cha Trần Văn Quý, dù có lên ở với giáo dân các đêm thứ 2, 4, 6, vẫn chưa có biện pháp nào hữu hiệu để bảo vệ giáo dân Nguyệt Biều hay lên tiếng phản đối các trò hù dọa thô bạo của Công an. Nay giáo dân Nguyệt Biều lại thiếu một chỗ dựa họ đã hy vọng rất nhiều là Ðức giám mục Nguyễn Như Thể. Theo chúng tôi biết, ngài đang bận rộn chuẩn bị cho chuyến đi Rôma và ngày 12/2/2001, ngài sẽ lên đường vào Sài gòn để qua Ý dự lễ tấn phong của Ðức Tân Hồng Y Nguyễn Văn Thuận.
Dù vậy, chiều hôm nay, lúc cha Lý "được" chính quyền xã tới "thăm", bên cạnh các giáo dân An Truyền, chúng tôi cũng thấy có nhiều giáo dân Nguyệt Biều. Họ thay nhau hy sinh công việc, đạp xe đạp hơn 15 cây số để thăm chủ chăn cũ hầu lấy lại tinh thần. Cha Lý cho biết ba tôn giáo lớn tại Việt Nam là Phật Giáo VN Thống Nhất, Phật Giáo Hòa Hảo và Công Giáo đã thành lập Ủy ban liên tôn tranh đấu cho Tự do tôn giáo. Chủ tịch Ủy ban là Hòa thượng Thích Thiện Hạnh, phó chủ tịch là cụ Lê Quang Liêm, thư ký là cha Nguyễn Văn Lý, ủy viên phía Phật giáo là Thượng tọa Thích Thái Hòa, bên Công giáo là linh mục Phêrô Nguyễn Hữu Giải. Ủy viên bên Phật giáo Hòa hảo chưa được tiết lộ danh tánh.
Cuối cùng, Công An cũng đã bắt đầu hù dọa các linh mục bạn đấu tranh với cha Lý. Họ nói cha Lý đang "làm chính trị", phạm nhiều điều sai trái, làm mất đoàn kết lương giáo, gây phương hại đến tổ quốc dân tộc (những luận điệu quá cũ mèm), không nên liên lạc dính dáng với ngài mà thiệt vào thân. Nhưng các linh mục bạn đấu tranh của cha Lý có phải là những người kém trí non dạ đâu mà dọa dẫm các vị. Các vị sẵn sàng chấp nhận tù đày, kể cả cái chết, để làm chứng nhân cho sự thật, làm ngôn sứ cho lẽ phải, để tố cáo, lên án và ngăn chận mọi dối trá, bất công, đàn áp đối với con người. Ðó cũng là sứ mạng linh mục, sứ mạng tôn giáo của các vị. Chính Chúa Kitô, bao ngôn sứ lẫn mục tử chân chính mọi thời và đức đương kim Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cũng từng hành động như thế. Ðòi hỏi tự do tôn giáo cũng là đòi hỏi tự do chân chính, tự do trọn vẹn của quyền làm người.
Phóng viên ở
Huế tường trình.