Giờ đã điểm

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

ÐÃ ÐẾN GIỜ ÐIỂM CỦA GIÁO SĨ CHƯA?

 Ðây là câu hỏi đến trong đầu tôi khi vừa đọc xong bài quan điểm của Nguyệt San Hiệp Nhất "Giờ của Giáo Dân đã điểm" số Tân Niên 97 tháng 1 - 2001.

 Thực ra mà nói, giờ của Giáo Dân đã điểm từ lâu rồi - như Ðức Thánh Cha đã nói - từ ngày bắt đầu công đồng Vatican II, cách đây hơn 30 năm. Ðức đương kim Giáo Hoàng đã ra rất nhiều thông điệp nói về nhiệm vụ tông đồ của giáo dân. Các cha xứ cũng đã nhắc nhở "con chiên", "giáo dân" của mình đều đều. Giáo dân chúng ta cũng đã phần nào đáp ứng lời kêu gọi của Ngài. Có nhiều người rất hăng say tích cực, có khi còn hơn cả giáo sĩ. Cả những người mà ta thường gọi một cách đáng yêu là "bà già trầu" cũng biết nhiệm vụ của Giáo Dân trong công tác rao giảng Tin Mừng. Nhưng thế nào là Tin Mừng? Rao giảng Tin Mừng thế nào, ở đâu và lúc nào?

 Ðặt câu hỏi như vậy là để giúp chúng ta nắm vững vấn đề một cách rõ ràng hơn khi thi hành nhiệm vụ. TIN MỪNG là lời Chúa biểu hiện qua cuộc sống của chính Chúa Kitô trong 30 năm Ngài sống trên trần thế rao giảng Nước Trời. Tin Mừng đó được Thánh Thần Chúa mặc khải soi sáng cho các Tông Ðồ viết ra và lưu truyền đến ngày nay cho chúng ta qua 4 Phúc Âm thư.

 Mẹ Teresa Calcutta đã nói: "Muốn cho thì phải có". Cái có ở đây không phải là tiền bạc vật chất, nhưng là Tấm lòng, đời sống đạo đức đích thực, gương hy sinh quả cảm sẵn sàng chấp nhận hiểm nguy dù phải hy sinh tính mạng vì Tin Mừng, vì Danh Chúa, vì Công Bằng Bác Ái. Hãy sống thực sự với Tin Mừng. Ðừng để người ta gọi là "Thợ Giảng" chỉ biết nói như két lời Chúa. Vẫn sợ gian nan khổ nhọc, vẫn ham chức quyền, mong an thân kiểu "cháy nhà mặc bay". Ðừng nói đến "Công Bằng/Công Lý" khi mà chính quyền tha hóa, bất công vẫn còn đầy dẫy trên quê hương, nào là tham nhũng hối lộ, nào là bắt bớ, hà hiếp, chà đạp, làm khó dễ dân lành... mà không dám hé răng phê phán. Làm ngơ trước bất công tội ác đã là tội, nói chi lại tỏ vẻ "xum xoe" "đồng lõa". Không làm tròn bổn phận "Công Bằng / "Công Lý" thì đừng nói đến "Bác Ái". Công Bằng là bổn phận buộc ta phải hoàn thành, nếu không ta có lỗi; còn Bác Ái là một hành động tự nguyện, không có tính cưỡng hành. Hô hào Bác Ái mà không làm tròn lẽ Công Bằng là tự mâu thuẫn, giả hình và bịp bợm. Chúng ta cần có một Lương tâm trong sáng khi làm bổn phận quảng bá Tin Mừng, chứng tá Ðức Tin. Niềm Tin chỉ biểu hiện và có giá trị trong những trường hợp khó khăn hiểm nguy. Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam là những gương sáng chói ngời khi các Ngài chứng tỏ Niềm Tin một cách can trường uy dũng, chấp nhận mọi cực hình tra tấn thể xác, khủng bố tinh thần, cương quyết không bước qua ảnh Chúa. Ðó là chuyện xưa, mấy trăm năm trước. Ngày nay cũng không thiếu những anh hùng như vậy. Một Linh mục Jean Baptiste de la Salle Nguyễn văn Vinh, cha chính địa phận Hanội, một cha Quế địa phận Xã Ðoài Nghệ An, một thày Ðỗ bá Lung......và biết bao anh hùng vô danh khác từ linh mục đến giáo dân, đã không sợ gian khổ hiểm nguy, không cầu an, không sợ chết đã đứng thẳng, rất thẳng để nói lên Niềm Tin, lẽ công bằng và công lý cho con người đã chết rục tù dưới chế độ độc tài CS ở miền Bắc sau năm 1954 và trên khắp đất nước sau những năm 1975. Một Hồng Y Trịnh như Khuê, một Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Ðiền đã chấp nhận cái chết vì Lương Tâm Công Chính và Tin Mừng Chúa Kitô. Có người cho đó là thái độ thiếu khôn ngoan uyển chuyển, một loại khôn ngoan của con cái ma quỉ. Các Ngài cũng có thể tỏ vẻ xum xoe thỏa hiệp với CS để được sống an nhàn. Các Thánh tử đạo cũng có thể thỏa hiệp với vua quan bước qua ảnh Chúa để thoát khỏi cực hình và sống an nhàn sung sướng. Nhưng các Ngài đã không làm vậy. Các Ngài chọn Thánh Giá của Chúa, vì Niềm Tin, vì Lương Tâm, vì Trách Nhiệm chủ chăn. Ðức Gioan Phaolo II đã nói: "Nếu các bạn dứt khoát từ chối thỏa hiệp để sống Ðức Tin Kito giáo, các bạn sẽ làm cho thế giới sáng rực lên". Làm nhiệm vụ tông đồ giáo dân, chứng tỏ Niềm Tin, Lương Tâm, chí Dũng Cảm Anh Hùng phải được thể hiện trong đời sống hàng ngày và trong những hoàn cảnh khó khăn hiểm nguy. Chỗ nào có bất công, ức hiếp, chà đạp tự do nhân phẩm, chỗ đó phải có tiếng nói của người công dân công giáo. Ðó là tiếng gọi / đòi hỏi của Tin Mừng. Trách nhiệm của người công dân công giáo.

 Mới đây, 50,000 người công giáo Phi Luật Tân tuần hành kêu gọi Tổng Thống Estrada từ chức vì tội tham nhũng hối lộ, biển thủ công quĩ và TT. Estrada đã phải từ chức. Cuộc tuần hành lấy tên Tuần hành Jericho được Giáo Hội Công Giáo tổ chức do Ðức Hồng Y Jame Sin, TGM Manilla cầm đầu, tuần hành trước quốc hội và trước nhà thờ Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Jericho là tên lấy từ trong cựu ước, nhắc tới cuộc tuần hành do Jushua dẫn dân Do Thái đi vào cuộc chiến chiếm thành Jericho chinh phạt những kẻ vô đạo. Bộ chính trị trung ương đảng CSVN, đảng CSVN, Chính quyền CSVN còn dơ bẩn tội lỗi và tàn ác gấp triệu lần dân thành Jericho. Chính quyền CSVN không chỉ tham nhũng hối lộ thuộc loại bậc nhất Á Châu, hơn Estrada gấp bội, lại còn vô thần, vi phạm nhân quyền, bóp chết tự do, chà đạp nhân phẩm, ức chế tôn giáo, chiếm đoạt tài sản của Giáo Hội và nhân dân một cách trắng trợn công khai. Cha Nguyễn văn Lý đã cùng giáo dân xứ Nguyệt Biều đứng lên đòi lại đất của nhà xứ, đòi Tự Do Tôn Giáo. Nhiều hội đoàn, thanh niên sinh viên, cả thế giới và các tôn giáo đều nhất tề loan tin và ủng hộ. Cha Lý đi khỏi Nguyệt Biều, nhưng tinh thần cha Lý vẫn còn. Cuộc tranh đấu cho Niềm Tin, cho Tự Do Tôn Giáo của cha Lý dĩ nhiên sẽ chẳng bao giờ ngừng khi mà Tự Do Tôn Giáo vẫn còn vắng bóng trên quê hương. Tinh thần Nguyệt Biều sẽ không chỉ ở Nguyệt Biều mà sẽ ở cả An Truyền và bất cứ nơi nào có Niềm Tin, có Chúa Thánh Thần. Biết đâu An Truyền lại chẳng là vị trí thuận lợi hơn cho cha Lý trong việc tranh đấu cho Tự Do Tôn Giáo. Con cái ma quỉ dù có khôn ngoan quỉ quyệt đến đâu cũng không thể qua mặt được. Ðồng bào VN hải ngoại, lương cũng như giáo, mọi người vẫn luôn luôn nhất trí một lòng ủng hộ và yểm trợ cuộc tranh đấu của cha Lý.

 Tín hữu đã làm bổn phận tông đồ giáo dân. Chừng nào giáo sĩ mới bắt đầu? Bao giờ Cộng đồng Công giáo VN có được một cuộc tuần hành Jericho do một Hồng Y hay Giám Mục cầm đầu giống như ở Phi Luật Tân? Xin đừng tránh né trách nhiệm nói "Ðó là Chính Trị". Chẳng lẽ với hạt giống quá khứ anh hùng của 117 vị thánh tử đạo mà Việt Nam chúng ta lại bị coi là "hèn" không bằng Phi Luật Tân hay sao? Nếu Việt Nam có một cuộc tuần hành của Hội Ðồng Giám Mục và hàng trăm Linh mục, kẻ hèn thiết nghĩ đảng CSVN, chính quyền Việt Nam phải lung lay. Nếu không thì nhân dân VN ít nhất cũng phải có được Tự Do Tôn Giáo thực sự. Mong ước thay.

 Nguyễn Tiến Cảnh
Pace Islands, Florida
Ðêm Giao Thừa Tết TÂN TỴ (24 - 1 - 2001)
 
 


Back to Home