Lời kêu gọi
của LM Nguyễn văn Lý:
"Chúng tôi cần có tự do thật sự tại Việt Nam

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Lời kêu gọi của LM Nguyễn văn Lý: "Chúng tôi cần có tự do thật sự tại Việt Nam"

 1- Xét rằng: Chính sách đối với các Tôn giáo nói chung, và đối với Công Giáo nói riêng tại Việt Nam của Chính quyền Cộng Sản Việt Nam từ 1954 cho đến cuối năm 2000 nầy, chỉ là một CHIẾC DÂY THÒNG LỌNG THẮT CỔ CÁC TÔN GIÁO (Lời Ðức Cố TGM Philipphê Nguyễn Kim Ðiền nói với UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đầu năm 1983, và đã được Lm Tađêô Nguyễn Văn Lý lặp lại 2 lần giữa Tòa án Nhân Dân tỉnh Thừa Thiên -Huế xét xử Lm cuối năm 1983 tại Huế , vì Lm đã dẫn giáo hữu đi dự Ðại Hội La Vang năm 1981 và các hệ lụy sau đó: "Chính sách Tự Do Tín Ngưỡng của Nhà Nước Cộng Sản hôm nay chỉ là chiếc thòng lọng thắt cổ Ðạo chúng tôi").

 2- Xét rằng: Trong 261 năm bắt đạo từ dưới thời Cảnh Thịnh - Tây Sơn (1625) đến Văn Thân (1886), tuy các Ðức Giám mục, Linh mục, Thầy giảng, Chủng sinh, Giáo dân bị giết, bị đọa đày,... đủ mọi hình thức, nhưng những quyền thiêng liêng cơ bản nhất của Giáo Hội như Tuyển Chọn, Phong Chức, Bổ Nhiệm các Ðức Giám mục, Linh mục ; Tuyển Chọn, Ðào Tạo các Chủng sinh, Tu sĩ,... tuy phải làm "chui", nhưng không bị mất. Còn từ năm 1954 đến nay, các quyền thiêng liêng ấy hoàn toàn bị mất, tất cả đều phải tuỳ thuộc CQ CSVN "cho phép" hay không. Hầu hết các Dòng Tu Nam Nữ đều có các Tu sĩ "chui" dưới mọi hình thức.

 3- Xét rằng: Tài sản của Giáo Hội Công Giáo VN bị chiếm đoạt, bị trưng thu, bị buộc phải trao nhượng,..... quá nhiều, bằng đủ mọi hình thức thô bạo.

 4- Xét rằng : Giáo hữu Công Giáo VN và các Ðạo hữu của các Tôn Giáo Bạn đang bị quá nhiều phân biệt đốùi xử; các giáo dân các vùng xa, kinh tế mới, hẻo lánh,... rất khó sống Ðạo bình thường.

 5- Xét rằng : Ðối chiếu với điều 18 - 19 Tuyên Ngôn Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc ngày 10. 12. 1948 và các điều 2, 4, 5, 13 Tuyên ngôn về Tự Do Tôn Giáo của CÐ Vatican II và các điều 6, 8 Tuyên Ngôn về Giáo dục Kitô Giáo của CÐ Vatican II, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam hiện nay đang bị trói tay, trói chân, không hoạt động được như ý Thiên Chúa muốn qua CÐ Vatican II.

 6- Xét rằng: "Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh" và "Con người Tự Do phải biết tự giành lấy Tự Do cho chính mình".

 7- Nhân danh các Thánh Tử Ðạo Việt Nam đã được tuyên phong, cũng như hơn 130,000 Anh Hùng Tử Ðạo khác trong thời kỳ bắt đạo thứ nhất (1625 - 1886) và một số đông chưa thể thống kê hết các Ðức Giám mục, Linh mục, Tu sĩ, giáo dân đã khổ vì Ðạo, chết vì Ðạo dưới mọi hình thức trong rất nhiều trại giam từ Bắc chí Nam trong thời kỳ bắt đạo thứ hai dưới chế độ Cộng Sản VN (1954 - 2000 và đang kéo dài) này,

 Nay, với tư cách một Tín hữu và một Linh mục Việt Nam, đã được Thiên Chúa trao phó cho nhiệm vụ Ngôn Sứ của Thiên Chúa, như Môshê đã hiên ngang nói với Vua Pharaô : "Hãy để cho dân tôi được Tự Do đi tế lễ Thiên Chúa" (Xh 5,1); và với tư cách của một Cố Vấn cho Ủy Ban Ðấu Tranh cho Tự Do Tôn Giáo tại Việt Nam (Committee for Religious Freedom in Viet Nam, CRFV) của đồng bào Hải Ngoại tại Washington DC, Hoa Kỳ.
 
 

Tôi xin kêu gọi:

1- Mọi thành phần Dân Chúa tại Việt Nam phải ý thức cho rõ: Giáo Hội chúng ta đang bị đàn áp một cách tinh vi và có hệ thống rõ rệt. Xin đừng ai đang vì địa vị, quyền lợi nhỏ nào đó mà tưởng lầm, và cho "Tự Do" như thế là tạm đủ rồi.

 2- Mọi thành phần Dân Chúa tại Việt Nam, mỗi người theo các phương tiện mình có, với những phương cách do Chúa Quan Phòng định liệu cho, bằng mọi cách : cầu nguyện, hi sinh, gây ý thức, hành động sao cho Giáo Hội VN được có Tự Do Tôn Giáo thật sự.

 3- Mọi thành phần Dân Chúa VN tại Hải Ngoại, mọi tầng lớp dân chúng VN trong và ngoài nước, mọi người thiện chí trên thế giới, mọi Tổ Chức Nhân Quyền trên thế giới,... tìm mọi cách giúp cho Nuớc Việt Nam có đuợc mọi quyền Tự Do cơ bản, mọi Tôn giáo trên Ðất Nước Việt Nam được Tự Do Sinh Hoạt theo Niềm Tin của mình.

 4- Kính xin mọi người thiện chí giúp tôi phổ biếân Lời Kêu Gọi nầy.

 Xin chân thành cám ơn Quí Vị và tất cả những ai đang dấn thân cho quyền Tự Do Tôn giáo, Tự Do Tư Tưởng, Tự Do Lương Tâm và các quyền Tự Do cơ bản khác của nhân loại. Nguyện xin Thiên Chúa, Ðức Mẹ La Vang, Các Thánh Tử Ðạo Việt Nam luôn phù trợ cho Quí Vị và mọi người.

 Kêu gọi tại Giáo xứ Nguyệt Biều, xã Thủy Biều, Huế, nơi tôi đang bị quản chế vì các lần liên tục đấu tranh cho Tự Do Tôn Giáo trước đây từ năm 1975 đến nay, ngày Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng (04. 12. 2000) của Năm Cứu Chuộc 2001, Khởi đầu Thế kỷ XXI và Ngàn Năm Thứ III của Kỷ nguyên Kitô Giáo.

 Linh mục Tađêô Nguyễn Văn Lý
Ðịa chỉ Bưu điện: Nhà Chung GP Huế: 37 Phan Ðình Phùng - Huế
Tel: 054. 846429 hoặc 054. 881061
MAILTO: nvlgph@dng.vnn.vn hoặc MAILTO:nguyenvanly@dng.vnn.vn
 
 

PHỤ LỤC:
TUYÊN NGÔN NHÂN QUYỀN CỦA LIÊN HỠP QUỐC

18. Mọi người đều có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do Tôn giáo; quyền này bao hàm tự do thay đổi Tôn giáo hay niềm tin cũng như tự do tuyên xưng Tôn giáo và niềm tin của riêng mình hay với tập thể, chốn công cộng hay chỗ riêng tư, qua việc giảng dạy, thực hành, thờ phụng và cử hành các nghi lễ.

 19. Mọi cá nhân đều có quyền tự do quan điểm và tự do phát biểu, điều này bao hàm quyền không bị sách nhiễu về các quan điểm của mình cũng như quyền được tìm kiếm, thu nhận và phổ biến không ranh giới các thông tin và tư tưởng bằng bất cứ phương tiện diễn đạt nào.
 
 

TUYÊN NGÔN VỀ TỰ DO TÔN GIÁO CỦA CÐ VATICAN 2

2. Thánh Công Ðồng Vatican 2 tuyên bố con người có quyền Tự do Tôn giáo. Quyền tự do này hệ tại việc con người không bị lệ thuộc vào áp lực của cá nhân, đoàn thể xã hội hay của bất cứ quyền bính trần gian nào khác. Với ý nghĩa đó, trong lãnh vực Tôn giáo, không ai bị ép buộc hành động trái với lương tâm, cũng không ai bị ngăn cấm hành động theo lương tâm, dù cho đó là hành động riêng tư hay công khai, một mình hay với người khác, trong những giới hạn chính đáng.

 4. Các Cộng đoàn Tôn giáo cũng có quyền đòi các cơ quan lập pháp, hành pháp dân sự không được ngăn cản việc chọn lựa, đào tạo, bổ nhiệm và thuyên chuyển các viên chức riêng của mình, việc liên lạc với giáo quyền và các cộng đoàn Tôn giáo ở những nơi khác trên hoàn cầu, việc thiết lập các cơ sở Tôn giáo cũng như thu hoạch và quản trị các tài sản thích hợp.

 Các Cộng đoàn Tôn giáo cũng có quyền công khai giảng dạy và minh chứng đức tin của mình bằng lời nói và bằng chữ viết mà không bị cấm cản. Nhưng trong khi truyền bá và đem thực hành đức tin Tôn giáo, phải luôn luôn tránh mọi hành động có tính cách ép buộc, thuyết phục bất chính hay kém ngay thẳng, nhất là đối với những người chất phác và nghèo túng. Hành động như thế là lạm dụng quyềng lợi của mình và xâm phạm quyền lợi của người khác.

 Ngoài ra, Tự do Tôn giáo còn có nghĩa là các Cộng đoàn Tôn giáo không bị ngăn cản trong việc tự do biểu lộ các hiệu năng riêng của giáo thuyết mình trong việc tổ chức xã hội và làm cho toàn thể sinh hoạt nhân loại được sống động. Sau hết, theo bản tính xã hội của con người, cũng như theo bản chất của Tôn giáo, con người có quyền tự do hội họp hay thành lập những hiệp hội giáo dục, văn hoá, từ thiện và xã hội do cảm thức Tôn giáo thúc đẩy.

 5. Ngoài ra, quyền lợi của cha mẹ sẽ bị xâm phạm, nếu con cái họ bị cưỡng bách theo học những môn học không đáp ứng với niềm xác tín về Tôn giáo của họ, hay bắt phải theo một lề lối giáo dục duy nhất hoàn toàn loại bỏ việc giáo dục Tôn giáo.

 13. Trong số những điều có liên quan đến lợi ích của Giáo Hội, và ngay cả đến lợi ích của xã hội trần thế, những điều cần phải được tôn trọng mọi nơi và mọi thời cũng như phải được bảo vệ khỏi mọi bất công, thì chắc chắn điều quan trọng nhất là Giáo Hội phải được toàn quyền tự do hành động tương xứng với việc đem ơn cứu rỗi cho mọi người.
 
 

TUYÊN NGÔN VỀ GIÁO DỤC KITÔ GIÁO CỦA CÐ VATICAN 2

6. Vì có bổn phận bảo vệ bênh vực quyền tự do của công dân, Chính quyền khi chú tâm đến công bằng phân phối phải lo phân chia những tài trợ chung sao cho cha mẹ có thể được thực sự tự do lựa chọn trường học cho con cái theo lương tâm mình. . . Do đó sẽ loại trừ được mọi chế độ độc quyền học hiệu; chế độ này trái với quyền tự nhiên của con người, cản trở sự tiến bộ và việc phổ biến văn hoá, làm tan loãng bầu khí thuận hoà giữa các công dân và nghịch với thuyết đa dạng ngày nay đang thịnh hành tại nhiều nơi.

 8. Vì thế Thánh Công Ðồng tuyên bố một lần nữa rằng Giáo Hội có quyền thiết lập và điều khiển các trường thuộc các cấp và các nghành, như Huấn Quyền đã xác nhận qua nhiều văn kiện. Công Ðồng cũng nhắc lại rằng việc thi hành quyền lợi này sẽ đóng góp nhiều cho việc bảo đảm tự do lương tâm và những quyền lợi của cha mẹ cũng như sự tiến bộ của nền văn hoá.
 
 


Back to Home