Dân làng Thượng sắc tộc
đụng độ với công an Cộng Sản Việt Nam

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Dân làng Thượng sắc tộc đụng độ với công an Cộng Sản Việt Nam.

 HA NOI (Tin AP, 27/03/2001) - Hôm thứ Ba 27/03/2001, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam cho biết mới đây dân Thượng sắc tộc đã đụng độ với công an sau khi công an cho phá sập nhà thờ Tin Lành tại tỉnh Gia Lai trên vùng Tây Nguyên.

 Những sự việc xảy ra trong ngày 10 tháng Ba 2001 đã giúp thông tấn AP lần đầu tiên tường thuật chi tiết về những nỗ lực kiểm soát tôn giáo và đàn áp những chống đối của người Thượng sắc tộc tại vùng này từ tháng Hai năm 2001.

 Một viên chức công an cho AP biết có ba người được xem là cầm đầu nhóm chống đối tên là Siu Puoh, Siu Thuc va Kpa Thap cùng với nhiều "phần tử phản động" khác đã bị bắt khi họ ngăn không cho công an phá nhà thờ Tin Lành tại Plei Lao thuộc huyện Chu Se cách thị trấn Pleiku 35 dặm về hướng nam.

 Cuộc đụng độ giữa dân làng thuộc bộ lạc Jarai và công an đã làm một số người bị thương. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam từ chối không cho biết có bao nhiêu người bị bắt giữ và có bao nhiêu nhân viên công lực tham gia vụ đàn áp này.

 Nhà cầm quyền địa phương huyện Chu Se nói rằng ba người đàn ông cầm đầu nhóm phá rối đã buộc dân làng đóng góp để xây căn nhà gỗ làm nhà thờ.

 Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên tiếng chỉ trích nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đàn áp tôn giáo đưa bằng chứng vụ dẹp bỏ nhà thờ Tin Lành, một tôn giáo đã phát triển lâu nay trong vùng cư dân người Thượng sắc tộc.

 Trong tháng 2 năm 2001, hàng ngàn người Thượng sắc tộc phần đông là tín đồ Tin Lành đã biểu tình chống đối nhà cầm quyền đưa dân lấn đất và đàn áp tôn giáo.

 Việt Nam đã công kích những người Thượng lưu vong tại Hoa Kỳ thuộc tổ chức Montagnard Foundation đã khơi mào cho những vụ chống đối, họ cho rằng tổ chức này đòi hỏi quyền tự trị cho người sắc tộc Thượng tại Tây Nguyên.

 Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã yêu cầu Hà Nội cho phép giới ngoại giao được đến thăm vùng này. Hôm thứ Ba 27/03/2001, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Cộng Sản Việt Nam nói rằng: "Khách nước ngoài sẽ được mời thăm khi nào giới chức địa phương có thì giờ dàn xếp.

 Thành tích tồi tệ về nhân quyền và tự do tín ngưỡng của Việt Nam có thể làm trở ngại việc phê chuẩn thương ước với Hoa Kỳ.
 
 


Back to Home