Lên tiếng cho sự thật
và trách nhiệm đối với đoàn chiên

Prepared for Internet by Vietnamese Missionaries in Taiwan

Lên tiếng cho sự thật và trách nhiệm đối với đoàn chiên.

 Là một Kitô hữu Việt Nam, mỗi một giáo dân, mỗi một tu sĩ, mỗi một linh mục, và mỗi một Giám mục cũng như cả Hội đồng Giám mục, cách này cách khác, có bổn phận nói lên sự thật, không những về quyền tự do tôn giáo của Giáo hội, mà còn về tự do nói chung, về những nhân quyền căn bản, và về những bất công thối nát trong xã hội VN do Ðảng Cộng sản độc tài toàn trị gây ra. Và chính với cương vị là chủ chăn, chẳng lẽ các Giám mục VN không phải càng có bổn phận phải nói và nói mạnh về những sự thật như thế hơn các thành phần khác của dân Chúa ở VN hay sao?

 Nhưng có thể lương tâm của nhiều vị Giám mục VN lại an tâm với thái độ im lặng làm ngơ đối với những sự thật vừa nói, thậm chí nhiều lúc còn có thái độ nhượng bộ đối với những bất công của Ðảng thống trị. Vì cứ nghĩ và lo ngại bổn phận lên tiếng cho những sự thật ấy xung đột với trách nhiệm của các vị đối với những ích lợi thiêng liêng và vật chất của đoàn chiên của đoàn chiên, để rồi cũng nghĩ rằng không nên thi hành bổn phận ấy vì thế nào cũng gây ra nhiều thiệt thòi cho trách nhiệm Giám mục đối với đoàn chiên.
 
 

Có xung đột thật sự khách quan và chủ yếu trong hoàn cảnh VN hiện tại hay không?

Tuy nhiên trong hoàn cảnh chính trị và xã hội tại VN kể từ đầu thập niên 90 vừa qua cho đến nay, nếu các Giám mục VN có phần nào thẳng thắn lên tiếng cho những sự thật nói trên, thì khó mà có xung đột khách quan nào đáng kể giữa bổn phận lên tiếng cho sự thật và trách nhiệm đối với đoàn chiên. Không cần phải tưởng tượng chi cho nhiều cũng đủ thấy được hậu quả sẽ là thế nào, nếu lúc này các vị thẳng thắn, và dứt khoát, không những chuyện nội bộ của Giáo hội thì mình cứ tự do mà làm với nhau hay với Toà thánh Roma, chứ không phải xin phép xin tắc gì Ðảng toàn trị hết cả, từ chuyện nhỏ như tuyển sinh cho chủng viện cho đến chuyện lớn như bổ nhiệm Giám mục, mà còn lên tiếng bảo vệ cho nhân quyền và lên án những bất công xã hội do Ðảng gây ra. Ðể mà xem, lúc đó trong thực tế Ðảng không những rốt cuộc thế nào cũng đành làm ngơ để cho các vị tự do lo việc đạo mà còn sẽ không dám bỏ tù vị nào vì đã lên tiếng lo cho chuyện "đời". Như thế sự can đảm thẳng thắn của các vị Giám mục VN không những sẽ không gây thiệt thòi gì về mặt thiêng liêng và vật chất, mà làm lợi thêm rất nhiều là đàng khác.

 Trong một hoàn cảnh như thế có xung đột hay không thì chủ yếu cũng do những yếu tố chủ quan: ở trong não trạng và cách đánh giá thời cuộc của các vị Giám mục VN, hoặc ở trong những tâm tư mắc mớ của bản thân và nội bộ của họ, dầu rằng não trạng, cách đánh giá và những tâm tư đó nhiều lúc vốn do những nhân tố khách quan gây ra hơn là những nhân tố chủ quan.
 
 

Nếu như thực sự có xung đột chủ yếu và khách quan giữa bổn phận lên tiếng cho sự thật và trách nhiệm đối với đoàn chiên, ví dụ như trước đây trong quá khứ, thì phải quyết định thế nào?

Trả lời đúng đắn cho câu hỏi trên chính là làm sáng tỏ mấy điểm sau đây:

 (a) Lên tiếng cho sự thật cũng là một trách nhiệm của Giám mục xét như là Giám mục

 Người ta thường dễ nghĩ rằng bổn phận lên tiếng cho sự thật chỉ là một bổn phận cá nhân riêng tư, không phải thuộc về một Giám mục xét như là Giám mục. Cho nên nếu có chuyện gì, thì nhân danh trách nhiệm Giám mục, người ta thường để cho bổn phận lên tiếng cho sự thật chịu thiệt thòi trước hết, hay thậm chí dễ dàng dẹp nó qua một bên? Nhưng nghĩ như vậy quả là sai lầm, vì bổn phận lên tiếng cho sự thật thuộc về chính tư cách ngôn sứ của một Giám mục.

 Lên tiếng cho sự thật quả thật là một trách nhiệm của Giám mục đối với đoàn chiên. Ðoàn chiên có quyền mong đợi vị chủ chăn của mình loan báo sự thật của Tin Mừng một cách can đảm và thẳng thắn, với tất cả sức mạnh của nó đối với xã hội như là men trong bột, như là muối của đất. Chưa kể là làm sao một Giám mục Việt Nam có thể hướng dẫn và giáo dục đoàn chiên của mình về những dấn thân can đảm chống lại những căn do sâu xa về phương diện chính trị và xã hội của những xúc phạm đến phẩm giá con người, nếu chính bản thân vị ấy không dám mở miệng trước tiên mà lên án những căn do ấy?

 Hơn nữa trong nhiều hoàn cảnh trách nhiệm lên tiếng cho sự thật đó của Giám mục cũng còn là để thay thế cho đoàn chiên, khi các thành phần khác trong đoàn chiên khó có điều kiện để nói được như chủ chăn mình hay khi tiếng nói của họ khó đạt đến hiệu quả cần có như tiếng nói của vị chủ chăn. Ðiều này càng đặc biệt ở VN ở nơi mà nếu lên tiếng cho sự thật có gây ra xung đột nào về trách nhiệm, thì xung đột đó cũng vẫn không gay cấn và thiết thân trong trường hợp của một Giám mục cho bằng trong trường hợp của một linh mục, của một tu sĩ, và nhất là của một giáo dân.

 Sau hết trách nhiệm đó dù được thực hiện trong hoàn cảnh nào bao giờ cũng đem đến nhiều ích lợi thiêng liêng quan trọng cho đoàn chiên. Những ích lợi có thể thấy rõ trước mắt đó là không những đoàn chiên được khích lệ cách đáng kể, thêm nhiệt thành, sốt sắng, và can đảm trong chính lòng tin Chúa, lòng đạo nói chung, mà họ còn được giáo dục và được thúc giục sống niềm tin của mình dưới khía cạnh dấn thân bảo vệ và thăng tiến phẩm giá con người trong xã hội. Tiếp đến là những ảnh hưởng tích cực về phương diện truyền giáo đối với những anh chị em đồng bào không phải Kitô hữu. Ðúng vậy, vì việc rao giảng Tin Mừng Cứu độ không thể không bao gồm việc dấn thân bảo vệ phẩm giá con người chống lại những xúc phạm và chà đạp nó, nhất là trong những môi trường mà nơi đó nhân phẩm bị chính những cơ chế xã hội và chính trị chà đạp. Nếu không, thì việc rao giảng Tin Mừng lúc đó sẽ là cớ vấp phạm cho anh chị em không phải Kitô hữu, khiến họ nghĩ rằng Tin Mừng đó chẳng qua chỉ là một thứ "thuốc phiện mê dân".

 (b) Lên tiếng cho sự thật chỉ xung đột với các trách nhiệm khác của Giám mục một cách hoàn toàn ngoại tại, do sự cưởng bức và áp đặt của Ðảng độc tài toàn trị

 Nhưng sự xung đột khách quan chủ yếu giữa lên tiếng cho sự thật và những trách nhiệm khác của chủ chăn đối với đoàn chiên chính xác là gì? Khi chọn lựa lên tiếng cho sự thật, có phải vị chủ chăn đã thực sự gây tổn hại hay hy sinh những trách nhiệm khác của mình đối với đoàn chiên không?

 Trong bản tính nội tại của chúng lên tiếng cho sự thật và các trách nhiệm khác của một Giám mục hiển nhiên không thể xung đột nhau, trái lại chỉ có hoà hợp và hoàn toàn phục vụ cho thiện ích chung của Giáo hội. Nên xung đột gọi là khách quan ở đây thật ra chỉ là xung đột bên ngoài đến từ những nguyên do hoàn toàn ngoại tại.

 Nhưng ở VN thì nguyên do đó không phải là những hoàn cảnh ngẫu nhiên, những tình huống tình cờ. Nói cách khác, đây không phải là sự hội tụ hay gặp gỡ của những yếu tố mà tự bản thân mỗi một chúng không nhất thiết phải gây ra sự xung đột đang nói, cho dầu sự hội tụ gặp gỡ ngẫu nhiên, tình cờ giữa chúng với nhau có thể gây ra nó.

 Trái lại nguyên do ngoại tại ở đây chủ yếu chính là sự bách hại của Ðảng CSVN độc tài và toàn trị. Ðảng không chỉ can thiệp vào việc thi hành bất kỳ trách nhiệm nào của Giám mục để có thể "lãnh đạo" việc thi hành đó càng nhiều càng tốt. Nhưng Ðảng còn dùng sự tăng giảm, xiết thêm hay nới bớt những cấm đoán và hạn chế của nó đối với những trách nhiệm khác của Giám mục để khống chế trách nhiệm ngôn sứ của Giám mục, để khiến các Giám mục không những im lặng đối với sự thật mà thậm chí còn thỏa hiệp hay nói theo những gì mà Ðảng muốn. Ðảng ưu tiên chiếu cố đến trách nhiệm nói lên sự thật của Giám mục, vì trách nhiệm đó rõ ràng và trực tiếp chống lại cái bản chất chuyên chính độc tài và toàn trị của Ðảng.

 Do đó nếu một Giám mục VN, bất chấp thủ đoạn vừa nói đó của Ðảng, vẫn tiếp tục lên tiếng cho sự thật, thì chỉ xét theo lý lẽ tự nhiên thôi cũng đủ thấy thật là hết sức nông cạn và vô lý khi đổ lỗi cho vị ấy là bởi vì vị ấy nói lên sự thật mà đoàn chiên phải gánh chịu thêm nhiều "thiệt thòi" về phương diện thiêng liêng và vật chất, những hậu quả của việc Ðảng trả đũa do tăng thêm, xiết chặt thêm hạn chế và cấm đoán. Mà nếu vậy thì những hậu quả này không thể là lý do thực sự và thích hợp để người ta kết án vị Giám mục đó là khi chọn lên tiếng cho sự thật, vị ấy đã gây tổn hại đến hay đã hy sinh những trách nhiệm khác của mình đối với đoàn chiên.

 (c) Qua trách nhiệm nói lên sự thật một cách can đảm và tín thác của một Giám mục, mà ơn sũng của Thiên Chúa thực sự vượt thắng những cấm đoán và hạn chế do Ðảng độc tài toàn trị cưởng bức áp đặt lên trên các trách nhiệm khác của vị Giám mục ấy

 Nhìn dưới khía cạnh của niềm tin, việc can đảm lên tiếng cho sự thật của một Giám mục đem đến cho đoàn chiên thêm nhiều lợi ích thiêng liêng còn vượt quá những mất mát, thiệt thòi thiêng liêng và vật chất gây ra do bởi Ðảng tăng thêm, xiết chặt thêm những hạn chế và cấm đoán vốn có. Ðây không chỉ là những lợi ích thiêng liêng mà đoàn chiên nhận được trực tiếp từ trách nhiệm ngôn sứ của Giám mục, như đã được nói qua ở trên, mà còn là những lợi ích thiêng liêng vốn trực tiếp thuộc về những trách nhiệm khác của Giám mục. Thật vậy điểm cần nhấn mạnh ở đây, dù có vẻ nghịch thường, đó là chính việc can đảm nói lên sự thật đã giúp cho những trách nhiệm khác của một vị Giám mục đạt đến nhiều ích lợi thiêng liêng mà giá trị còn vượt quá những mất mát và thiệt thòi do Ðảng gây ra khi cấm đoán và hạn chế thêm việc vị ấy thi hành những trách nhiệm khác này, hầu trả đũa việc vị Giám mục đã nói lên sự thật.

 Quả là vậy vì một đàng chính việc can đảm nói lên sự thật vừa phát sinh từø lòng tín thác mạnh mẽ của một vị Giám mục vào Chúa vừa giúp lòng tín thác ấy càng thêm tinh ròng nhờ bám chặt và nương tựa vào quyền năng vô hình của Thiên Chúa ngày càng nhiều hơn là vào tài xoay sở, ứng phó của con người, dù đó là bản thân đương sự hay là cá nhân hoặc tập thể nào khác. Ðàng khác cũng chính lòng tín thác mạnh mẽ đó là nhân tố khiến cho những trách nhiệm khác của vị Giám mục ấy phát sinh thêm những lợi ích thiêng liêng giá trị như vừa nói. Những trách nhiệm này không là gì khác hơn là trách nhiệm tư tế và trách nhiệm quản trị. Mà chính lòng tín thác đang nói giúp cho vị Giám mục thi hành hai trách nhiệm này một cách hoàn hảo, vì nó khiến cho vị ấy trở nên thừa tác viên của Mẹ Giáo hội càng thuần tuý hơn trong tâm hồn, trở nên dụng cụ càng khiêm tốn và ngoan ngoãn hơn của ơn sũng Chúa. Hay nói theo Tin Mừng, lòng tín thác đang nói khiến cho một Giám mục thi hành hai trách nhiệm tư tế và quản trị với tâm hồn của một Gioan Tẩy Giả: "Người [= Ðức Kitô, đấng Messiah thực sự] phải lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ lại".

 Hơn nữa, ơn sũng Chúa thông ban qua hai trách nhiệm này của Giám mục nếu có gặp cản trở nào đáng kể thì đó vẫn là những cản trở nội tại hơn là bất kỳ cản trở ngoại tại nào. Những cản trở nội tại đó là những gì liên hệ đến ý chí tự do của con người trong đời sống luân lý, đặc biệt là những lỗi lầm, khiếm khuyết, bất toàn trong đời sống Tin, Cậy, Mến của thừa tác viên, của dụng cụ chuyển thông, là bản thân vị Giám mục. Do đó không phải là việc lên tiếng cho sự thật mà chính là việc thất bại không dám làm vậy, vì thiếu sự can đảm tín thác đang nói, mới thực sự là một cản trở đáng kể đối với ơn sũng thông ban qua hai trách nhiệm tư tế và quản trị của Giám mục. Việc lên tiếng cho sự thật do lòng tín thác mạnh mẽ vào Chúa không những không thể gây ra cản trở thực sự nào mà trái lại còn là một yếu tố chủ quan hoàn toàn thuận tiện, một chất xúc tác rất quan trọng, đối với ơn sũng thông ban qua hai trách nhiệm tư tế và quản trị của Giám mục.

 Trong trường hợp hai trách nhiệm này của Giám mục cũng như trong mọi trường hợp khác thì cũng vẫn chính Thiên Chúa vừa là nguồn phát sinh mọi ơn sũng vừa là đấng hoàn toàn tự do trong việc ban phát mọi ơn sũng. Vậy chẳng lẽ Người phải bó tay trước những cản trở ngoại tại sao, nhất là khi những cản trở ngoại tại này hoàn toàn gây ra do những thế lực thù địch đối với chương trình cứu độ của Người để trả đũa việc con cái Người can đảm nói lên sự thật vì lòng tín thác mạnh mẽ vào quyền năng của Cha mình? Chính thực ra Thiên Chúa không bị bó tay mà trái lại còn vui mừng mà ban phát càng nhiều và càng mạnh mẽ hơn ơn sũng của Người qua hai trách nhiệm Giám mục đang nói, bất chấp những cấm đoán và hạn chế không thể tránh khỏi (theo khả năng con người) do các thế lực thù địch này đang áp đặt một cách cưỡng bức lên việc thi hành hai trách nhiệm đó.
 
 

Nhưng nếu lên tiếng cho sự thật mà có thể phải trả một giá quá đắt, không còn phải là chuyện hơn thiệt, nhưng có thể là chuyện sống chết của cả đoàn chiên (cho dù cái giá này cũng chỉ hoàn toàn do thế lực thù địch đối với Giáo hội gây ra mà thôi) thì phải quyết định thế nào?

Dầu rằng một hoàn cảnh nghiêm trọng như thế chưa hề thực sự xảy ra trong thời gian cả nửa thế kỷ mà Giáo hội Công giáo tại VN bị Ðảng độc tài toàn trị bách hại, nhưng có những thời điểm trong thời gian đóù, những gì thực sự đã xảy ra cũng không quá xa về mức độ nghiêm trọng. Cho nên không phải là vô ích khi suy xét về câu hỏi này, dầu chủ yếu được đặt ra trong một bối cảnh chung hơn.

 (a) Im lặng, chủ ý tránh đặt vấn đề đối với những sự thật Tin Mừng liên hệ, đôi lúc còn nhượng bộ và thoả hiệp cách nào đó

 Khi phải đương đầu với một tình huống có thể liên hệ đến chuyện sống chết của đoàn chiên, như đã từng thấy trong lịch sử Giáo hội, phần lớn các vị chủ chăn (nhiều lúc là những người rất có trách nhiệm đối với đoàn chiên, rất đạo đức, thánh thiện, và thậm chí không thiếu can đảm trong bản thân), đã chọn một thái độ hết sức thận trọng và dè dặt trong ngôn từ, và thường là im lặng, chủ ý tránh đụng đến những sự thật Tin Mừng mâu thuẫn với những hành động của đối phương, chủ ý muốn cho đối phương hiểu là mình không muốn đặt thẳng vấn đề những sự thật ấy đối với họ. Hơn nữa nhiều lúc các vị còn dùng một số biện pháp ngoại giao mềm mỏng với một vài nhượng bộ và thoả hiệp để đạt đến một tình trạng khá hơn cho đoàn chiên xét về phương diện nhiệm tích và quản trị.

 Là con người như nhau, không ai có quyền phán xét những hành động khôn ngoan mục vụ đó của các vị. Chưa kể là nếu chỉ ở trên bình diện con người, nếu chỉ xét theo lý lẽ tự nhiên thông thường, thì các vị còn đáng được ca ngợi và cảm phục vì những cách ứng xử khôn ngoan đó. Các vị không những cứu được đoàn chiên khỏi nạn diệt vong mà còn đem đến nhiều kết quả tại thế tố và quan trọng trước mắt đối với đoàn chiên.

 Và cũng có thể tin được là các vị khi hành xử như thế thực sự có sự hướng dẫn dìu dắt nào đó của ơn Chúa. Thật vậy do lòng yêu thương vô biên, Thiên Chúa không hề bỏ qua một kẻ hở dù là nhỏ bé đến đâu, một cơ hội nào dù là mong manh đến đâu, để mà lôi cuốn con người đến với Người cũng như để qua họ mà lôi cuốn những kẻ khác. Ngay cả những thành phần tội lỗi nghiêm trọng trong Giáo hội vẫn nhận được sự hướng dẫn dìu dắt nào đó của Chúa, phương chi các vị ở đây không những thường là đạo đức thánh thiện mà đặc biệt còn là những chủ chăn mà Chúa dùng để lãnh đạo đoàn chiên.

 Tuy nhiên trong những hành động khôn ngoan như thế các vị chủ chăn đang nói có để cho ơn Chúa hướng dẫn dìu dắt theo mức độ tối đa, như lòng Chúa hoàn toàn mong muốn hay không là vẫn còn là chuyện đáng nghi ngờ? Nếu vậy thì những hành động khôn ngoan mục vụ ấy có mang tính cách Tin Mừng thuần tuý, có hoàn toàn thuộc về sự khôn ngoan của Thập giá của Ðức Kitô hay không vẫn còn là chuyện không mấy chắn chắn. Vì thế dù là chuyện thường xảy ra, những cách ứng xử như thế vẫn khó có thể dùng như thước đo để mà đánh giá những hành động sau đây, dù chỉ là của một thiểu số chủ chăn và hiếm khi xảy ra trong lịch sử Giáo hội.

 (b) Vẫn thẳng thắn nói lên sự thật, dĩ nhiên không phải để thách thức đối phương, nhưng thuần túy chỉ vì đó là sự thật Tin Mừng, chỉ vì tin tưởng vào sự chiến thắng triệt để và sau cùng của Tin Mừng

 Nhưng trong lịch sử Giáo hội, vẫn có một số ít các chủ chăn lại không hành xử như trên. Các vị này cũng giống như các vị vừa nói ở trên nếu nói về tinh thần trách nhiệm đối với đoàn chiên, về đạo đức, thánh thiện bản thân, và dĩ nhiên là không thể kém hơn về lòng can đảm. Nhưng những vị chủ chăn đang nói có những phẩm tính sau khiến họ khác biệt cách căn bản với những vị chủ chăn đã nói ở trước. Phẩm tính đầu tiên, đã được nói khá nhiều đến ở trên, ở đây chỉ đặc biệt nhấn mạnh đến cường độ của nó, đó là sự tín thác mạnh mẽ không lay chuyển đối với quyền năng của ơn sũng, đối với chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Phẩm tính tiếp theo là tinh thần siêu thoát đối với những công việc tư tế và quản trị của mình và những kết quả hay thành công của chúng. Và phẩm tính cuối cùng đó là ở nơi họ có cái nhìn sâu thẳm và siêu thoát của đức Tin, có sự an bình không thể lay chuyển của đức Cậy, để nhờ đó họ chỉ đo lường hậu quả hơn thiệt, số phận hưng vong của những công việc tư tế và quản trị của mình bằng những giá trị và thực tại vĩnh cửu trên trời, hơn là bằng những kết quả trước mắt và tại thế.

 Với những phẩm tính vừa nói các vị chủ chăn này, dù trong cả tình huống hết sức nghiêm trọng liên hệ đến chuyện sống chết của cả đoàn chiên, vẫn không thể im lặng đối với sự thật, vẫn thẳng thắn lên tiếng cho sự thật, vẫn không hề nhượng bộ hay thoả hiệp chút nào đối với tính chất nguyên tuyền của sự thật. Khi lên tiếng cho sự thật trong tình huống như thế, các vị chấp nhận bị phê phán là đã hành xử cứng rắn, cố chấp, dại dột và thậm chí bị lên án, đổ cho trách nhiệm là đã gây ra những thiệt thòi, mất mát, thậm chí cả sự "suy vong" của đoàn chiên.

 Nhưng khi lên tiếng cho sự thật do sự thúc đẩy của những phẩm tính vừa nói, không phải các vị chủ chăn này đã hoàn toàn hành động theo những lý lẽ của Tin Mừng, theo sự khôn ngoan của Thập giá của Ðức Kitô hay sao? Rất đáng để kết luận như vậy.

 Chính thực ra một vị chủ chăn mà có đầy đủ những phẩm tính vừa nói khó có thể không phải là một vị thánh theo nghĩa thích đáng của Tin Mừng, theo đúng kiểu Thập giá Ðức Kitô. Nếu vậy thì hành động lên tiếng cho sự thật của một vị thánh như thế chỉ có thể hiểu thấu, biện minh, và đánh giá thích hợp và đầy đủ ở trong ánh sáng Thiên quốc, là ánh sáng mà nhiều phần tử trên trần thế của Giáo hội vẫn còn ở rất xa, bao gồm luôn các chủ chăn đã nói ở phần trước.
 
 

Thay lời kết:

Sự lên tiếng của Hội đồng Giám mục Hòa Lan phản đối Ðức quốc xã khôn ngoan hay dại dột? Xét theo tiêu chuẩn nào? Kể cả lý lẽ Tin Mừng, sự khôn ngoan của Thập giá hay sao? Kể cả đối chiếu với những giá trị và thực tại Thiên quốc luôn sao?

 Nếu không xét theo lý lẽ Tin Mừng, sự khôn ngoan của Thập giá, giá trị và thực tại Thiên quốc, thì các Giám mục Ðức cần gì phải xám hối vì đã không đưa ra "một lời phản kháng chính thức và minh bạch" đối với những hành động đàn áp của Ðức quốc xã đối với người Do thái (Tuyên cáo ra ngày 23.1.1995)? Cũng vậy nếu không xét theo những tiêu chuẩn này, thì các Giám mục Nhật cần gì phải thú nhận là "trước chiến tranh [= Ðệ nhị thế chiến] cũng như trong chiến tranh, Giáo hội Công giáo Nhật Bản đã không ý thức trách vụ ngôn sứ của mình, Giáo hội đã không thực hiện ý Chúa" (Nghị quyết ra ngày 25.2.1995)?

 Trái lại nếu đã loại trừ những tiêu chuẩn này ra ngoài, thì đứng trước một Ðức quốc xã tàn ác, không kiêng nễ ai, chẳng lẽ các Giám mục Ðức đã không khôn ngoan khi giữ thái độ im lặng hay sao? Tương tự, chẳng lẽ quá khứ mới hôm qua bị chế độ phong kiến Thiên hoàng bách hại gần như nhổ tận gốc không đủ là bài học, là lý do để dạy cho các Giám mục Nhật, đứng trước chế độ quân phiệt hôm nay của Thiên hoàng, cần phải nhượng bộ, kể cả rập khuôn theo, bào chữa cho nó hay sao? Dĩ nhiên tuy không phải là những hành động anh hùng, nhưng xét theo trách nhiệm mà các Giám mục của các nước này đối với đoàn chiên của họ, chẳng lẽ những gì các vị ấy đã làm đáng chê trách hay sao?

 Ðức Pius XII trong thời điểm căng thẳng đã tránh lên án trực tiếp những hành động và những chính sách phi nhân của Ðức quốc xã, nhất là đối với người Do thái. Nhờ đó Ðức Giáo hoàng không những bảo vệ được quốc gia Vatican nhỏ bé tránh bị bom đạn Fascists nghiền nát mà còn bí mật cứu được vô số người Do thái. Theo lý lẽ tự nhiên của con người, người ta khó có quyền lên án sự im lặng ấy của ngài, trái lại vị Giáo hoàng này còn có thể được khen ngợi và nhớ ơn về những điều hữu ích mà ngài đã làm được do khôn ngoan im lặng như thế.

 Nhưng thật khó mà kết luận rằng sự khôn ngoan im lặng đó của ngài cũng đã là một hành động hoàn toàn theo lý lẽ của Tin Mừng, theo sự khôn ngoan của Thập giá Ðức Kitô. Do đó, nếu như ngài thẳng thắn và công khai lên án những hành động của Ðức quốc xã, ai dám khẳng định hành động đó không phải hoàn toàn theo lý lẽ của Tin Mừng, của sự khôn ngoan Thập giá? Chưa kể ai dám chắc chắn là hành động lên án của ngài nhất định sẽ dẫn đến việc triệt hạ quốc gia Vatican, sẽ dẫn đến việc thảm sát người Do thái còn nhiều hơn gấp bội, nếu như hành động ấy không xảy ra? Nếu Thiên Chúa được tuyên xưng là Chúa của lịch sử, thì ai dám cho là mình có thể thấy trước được mọi bất ngờ của lich sử?
 
 


Back to Home