Vatican - 04.5.2000 - Nhân dịp mừng kỷ niệm 50 năm chương trình phát thanh tiếng Trung quốc của Ðài Phát thanh Vatican, trong bài giảng Thánh lễ cử hành trong dịp này, ÐHY Joseph Tomko, Tổng trưởng Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc, nói lên những lời vừa tha thiết, vừa cương quyết với Giáo hội công giáo tại Trung quốc, như sau:
Cùng với anh chị em, cả chúng tôi nữa, đều tuyên xứng cách mạnh mẽ rằng: Giáo hội công giáo, cả Giáo hội tại Trung quốc, là một mà thôi. Anh chị em đừng chia rẽ, đừng để mình bị chia rẽ, nhưng anh chị em hãy hoạt động để giữ vững sự hiệp nhất nền tảng này. Với lòng biết ơn, chúng tôi nhận thấy rằng cả ngày nay nữa, lòng trung thành với Vị Kế nghiệp Phêrô được biểu lộ như điểm đặc biệt của các tín hữu thế giới và cả của Giáo hội tại Trung quốc nữa. Với sự cảm phục sâu xa, chúng tôi nhớ lại biết bao hy sinh và đau khổ các tín hữu Trung quốc đã sẵn sàng chấp nhận để sống trong hiệp thông với ÐTC.
Về việc mừng kỷ niệm 50 năm chương trình phát thanh tiếng Trung quốc của Ðài Vatican, ÐHY nhận xét như sau: Sáng kiến này được coi như chiếc cầu nối giữa Tòa Phêrô và Giáo hội công giáo tại Trung quốc, bằng việc góp phần vào việc giữ vững và sống động việc liên kết và hiệp thông giữa Dân Chúa tại Trung quốc với Giáo hội hoàn vũ, Giáo hội này có Vị Thủ lãnh hữu hình và trung tâm ở Roma.
Về những năm khó khăn của Giáo hội tại Trung quốc, ÐHY Tổng trưởng quả quyết như sau: Ðây đã là và còn đang là những năm khó khăn đối với Giáo hội tại Trung quốc. Ðã có nhiều mưu toan và vận động để tách lìa Giáo hội tại đây khỏi trung tâm trọng yếu, trung tâm bảo đảm tính cách công giáo của Giáo hội. Một bức tường lớn về ý thức hệ nhằm cô lập Giáo hội này khỏi Giáo hội hoàn vũ, do Phêrô hướng dẫn. Trong bầu khí này, Giáo hội tại Trung quốc đã phải qua "lửa và nước", nhưng Giáo hội này không biến mất, không giảm bớt, trái lại đang gia tăng về con số và đầy can đảm trong đức tin.
Với những lời mạnh mẽ trên đây, ÐHY muốn ám chỉ trong 50 năm dưới chế độ cộng sản , dù phải bách hại, các người công giáo Trung quốc đã gia tăng từ ba triệu đến khoảng 12 triệu. Sự kiện lạ lùng này chắc chắn do sức hoạt động âm thầm, nhưng mạnh mẽ của Chúa Thánh Thần, chớ không do sức loài người.
Nói về Ðại Toàn xá, ÐHY Tomko nhấn mạnh rằng: Trong Năm Toàn xá, vì không thể đích thân gặp nhau được tại quê hương anh chị em, nên chúng tôi phải nhờ qua các làn sóng của Ðài Phát Thánh, mà chuyển đến anh chị em tất cả tình yêu mến và sự hiệp thông. Cùng với anh chị em, chúng tôi muốn bước qua Cửa Thánh và cùng với anh chị em kính viếng và cầu nguyện bên mộ Phêrô-Tảng đá, để tuyên xưng lại đức tin chung nơi Chúa Kitô.
ÐHY giải thích: Thực sự Giáo hội công giáo do Chúa Giêsu Kitô thiết lập trên Phêrô; và do đó những ai không hiệp thông với Phêrô và và không vâng phục quyền lãnh đạo của Phêrô, thì không phải là người công giáo. Không một quyền bính loài người nào có thể thay thế cho thể chế này của Giáo hội Chúa Kitô và không ai có thể, có quyền tự phụ thay đổi được Giáo hội này.
Lời rõ ràng của ÐHY nhằm đến Hội công giáo ái quốc muốn kiểm soát Giáo hội công giáo, bổ nhiệm các vị Giám mục và qui định công việc mục vụ của Giáo hội.
ÐHY quả quyết cách rất mạnh mẽ rằng: Chỉ có các vị giám mục hiệp nhất và hiệp thông với Vị Kế nghiệp Phêrô, mới là những chủ chăn chính thức của Giáo hội công giáo mà thôi, tại bất cứ nơi nào trên thế giới này và không một quyền bính nào, thể chế nào hay hội đoàn nào được chiếm đoạt chức vụ này.
Nhân việc kính nhớ các Vị Tử đạo được tổ chức tại Roma chúa nhật 7/5/2000, ÐHY Tomko nói như sau: Chúa nhật 7/5/2000 tới đây, tại Roma này, sẽ có lễ nghi đại kết kính nhớ chung các Vị Chứng nhân đức tin của thế kỷ XX. Và trong những tháng tới đây, một số đông các Vị Tử đạo Trung quốc, đại diện cho nhiều thời kỳ khác nhau của lịch sử Giáo hội công giáo tại Trung quốc, sẽ được ghi vào sổ Các Thánh của Giáo Hội hoàn cầu. Các ngài sẽ được đề cao cho tất cả các tín hữu thế giới, như gương sáng chói của đời sống Kitô và như những Vị bầu cử trước Tòa Chúa. Các ngài là vinh dự không những của Giáo hội công giáo, nhưng còn là vinh dự của toàn dân tộc Trung quốc nữa.
Chương trình phát
thanh tiếng Trung quốc của Ðài Vatican
đã được khởi sự
tháng 6 năm 1950; và lúc đó
chỉ có một lần trong tuần lễ,
và mỗi lần 15 phút. Năm 1958, các
buổi phát thanh tăng lên ba lần trong
tuần; và từ năm 1977, phát
thanh hằng ngày. Từ năm 1980, có
thêm truyền thanh Thánh lễ Chúa
nhật và các buổi phát thanh hằng
ngày được kéo dài đến
40 phút.