Vài phản ứng
về việc Tòa án Kigali bên RWANDA
tuyên bố: Ðức Giám Mục Augustin Misago vô tội

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Vài phản ứng về việc Tòa án Kigali bên RWANDA tuyên bố: Ðức Giám mục Augustin Misago vô tội.

 Tin RWANDA - 15.6.2000 - Hôm thứ Năm 15.6.2000, Tòa án Kigali (thủ đô Rwanda) đã tuyên bố: Ðức Cha Augsutin Masago, Giám mục giáo phận Gikongoro, trắng án, sau 428 ngày bị giam trong tù, và sau vụ xét xử kéo dài gần 10 tháng.

 Thứ Năm ngày 15 tháng 6/2000. đứng trước Tòa trong hai tiếng đồng hồ để nghe đọc bản án, Ðức Cha Misago không cử động, cho dù mệt nhọc, cũng không xin xử dụng hai chiếc nạng để sẵn bên cạnh. Hiện diện trong phiên xử sau cùng này có Ðức TGM Salvatore Pennacchio, Sứ Thần Tòa Thánh tại Rwanda, tất cả các giám mục Rwanda, nhiều linh mục và Tu sĩ Nam, nữ và anh chị em giáo dân.

 Nhũng lời sau cùng của Vị chủ tịch Tòa án: "Misago được tự do", vì hồ sơ đã thu lượm được không có nền tảng để buộc tội. Vì thế, Misago được trắng án khỏi các vụ tố cáo. Hơn nữa Tòa cũng xác nhận rằng ngài không có một vai trò nào trong vụ sát hại 800 ngàn người Tutsi và Hutu. Mọi người vỗ tay reo mừng.

 Ðức Giám mục ký tên vào bản án. Các ký giả xúm lại chung quanh đặt nhiều câu hỏi. Ngài muốn trả lời mọi người, nhưng không thể được. Ngài nói: Tôi mệt nhọc. Có lẽ sau này tôi sẽ xin trả lời.

 Người đầu tiên ôm hôn Ðức Giám mục Augustin Misago sau phiên xử là Ðức TGM Salvatore Pennacchio, Sứ Thần Tòa Thánh tại Rwanda. Vị đại diện Tòa Thánh tuyên bố: Ðiều tôi có thể nói trong lúc này: Ðây là một ngày của sự thật và của công lý. Tôi đã theo dõi con đường này của công lý ngay từ đầu, trong suốt 9 tháng xét xử. Nay cũng cần phải ca ngợi các vị thẩm phán nữa, vì các ngài đã thi hành phận sự cách rất nghiêm chỉnh. Bản án phản chiếu sự thật.

 Ngoài ra, Ðức Sứ Thần rất cảm động sau khi nghe lời tuyên bố của Tòa án. Ngài nói: Dĩ nhiên không thể cầm được sự xúc động. Tôi nghĩ: đây là lúc rất quan trọng cho Giáo hội và toàn dân Rwanda. Bởi vì cuộc thử thách này do Ðức Cha Misago gánh chịu, phải được xử dụng cho công việc hòa giải dân tộc. Bởi vì dân tộc này đã chịu đau khổ nhiều, qúa nhiều; cần phải có sự hòa giải. Con đường còn khó khăn.

 Ðức TGM Pennacchio nói tiếp: Nhưng cuộc thử thách này (bị giam tù) được coi như giá mua chuộc hòa bình: một cuộc hy sinh lớn lao, đã chịu đựng cho hòa bình và cho đoàn kết dân tộc, một dân tộc từ năm 1994 đến nay đã chịu đau khổ rất nhiều. Tôi nghĩ rằng: đây cũng là tư tưởng của Ðức Cha Misago. Kinh nghiệm chua cay và cam go này của ngài, tôi tin chắc, sẽ được ngài dâng lên bàn thờ của hòa giải và của hòa bình.

 Và Ðức Hồng Y Jozef Tomko, Tổng trưởng Bộ Rao giảng Tin Mừng, tuyên bố về vụ xử Ðức Cha Misago như sau:

 Vụ trắng án của Ðức Cha Misago là một biến cố vui mừng cho Giáo hội, không những tại Châu phi, nhưng cho toàn Giáo hội nữa. Trước hết, chúng ta cảm tạ Chúa về việc kết thúc tốt đẹp của vụ xử này. Chúng ta cũng cảm ơn các Luật sư biện hộ đã có thể nói lên tất cả sự thực của vụ này. Nhưng chúng ta không thể không nghĩ đến biết bao người khác hiện đang còn bị giam, từ nhiều năm chờ đợi công lý. Hiện nay còn khoảng 120-130 ngàn người trong các nhà giam. Chúng ta hy vọng rằng đây là khởi đầu của một sự thay đổi bầu khí đối với Giáo hội công giáo, một Giáo hội đã mất đi quá nhiều Giám mục, Linh mục, Tu sĩ nam, nữ, chủng sinh và giáo dân.

 Nhưng ÐHY đọc vụ án này trong cái nhìn rộng rãi hơn nữa: cái nhìn về miền Các Hồ Lớn. Tại miền Trung Châu phi, vẫn còn những vụ bách hại Giáo hội. Họ muốn làm yếu kém Giáo hội với nhiều lý do khác nhau. Nhiều con cái Giáo hội bị giết, nạn nhân của các vụ cáo gian, báo thù hoặc lãnh đạm... Ðức Cha Misago chỉ là một trong nhiều vụ bạo động dữ dội khác. Tại Châu phi người ta đang áp dụng kế hoạch đã được xử dụng trong những năm 1970, tại Châu Mỹ Latinh, lúc người ta nhằm làm cho Giáo hội suy nhược và cổ võ việc phổ biến các giáo phái và các ý thức hệ chống đạo, phản Giáo hội, sát hại giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân...
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page