Cuộc phỏng vấn
Ðức Tân Hồng Y Lubomyr Husar
dành cho nhật báo "Tương Lai" (Avvenire)

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Cuộc phỏng vấn Ðức Tân Hồng Y Lubomyr Husar dành cho nhật báo "Tương Lai" (Avvenire).

 Trước khi lên đường đi Roma lãnh mũ Hồng Y, Ðức Tân Hồng Y Lubomyr Husar, TGM giáo phận Lviv, thủ đô Ukraine, coi sóc các tín hữu công giáo thuộc lễ nghi Bizantin, dành cho nhật báo công giáo "Tương Lai" (Avvenire) số phát hành ngày 20.2.2001,bài phỏng vấn sau đây:

 Hỏi - Kính thưa Ðức Hồng Y, ngày mai Ðức Hồng Y đến Roma, để lãnh mũ Hồng Y. Vậy việc này có ý nghĩa như thế nào đối với Giáo hội Hy lạp công giáo tại Ukraine?

 Ðáp - Trong lúc này tôi khó trả lời câu hỏi này. Nhưng trước tôi, Ukraine đã có hai vị Hồng Y rồi, đó là Ðức HY Slipyj và ÐHY Ljubacvis?kyj. ÐTC đã muốn dành cho Giáo hội chúng tôi một dấu hiệu đặc biệt, bởi vì luôn luôn trung thành với Vị Kế nghiệp Phêrô.

 Hỏi - Tháng sáu tới đây, Ðức Gioan Phaolô II sẽ viếng thăm Ukraine. Chuyến viếng thăm này sẽ có ý nghĩa gì đối với Giáo hội của ÐHY?

 Ðáp - Dĩ nhiên đây là một niềm vui rất lớn lao, bởi vì đã từ lâu chúng tôi chờ đợi chuyến viếng thăm này. Ðàng khác chúng tôi có nhiều người dân, tuy không phải là những chiến sĩ của chế độ cộng sản vô thần, nhưng sống xa Thiên Chúa và xa bất cứ Giáo hội nào. Chúng tôi đã có một kinh nghiệm lớn lao là ÐTC, với đặc sủng của ngài, có thể nói với họ, có lẽ chúng tôi không bao giờ có thể làm được như ngài.

 Hỏi - Mới đây, Giáo hội chính thống Ukraine vừa liên kết với Tòa Giáo chủ chính thống Nga, vừa liên kết với Moscowa, để xin ÐTC đình lại chuyến viếng thăm. Vậy Giáo hội công giáo Ukraine phản ứng như thế nào trước những lập trường như vậy?

 Ðáp - Theo tôi nghĩ: khi họ nói đến việc đình lại, có nghĩa là họ muốn có một việc đình lại vô hạn định. Như thể họ muốn nói rằng: "Xin đừng đến, xin ngài hãy ở lại nhà". Tại sao lại phải đình lại như vậy? Những người chính thống này (hay ít ra một phần trong họ) có quyền gì để nói với Vị lãnh đạo Giáo hội công giáo, đã được Chính phủ mời viếng thăm các tín hữu của ngài: "Hãy đến" - rồi đừng đến?

 Hỏi - Nhất là những người thân Moscowa nhấn mạnh: Các tín hữu Hy lạp công giáo vi phạm các quyền của họ, bằng việc từ chối không trả lại các nơi phụng tự, thậm chí dùng đến cả bạo động nữa. Lãnh tụ quốc gia Nga, ông Zhirinovskij, cũng hùa theo những tố cáo này. Vậy Ðức Hồng Y trả lời sao?

 Ðáp - Tôi muốn hỏi chính những người chính thống thân Moscowa rằng: họ đã xây cất những nhà thờ nào và hiện nay đang bị các người công giáo chiếm bằng vũ lực hay không bằng vũ lực. Chúng tôi đã không bao giờ chiếm một cái gì của họ. Sau những cuộc bách hại, khi các tín hữu thuộc lễ nghi Hy lạp công giáo trở về, lấy lại các nhà thờ vẫn thuộc về họ, trước chế độ cộng sản Liên xô và là những nhà thờ do cha ông của họ đã xây cất. Các nhà thờ mà chế độ cộng sản Liên xô trao cho các người chính thống vào năm 1946 là những nhà thờ do chúng tôi xây cất lên: đây là một sự kiện lịch sử. Có những vụ bạo động, đúng như vậy; đáng tiếc thay, vì đã xẩy ra. Chắc chắn trong một số làng mạc hay trong những lúc nào đó việc trả lại các nhà thờ đã kèm theo bằng những hành động vũ lực; nhưng đây không phải là hiện tượng chung cả nước. Không phải Vatican, cũng không phải các giám mục thúc đẩy hay cổ võ những hành động như vậy. Ðây là những hành động quá khích. Chúng tôi lên án.

 Hỏi - Kính thưa Ðức Hồng Y, cần phải nhắc lại rằng: Giáo hội Hy lạp công giáo (thuộc lễ nghi Bizantin) tại Ukraine đã bị bách hại dữ dội trong lúc chế độ cộng sản Sô viết cầm quyền.

 Ðáp - Ðúng như vậy. Trong năm 1946, chúng tôi bị giải tán hoàn toàn và cách chính thức Giáo hội chúng tôi hoàn toàn bị cấm, trong ý nghĩa này là chính cuộc sống của chúng tôi bị từ chối. Các Linh mục và Giám mục bị dặt trước hai lựa chọn này: hoặc trở thành chính thống (còn hơn là theo thuyết cộng sản vô thần) hoặc bị tù đầy tại Siberia ít nhất 10 năm. Tất cả các nhà thờ bị tịch thu, một phần bị phá hủy, bị xử dụng cho những dịch vụ trần tục hoặc bị trao cho hàng giáo sĩ chính thống. Các tu viện cũng chịu một số phận như vậy. Tất cả các trường công giáo đều bị đóng. Giáo hội chúng tôi bị sống trong tình trạng của những "hang toại đạo".

 Hỏi - Tình hình luân lý và thiêng liêng tại Ukraine hiện nay như thế nào? Những vấn đề nào đã được giải quyết? Những vấn đề nào cần phải giải quyết?

 Ðáp - Các vấn đề thực nhiều và trầm trọng, bởi vì chế độ cộng sản đã gây hại vô cùng lớn lao nơi các linh hồn. Ðã để lại những dấu vết, nói đúng hơn, những tai họa, nhất là trên phương diện phẩm giá con người. Rồi sự tàn phá về các giá trị luân lý. Thế giới xem ra không lưu ý đến vấn đề này, nhưng đây là môi trường trong đó chúng tôi phải làm việc.

 Hỏi - Như vậy cần thời gian lâu dài để vượt qua tình hình này?

 Ðáp - Có người cho rằng: một bước quặt thực sự cần đến một thế hệ. Theo tôi, có lẽ cần đến ba thế hệ. Tôi nghĩ rằng: đây là những vấn đề căn bản chúng tôi phải quan tâm trước hết, bởi vì liên hệ đến bản chất của hoạt động của Giáo hội. Các vấn đề khác: hành chính, kinh tế,... là những vần đề bên ngoài. Vì thế, chúng tôi phải có nhiều nhẫn nại và chịu đựng. Ðây không phải là một tiến trình đến cách dễ dàng. Chúng tôi chưa sẵn sàng tất cả để thực hiện một sự biến đổi thiêng liêng hoàn toàn.

 Hỏi - Những mối quạn hệ với giới chính trị như thế nào?

 Ðáp - Về phía chính phủ, không phải chỉ riêng chúng tôi, nhưng tất cả các Giáo hội "hay các tổ chức tôn giáo" (như được gọi cách chính thức), chúng tôi được hưởng một sự đối xử khá tốt. Nhưng tại Ukraine cũng như tại các quốc gia cựu cộng sản, nguời ta vẫn còn thấy những những phần tử còn lại của quá khứ; nhiều người ở những địa vị có trách nhiệm cao trong chính phủ, đã được giáo dục và huấn luyện trong thời cộng sản và vẫn tiếp tục suy tư như người cộng sản. Nhưng nói chung, chúng tôi không gặp những cản trở lớn lao trong thi hành sứ vụ. Có những khó khăn, thí dụ như: chúng tôi đang chờ đợi để được công nhận như một pháp nhân, nhưng chúng tôi hy vọng rằng khó khăn này sẽ được giải quyết trong thời gian gần đây. Nhiều người muốn rằng Giáo hội đi vào đời sống chính trị, tham dự các cuộc bầu cử quốc hội hay tổng thống. Nhưng, cách chính thức, chúng tôi tìm giữ Giáo hội xa chính trị cụ thể. Giáo hội có mục đích riêng của mình.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page