Ông George Schutz
cựu ngoại trưởng Hoa kỳ
khuyến khích Do thái và Palestine
chấp nhận đề nghị của ÐTC Gioan Phaolô II
về Thành thánh Giêrusalem

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Ông George Schutz, cựu ngoại trưởng Hoa kỳ, khuyến khích Do thái và Palestine chấp nhận đề nghị của ÐTC Gioan Phaolô II về Thành thánh Giêrusalem.

 Từ nhiều năm nay Tòa Thánh đề nghị phải có một qui chế riêng cho Thành Giêrusalem, được quốc tế bảo đảm, để tất cả các tín hữu thuộc ba tôn giáo độc thần (Do thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo) được hoàn toàn tự do kính viếng các nơi thánh.

 Thứ Ba 25.7.2000, khi tuyên bố thất bại cuộc hội đàm tại Camp David, ký giả Luigi Gennazzi của nhật báo công giáo "Tương Lai", số phát hành ngày 26.7.2000 đã quả quyết rằng: Ðối với Thành Giêrusalem, nơi có các di tích thánh của ba tôn giáo độc thần, thì điều hiển nhiên là chỉ có một qui chế riêng được quốc tế bảo đảm, mới có thể bảo đảm một nền hòa bình thực sự cho người dân Israel và Palestine". Ký giả phàn nàn vì các phe tham dự Hội nghị Camp David đã bác bỏ đề nghị của Tòa Thánh, và không tìm ra một giải pháp nào khác cả.

 Cũng thứ Ba 25.7.2000, ông George Schutz, cựu ngoại trưởng của Tổng thống Donald Reagan, nhân vật chính trị lỗi lạc tại Hoa kỳ, trong nhiều năm đã theo dõi tình hình Trung-Ðông và các cuộc hòa đàm giữa Do thái và Palestine, và hiện nay là một trong các cố vấn quan trọng về chính trị đối ngoại của ứng cử viên của Ðảng Cộng hòa, ông George Bush Jr., với kinh nghiệm và thế giá, đã khuyến khích Do thái và Palestine chấp nhận đề nghị của Ðức Gioan Phaolô II về Giêrusalem. Ông nói: "Hai phe hãy thảo luận về các vấn đề khác và hãy chấp nhận chương trình của ÐTC. Qui chế riêng cho Giêrusalem vẫn là giải pháp duy nhất có thể thực hiện được. Trong lúc này đây (sau những thất bại của Hội nghị thượng đỉnh Camp David), người ta liều đi lui trở lại đàng sau. Những cuộc đàm phán miền rất cần thiết và phải tiến dần dần từng bước". Cựu Ngoại trưởng George Schutz phát biểu ý kiến trong một bài phỏng vấn dành cho phóng viên nhật báo công giáo Ý "Tương Lai" số ra ngày 26.7.2000. Sau đây chúng tôi xin thuật lại nguyên văn bài phỏng vấn này.

 Hỏi - Thưa ngài, tại sao cuộc hội đàm mới tại Camp David đã kết thúc bằng một sự thất bại?

 Ðáp - Tôi không biết rõ chi tiết của cuộc đàm phán; nhưng khi phải giải quyết những vấn đề tế nhị và tranh chấp như vậy, chúng ta không thể tự hào giải quyết được cách cưỡng bách trong ít ngày. Trước ngày hội, các lập trường xem ra không thể dung hòa được và sau đó lại có những áp lực, những phủ quyết nội bộ về phía Do thái cũng như Palestine. Trong những tình hình như vậy, cần phải làm việc từ từ và giải quyết mỗi lần một chút ít.

 Hỏi - Hiện nay người ta nói: Tổng thống Clinton đã sai lầm vì triệu tập cuộc họp thượng đỉnh tại Camp David vào lúc này. Có đúng như vậy hay không?

 Ðáp - Tôi hiểu rằng các phe không tiến thêm được một bước nào cả và thì giờ thúc đẩy. Nhưng thật sự tôi hoài nghi ngay từ đầu. Hơn nữa Ngoại trưởng Albright và các chuyên viên Bộ Ngoại giao, hiện theo dõi vấn đề Trung-Ðông, đã viếng thăm miền này nhiều lần trong những tuần vừa qua và họ đều nói: Các phe trong cuộc, không sẵn sàng kết thúc cuộc hòa đàm trong lúc này.

 Hỏi - Theo Tổng thống Clinton, điểm gây thất bại là điểm nói về tương lai Thành Giêrusalem. Như vậy làm cách nào để vượt qua được cản trở lớn lao này?

 Ðáp - Ai cũng thấy rõ thái độ theo đuổi cho tới lúc này không đem lại thành quả nào. Những bất đồng ý kiến giữa Do thái và Palestine quá sâu xa và không thể giải quyết bằng việc thảo luận về biên giới trong Thành, bởi vì động chạm đến các tôn giáo và đời sống người dân. Ðông thời Giêrusalem có một giá trị hoàn cầu, vượt quá mọi thỏa ước có thể có giữa Do thái và vị lãnh đạo Tổ chức giải phóng Palestine. Như vậy Ðức Gioan Phaolô II là người có lý, khi ngài đề nghị chấp nhận qui chế quốc tế.

 Hỏi - Như vậy có nghĩa là khu vực bên Tây phải thuộc về Do thái và bên Ðông thuộc Palestine và Thành Cũ thuộc quyền quản trị siêu quốc gia?

 Ðáp - Không phải vậy. Không ai muốn tạo nên một thành phố bị chia thành nhiều phần. Trước hết, cần phải thiết lập những thỏa ước về các đề tài khác, như biên giới, an ninh, người tị nạn, nguồn lợi thủy điện... và đặt Giêrusalem ra ngoài những vấn đề trên. Như vậy, Thành thánh sẽ vẫn hiệp nhất, dưới quyền quản trị quốc tế, bảo đảm việc đi lại và bảo vệ mọi người bất cứ thuộc tôn giáo nào đến kính viếng.

 Hỏi - Như vậy sẽ thêm rắc rối trong cuộc đàm phán, nếu các tín hữu cũng tham dự nữa?

 Ðáp - Cuộc đàm phán đối với tôi tự nó đã phức tạp rồi và không có lối thoát. Hơn nữa các tín hữu Kitô không muốn chiếm đất đai hay tranh đấu chính trị, nhưng tốt hơn là đứng làm trung gian để tìm kiếm một giải pháp chung. ÐTC đã đem đến một sự lãnh đạo đầy thế giá trong chiều hướng này và còn có nhiều nhóm Kitô khác nữa, hiện đang làm việc cho vấn đề Giêrusalem từ nhiều năm nay.

 Hỏi - Tổng thống Clinton, trong cuộc họp báo, tố cáo ông Arafat không sẵn sàng đi đến hòa bình. Có đúng vậy không?

 Ðáp - Tôi không biết các chi tiết đã thúc đẩy Tổng thống đi đến phê phán này, nhưng cần phải lưu ý điểm này là lãnh tụ Palestine không có quyền tự trị cần thiết để đi đến những lựa chọn dứt khoát. Cách riêng về Giêrusalem, tôi không tin rằng: tất cả Khối Ả rập ủy thác cho ông Arafat định đoạt thay tất cả.

 Hỏi - Cả ông Barak đến tham dự cuộc họp thượng đỉnh, sau khi Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm. Lúc này đây có nguy hiểm về một cuộc khủng hoảng chính phủ không?

 Ðáp - Nguy hiểm luôn luôn có. Nhưng chiếu theo kết quả của cuộc đàm phán, căn cớ gây nên va chạm, cơn khủng hoảng có thể lắng dịu. Phần lớn người dân Do thái muốn có hòa bình, mệt mỏi sống trong sợ hãi chiến tranh và khủng bố. Nhưng tại Camp David không có những dữ kiện để đạt tới một thỏa ước mong muốn.

 Hỏi - Lúc này đây cái gì sẽ xẩy ra? Có thể có một cuộc họp thượng đỉnh khác không, sau ngày 13 tháng 9/2000?

 Ðáp - Trước hết, chúng ta phải hy vọng rằng những cuộc thảo luận của những ngày vừa qua ít ra cũng giúp cho việc giải tỏa những đe dọa trở lại bạo động, sau ngày 13 tháng 9/2000. Nhưng kết quả này không chắc chắn, bởi vì tại Trung-Ðông, việc không tiến bộ trong các cuộc hòa đàm thường gây nên những thiệt hại và thoái lui. Nếu tình hình không xẩy đến dồn dập, tôi không tin rằng: đây là lúc triệu tập một Hội nghị thượng đỉnh khác tại Camp David. Ðiều cần hơn là phải quan tâm đến những cuộc hòa đàm trong miền, để tìm cách tiến bước dần dần. Trái lại, về Giêrusalem, tôi nghĩ đã đến lúc phải thay đổi chiến lược.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page