Năm Thánh 2000
tại các xứ truyền giáo
và những viễn tượng trong tương lai

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Năm Thánh 2000 tại các xứ truyền giáo và những viễn tượng trong tương lai.

 Roma - 19.01.2001 - Sau những ngày kết thúc Năm Thánh 2000 và nhân dịp kỷ niệm 10 năm công bố Thông điệp "Sứ mạng Ðấng Cứu Chuộc" (Redemptoris Missio) của ÐTC Gioan Phaolô II, ÐHY Jozef Tomko, Tổng trưởng Bộï Rao Giảng Tin Mừng cho các dân tộc, đã dành cho Hãng thông tấn quốc tế Fides một bài phỏng vấn dài, về việc cử hành Năm Thánh tại các xứ truyền giáo trong Năm Ðại Toàn xá vừa kết thúc. Bài phỏng vấn này đã được nhật báo công giáo Ý "Tương Lai" (Avvenire), số ra ngày 18.01.2001, thuật lại và bình luận, với tít lớn chiếm cả trang 18: "Các dân tộc của Ðấng đã được mừng" (tức là Chúa Giêsu Kitô, trong Năm Thánh mừng kỷ niệm 2000 năm Chúa Giêsu Kitô giáng sinh). Dưới tít này, tờ báo ghi thêm lời bình luận như sau: "Ðức Hồng Y Tomko nói: "Năm Thánh, men của công việc truyền giáo. Cách riêng tại Châu Á".

 Trong bài phỏng vấn, ÐHY Tổng trưởng nói đến những khía cạnh tích cực (ánh sáng) và tiêu cực (bóng tối) trong Năm Toàn xá tại các xứ truyền giáo.

 Về khía cạnh tích cực (ánh sáng) - ÐHY nhấn mạnh cách riêng đến cách thức trong đó các Giáo hội trẻ trung đã sống Năm Thánh như thế nào. Nhiều cuộc hành hương đến Roma, tại Thánh Ðịa và tại các Ðền Thánh thời danh hơn cả của mỗi quốc gia: Côte d'Ivoire (Yamoussokro) -- Sénégal - (Poponguine) - Tanzania - Burkina Faso - Bénin ... Ngoài ra còn có nhiều sáng kiến khác: một số miền của Ấn độ đã chọn năm 2000 là năm của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu thế duy nhất của nhân loại.

 Về Châu Á, ÐHY Tomko nhắc riêng đến sức sống mạnh mẽ của Giáo hội công giáo tại Trung quốc, dù bị bách hại. Các Giám mục đã cho công bố Sắc lệnh mở ra Năm Thánh; và biểu hiệu của Ðại Toàn Xá năm 2000, đã được công khai dán trên rất nhiều bức tường các nhà thờ và được thêu trên các áo lễ.

 Tại Việt nam, Ðức Hồng Y Tổng trưởng cho biết: Ðại Toàn xá được cử hành hầu như trong âm thầm, trên cấp bậc giáo xứ và giáo phận mà thôi, bởi vì nhà cầm quyền không cho phép cử hành trên bình diện quốc gia.

 Tuy nhiên, trong Năm Thánh, có vài phái đoàn hành hương từ Việt nam đến Roma: trước hết là Phái đoàn giới trẻ gồm khoảng ba chục thành viên (gồm linh mục, thanh niên nam nữ đại diện số đông các giáo phận, dưới sự hướng dẫn của hai Ðức Giám mục) tham dự Ngày thế giới Thanh niên từ 15 đến 20 tháng 8/2000; rồi phái đoàn sáu Giám mục tham dự Ngày Toàn xá thế giới các Giám mục vào đầu tháng 10/2000 và vài phái đoàn khác do tư nhân tổ chức.

 Nhìn về Indonesia, Ðức Tomko cho biết: tại đây, các lễ nghi Toàn xá cũng bị giới hạn. Anh chị em công giáo và tin lành, nhất là trong miền Molluque từ hai năm nay bị một số tín hữu Hồi giáo cuồng tín bách hại và đốt phá các nhà thờ. Thực sự, đàng sau những vụ bách hại này, có những mưu đồ ám muội. Theo các quan sát viên địa phương và quốc tế, đây không phải là những vụ đụng độ vê tôn giáo, nhưng có tính cách chính trị.

 Trong miền trung Châu Á, như tại Kazakhstan và Turkmenkistan, (trước đây thuộc Liên xô) số người công giáo rất ít ỏi, nhưng đã có những buổi cử hành toàn xá chung và những cuộc hòa nhạc có tính cách tôn giáo.

 Sang Châu phi - Tại Rwanda, các linh mục đã can đảm dấn thân nhiều hơn trong việc hòa giải giữa các chủng tộc khác nhau. Tại Burundi, cũng như tại Rwanda, tháng 4 năm 1994, xẩy ra những vụ diệt chủng giữa hai phe Tutsi (thiểu số cầm quyền) và Hutu (đa số bị trị), đã có nhiều hoạt động mục vụ, bác ái nhằm giúp đỡ anh em nhà giam, các trẻ em mồ côi và huấn luyện các giáo lý viên. Tại Bénin và Togo, các vị lãnh đạo Giáo hội công giáo chú trọng đến mục vụ Gia đình. Tại Lomé, thủ đô Togo, đã có 800 cặp vợ chồng được hợp thức hóa và lãnh Bí tích Hôn phối trong nhà thờ.

 Một số Giáo hội như Mali và Burkina Faso ... liên kết việc cử hành Toàn xá với các lễ nghi mừng kỷ niệm 100 năm lãnh nhận Tin Mừng. Năm Toàn xá tại Madagascar được cử hành với nhiều lễ nghi có tính cách đại kết. Trong Năm Thánh tại Madagascar cũng như tại Mozambic, nhiều tù nhân được trả tự do. Giáo hội công giáo Ghana đã cử hành long trọng ba ngày toàn xá trên bình diện quốc gia tại Cape Coast.

 Sang miền Trung-Nam Mỹ châu: tại Quần đảo Antilles, Perù, Ecuador, Colombia (nơi còn có một số giáo phận thuộc quyền Bộ Rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc), đều có những lễ nghi toàn xá khác nhau, với sự tham dự đông đảo của dân chúng.

 ÐHY quả quyết: "Sau Ðại Toàn xá, các xứ truyền giáo trở nên trẻ trung hơn lúc nào hết và các viễn tượng của truyền giáo được hướng cách riêng về Châu Á". Ðây chính là ước mong của ÐTC và của các Nghị phụ tham dự Khóa họp khoáng đại THÐGM thế giới về Á Châu tháng tư năm 1998. "Ngàn năm thứ ba phải là ngàn năm đẩy mạnh công việc rao giảng Tin Mừng tại Á Châu. Chúa Giêsu sinh ra tại Á châu; nhưng số người công giáo tại lục địa mênh mông này còn quá ít, chưa đầy 3%. Trách nhiệm truyền giáo của Giáo hội hoàn vũ và nhất là của các Giáo hội Á Châu rất nặng nề. Cộng đồng Dân Chúa tại đây (Giám mục, Linh mục và Giáo dân) cần ý thức nhiều hơn nữa về ơn gọi và sứ vụ lớn lao của mình. Trong Thông điệp "Sứ mạng Ðấng Cứu Thế" (Redemptoris Missio) (mà chúng ta mừng kỷ niệm 10 năm công bố trong những ngày này), ÐTC nhấn mạnh đến sự khẩn cấp của việc rao giảng Tin Mừng và mới đây trong Tông thư "Khởi đầu Ngàn năm Mới" (Novo Millennio ienunte", được ký và công bố trong ngày bế mạc Năm Thánh, ngày mùng 6 tháng 1, (2001), ÐTC mời gọi mọi tín hữu: "Hãy ra khơi", nghĩa là: hãy ra đi rao giảng Tin Mừng cho các dân tộc trên khắp thế giới.

 Về khía cạnh tiêu cực (bóng tối) ÐHY Tổng trưởng quả quyết: Trong Năm Thánh vẫn còn có những miền đầy đau khổ. Ngài nhắc đến Ðức Giám mục Augustin Misago, Giám mục giáo phận Gikongoro (bên Rwanda) bị giam tù trong thời gian lâu dài, nhưng sau cùng đã được trả tự do. Rồi cũng trong năm Toàn xá có 30 nhà truyền giáo bị giết. Ngài nhắc đến Ðức Cha Emmanuel Kataliko, TGM giáo phận Bukavu (Cộng hòa Dân chủ Congo), bị cưỡng ép ra đi khỏi giáo phận và sau đó được trả tự do vì những áp lực quốc tế; nhưng vị chủ chăn này đã qua đời ở Roma trong lúc tham dự đại hội các Giám mục Châu phi và chờ đợi Ngày Toàn xá thế giới của các Giám mục. Tại Trung quốc, nhũng vụ bách hại các Giáo sĩ và tín hữu công giáo trung thành với Roma không giảm bớt, trái lại được tăng cường nhất là trong dịp phong Hiển Thánh cho 120 vị Chân phước Tử đạo Trung quốc tại Roma ngày mồng một tháng 10/2000.

 Trong phần kết thúc bài phỏng vấn, ÐHY Tomko nhận xét như sau: Dưới ánh sáng của những kinh nghiệm này, viễn tượng trong tương lai xem ra rất tích cực. Ðức tin và lòng nhiệt thành của các tín hữu đối với Chúa Giêsu Kitô được tăng cường. Sự hiện diện của các Giáo hội trẻ trung tại Roma trong Năm Thánh đã thúc đẩy các Giáo hội Tây phương sống lại đức tin và sự hăng say truyền giáo đã có trước đây, đồng thời nêu cao tính cách hoàn vũ của Giáo hội: một đàn chiên, một chủ chăn. Lời kêu gọi tha hoặc giảm bớt món nợ ngoại quốc cho các nước nghèo, ân xá cho tù nhân... đã gây một tiếng vang rộng lớn trên cả thế giới.

 ÐHY nhấn mạnh đến những viễn tượng trong tương lai của Châu Á. Ngài nói: "Tại lục địa này, việc đối kháng từ phía ý thức hệ chính trị, tôn giáo và văn hóa, thực sự rất mạnh mẽ. Công việc truyền giáo gặp nhiều khó khăn. Tại Châu phi cần tiếp tục những nỗ lực truyền giáo. Các Giáo hội Châu Âu, sau thời kỳ mệt mỏi và sa sút đức tin, cần phải lấy lại tinh thần truyền giáo. Nói tóm lại: Sau Ðại Toàn xá, cần phải trở về và tái khám phá Chúa Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Thế duy nhất của nhân loại và cần phải trở nên những tín hữu Kitô đích thực. Rao giảng Chúa Kitô bằng đức tin sống động và bằng chứng tá gương mẫu đời sống có một tác động mạnh mẽ hơn là bằng lời nói và những hoạt động bên ngoài.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page