Vài nét về Tân Chân phước
Giáo Hoàng Pio IX (1792- 1878)

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Vài nét về Tân Chân phước Giáo Hoàng Pio IX (1792- 1878).

 Lễ nghi phong Chân phước của Ðức Pio IX được bình luận khác nhau. Những người không tín ngưỡng và nhất là những người chống đối Giáo hội và tham dự vào đời sống chính trị khuynh tả hoặc các sử gia có thành kiến... đưa ra những phê phán tiêu cực. Nhưng Giáo hội nhìn vào khía cạnh khác: tính cách anh hùng của các nhân đức của vị được tôn phong. Việc làm án phong thánh đòi hỏi nhiều thể thức rất ngặt nghèo. Một Vị không có các nhân đức tới mức độ anh hùng, không thể được tôn phong lên bậc Chân phước. Tính cách anh hùng của các nhân đức của Ðức Pio IX đã được Ðức Gioan Phaolô II chính thức công nhận 6.7.1985. Thêm vào đó, để tiến lên bậc Chân phước, Giáo hội đòi phải có một phép lạ và phép lạ này phải được hội đồng các bác sĩ nghiên cứu và công nhận.

 Dĩ nhiên, Triều Giáo Hoàng của Ðức Pio IX là một thời kỳ đầy khó khăn vì những biến cố chính trị tại Ý, lúc đó chưa thống nhất. Trên lãnh thổ Ý lúc đó, gồm nước Tòa Thánh và các nước khác như Piemonte, Napoli, Sicilia.... Thời đó Ðức Pio IX vừa là Giáo Hoàng quản trị Giáo hội, vừa là Vua của Nước Tòa Thánh, cho tới năm 1870, nghĩa là cho tới lúc nước Tòa Thánh bị chiếm hoàn toàn. Ðức Pio IX đã gặp nhiều khó khăn về phương diện chính trị, xã hội, quân sự của thời đại. Ngài đã phải trá hình làm một linh mục thường, bỏ Roma ban đêm trốn xuống thành phố Gaeta (miền nam). Nhờ lực lượng nước Pháp hộ trợ, ngài đã có thể trở về Roma. Ðức Pio IX không phàn nàn vì bị mất thế quyền. Các công việc của ngài chỉ nhằm lợi ích Giáo hội và các linh hồn. Ngài luôn luôn nhớ mình là "một vị chủ chăn, người kế nghiệp Thánh Phêrô", cai quản Giáo hội, hơn là một Vị Giáo Hoàng-Vua của một nước trần gian.

 Nói tóm lại, Ðức Pio IX là một nhân vật được tôn kính, mến phục; nhưng đồng thời cũng là một nhân vật gây nên nhiều tranh luận và chỉ trích. Hy vọng với lễ tôn phong lên bậc Chân phước, Ðức Pio IX, vị Giáo Hoàng quản trị Giáo hội lâu hơn cả (32 năm) và cũng là một trong các Vị Giáo Hoàng đã chịu đau khổ nhiều, sẽ được hiểu biết hơn và các thành kiến xưa kia sẽ được xóa bỏ dần dần.

 Gioan Maria Mastai Ferretti, --- tên tộc của Ðức Pio IX, ---- sinh tại Senegalia thuộc tỉnh Ancona (miền trung-đông nước Ý) ngày 12.5.1792, trong một gia đình quí phái và có những truyền thống công giáo sâu xa. Học sinh của trường các Cha Scolopi tại Volterra. Sức khỏe yếu kém, nhưng sau đã hoàn toàn bình phục. Vì quyết định làm linh mục, Mastai Ferretti đi Roma để có thể theo ơn gọi. Kiến thức về thần học không được sâu xa, nhưng tỏ ra có một khuynh hướng riêng về mục vụ. Năm 1819, Gioan Maria Mastai Ferretti được thụ phong linh mục, rồi vào trường ngoại giao Tòa Thánh và được gửi đi tập sự tại Chili. Khi trở về Roma, Cha được bổ nhiệm làm Giám mục Spoleto năm 1827, rồi năm 1832, thăng giám mục giáo phận Imola. Tại đây ngài phải đối phó với những khuynh hướng chống giáo sĩ và nghịch Giáo hội. Tuy còn trẻ tuổi, Ðức Cha Mastai được thăng Hồng Y năm 1840. Trong chức vụ này, ngài tỏ ra là một người có khuynh hướng ôn hòa; nhờ vậy, ngài là một người trung gian giảng hòa giữa các khuynh hướng đối chọi nhau.

 Tháng 6 năm 1846, Ðức Hồng Y Mastai Ferretti được bầu làm Giáo Hoàng, nhận tên hiệu là PIO IX. Những hành động đầu tiên của Triều Giáo Hoàng của Ðức Piô IX, đã làm lan rộng tin đồn rằng: Ngài là vị Giáo Hoàng theo khuynh hướng tự do, nhưng đồng thời cũng làm cho ngài trở nên như "một thần tượng". Nhưng tin đồn nầy là điều không đúng với thực tại.

 Các văn kiện có tính cách giáo lý, tín lý vẫn theo con đường truyền thống của Giáo hội. Nhưng mối quan tâm đầu tiên của ngài là việc cải tổ hàng giáo sĩ và đời sống các tu sĩ và tổ chức lại đường lối ngoại giao của Tòa Thánh. Trong những năm kế tiếp, Ðức Pio IX quan tâm rất nhiều đến việc phát triển công việc truyền giáo.

 Nói đến Ðức Pio IX, mọi người đều nhớ đến những công việc lớn lao sau đây: Tuyên bố Tín điều Ðức Trinh Nữ Maria vô nhiễm ngày 8.12.1854 - Công bố "Syllabus" năm 1864. Syllabus gây nên nhiều tranh luận. Thực sự Syllabus không chứa đựng những mới lạ. Ðây chỉ là "bản kê khai" 80 mệnh đề (propositiones) trích lại các văn kiện đã có trước đó, nhằm lên án một số trong các tự do của thời mới, có thể gây hại cho đức tin và luân lý. Và sau cùng, Ðức Pio IX quyết định triệu tập Công đồng chung Vatican I. Công đồng được khai mạc ngày 8.12.1869, nhưng bị gián đoạn năm sau 1870, vì những biến cố chính trị xẩy ra: Thành Roma bị chiếm. Dù sao, Công đồng Vatican I đã đi đến việc công bố "Ơn vô ngộ của ÐTC, vị kế nghiệp Thánh Phêrô" (Infallibitas) . Bản văn ghi rõ ràng trong những phạm vi nào, ÐTC được kể mình là "vô ngộ".

 Sau vụ chiếm thành Roma (1870), Ðức Pio IX như bị tù trong Vatican. Trong thời kỳ này, lòng sùng kính đối với Mẹ Thiên Chúa, sự tín nhiệm vào Chúa Quan phòng, việc mất thế quyền... là những cơ hội Chúa gửi đến, để khám phá ra sự tự do thiêng liêng bên trong. Dù có những phê phán khác nhau về ngài, Ðức Pio IX luôn luôn giữ được danh dự này, danh dự mà ngài thật xứng đáng: đó là danh dự được là "người đích thực của của Thiên Chúa".

 Với cái chết của Ðức Pio IX xẩy đến ngày 7.2.1878, Giáo hội chú ý lo lắng đời sống tôn giáo và tính cách mục vụ hơn là về đường lối ngoại giao, chính trị. Theo giáo sư Roger Aubert và Giacomo Martina, hai học giả về Triều Giáo Hoàng của Ðức Pio IX, thì lòng sùng đạo bình dân được phát triển hơn, con đường tu đức linh mục được canh tân hơn.

 Ký giả Maurillo Guasco viết trong Tuần báo Famiglia Cristina (3.9.2000) như sau: Có những phê phán khác nhau về việc tôn phong Ðức Pio IX lên bậc Chân phước, tức việc quyết định nêu ngài như một gương mẫu cho các tín hữu Kitô ngày nay. Những người chấp nhận, nhấn mạnh đến sự thánh thiện bên trong. Trái lại những người chỉ trích, quả quyết: có một số lựa chọn của ngài, tuy là thành quả nền văn hóa thời đó, không thể coi như gương mẫu được. Ký giả kết luận: Là một tín hữu Kitô tội lỗi, tôi cảm thấy như được khuyến khích, an ủi bởi quyết định phong Chân phước này: Giáo hội nhắc lại cho chúng ta biết: có thể sống một con đường thiêng liêng mạnh mẽ, một tâm tình sâu xa của sự hiệp nhất với Thiên Chúa, cho dù có những khuyết điểm này, sai lỗi kia đối với anh chị em và dù có phạm những lầm lỗi trong việc đọc các dấu hiệu của thời đại mình sống. Nếu những điều này là thực, thì con đường thánh thiện không loại trừ ai cả.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page