Trung quốc vẫn đòi Vatican
đoạn tuyệt ngoại giao với Ðài loan
và không can thiệp vào nội bộ
như là những điều kiện
để tái lập quan hệ ngoại giao

Prepared for internet by Msgr Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Trung quốc vẫn đòi Vatican đoạn tuyệt ngoại giao với Ðài loan và không can thiệp vào nội bộ, như là những điều kiện để tái lập quan hệ ngoại giao.

 Roma - 08.7.2000 - Trong những ngày này, Thủ tướng Trung quốc, ông Zhu Rogji, đang viếng thăm chính thức Cộng hòa Ý. Nhưng không có cuộc tiếp xúc chính thức nào với Vatican. Trong bài phỏng vấn dành cho Hãng thông tấn Ansa trước những ngày viếng thăm Ý quốc, Thủ tướng đã xác nhận: Trong chương trình không dự tính cuộc gặp nào với Vatican; nhưng trong lúc này vẫn có những cuộc tiếp xúc không chính thức với Tòa Thánh.

 Theo nhật báo Il Tempo di Roma (08.7.2000), phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung quốc, ông Zhang Qiyue, thuộc phái đoàn Thủ tướng viếng thăm nước Ý, trong cuộc họp báo, tuyên bố rõ ràng như sau: "Chúng tôi vẫn muốn hoàn hảo các mối quan hệ với Vatican, nhưng chúng tôi yêu cầu Tòa Thánh hai điều này: đoạn tuyệt các quan hệ với Ðài Loan và công nhận Cộng hòa nhân dân Trung quốc - không xen lấn vào nội bộ của Trung quốc, kể cả các quan hệ tôn giáo".

 Nhật báo Il Tempo bình luận: "Ðây là những lời cứng rắn và rất cứng rắn, như những tảng đá đề nặng trên các mối quan hệ giữa hai thực tại, khác biệt nhau, xa nhau và tương phản nhau".

 Thực sự hai điều kiện trên đây không phải mới mẻ. Tòa Thánh đã có dịp nói lên lập trường của mình về hai điều kiện được chính phủ Bắc kinh lặp đi lặp lại nhiều lần và từ nhiều năm nay.

 Nhật báo Il Tempo di Roma đặt câu hỏi: Giả sử Vatican chấp nhận hai điều kiện do Bắc Kinh đặt ra, thì cái gì sẽ xẩy ra? Trong trường hợp này Trung quốc sẽ công nhận quyền của Ðức Giáo Hoàng chăng? Và đây là câu trả lời "phong tỏa" không lối thoát của Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung quốc: "Nguyên tắc có giá trị trong Giáo hội Trung quốc là tự trị và độc lập: Giáo hội ái quốc Trung quốc tiếp tục tồn tại và sẽ không bao giờ thay đổi".

 Trên thực tế lại khác. Theo những tin chúng tôi nhận được: Hiện đã có những vị Giám mục của Giáo hội Trung quốc công nhận quyền tối cao của Roma và đọc tên Ðức Gioan Phaolô II và cầu nguyện cho ngài trong thánh lễ. Trong số các vị được tấn phong đầu tháng Giêng năm nay và mới đây do Nhà Nước bổ nhiệm, có những vị đã có phép của Tòa Thánh và như vậy gián tiếp công nhận Quyền của ÐTC. Không phải mọi thành phần của Giáo hội ái quốc đoàn kết chặt chẽ và tuân theo theo đường lối "tự trị, độc lập" của Nhà Nước.

 Cáùch đây 10 năm ai nghĩ đến việc thay đổi tại Liên xô và các nước thuộc khối Liên xô? Lịch sử chứng minh rằng: không một chế độ chính trị trần thế nào tồn tại mãi mãi, sẽ không bao giờ thay đổi. Sau hơn 70 năm lực lượng hùng hậu nhất thế giới đã tan rã. Sau 50 năm chia đôi đất nước, thù địch giữa hai chế độ chính trị khác nhau, ai ngờ Bắc và Nam Hàn đã gặp nhau và bắt đầu thảo luận đến việc thống nhất đất nước và hòa giải dân tộc. Theo tin báo chí thì cuộc gặp gỡ đã được Bắc Kinh bật đèn xanh, với sự ủng hộ của Nhật Bản. Sau hơn 70 cầm quyền tại Mexicô, Ðảng Tự do-Bè nhiệm đã phải nhường chỗ cho ông Fox, đảng đối lập. Cách đây hơn 20 năm, ai dám chỉ trích "Lãnh tụ Mao Trạch Ðông, thần tượng của Trung quốc vĩ đại và người cha của Cuộc cách mạng Văn hóa? Nhưng Thần tượng ngày nay đã bị chỉ trich nặng nề trong cuốn sách 540 trang của Bà Deng Rong, con gái cưng của Cụ Ðặng Tiểu Bình. Bà viết: "Cuộc cách mạng Văn hóa là "một bi kịch" không những cho một người, nhưng cho cả Trung quốc. Bi kịch này không thể quên được và không được phép quên đi". (Nhật báo Il Giornale 04.7.2000).

 Chúng ta nên nhớ: Con người không phải là chủ của lịch sử, của Vũ trụ, nhưng có một Vị Tối cao điều khiển lịch sử, Vũ trụ và vận mệnh nhân loại.
 
 


Back to Home