Ơn gọi và sứ mạng của Ðại Học
theo quan điểm của Ðức Gioan Phaolô II

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Ơn gọi và sứ mạng của Ðại Học theo quan điểm của Ðức Gioan Phaolô Ðệ Nhị.

 Như chúng tôi đã chia sẽ với quý vị và các bạn trong bản tin đặc biệt phát hôm Chúa nhật 10/9/2000, về Ngày Toàn Xá của Ðại Học, có hai cao điểm để kết thúc những ngày cử hành Ngày Toàn Xá của Ðại Học, là cuộc gặp gỡ của Giới Ðại Học với ÐTC hôm trứa thứ bảy 9/9/2000, tại Ðại Thính Ðường Phaolô VI, và Thánh lễ Bế Mạc Ngày Toàn Xá của Ðại Học vào sáng Chúa Nhật 10/9/2000. Về Thánh lễ Bế mạc nầy, chúng tôi sẽ nhắc đến trong chương trình sau. Giờ đây chúng ta hãy chú ý đến vài điểm nội dung chính trong bài diển văn quan trọng của ÐTC cho giới Ðại Học, vào trưa thứ bảy 9/9/2000. Cách chung, chúng ta có thể nói rằng, trọn bài diển văn ÐTC trình bày Ơn Gọi và Sứ Mạng của Ðại Học, theo ánh sáng của Ðức Tin Kitô.

 Sau khi chào chúc và cám ơn sự hiện diện của quý vị giáo sư đại học, các quan khách, ÐTC nhấn mạnh ngay đến tính cách trung tâm của Chúa Giêsu Kitô soi sáng và hướng dẩn những con người Ðại Học và những sinh hoạt nghiên cứu của họ. Ngày Toàn Xá của Giới Ðại Học là "dịp thuận tiện để thẩm định trong mức độ nào biến cố Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên chúa, được đón nhận như là nguyên tắc sống động mà từ đó trọn cả đời sống được soi sáng và được biến đổi". "Chúa Kitô không phải là một biểu tượng cho một chiều kích tôn giáo mong lung, nhưng là một điểm cụ thể trong đó Thiên Chúa nhận lấy nhân tính chúng ta, nơi chính Con Một Ngài". "Biến cố Nhập Thể có liên quan sâu xa đến con người; biến cố Nhập Thể nầy soi sáng cho những gốc rễ và vận mệnh của con người, và mở ra cho chúng ta niềm hy vọng không bao giờ làm thất vọng". "Như những con người khoa học, anh chị em luôn luôn đặt ra cho mình câu hỏi về giá trị của con người. Mỗi người trong anh chị em đều có thể nói như nhà triết học cổ xưa rằng: "Tôi đi tìm con người!" Và giữa biết bao câu trả lời cho câu hỏi căn bản trên, anh chị em đã chọn lấy câu trả lời của Chúa Kitô: câu trả lời từ những lời giảng dạy của Chúa, nhưng nhất là từ chính dung mạo của Người. Ðây là Người! Mọi người có thể nhìn thấy nơi dung mạo của Chúa gốc rễ cho chính thực thể của mình; mọi người đều có thể hy vọng được ơn cứu rỗi từ Chúa,Ðấng Cứu Rỗi Con người ( redemptor hominis).

 Chiêm ngắm và căn cứ vào dung mạo Chúa Kitô, Ðấng mạc khải cho con người biết mình là ai, các giáo sư đại học được mời gọi dấn thân xây dựng điều ÐTC gọi là "một nền văn hóa đại học có chiều kích nhân bản thật sự", giúp cho con người được phát triển thật sự phẩm vị mình. Trong công tác xây dựng nền văn hóa nhân bản nầy, ÐTC quả quyết rằng không có sự mâu thuẩn nào giữa sự tự do nghiên cứu và sự nhìn nhận sự thật. Nghiên cứu trong môi trường đại học đều hướng đến sự thật. "Không có định hướng đến sự thật, một sự thật được tìm kiếm với thái độ khiêm tốn và tin tưởng, thì nền văn hóa đó sẽ rơi vào sự hảo huyền và bị tan biến đi trong những ý kiến hay thay đổi, hoặc cả có thể làm nô lệ cho ý muốn thống trị của kẻ mạnh nhất. Một nền văn hóa không có sự thật, không phải là một bảo đảm, nhưng là một nguy hiểm cho sự tự do." Và một khi được ăn rễ trong sự thật, thì nền văn hóa đó, cũng như chủ nghĩa nhân bản đó, sẽ được mở rộng hướng đến Ðấng Siêu Việt. Chính đây là sự thật và là sự cao cả của con người, mợt tạo vật duy nhất trong thế giới hữu hình có khả năng ý thức về chính mình, vừa nhìn nhận mình được bao bộc bởi Mầu Nhiệm Cao Cả, mà lý trí và đức tin gọi là Thiên Chúa.

 Như thế trong cái nhìn của ÐTC, điều con người ngày nay đang cần là một nền văn hóa, một chủ nghĩa nhân bản trong đó khoa học và đức tin không tương phản nhau nữa. ÐTC nói rõ rằng: "Tôi hết sức khuyến khích anh chị em, những con người trong giới Ðại Học, hãy cố gắng hết sức mình để xây dựng một chân trời tri thức biết mở rộng cho sự thật và Ðấng Tuyệt Ðối.

 ÐTC kết thúc bài diễn văn của ngài với những lời mời gọi như sau:

 "Thưa anh chị em rất thân mến, những con người của nghiên cứu khoa học, xin anh chị em hãy làm sao để Các Ðại Học trở thành "những phòng thí nghiệm văn hóa" trong đó thần học, triết học, khoa học về con người và khoa học về thiên nhiên, tất cả các bộ môn biết đối thoại với nhau cách xây dựng, vừa nhìn về quy phạm luân lý như là một đòi buộc nội tại của công cuộc nghiên cứu và như là điều kiện cho giá trị hoàn toàn của công cuộc nghiên cứu đó trên con đường tiến đến sự thật". "Chủ Nghĩa nhân bản mà chúng ta muốn xây dựng lên, chủ nghĩa đó cần trình bày và bênh vực cho một quan niệm về xã hội được quy về trung tâm là ngôi vị con người và những quyền lợi bất khả ngượng của con người, về những giá trị công bằng, hòa bình, về tương quan đúng giữa các cá nhân, xã hội và Nhà Nước, dựa trên sức mạnh của tình liên đới và của sự hổ trợ bổ túc cho nhau. Ðây là một nền nhân bản có sức mang vào một linh hồn cho tiến bộ kinh tế, ngõ hầu tiến bộ kinh tế nầy nhắm đến sự "nâng cao phẩm giá của từng nguời và tất cả mọi người". "Ðặc biệt khẩn thiết, là chúng ta hãy hoạt động ngỏ hầu một ý thức thật về dân chủ được duy trì đầy đủ".

 Theo ÐTC, thật là điều đáng lo ngại, khi người ta rút gọn dân chủ về một cái gì thuần túy thuộc lãnh vực thể thức tổ chức, hoặc khi người ta nghĩ rằng ý muốn của đa số là đủ để quyết định cho tính cách hợp luân lý của một luật pháp. Thật ra, giá trị vững chắc của nền dân chủ được đứng vững hay sụp đổ cùng chung với những giá trị mà nền dân chủ đó thực hiện và cổ võ.. Và nền tảng của những giá trị nầy không thể nào là những ý kiến đa số tạm thời và hay thay đổi, nhưng là sự nhìn nhận một nền luân lý khách quan, được khắc ghi trong tâm hồn của từng người như là "luật tự nhiên", và nền luân lý khách quan nầy là điểm quy chiếu cho luật dân sự".

 Niềm hy vọng cuối cùng của ÐTC là những con người của giới đại học dấn thân cách quyết định, "ngõ hầu Cơ Chế Ðại Học bước vào ngàn năm thứ ba, với thực thể trọn vẹn đầy đủ của nó, như là nơi trong đó được phát triển cách xứng đáng sự cởi mở đón nhận tri thức, sự mê say đối với chân lý, và quan tâm lo lắng cho tương lai của con người."
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page