Bài giảng của ÐTC
trong Thánh lễ Vọng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
tại Roma

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Bài giảng của ÐTC trong Thánh lễ Vọng Chúa Thánh Thần Hiện Xuống tại Roma.

 Chiều thứ Bẩy, mùng 10 tháng 6/2000, Ngày Vọng Lễ Hiện xuống, ÐTC chủ tế thánh lễ trọng thể cho từng trăm ngàn tín hữu Roma và khàch hành hương đến từ các nơi khác nhau trên thế giới. Cùng đống tế với ÐTC có các ÐHY Angelo Sodano, Quốc Vụ Khanh - ÐHY Roger Etchegaray, chủ tịch Ủy Ban trung ương Năm Thánh - ÐHY Camillo Ruini, Tổng Ðại diện Giáo phận Roma, nhiều Giám mục và Linh mục.

 Giảng trong thánh lễ, ÐTC nói: "Tin Mừng không thể áp đặt, nhưng phải được đề nghị cho con người." Lễ Hiện xuống là ngày sinh nhật của Giáo hội, là ngày các Tông đồ khởi sự rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, như Chúa Giêsu đã truyền dạy trước khi trở về trời: "Các con hãy đi khắp thế rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật". Nhân cơ hội này, một lần nữa ÐTC kêu gọi mọi tín hữu, nhất là những ai được gọi hiến thân cách riêng cho công việc này: Giám mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và giáo dân dấn thân. Nhưng ngài nhấn mạnh rằng: Việc rao giảng Tin Mừng phải tôn trọng "phẩm giá các dân tộc, các nền văn hóa, các truyền thống của họ. Chỉ khi nào Tin Mừng được chấp nhận cách hoàn toàn tự do, lúc đó mới sinh hoa trái dồi dào và bền bỉ".

 Chính ÐTC đã muốn rằng: Trong Năm Ðại Toàn xá này, Lễ Hiện xuống phải là một lễ của cầu nguyện và suy tư về những bổn phận của người công giáo đối với những anh chị em khác; đó là bổn phận rao giảng Chúa Kitô - bổn phận làm chứng và đối thoại, để tái xác nhận sự dấn thân trong việc rao giảng Tin Mừng. Ðây là một bổn phận khẩn cấp, nếu chúng ta nghĩ đến con số còn 67% dân cư thế giới chưa biết Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế duy nhất. Tình trạng này, lúc bước vào Ngàn Năm thứ ba, cũng là tình trạng của thời Giáo hội khai sinh trong Nhà Tiệc li, lúc Chúa Thánh Thần hiện xuống.

 ÐTC giải thích hình ảnh gợi cảm của Ngày đầu tiên này của Giáo hội như sau: Buổi chiều nay, Quảng trường Thánh Phêrô được biến đổi thành một Nhà Tiệc li lớn lao, trong đó cộng đồng của chúng ta tụ họp nhau để khẩn xin và đón nhận ơn Chúa Thánh Thần. Chính do ơn này của Chúa Thánh Thần, Giáo hội được thúc đẩy có thái độ cởi mở với mọi dân tộc. So sánh với Nhà Tiệc li xưa kia, ÐTC nhấn mạnh rằng: Chính Chúa Thánh Thần gieo vãi hạt giống Phúc Âm nơi các phong tục và các nền văn hóa của các miền đất khác nhau và thúc đẩy đón nhận việc rao giảng Tin Mừng.

 Ý thức về trách nhiệm này không thể không gợi lên nơi các môn đệ Chúa Kitô một thái độ cởi mở và đối thoại đối với những ai theo các tôn giáo khác. ÐTC nói: Trước rạng đông của Ngàn Năm thứ ba, các môn đệ Chúa Kitô hoàn toàn ý thức rằng: Thế giới ngày nay là một bản đồ về rất nhiều tôn giáo. Bổn phận của các tín hữu Kitô, vì thế, là luôn luôn cởi mở đón nhận hoạt động của Chúa Thánh Thần. Người sẽ giúp truyền thông, trong việc tôn trọng các thành tín tôn giáo của người khác, sứ điệp hoàn vũ về cứu rỗi của Chúa Kitô. Nhưng đồng thời chúng ta cũng phải sẵn sàng lắng nghe tất cả những gì Chúa Thánh Thần có thể gợi lên nơi người khác nữa. Những người này có khả năng đem đến những điểm ích lợi để đạt tới một sự hiểu biết sâu xa hơn tất cả những gì mà người tín hữu Kitô đã chiếm hữu được nơi kho tàng mạc khải.

 ÐTC giải thích thêm: Và chính đây là công việc đối thoại: một việc đối thoại như vậy sẽ có thể đem đến cho người tín hữu Kitô cơ hội về rao giảng Tin Mừng tương xứng hơn với những điều kiện của người nghe.

 Sau cùng, ÐTC không quên nhấn mạnh cách riêng đến chứng tá đời sống, vì đây là một yếu tố quyết định cho thành công của việc rao giảng Tin Mừng và đối thoại. Ngài quả quyết: Chỉ khi nào người tín hữu sống đích thực điều họ tuyên xưng nơi miệng, họ mới được kẻ khác nghe theo. Và khi những hoàn cảnh không cho phép việc rao giảng trực tiếp, công khai, thì chứng tá của một đời sống biết tôn trọng, trong sạch, xa tránh mọi việc tìm kiếm danh vọng, phú quí, giầu sang, thoát khỏi mọi quyền bính của thế gian này, thì chứng tá đời sống thánh thiện, cho dù trong yên lặng, vẫn có một sức mạnh khác thường về thuyết phục.

 Nhưng ÐTC nhắc lại ngay rằng: sự cương quyết trong việc trở nên chứng nhân của Chúa Kitô không ngăn trở việc cộng tác với các người thuộc tôn giáo khác trong phục vụ con người. Trái lại còn thúc đẩy cùng hoạt động với họ cho công ích xã hội và cho hòa bình thế giới.

 Nền hòa bình thế giới được nhấn mạnh trong các lời cầu nguyện giáo dân, sau kinh Tin Kính, cách riêng trong lời nguyện bằng tiếng Ả rập: "cầu nguyện để các vị trách nhiệm về đời sống công cộng tìm kiếm các con đường của tự do và các dân tộc gặp nhau trong tiếng nói của tình yêu thương". Lời nguyện bằng tiếng Trung quốc: "cầu nguyện để mọi người biết đón nhận sự sống sắp sinh ra, biết bảo vệ sự sống, nhất là những người yếu hèn, bằng việc tỏ ra sự can đảm trong yên lặng trước một sự sống đang tàn đi".
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page