Bài Giảng của ÐTC Gioan Phaolô II
ngày 7.5.2000:
Cuộc tưởng niệm Ðại Kết các chứng nhân đức tin 
trong thế kỷ XX

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Bài Giảng của ÐTC Gioan Phaolô II ngày 7.5.2000: Cuộc tưởng niệm Ðại Kết các chứng nhân đức tin trong thế kỷ XX.

 1. "Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác" (Ga 12,24). Với những lời này nói lên trước khi chịu Khổ nạn, Ðức Giêsu báo trước Người sẽ được tôn vinh qua cái chết. Chúng ta vừa nghe sự thật đầy đòi hỏi ấy trong lời tung hô Tin mừng. Tối hôm nay nó vang dội cách mạnh mẽ tại địa điểm đầy ý nghĩa này, nơi mà chúng ta tưởng nhớ "các chứng nhân đức tin của thế kỷ XX".

 Ðức Kitô là hạt lúa đã chết đi và đã sinh hoa trái là sự sống vĩnh cửu. Suốt nhiều thế kỷ các môn đệ của Người đã bước theo vết chân của Ðức Vua chịu đóng đinh và đã trở nên một đám đông không tài nào đếm nổi "từ mọi quốc gia, chủng tộc, dân nước và ngôn ngữ": các tông đồ và các vị hiển tu, các trinh nữ và các vị tử đạo, các sứ giả dũng cảm của Tin mừng và người tôi tớ thầm lặng của Nước Trời.

 Anh chị em thân mến là những người liên kết trong một đức tin vào Ðức Giêsu Kitô! Hôm nay tôi rất sung sướng trao tặng anh chị em nụ hôn huynh đệ và bình an, khi chúng ta cùng nhau tưởng nhớ các chứng nhân đức tin của thế kỷ XX. Tôi nồng nhiệt chào mừng các đại diện của Toà Thượng Phụ Ðại kết và của các Giáo hội Chính thống khác, cũng như của các Giáo hội Ðông phương cổ xưa. Tôi cũng cám ơn các đại diện của Giáo hội Anh Giáo, của các Cộng đồng Kitô giáo Tây phương trên khắp thế giới và của các Tổ chức Ðại kết vì sự hiện diện của họ.

 Chúng ta cảm nghiệm một xúc động sâu xa khi tụ họp với nhau chiều nay tại Colosseum để thực hiện cuộc cử hành năm thánh đầy ý nghĩa này. Các công trình kỷ niệm và tàn tích của thành Rôma cổ xưa nói cho mọi người về những đau khổ và bách hại mà cha ông chúng ta trong đức tin, các Kitô hữu của thế hệ đầu tiên, đã dũng cảm chịu đựng. Những tàn tích cổ xưa đó nhắc nhớ chúng ta rằng, những lời mà Tertullianô đã viết thật đúng biết bao: "sanguis martyrum semen Christiorum" - máu của các vị tử đạo là hạt giống nảy sinh các Kitô hữu (Apol., 50,13: CCL 1, 171).

 2. Kinh nghiệm của các vị tử đạo và các chứng nhân đức tin không phải chỉ là một đặc điểm của thời Giáo hội sơ khai nhưng đánh dấu mọi giai đoạn của lịch sử. Trong thế kỷ XX, và có lẽ nhiều hơn cả trong thời kỳ đầu của Kitô giáo, đã có một số đông những người nam nữ là chứng nhân đức tin giữa những đau khổ thường rất dũng cảm. Biết bao Kitô hữu trong suốt thế kỷ XX, trên mọi lục địa, đã biểu lộ tình yêu đối với Ðức Kitô bằng cách đổ máu đào! Họ đã trải qua những hình thức bách hại cả cũ lẫn mới, họ đã cảm nghiệm sự ghen ghét và loại trừ, bạo lực và giết hại. Nhiều nước có những truyền thống Kitô giáo cổ xưa lại một lần nữa trở nên những miền đất nơi đó, để giữ lòng trung thành với Tin mừng thì phải trả giá cao. Trong thế kỷ chúng ta "làm chứng cho Ðức Kitô đến đổ máu đào đã trở nên một gia tài chung của Công giáo, Chính thống, Anh Giáo và Tin lành" (Tertio Millennio Adveniente, 37).

 Thế hệ của tôi đã có kinh nghiệm về sự khủng khiếp của chiến tranh, của các trại tập trung, của các cuộc bách hại. Tại quê hương tôi, trong thế chiến thứ hai, các linh mục và Kitô hữu bị lưu đày trong những trại hủy diệt. Chỉ tại trại Dachau thôi, chừng 3,000 linh mục đã bị tập trung. Lễ hi sinh của họ được nối kết với lễ hi sinh của nhiều Kitô hữu từ các quốc gia Âu Châu khác, một số người trong họ thuộc về các Giáo hội và các Cộng đồng Giáo hội khác.

 Chính tôi là một chứng nhân của đau khổ và những thử thách, bởi vì tôi đã trải qua những điều đó trong những năm của tuổi thanh xuân. Cuộc đời linh mục của tôi, ngay từ đầu, đã được đánh dấu "bởi sự hi sinh lớn lao của vô vàn người nam nữ thuộc thế hệ của tôi" (Quà tặng và Mầu nhiệm, p. 39). Kinh nghiệm của cuộc thế chiến thứ hai và của những năm sau đó đã dẫn tôi đến việc xem xét cách cẩn thận và với lòng biết ơn gương mẫu sáng chói của những ai, từ đầu thế kỷ XX cho đến cuối, đã trải qua sự bách hại, bạo lực, cái chết, vì đức tin của họ và vì họ sống theo sự thật của Ðức Kitô.

 3. Và có biết bao người như thế! Họ không thể bị lãng quên, đúng hơn họ phải được tưởng nhớ và cuộc sống của họ phải được ghi lại. Danh tánh của nhiều vị không được biết đến; danh tánh của một số đã bị những người bách hại bôi nhọ, họ nỗ lực gây thêm sự nhục nhã cho việc tử đạo; danh tánh của một số khác đã bị những kẻ hành quyết che dấu. Nhưng các kitô hữu bảo tồn danh tánh của một số đông trong họ. Ðiều đó được tỏ lộ qua nhiều hồi âm cho lời mời gọi đừng lãng quên, mà Tiểu ban "Các vị tử đạo mới" trong Ủy ban Ðại Năm thánh đã nhận được. Tiểu ban đã làm việc cật lực để làm phong phú và cập nhật ký ức của Giáo hội bằng những chứng nhân của mọi dân nước, cả đến những vị vô danh, là những người "đã liều mạng sống vì Chúa chúng ta, Ðức Giêsu Kitô" (Cv 15,26). Vâng, như Ðức Thượng Phụ Chính thống của Saint Petersburg, Benjamin, chịu tử đạo năm 1922, đã viết trước khi bị hành quyết: "Thời thế đã thay đổi và đã có thể chịu khổ nhiều hơn nữa vì tình yêu đối với Ðức Kitô?." Cùng một xác tín ấy, từ phòng giam ở Buchenwald, Mục sư Paul Schneider đã một lần nữa xác nhận trước mặt những người cai tù: "Chúa đã nói, tôi là sự sống lại và là sự sống!".

 Sự hiện diện của những đại diện các Giáo hội và Cộng đồng Giáo hội đem lại cho cuộc cử hành ngày hôm nay một ý nghĩa đặc biệt trong Năm thánh 2000 này. Nó tỏ lộ rằng gương mẫu của các chứng nhân đức tin dũng cảm thì thật quí giá cho mọi Kitô hữu. Trong thế kỷ XX, hầu hết các Giáo hội và Cộng đồng Giáo hội đã biết đến bách hại. Nó hiệp nhất các Kitô hữu tại những nơi chịu đau khổ và làm cho sự hi sinh chung của họ nên một dấu chỉ hi vọng cho thời sẽ đến.

 Những anh chị em trong đức tin đó của chúng ta, những người mà chúng ta hôm nay hướng về với lòng biết ơn và tôn kính, hợp thành như một bức hoạ lớn về toàn thể các Kitô hữu của thế kỷ XX, một bức hoạ về các Mối phúc, được sống đến độ tuôn đổ máu đào.

 4. "Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao" (Mt 5,11-12). Những lời này của Ðức Kitô thích hợp biết bao với vô vàn các chứng nhân đức tin trong thế kỷ vừa qua, bị sỉ nhục và bị bách hại, nhưng không bao giờ bị khuất phục trước sức mạnh của sự dữ!

 Nơi mà hận thù có vẻ làm hư hỏng toàn bộ đời sống, không có cách nào thoát khỏi cái lô-gích của nó, họ chứng tỏ rằng "tình yêu thì mạnh hơn sự chết". Bên trong những hệ thống áp bức khủng khiếp làm biến dạng con người, trong những nơi đau khổ, giữa những thiếu thốn khắc nghiệt nhất, suốt những cuộc đi đày kiệt sức, bị lạnh lẽo và đói khát, bị tra tấn, chịu nhiều thứ đau khổ, họ lớn tiếng loan báo lòng trung thành đối với Ðức Kitô chịu đóng đinh và sống lại. Trong ít phút nữa chúng ta sẽ nghe một vài chứng từ nổi bật của họ.

 Vô vàn người đã từ chối thờ lạy những vị thần giả tạo của thế kỷ XX và bị sát tế bởi Chủ nghĩa cộng sản, Ðức quốc xã, bởi tệ sùng bái quốc gia hay chủng tộc. Nhiều người khác đã ngã gục trong những cuộc chiến tranh chủng tộc hay bộ tộc, bởi vì họ đã từ khước một lối suy nghĩ xa lạ với Tin mừng của Ðức Kitô. Một vài người đã chết bởi vì, giống như Vị Mục tử nhân lành, họ đã quyết định ở lại với đoàn chiên, dù bị hăm dọa. Trên mọi lục địa và suốt thế kỷ XX, có những người thà chết còn hơn phản bội sứ vụ của họ. Những người nam nữ đã sống sự thánh hiến của họ cho đến đổ máu. Nhiều tín hữu nam nữ đã chết khi hiến tặng mạng sống của họ vì tình yêu đối với anh chị em của mình, đặc biệt đối với người nghèo khổ và hèn kém nhất. Nhiều phụ nữ đành mất mạng sống mình để bảo vệ phẩm giá và sự trinh khiết.

 5. "Ai yêu quý mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai coi thường mạng sống mình ở đời này, thì sẽ giữ lại được cho sự sống đời đời" (Ga 12,25). Ít phút trước đây, chúng ta đã nghe những lời này của Ðức Kitô. Chúng chứa đựng một sự thật mà thế giới hôm nay thường khinh bỉ và loại bỏ, khi xem tình yêu đối với bản thân mình là tiêu chuẩn tối thượng của cuộc sống. Nhưng các chứng nhân đức tin, những người mà chiều hôm nay nói với chúng ta bằng gương sáng của họ, không xem những lợi ích cá nhân, hạnh phúc của riêng mình, sự sống còn của chính mình là những giá trị lớn hơn lòng trung thành đối với Tin mừng. Dù yếu đuối, họ mạnh mẽ chống trả lại sự dữ. Trong sự mỏng dòn của họ đã toả sáng sức mạnh của đức tin và của ân sủng Chúa.

 Anh chị em thân mến, di sản quí giá mà các chứng nhân can đảm đã để lại cho chúng ta là một gia tài chung của mọi Giáo hội và Cộng đồng Giáo hội. Ðây là một di sản nói với chúng ta mạnh mẽ hơn những lý do đem đến chia rẽ. Tinh thần đại kết thuyết phục hơn hết là của các vị tử đạo và các chứng nhân đức tin; nó vạch ra cho các Kitô hữu của thế kỷ XXI con đường hiệp nhất. Ðây là di sản của Thánh giá được sống dưới ánh sáng của mầu nhiệm Phục sinh: một di sản làm phong phú và nâng đỡ các Kitô hữu khi họ tiến vào thiên niên kỷ mới.

 Nếu chúng ta hãnh diện về di sản này, không phải vì một tinh thần phe phái và càng không phải vì ước muốn trả thù những người bách hại, nhưng để làm rạng tỏ quyền năng phi thường của Thiên Chúa, Ðấng không ngừng hành động trong mọi thời buổi và nơi chốn. Chúng ta làm việc này trong tinh thần tha thứ, noi gương biết bao chứng nhân đã cầu nguyện cho những kẻ bách hại mình khi bị giết hại.

 6. Trong những thế kỷ và thiên niên kỷ vừa mới bắt đầu, ước gì ký ức về những anh chị em đó của chúng ta luôn mãi sống động. Hơn nữa, ước gì nó càng tăng trưởng mạnh mẽ hơn! Ước gì nó được truyền đạt từ thế hệ này sang thế hệ khác, để từ đó có thể nảy sinh một sự canh tân sâu xa của Kitô giáo! Ước gì nó được gìn giữ như một kho báu có một giá trị tuyệt vời cho các Kitô hữu của thiên niên kỷ mới, và ước gì nó trở nên chất men để đem tất cả các môn đệ Ðức Kitô vào sự hiệp thông trọn vẹn!

 Tôi diễn tả niềm hi vọng này với một con tim tràn đầy cảm xúc sâu xa. Tôi cầu xin Chúa để đám mây các chứng nhân bao quanh chúng ta giúp chúng ta, tất cả mọi tín hữu, biết diễn tả tình yêu đối với Ðức Kitô bằng một sự can đảm không thua kém; nhờ Ðấng hằng sống trong Giáo hội: hôm nay cũng như hôm qua, ngày mai và cho đến muôn đời!
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page