Bài Giảng của ÐTC
trong Thánh Lễ Vọng Phục Sinh
Tối Thứ Bảy Tuần Thánh 22/4/2000

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Bài Giảng của ÐTC trong Thánh Lễ Vọng Phục Sinh Tối Thứ Bảy Tuần Thánh 22/4/2000.

 1. "Các người có lính canh riêng, hãy đi và canh chừng lấy theo ý các người muốn" (Mt 27, 65).

 Ngôi Mộ Chúa được giữ kín và niêm phong. Theo lời yêu cầu của những thượng tế và những người Pharisêu, những người lính được xếp canh giữ ngôi mộ, để dừng ai đến ăn cắp xác Chúa (x. Mt 27, 62- 64). Và đó là biến cố làm khởi điểm cho Phụng Vụ Vọng Phục Sinh. Những kẻ đã muốn giết chết Chúa Giêsu vì cho rằng Chúa là một người giả mạo phạm thượng, họ đến canh giữ bên mộ Chúa. Họ muốn rằng Chúa Giêsu và sứ điệp của Người phải bị chôn vùi đi mãi mãi.

 Không xa đó bao nhiêu, Mẹ Maria cũng đang canh thức, cùng với các tông đồ và vài người nữ. Các ngài khắc ghi trong tâm hồn hình ảnh bi thảm của những biến cố vừa xảy ra.

 2. Ðêm vọng Phục Sinh, Giáo Hội cũng canh thức khắp mọi nơi trên thế giới và Giáo Hội sống lại những giai đoạn căn bản của lịch sử cứu rỗi. Phụng vụ long trọng mà chúng ta đang cử hành, biểu lộ cho việc "canh thức" nầy; và một cách nào đó việc canh thức nầy cũng gợi lại chính việc "canh thức" của Thiên Chúa, mà sách Xuất Hành đã nói đến, nơi chương 12 câu 42, như sau: "Ðây là đêm canh thức của Chúa, để làm cho dân Israel thoát ra khỏi Ai Cập. Ðây sẽ là đêm canh thức để tôn vinh Chúa.. từ thế hệ nầy sang thế hệ khác" (Xh 12, 42). Trong tình thương đầy quan phòng và trung tín của Chúa, một tình thương vượt qua mọi không gian và thời gian, Thiên Chúa canh chừng trên thế gian. Tác giả thánh vịnh 120 đã hát lên như sau: "Ðấng gìn giữ Israel không ngủ quên, không thiếp đi. Chúa là đấng canh chừng ngươi. Chúa sẽ canh giữ ngươi.. bây giờ và mãi mãi" (TV 120, 4- 5.8).

 Và cả thời gian chuyển tiếp từ ngàn năm thứ hai sang ngàn năm thứ ba mà chúng ta đang trải qua, cũng được gìn giữ trong mầu nhiệm Thiên Chúa Cha. Ngài "luôn làm việc" (Gn 5, 17) để cứu rỗi thế gian; và nhờ qua Con Một Ngài làm người, Thiên Chúa Cha hướng dẫn dân Ngài ra khỏi cảnh nô lệ đến hưởng sự tự do, từ cỏi chết sang sự sống. Trọn cả "công việc" của Ðại Toàn Xá trong năm 2000, có thể nói như được khắc ghi vào trong đêm Canh Thức Vọng Phục Sinh nầy, một cuộc canh thức hoàn tất cuộc canh thức của Ðêm Chúa Giáng Sinh. Bêlem và Ðồi Calvariô nhắc đến cùng một mầu nhiệm tình thương của Thiên Chúa, Ðấng "đã yêu thương thế gian đến độ trao ban Con Một Mình cho thế gian, ngõ hầu bất cứ ai tin vào Con, thì không phải chết, nhưng có sự sống đời đời" (Gn 3, 16).

 3. Trong đêm thánh nầy, trong buổi canh thức, Giáo Hội cúi mình đọc những bản văn của Kinh Thánh; những bản văn nầy tường thuật lạiù định của Thiên Chúa, từ sách Sáng Thế cho đến Phúc Âm; và nhờ vào những nghi thức phụng làm phép lửa và nước, những bản văn đó mặc cho cuộc cử hành riêng biệt nầy một chiều kích vũ trụ. Toàn thể vũ trụ tạo vật được mời gọi hãy canh thức, trong đêm nay, gần bên Mộ Chúa Kitô. Ðược diễn ra trước mắt chúng ta lịch sử cứu rỗi, từ tạo dựng cho đến cứu chuộc, từ xuất hành cho đến Giao Ước trên núi Sinai, từ Cựu Ước đến Giao Ước mới và vĩnh viễn. Trong đêm cực thánh nầy, được nên trọn chương trình từ thuở đời đời của Thiên Chúa, chương trình bao gồm lịch sữ nhân loại và vũ trụ.

 4. Trong Lễ Vọng Phục Sinh, mẹ của tất cả mọi cuộc canh thức, mỗi người có thể nhận ra chính lịch sử cứu rỗi riêng của mình, mà điểm căn bản của nó hệ tại trong việc "tái sinh" trong Chúa Kitô nhờ qua bí tích Rửa Tội.
 
 

Anh chị em thân mến,
Ðiều vừa nói trên, một cách đặc biệt, cũng là kinh nghiệm của chúng con, những kẻ sắp lãnh nhận những bí tích khai tâm kitô, bí tích Rửa Tội, Thêm Sức và Thánh Thể. Anh chị em chúng con đến từ nhiều quốc gia trên thế giới: Nhật Bản, Trung Quốc, Camerun, Albania và Italia.

 Các quốc gia khác nhau của chúng con làm nổi bật đặc tính phổ quát của Ơn Cứu Rỗi do Chúa Kitô mang đến. Ước chi cuộc đời chúng con trở thành như một bài ca chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi, và trở thành như một lời chứng của tình yêu thương vô cùng, không biết đến những giới hạn.

 5. "Ecce lignum crucis, in quo salus mundi pependit: venite adoremus! Ðây là gỗ thánh giá, nơi treo Ðấng cứu độ trần gian: chúng ta hãy đến thờ lạy!"

 Ngày thứ sáu tuần thánh, Giáo Hội đã hát lên như vậy, vừa nêu cao cho mọi người nhìn thấy gỗ thập giá, "nơi treo Chúa Giêsu Kitô,đấng cứu rỗi thế gian". "Người chịu đóng đinh, chết và chịu táng xác." chúng ta đã tuyên xưng như vậy, trong kinh Tin Kính.

 "Ðây, Ngôi Mộ!" Ðây là nơi họ đã an táng Chúa (x. Mc 16, 6). Trong tinh thần, có hiện diện nơi đó trọn cả cộng đoàn giáo hội từ khắp nơi trên mặt đất. Chúng ta cũng đến hiện diện nơi đó cùng với các người nữ đến viếng mộ, từ sáng sớm, để ướp xác của Chúa Giêsu (x. Mc 16, 1). Lòng sốt sắng của họ cũng là lòng sốt sắng của chúng ta. Cùng với họ, chúng ta khám phá rằng viên đá lấp cửa mộ đã bị đẩy qua một bên và không có xác Chúa nơi mộ nữa. Thiên Thần loan báo: "Người không còn ở đây nữa", vừa nói vừa chỉ cho các bà nhìn thấy ngôi mộ trống và những tấm khăn liệm nằm duới đất. Sự chết không còn quyền lực gì trên Ngườii nữa. (x. Roma 6, 9).

 Chúa Kitô đã sống lại. Ðó là điều Giáo Hội loan báo vào cuối đêm Vượt Qua nầy. Hôm qua, giáo hội đã loan báo Chúa Kitô chịu chết trên thập giá. Ðó là lời rao giảng sự thật và sự sống.

 "Chúa là Ðấng đã chịu treo trên Thập Giá vì chúng tôi; Chúa đã sống lại ra khỏi mồ. Alleluia".

 Phải, Chúa Kitô đã sống lại thật, và chúng tôi làm chứng cho điều nầy. Chúng ta cao rao điều nầy cho thế gian, ngõ hầu niềm vui của chúng ta cũng đến được với bao tâm hồn khác nữa, và thắp lên trong họ ánh sáng của niềm hy vọng không bao giờ làm thất vọng. Chúa Kitô đã sống lại thật. Alleluia.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page