Roma - 22.4.2000 - Như các năm trước đây, lúc 21:15 tối thứ sáu Tuần Thánh, ÐTC đến Hí trường Roma (Colosseo) để chủ tọa lễ nghi Ðàng Thánh giá với sự tham dự của hơn 50 ngàn tín hữu đến từ các nước khác nhau trên thế giới. Nhờ trời tốt và Năm Toàn xá, số người tham dự lễ nghi Ðàng Thánh Giá năm nay đông khác thường, cách riêng giới trẻ. Lễ nghi Ngắm Ðàng Thánh giá được truyền trực tiếp trên 30 đài truyền hình của các nước thuộc năm châu.
Ðức Thánh Cha vác thánh giá chặng thứ nhất và sau đó ngài theo đủ 13 chặng khác, do 5 đại diện của 5 Châu vác Thánh giá thay ngài. Coi đài truyền hình hay tham dự tại chỗ, tất cả đều nhận thấy rằng: ÐTC rất mệt nhọc trong lúc theo các chặng Ðàng Thánh Giá. Rất đễ hiểu vì trước đó, trong Ðền thờ Thánh Phêrô, ÐTC đã chủ tọa lễ Nghi Thứ sáu Tuần thánh, kéo dài 3 tiếng đồng hồ.
Các bài suy ngắm năm nay do chính ngài soạn ra. Chặng thứ nhất dài hơn tất cả các chặng khác và được suy tư cách riêng. Các báo chí xuất bản sáng thứ bẩy tại Roma và nước Ý đều nhấn mạnh đến bài suy tư sâu xa của chặng này. Chúng ta hãy cùng nhau đọc lại những suy niệm của ÐTC cho chặng đàng thánh giá thứ nhất: Quan Philatô xử án Chúa Giêsu.
"Chúa Giêsu bị lên án tử - Ông là Vua các người Do thái sao? (Ga 18,30 )." Nước tôi không phải thuộc thế gian này; nếu nước tôi thuộc thế gian này, thì các đồ đệ của tôi sẽ chiến đấu, để tôi không bị nộp cho người Do thái; nhưng nước tôi không ở trần gian này" (Ga 18, 30).
Philato hỏi thêm: "Vậy ông là Vua sao?" - Chúa Giêsu đáp: "Ông nói đúng, tôi là Vua. Tôi sinh ra vì mục đích này và vì mục đích này tôi xuống thế gian để minh chứng sự thật. Người nào bởi sự thật, sẽ nghe tiếng tôi".
Philatô đáp lại: "Sự thật là gì?".Vừa hỏi xong, Vị Tổng trấn Roma kể việc tra vấn như kết thúc. Ông ra gặp các người Do thái và loan báo cho họ rằng: "Ta không thấy nơi người này một tội lỗi nào cả" (Ga 18, 37-38).
Thảm kịch của Philatô giấu ẩn trong câu hỏi này: "Sự thật là gì?". Ðây không phải là câu hỏi triết lý, liên hệ đến bản chất sự thật, nhưng là câu hỏi thiết yếu liên hệ đến mối quan hệ riêng mỗi người với sự thật. Lúc đó Philatô tìm cách tránh nghe tiếng lương tâm đòi hỏi công nhận sự thật và theo sự thật.
Con người, một khi không để mình hướng dẫn bởi sự thực, sẽ trở nên sẵn sàng đi đến mức độ lên án bất công một người vô tội. Các người cáo gian Chúa nhận thấy sự yếu đuối của Philatô, nên họ không nhường bước. Họ cương quyết đòi phải lên án chết trên thập giá. Những biện pháp nửa chừng, mà Philatô dùng đến, không giúp đỡ ông được gì cả. Hình phạt dữ dội của việc đánh nhừ tử dành cho Người Bị Cáo không đủ. Khi Philatô đưa Chúa Giêsu đã bị đập đánh, đội mạo gai, ra trước dân chúng, xem ra tìm được một lời, theo ông nghĩ, có thể thuyết phục sự ngoan cố của dân chúng. Chỉ vào Chúa Giêsu ông nói với dân: "Ðây là người". Nhưng dân chúng đáp lại: "Hãy đóng đanh, hãy đóng đanh người này đi". Lúc đó Philatô tìm cách thảo luận: "Các ngươi hãy đem người này đi mà đóng đanh. Ta không thấy một tội lỗi nào nơi người này cả" (Ga 19, 5-7).
Philatô mỗi lúc càng xác tín thêm rằng: Người bị cáo là một người vô tội, nhưng điều này không đủ để ông tuyên bố trắng án. Các người tố cáo dùng đến lý luận sau cùng này: "Nếu ngài tha bổng người này, ngài sẽ không còn là bạn hữu của Hoàng đế Cesarê nữa. Thực sự, nếu người nào tự xưng là vua, tức là chống lại Cesarê" (Ga 19, 12). Sự đe dọa quá rõ ràng. Cảm thấy nguy hiểm, Philatô hoàn toàn nhường bước và tuyên án. Nhưng ông rửa tay, để minh chứng sự vô tội của mình: "Ta không có trách nhiệm về máu này, mặc các người!" (Mt 27, 24). Trong thể thức này, Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa hằng sống, Ðấng Cứu chuộc nhân loại, bị án tử hình trên thập giá.
Qua dòng các thế kỷ, việc từ chối sự thật đã gây nên đau khổ và chết chóc. Chính các người vô tội phải trả giá của sự giả hình, gian dối của con người. Những biện pháp nửa chừng không thể đủ được. Rửa tay xưng mình vô tội, không đủ. Trách nhiệm về máu người công chính vẫn còn đó. Chính vì thế Chúa Kitô đã cầu nguyện sốt sắng cho các môn đệ của Người thuộc mọi thời đại: "Lạy Cha, xin thánh hóa họ trong chân lý. Lời của Cha là chân lý" (Ga 17, 17).
Philatô xưa kia lên án Chúa, không trực tiếp, nhưng do sự yếu đuối, thiếu cương quyết bênh vực sự thật. Hơn nữa tham quyền cố vị, sợ mất tình nghĩa và mất chức tước. Philatô này, ngày xưa cũng như ngày nay, vẫn tiếp tục tồn tại trong Giáo hội, trong Nhà Nước. Nhiều vị có trách nhiệm không muồn nghe sự thật, không dám lên tiếng bênh vực sự thật, bênh vực người hèn yếu, bênh vực người vô tội, bênh vực quyền thánh thiêng của con người, bênh vực công ích của người dân.
Bài suy tư trên của
ÐTC về chặng thứ nhất đáng
chúng ta suy nghĩ và xét mình về
chính nếp sống của mình, về
trách nhiệm của mỗi người
đối với sự thật.