Thánh giá là dấu hiệu của sự xỉ nhục và của án phạt hèn hạ nhất của Ðế quốc Roma. Nhưng Thánh giá đối với các tín hữu Kitô là "dụng cụ" Chúa Giêsu, Ðấng Cứu chuộc, đã dùng để cứu độ nhân loại tội lỗi.
Thánh Phaolô nói một cách mạnh mẽ: "Chúng tôi rao giảng Chúa Kitô đóng đanh, một gương mù cho người Do thái và một sự điên rồ đối với dân ngoại (1 Cor 1, 25).
Không một vị nào trong các Môn đệ của Chúa muốn nghe nói đến và chấp nhận một Vị Cứu Thế bị đóng đanh. Phêrô, cho dù đã tuyên xưng mạnh mẽ trước mặt Thầy chí thánh: "Lạy Thầy, Thầy là Ðức Kitô, là Con Thiên Chúa hằng sống" (Mt 16, 16), đã không thể chấp nhận việc Chúa loan báo về cuộc tử nạn của Người (Mt 16, 22; 17, 22-23). Vì thế, trong Bữa tối sau cùng, Chúa Giêsu đã loan báo các môn đệ biết: "Tất cả các con sẽ vấp phạm trong đêm nay vì Ta" (Mt 26, 31).
Cần phải chờ đợi việc Chúa sống lại và việc Chúa Thánh Thần hiện xuống, để gương mù của Thánh giá biến thành ánh sáng thật trong chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa.
Thực vậy, sau khi chữa lành người bất toại trước cửa Ðền thờ Giêrusalem, Phêrô đã không ngần ngại tuyên bố trước Hội nghị Kỹ Lão Do thái: "Chính nhân danh Ðức Giêsu Kitô Thành Nagiareth, Ðấng quí vị đã đóng đanh và Thiên Chúa đã làm cho bởi trong kẻ chết sống lại, mà người này được lành mạnh đứng trước mặt quí vị đây. Chúa Giêsu này, viên Ðá bị các người thợ xây loại bỏ, chính là Viên đá góc tường. Thực ra, dưới gầm trời này không ai đem lại ơn cứu độ được, không có một danh nào được ban cho loài người, để chúng ta nhờ vào danh đó để được cứu độ (Cv 4, 10-12).
Chính cái chết trên Thánh giá và việc sống lại là đề tài căn bản của việc rao giảng của các Tông đồ và nhất là của Phaolô, sau khi đã trở lại. Chính Chúa Giêsu sống lại, trong khi giải thích giáo lý cho hai môn đệ làng Emmau, quả quyết: Ðức Kitô cần phải chịu những đau khổ này để vào vinh quang của Người" (Lc 24, 26).
Về phía Thánh Phaolô, ngài thường tuyên bố rằng: "Tôi nghĩ mình không biết gì khác, khi còn ở giữõa anh em, ngoài Chúa Giêsu Kitô và Chúa Kitô đóng đanh mà thôi" (1 Cor 2, 2). Và ngài giải thích: "Danh từ Thánh giá là sự điên rồ cho những ai đang trên đà hư mất, nhưng đối với những ai được cứu độ, đối với chúng tôi, đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa... Ðúng vậy, cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người và cái yếu hèn của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người" (1 Cor, 18.25).
Chúa Giêsu bị treo trên gỗ Thánh giá, như một tội nhân, để cứu chuộc chúng ta khỏi tội lỗi (xem Gal 3, 15). Người bị đóng đanh nơi thể xác, giống như thể xác tội lỗi và vì tội lỗi... để lên án tội lỗi nơi thể xác (xem Rm 8, 3).
Chính trên Thánh giá, Chúa Giêsu xóa bỏ "văn kiện" chứng minh món nợ khổng lồ mà chúng ta mắc với Người, món nợ mà không bao giờ chúng ta có thể trả được: "Trong khi chết, Người đã trả nợ cho chúng ta" (Col 2, 14). Như vậy, với máu đổ ra trên thánh giá Người đã giảng hòa tất cả mọi sự với Thiên Chúa" (Col 1, 20).
Theo Thánh Gioan, thì Thánh giá, ngay từ lúc được Chúa nhận như dụng cụ để cứu chuộc nhân loại, đã là dấu hiệu của vinh quang của Người rồi. Chúa trên Thánh giá được biểu tượng bằng con rắn đồng bị treo lên cao giữa nhân loại tội lỗi, đem lại ơn cứu độ. "Như Maisen đã treo con rắn lên trong sa mạc, cũng vậy Con Người cũng cần được treo lên như vậy, để những ai tin kính Người, đều được sự sống đời đời" (Ga 3, 14). Rồi Thánh Sử viết thêm: "Khi các ngươi treo Con Người lên, lúc đó các ngươi sẽ biết Ta là ai và Ta không làm bất cứ việc gì bởi Ta, nhưng Ta nói lên điều mà Cha Ta đã dạy Ta" (Ga 8, 28). Chính Chúa Giêsu đã nói trước: "Ngày nào Ta bị treo lên, Ta sẽ kéo mọi sự đến với Ta" (Ga 12,32).
Thánh Phaolô viết trong thư gửi cho Giáo đoàn Philiphê rằng: "Chúa Kitô đã tự hạ mình và trở nên vâng lời cho đến chết và chết trên Thánh giá. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn vàn danh hiệu. Như vậy khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời, dưới đất, trong âm phủ, muôn vật phải quì gối thờ lạy và tôn vinh Ðức Giêsu Kitô là Chúa, trong vinh quanh Ðức Chúa Cha" (Ph 2, 8-11).
Trong lễ nghi hôn kính Thánh giá Thứ sáu Tuần Thánh, khi Vị chủ tế dâng cao Thánh giá trước cộng đồng phụng vụ, hát ba lần với ba giọng khác nhau: "Ecce lignum Crucis, in quo salus mundi pependit": Ðây là gỗ Thánh giá, nơi treo Ðấng Cứu độ trần gian. Ca đoàn hát theo ngay: "Venite, adoremus": Chúng ta hãy đến thờ lạy Người". Dứt hát, tất cả cộng đồng phụng vụ, chỉ trừ vị Chủ chế, đều quì gối yên lặng thờ lạy. Ðây là một cử chỉ gây nhiều cảm động: Cảm động vì một tội nhân bị lên án tử hình trên thập giá, nay được tất cả nhân loại biết đến và tôn thờ như Chúa và Ðấng Cứu độ mình. Ðúng như Thánh Phaolô đã nói: "Khi nghe danh thánh Giêsu, mọi người đều quì gối thờ lạy, tôn kính và công nhận Người là Chúa mình".
Nhớ đến, suy tư và sống Ngày Chúa chịu chết và an táng trong mồ, chờ ngày phục sinh, Thánh Gioan dạy chúng ta hãy "nhìn lên Ðấng bị lưỡi đòng thâu qua" (Ga 19, 37). Không những nhìn ngắm, nhưng còn theo gương Thầy Chí thánh, Ðấng đã dạy rõ ràng: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ bản thân, vác thánh giá mình và theo Ta" (Mt 16, 24).
Thánh Phêrô, trong
thư thứ nhất, viết: "Chúa Kitô
đã chịu đau khổ vì anh em, để
lại gương mẫu cho anh em dõi bước
theo Người. Chính Người đã
mang trên thân thể tội lỗi chúng
ta, đưa lên thập giá, để
chúng ta không sống cho tội lỗi nữa,
nhưng cho một cuộc đời công
chính" (1 Ph 2, 21.25).