Bài Giảng của ÐTC
trong Thánh Lễ Tiệc Ly
Chiều Thứ Năm Tuần Thánh 20/4/2000

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Bài Giảng của ÐTC trong Thánh Lễ Tiệc Ly, Chiều Thứ Năm Tuần Thánh 20/4/2000.
 
  "Ta rất ao ước ăn bửa Tiệc Vượt Qua nầy với các con, trước khi chịu nạn" (Lc 22, 15).

 Với những lời trên, Chúa Giêsu mạc khải cho chúng ta biết ý nghĩa tiên tri của Bửa Tiệc Vượt Qua, mà Chúa sắp cử hành với các môn đệ nơi Căn Phòng Tiệc Ly tại Giêrusalem. Nơi bài đọc thứ nhất, được trích từ sách Xuất Hành, Phụng Vụ đã làm nổi bậc cho ta thấy như thế nào bửa Tiệc Vượt Qua của Chúa Giêsu được đặt nằm trong khung cảnh của bửa Tiệc Vượt Qua của Cựu Ước. Với Tiệc Vượt Qua theo Cựu Ước, những người Do Thái tưởng niệm bửa ăn tối của cha ông họ, trước khi ra đi khỏi Ai Cập, lúc được giải phóng khỏi cảnh nô lệ. Lời Kinh Thánh quy định rằng phải có một chút máu chiên quét trên khuông cửa nhà. Và dạy cho biết cách phải ăn thịt con chiên như thế nào, nghĩa là phải ăn "với áo nịt ngang lưng, chân mang dày, tay cầm gậy.. và ăn vội vàng.. Ngay trong đêm đó, Ta sẽ đi ngang qua khắp xứ Ai Cập và sẽ giết chết tất cả những con cái đầu lòng của con người, và những vật đầu lòng... Máu trên cửa nhà sẽ là dấu cho biết các người đang ở trong nhà: Ta nhìn thấy dấu máu và Ta sẽ không dừng lại đó, và các người sẽ không phải mang lấy tai ương chết chóc" (Xh 12, 11- 13).

 Máu của con chiên đã mang lại cho các con cái nam nữ của dân Israel sự giải phóng khỏi cảnh nô lệ Ai Cập, dưới sự hướng dẫn của Ông Môisen. Việc nhớ lại biến cố hết sức đặc biệt như vậy, đã trở thành dịp mừng lễ cho toàn dân Israel, với lòng biết ơn Thiên Chúa vì sự tự do tìm lại được; sự tự do nầy là hồng ân của Thiên Chúa vừa là sự cam kết của con người; đó là điều lúc nào cũng vậy: "Ngày nầy sẽ luôn luôn là một kỷ niệm ghi nhớ cho các người: các người sẽ mừng nó như là Ngày Lễ của Chúa" (Xh 12, 14). Ðó là Lễ Vượt Qua của Thiên Chúa! Lễ Vượt Qua của Giao Ước Củ!

 2. "Ta rất ao ước được ăn Lễ Vượt Qua nầy với các con, trước khi chịu nạn" (Lc 22,15). Nơi Căn Phòng Tiệc Ly, Chúa Kitô tuân theo những điều dạy của Giao Ước Củ, ăn lễ Vượt Qua với các Tông Ðồ, nhưng Chúa làm cho nghi thức nầy có một nội dung mới. Chúng ta đã lắng nghe thánh Phaolô nói về điều nầy nơi bài đọc thứ hai, trích từ thơ thứ II Corintô. Trong đoạn văn nầy, một bản văn được coi như là bài tường thuật cổ xưa nhất về bửa Tiệc Ly của Chúa, có ghi lại rằng Chúa Giêsu, "trong đêm Người bị phản bội, đã cầm lấy bánh và sau khi dâng lời chúc tụng, thì bẻ bánh ra và nói: "Ðây là Mình Ta, được trao ban cho chúng con; hãy làm việc nầy mà nhớ đến Ta"; Cũng vậy , vào cuối bửa ăn, Chúa cầm lấy chén rượu và nói: "Ðây là chén của giao ước mới trong Máu Ta; hãy làm việc nầy, mỗi lần anh em uống chén nầy, để nhớ đến Ta". Thật vậy, mỗi lần anh em ăn bánh và uống chén nầy, anh em loan truyền việc Chúa chịu chết, cho đến khi Người lại đến" (x. 1 Co 11, 23- 26). Ðó là những lời long trọng trong đó được thông truyền qua các thế kỷ chứng tích kỷ niệm việc thiết lập bí tích Thánh Thể. Mỗi năm, vào ngày thứ Năm Tuần Thánh, chúng ta nhớ lại điều nầy, và trong tinh thần, chúng ta hướng về Căn Phòng Tiệc Ly. Với cảm xúc đặc biệt, Tôi sống lại việc đó vào chiều Thứ Năm Tuần Thánh nầy, bởi vì tôi còn giữ trong mắt và trong tim những hình ảnh của Căn Phòng Tiệc Ly, nơi tôi đã được vui mừng cử hành Bí Tích Thánh Thể, nhân dịp hành hương năm thánh mới đây tại Thánh Ðịa. Cảm xúc càng trở nên mạnh mẽ hơn nữa, bởi vì năm nay là năm Toàn Xá kỷ niệm hai ngàn năm Mầu nhiệm nhập thể. Trong viễn tượng nầy, buổi cử hành mà chúng ta đang sống, mặc thêm một ý nghĩa sâu xa đặc biệt. Thật vậy, trong Căn Phòng Tiệc Ly, Chúa Giêsu làm cho những truyền thống củ có một nội dung mới, và Chúa dự đoán trước những biến cố của ngày hôm sau, khi Thân Thể Người, thân thể tinh tuyền của Chiên Thiên Chúa, sẽ được hiến dâng và Máu Người được đổ ra, cho nhiều người được cứu rỗi. Mầu nhiệm Nhập Thể đã được thực hiện trong viễn tượng riêng biệt của biến cố vừa nói trên, trong viễn tượng Lễ Vượt Qua của Chúa Kitô, Lễ Vượt Qua của giao ước mới.

 3. "Mỗi lần anh em ăn bánh và uống chén Máu nầy, anh em loan truyền cái chết của Chúa, cho đến khi Chúa lại đến" (I Co 11, 26). Thánh Tông Ðồ Phaolô khuyến khích chúng ta hãy luôn nhớ đến Mầu Nhiệm nầy. Ðồng thời, ngài cũng mời gọi chúng ta hãy sống mỗi ngày sứ mạng làm chứng nhân và loan báo tình thương của Ðấng chịu đóng đinh, trong khi chờ đợi ngày Chúa trở lại trong vinh quang.

 Nhưng thử hỏi làm sao ghi nhớ biến cố cứu rỗi nầy? Làm sao sống trong sự chờ đợi Chúa Kitô trở lại? Trước khi thiết lập bí tích Mình và Máu Thánh Người, Chúa Kitô cúi mình và quỳ xuống, trong thái độ của người tôi tớ, và rửa chân cho các tông đồ trong Căn Phòng Tiệc Ly. Chúng ta nhìn thấy lại việc Chúa Giêsu đang rửa chân, mà theo nền văn hóa do thái là công việc riêng của những người tôi tớ và của người thấp hèn nhất trong gia đình. Thánh Phêrô mới đầu đã lên tiếng từ chối. Nhưng Chúa thuyết phục ông, và thánh Phêrô chịu để Chúa rửa chân cho mình, cùng với những môn đệ khác. Liền sau đó, sau khi đã mặc lại áo và ngồi vào bàn, Chúa Giêsu giải thích ý nghĩa của hành động Người vừa làm như sau: "Chúng con gọi Ta là Thầy và là Chúa; và điều nầy đúng lắm, bởi vì Ta là Thầy và là Chúa. Vậy, nếu Ta là Thầy và là Chúa, mà rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau" (Gn 13, 12- 14). Ðó là những lời có thể được xem như là chuẩn bị cho việc thiết lập chức Tư Tế thừa tác, vừa liên kết mầu nhiệm Thánh Thể với công việc phục vụ vì tình yêu thương.

 Với việc thiết lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu thông truyền cho các Tông đồ việc tham dự thừa tác vào chức linh mục của Người, chức tư tế của giao ước mới và vĩnh cữu, nhờ đó Chúa Giêsu, và chỉ mình Chúa mà thôi, luôn luôn là và nhất là người thiết lập và là tác viên của bí tích Thánh Thể. Ðến phiên mình, các tông đồ được biến đổi thành những tác viên của mầu nhiệm tuyệt vời của đức tin,mầu nhiệm được kéo dài mãi cho đến tận cùng thế gian. Ðồng thời các ngài trở thành những kẻ phục vụ cho tất cả những ai sẽ thông phần vào hồng ân và mầu nhiệm to lớn như vậy.

 Bí Tích Thánh Thể, Bí Tích chóp đỉnh của Giáo Hội, được liên kết với chức tư tế thừa tác, và cũng được khai sinh nơi Căn Phòng Tiệc Ly, như là hồng ân của tình thương to lớn của Ðấng "đã biết giờ mình đã đến để rời bỏ thế gian nầy mà trở về cùng Cha; nên sau khi đã yêu thương các môn đệ còn trong thế gian, thì Người yêu thương họ cho đến cùng" (Gn 13, 1).

 Bí Tích Thánh Thể, Chức Tư Tế và mệnh lệnh mới sống yêu thương! Ðó là chứng tích sống động mà chúng ta chiêm ngắm trong Ngày Thứ Năm Tuần Thánh.

 "Anh em hãy làm việc nầy mà nhớ đến Ta", đây là Lễ Vượt Qua của Giáo Hội! Lễ Vượt Qua của chúng ta!
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page