Trong khi chờ đợi lược tóm văn kiện: "Việc nhớ lại và việc hòa giải: Giáo hội và những lỗi lầm của quá khứ" (Memoria e Riconcilazione: La Chiesa e le Colpe del passato), hôm nay chúng tôi xin tường thuật bài bình luận của ký giả Domenico Del Rio về văn kiện của Tòa Thánh, được trình bày với giới báo chí thứ Ba vừa qua 07.3.2000.
Trước khi thuật lại bài bình luận này, chúng xin nhắc qua việc soạn thảo Văn kiện quan trọng này.
"Giáo hội và những lỗi lầm của quá khứ" đề tài do ÐHY Joseph Ratzinger, Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin, đề nghị cho Ủy ban Thần học quốc tế nghiên cứu, trong bối cảnh cử hành Ðại toàn xá của năm 2000. Ðể soạn thảo bản văn của đề tài, một Tiểu Ban được thành lập, do Nhà Thần học Bruno Forte, người Ý, đứng đầu, với sự cộng tác của sáu nhà thần học được lựa chọn từ các nước khác nhau. Tiểu ban đã thảo luận về đề tài trong nhiều buổi làm việc của Tiểu Ban và cả trong khóa họp khoáng đại của Ủy ban Thần học quốc tế tại Roma năm 1998 và 1999. Bản văn được chấp thuận bằng phiếu kín và sau đó được trình bày lên ÐHY Tổng trưởng duyệt y. Văn kiện, gồm có sáu phần, không kể phầøn dẫn nhập và kết luận. Nội dung văn kiện, chúng tôi xin trở lại sau.
Bình luận về Ngày cáo tội và xin tha thứ, được cử hành Chúa nhật tới đây 12.3.2000, trong Năm Ðại Toàn xá, do chính ÐTC chủ tọa trong Ðền thờ Thánh Phêrô, với sự tham dự của Giáo Triều và các tín hữu hành hương, ký giả Domenico Del Rio, viết với tít lớn trên nhật báo Công giáo Ý "Tương Lai" (Avvenire) số phát hành ngày thứ Tư 08.3.2000 như sau: "Con đường chưa bao giờ có: con đường do Ðức Wojtyla khởi sự". Giải thích thêm cho tựa đề nầy, ký giả viết: "Trước những cử chỉ về sám hối của Vị Giáo Hoàng này, hình ảnh hoàn toàn "khởi hoàn" do các phương tiện truyền thông xã hội, tạo nên, đã biến mất". Với những lời này, tác giả muốn nói lên rằng: Ðức Wojtyla không tìm cái mà các phương tiện truyền thông xã hội đề cao hay tạo nên; trái lại ngài chỉ chú trọng đến việc tìm Chân lý và rao giảng Chân lý, Chân lý tuyệt đối, vì ngài biết rằng ngài phải rao giảng Chân Lý. Chính Chúa Giêsu đã quả quyết: "Chân lý sẽ giải thoát các con".
Trước đây tại Ðền thờ Thánh Phêrô, trong thời kỳ Công đồng Vatican II, Ðức Phaolô VI đau khổ nhiều, khi nghĩ đến những chia rẽ giữa các tín hữu Kitô. Ngài đã phải thốt lên: "Hỡi ôi, các Giáo hội của Nước mắt Ta". Rồi ngài thêm: "Nếu có lỗi lầm nào về chia rẽ này, là do lỗi lầm của chúng tôi, chúng tôi thành thực xin Chúa tha thứ và chúng tôi cũng xin anh em bị xúc phạm tha thứ nữa".
Ký giả Del Rio viết: Ðức Montini (Phaolô VI) thành thực trong đau khổ của ngài. Ngài là vị Giáo Hoàng thứ nhất xin tha thứ. Ngài xin tha thứ, nhưng xem ra lỗi lầm vẫn còn lại đến vô tận. Tác giả bài bình luận viết tiếp: Tôi muốn đưa ra một giả thuyết: Có lẽ cần phải có một Vị Giáo Hoàng không phải người Ý, để có một sự thú nhận lỗi lầm của Giáo hội".
Cách đây gần 500 năm nay, Ðức Adriano VI, vị Giáo Hoàng người Hòa Lan, trước sự lan rộng của Cuộc Cải Cách Tin lành, do Luther khởi xướng, vào thế kỷ XVI tại nhiều nước Châu Âu, đã công nhận rằng: "Có những sự việc đáng ghê tởm đã xẩy ra". Lúc đó, Ðức Adrianô đã hứa thực hiện một sự cải cách sâu rộng, nhưng trong lời nói của ngài, người ta đã không thấy có một sự xin tha thứ nào cả.
Ký giả viết thêm: Sau năm thế kỷ, một Vị Giáo Hoàng đến từ miền Ðông-Âu, đã làm sổ kê khai nhiều lầm lỗi, trong ngàn năm vừa kết thúc, cho cả Giáo hội biết. Ngài kể đến việc gây hại cho nhà thiên văn Galileo Galilei (1564-1642), những vụ lên án hỏa thiêu của Tòa "Ðiều Tra", những nô lệ người Châu phi bị các tín hữu Kitô bán đi, vụ sát hại người dân thổ cư trong lúc chiếm miền Châu Mỹ Latinh, các người Do thái bị giam trong các khu biệt cư và sau đó bị tiêu diệt, các vụ cãi cọ và tuyên bố vạ tuyệt thông giữa công giáo và chính thống, những bất khoan dung đối với các "người rối đạo", những vi phạm đến phẩm giá người phụ nữ qua các thời đại...
Tác giả quả quyết rằng: Không có một vị Giáo Hoàng đã kê khai một danh sách dài và bi thảm như vậy về các tội lỗi do các tín hữu Kitô đã phạm, từ trên xuống dưới trong Giáo hội. Nhưng còn hơn một danh sách tội lỗi nữa. Trước chân trời lịch sử bi thảm Kitô này, và này đây chúng ta thấy hình ảnh của một Vị Giáo Hoàng xám hối, Ðức Gioan Phaolô II đang xin tha thứ. Nhân danh Giáo hội, Ngài xin Chúa tha thứ và xin tha thứ cho con cái Giáo hội.
Ký giả Del Rio xác nhận rằng: Không một tôn giáo nào ưa thích việc công nhận những lầm lỗi của mình: Kitô Giáo, Hồi giáo, Do thái giáo cũng vậy. Ðức Wojtyla biết rõ công việc vất vả, nặng nhọc này. Dĩ nhiên, Ðức Karol Wojtyla ưa thích những chiến thắng của Ðức tin; ngài công bố Thông điệp "Sự sáng ngời của Chân lý Kitô"; nhưng ngài cũng luôn luôn xin mọi người, với tất cả sức mạnh của triều Giáo hoàng, phủ phục trước mặt Thiên Chúa, để xin tha thứ. Các phương tiện truyền thông xã hội đã vẽ lên một hình ảnh "khởi hoàn" về ngài. Nhưng, ngược lại, chúng ta đang có một Ðức Wojtyla khác, Ðức Wojtyla xám hối, đang đau khổ vì những sai lạc của lương tâm thời đại chúng ta; ngài đau khổ thực, nhưng còn can đảm đào bới trong lịch sử -- điều mà không một vị Giáo hoàng đã làm đến mức độ như vậy, --- để khám phá ra những sai lầm, những bạo hành... hay nói thể khác, những tội lỗi của các tín hữu tin kính Chúa Kitô.
Kết luận bài báo,
ký giả Del Rio nhận định về
Ngày Xin Tha Thứ, được cử
hành vào Chúa Nhật 12 tháng 3/2000,
như là sự can đảm phi thường
của Ðức Karol Wojtyla.