Tin Vatican: Trong tông sắc nói về việc cử hành Năm Thánh, có tựa đề là "Mầu nhiệm Nhập Thể", ÐTC đã viết như sau: "Với tư cách là Vị Kế nghiệp Phêrô, tôi tha thiết muốn rằng trong Năm của lòng thương xót, Giáo hội, mạnh mẽ về sự thánh thiện lãnh nhận bởi Chúa mình, quì gối trước mặt Thiên Chúa và khẩn xin ơn tha thứ các tội lỗi quá khứ và hiện tại của các con cái mình". Những lời trên đầy ý nghĩa của Tông Sắc "Mầu nhiệm nhập thể" đã trở nên trung tâm của Văn kiện; "Ký Ức và hòa giải: Giáo hội và những lỗi lầm của quá khứ", vừa được trình bày chính thức với giới báo chí sáng thứ Ba 07.3.2000 vừa qua tại Phòng báo chí Tòa Thánh. Cũng trong buổi họp báo này, "Chương trình cử hành phụng vụ Ngày tha thứ", được tổ chức vào Chúa nhật 12 tháng 3/2000 trong Ðền thờ Thánh Phêrô, đã được Ðức Cha Piero Marini, Trưởng Ban Lễ nghi phụng vụ của ÐTC, giải thích với những chi tiết tỉ mỉ.
Mở đầu cuộc họp báo, ÐHY Roger Etchegaray, chủ tịch Ủy Ban trung ương Năm Thánh, giải thích ngay ý nghĩa của Ngày xin ơn tha thứ và văn kiện thần học, nền tảng của việc xin ơn tha thứ này. Chủ tịch Ủy Ban nói: "Một bước sám hối như vậy, cho dù công cộng, không thể mang lấy đẵc tính của một việc tự đánh tội có tính cách biểu diễn, cũng không được xem như là một hành động tò mò như đứng từ trên "bao lơn" nhìn xuống đường, trong một thái độ tò mò dò xét không ngay thẳng ... Nếu Giáo hội với lòng khiêm tốn hướng về quá khứ là để lãnh nhận cách tốt đẹp hơn hiện tại của mình và để bước vào cách cương quyết hơn trong ngàn năm mới. Bổn phận nhớ lại luôn luôn đòi hỏi bổn phận sám hối và hòa giải".
ÐHY Etchegaray giải thích tiếp như sau: Cuộc họp báo hôm nay chia thành hai phần: việc trình bày văn kiện của Ủy ban thần học quốc tế đã soạn thảo và việc trình bày về buổi cử hành phụng vụ Ngày Tha Thứ vào Chúa nhật, 12 tháng 3/2000.
Trước hết, việc trình bày văn kiện của Ủy Ban Thần học quốc tế về "Ký Ức và hòa giải: Giáo hội và những lỗi lầm của quá khứ". Phần này do ÐHY Joseph Rtazinger, Tổng trưởng Bộ Giáo lý đức tin đảm nhận, vì ngài cũng là Chủ tịch Ủy Ban thần học quốc tế và Linh Mục Cottier, thư ký của Ủy ban.
Giáo hội cảm thấy sự cần thiết bày tỏ sự đau đớn sâu xa về những yếu đuối của biết bao con cái mình, đã làm dơ bẩn dung mạo Giáo Hội: đây là tư tưởng của Ðức Gioan Phaolô II phản chiếu rõ rệt trong Văn Kiện của Ủy Ban thần học. ÐTC nhân danh Giáo hội, các Giám mục nhân danh các Giáo hội địa phương, có thể lãnh nhận trên mình lời xin tha thứ này. Chúng ta xin tha thứ về những tội lỗi quá khứ và hiện tại của các tín hữu Kitô: nhưng không phải những tội lỗi của Giáo hội, bởi vì Giáo hội được thánh hóa bởi Chúa Kitô, dù bao gồm các thành phần tội lỗi. Giáo hội là thánh; nhưng Giáo hội có những thành phần tội lỗi; nên cần đến việc sám hối và ơn tha thứ. Trong cử hành Thánh lễ, và trước khi rước Thánh Thể, Giáo hội vẫn đọc lên lời này của Thánh Gioan Tẩy giả: "Lạy Chiên Thiên Chúa, Ðấng gánh tội thiên hạ, xin thương xót chúng con". Gánh nhận tội lỗi của con cái mình, Giáo Hội không vì thế mà trở nên tội lỗi. Giáo hội vẫn là thánh. Cũng như Chúa Giêsu, Ðấng Sáng lập Giáo hội, dù lãnh nhận tội lỗi và tất cả các sự khốn nạn của con người, vẫn là Thiên Chúa, vẫn là Ðấng Thánh tuyệt đối.
Cần phải xin ơn tha thứ - vì mối giây liên hệ nối kết chúng ta tất cả trong Nhiệm Thể - cho dù không có trách nhiệm cá nhân của chúng ta trong đó, nhưng vì chúng ta mang gánh nặng của những lầm lỗi của những người đã đi trước chúng ta và cả chúng ta nữa chúng ta đã phạm tội. Vì thế, trong sự công nhận khiêm tốn các lỗi lầm riêng mình và của người khác, các tín hữu Kitô được mời gọi lãnh nhận trên mình, trước mặt Thiên Chúa và trước mặt những ai đã bị xúc phạm, ( lảnh nhận) các thiếu sót mà họ đã phạm. Chúng ta xin tha thứ với Thiên Chúa và với những người bị xúc phạm bởi những cách ở sai lầm : và việc xin tha thứ này bao gồm cả "thanh luyện hóa ký ức. Trong khi công nhận và xin tha thứ các tội lỗi, chúng ta giải thoát chính chúng ta và người khác khỏi gánh nặng và những hậu quả hiện vẫn còn lại của tội lỗi, dù những tội này đã phạm trong quá khứ, để làm cho công việc đối thoại và hòa giải trở nên dễ dàng hơn.
ÐHY Chủ tịch Ủy Ban nói tiếp: Ðể tiến đến công việc này, trước hết phải hiểu cách khách quan cái gì đã xẩy ra, trong những hoàn cảnh nào và tại sao ... do đó, cần tiến đến một phê phán khách quan lịch sử. Rồi, đánh giá cái những gì, xét khách quan, đã trái nghịch với Phúc Âm trong thái độ của các tín hữu Kitô; việc xử dụng bạo hành trong phục vụ chân lý, như án tử hình do "Tòa Ðiều Tra" và việc không tôn trọng tự do lương tâm; chủ nghĩa bài Do thái; trách nhiệm của các tín hữu Kitô trong các sự dữ ngày nay, như chủ nghĩa vô thần, việc lãnh đạm tôn giáo, chủ nghĩa tục hóa, thuyết tương đối luân lý, nạn phá thai, sự lãnh đạm trước cảnh nghèo khổ trên thế giới.
Cần minh xác rằng: Văn kiện nầy là Văn Kiện của Ủy Ban Thần học Quốc tế, không phải một văn kiện của Bộ Giáo lý đức tin, dù mang chữ ký của ÐHY Ratzinger, nhưng với tư cách là chủ tịch của Ủy ban. Vì thế không có tầm quan trọng ngang hàng với Văn Kiện do Ðức Thánh Cha công bố. Chính ÐHY Ratzinger, vào cuối buổi trình bày văn kiện, đã minh xác rằng: với văn kiện này Giáo hội không chủ ý tự mình làm thẩm phán của quá khứ và cũng không khoan dung cách bi quan về tội lỗi của mình, bởi vì theo kiểu nói của Thánh Augustino: việc thú tội (confessio peccati) luôn luôn đi kèm với việc ca ngợi Thiên Chúa (confessio laudis) và ngài kết thúc nhận định của ngài như sau:
"Giáo hội có thể, cách thành thực và tín nhiệm, thú nhận các tội lỗi của quá khứ và hiện tại, vì biết rằng sự dữ không bao giờ sẽ hủy diệt được đến cùng Giáo hội, vì biết rằng Thiên Chúa có quyền hơn và Người canh tân Giáo hội, để Giáo hội là dụng cụ của các ơn lành của Thiên Chúa trong thế giới chúng ta".
Sau ÐHY Ratzinger, Ðức
Cha Piero Marini, trưởng Ban Lễ nghi phụng
vụ của ÐTC, hiện diện trong cuộc
họp báo, trong khi trình bày chương
trình cử hành "Lễ nghi sám hối
và xin ơn tha thứ", quả quyết
như sau: ÐTC muốn xin ơn tha thứ
trong một lễ nghi dành cho việc này
vào ngày Chúa nhật tới đây,
ngày 12.3.2000 Cùng với hành động
chưa hề có trong lịch sử Giáo
hội, ÐTC nêu lên các tội do các
tín hữu Kitô đã phạm trong
các thế kỷ cho tới ngày nay,
trong ý thức rằng: Giáo hội
là sự hiệp thông các Thánh,
nhưng cũng có sự liên đới
trong tội lỗi giữa các thành
phần của Dân Chúa. Ngài nói
thêm: "Thú nhận thành thực và
khiêm tốn các tội lỗi chúng
ta và của những người đã
đi trước chúng ta, là một
hành động có ích lợi của
Giáo hội: Ðã từ lâu Giáo
hội biết phân biệt những bất
trung của con cái mình, đã biết
nói lên và công nhận sự
thật về các tội lỗi đã
phạm".