Chúa nhật 11.3.2001, trong bài giảng Thánh lễ Phong Chân phước cho 233 Vị Tử đạo, bị giết vì đức tin trong những năm từ 1936-1939, thời nội chiến giữa hai phe Quốc-Cộng Tây ban nha, ÐTC Gioan Phaolô II kêu gọi tha thiết chấm dứt nạn khủng bố tại miền bắc Tây ban nha, do phe ETA, từ nhiều năm tranh đấu cho tự trị miền Basco, gây nên. Nạn nhân sau cùng của một lô vụ khủng bố gây nên chết chóc, tang tóc, cách riêng trong những tháng vừa qua, là một thanh niên 25 tuổi, thuộc ngành cảnh sát, bị giết trong đêm thứ năm sang thứ sáu vừa qua, do một trái bom đặt trong xe hơi bùng nổ tại Portugalete, gần thành phố Bilbao. Lễ an táng đuợc cử hành sáng thứ bẩy, với sự tham dự của từng ngàn người, cảm động và phẫn nộ. Sau lễ an táng, các người tham dự thánh lễ đã họp thành một cuộc biểu tình vĩ đại trong yên lặng, mang biểu ngữ với hàng chữ sau đây: "Vì tự do, vì hòa bình, không phải vì ETA".
Giảng trong thánh lễ Phong Chân phước, ÐTC nói mạnh mẽ rằng: "233 vị Chân phước mới nam nữ, là những thành viên hoạt động của Giáo hội, bị giết trong cuộc nội chiến Tây ban nha. Nơi các Ngài, tôi muốn phú thác ý chỉ cầu nguyện này, một ý chỉ mà anh chị mang trong luôn trái tim của mình: "việc chấm dứt các vụ khủng bố, từ nhiều thập niên, với những lô bạo động khủng khiếp và sát hại đã gây nên biết bao nạn nhân và rất nhiều đau khổ". ÐTC giải thích thêm: "Trong lý lẽ gây nên những biến cố thê thảm như vậy có lý luận xấu xa của nó, cần phải phải tố cáo: khủng bố sinh ra bởi thù ghét và sau đó, nuôi dưỡng sự thù ghét. Nạn khủng bố xét theo nguồn gốc là một bất công và tạo thêm những tình hình bất công khác nữa, rồi xúc phạm đến Thiên Chúa và phẩm giá con người. Với khủng bố, bạo động, con người luôn luôn đi đến chỗ mất mát! Không một lý do nào, không một căn cớ nào hoặc ý thức hệ nào có thể biện minh việc khủng bố. Chỉ có hòa bình xây dựng các dân tộc mà thôi. Khủng bố là thù địch của nhân loại".
Lời kêu gọi của ÐTC được kèm theo bằng lời cầu chúc này là trong việc kính nhớ các Chân Phước mới, bất cứ hình thức bạo động nào, thù ghét, báo oán... được loại khỏi đất Tây Ban nha, để mọi người, nhất là thanh niên, có thể hưởng nghiệm phúc lành của hòa bình và của tự do: hòa bình mãi mãi, hòa bình với mọi người và cho mọi người". Từng ngàn người dự thánh lễ, đa số đến từ các miền khác nhau của Tây ban nha, vỗ tay hoan hô nhũng lời kêu gọi của ÐTC.
Trong bài suy niệm trước Kinh Truyền tin, ÐTC nhắc lại cho cộng đồng tín hữu là: ngày nay còn biết bao người bị bách hại vì đức tin. Rồi ngài mời gọi mọi người hợp ý với ngài cầu nguyện, để với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, anh chị em này biết minh chứng tình yêu của Chúa Kitô, "Ðấng đã chịu đau khổ, nhưng không đe dọa báo oán, trái lại chỉ phú thác công việc của mình cho Ðấng xét xử công minh". Ngày nay và chính trong lúc này đây, biết bao tín hữu Kitô đang bị bách hại vì đức tin, vì trung thành với Giáo hội, với Vị Ðại diện Chúa tại những nước dưới chế độ cộng sản hay Hồi giáo quá khích. Tại Indonesia, từng ngàn tín hữu Kitô đã bị giết, bị đuổi ra khỏi thành thị, làng mạc của mình, bị chết dưới biển. Nhà cửa bị đốt phá, của cải bị tịch thu, ruộng đất bị chiếm hữu.
Trước phép lành cuối lễ, ÐTC chào thăm phái đoàn Giáo hội và Chính phủ Tây ban nha đến dự thánh lễ Phong Chân phước của 233 Vị Tử đạo. Ngài nói: "Tôi tận tình chào thăm tất cả các người hành hương đến Roma để tham dự vào cuộc cử hành vui mừng này. Cách riêng tôi chào thăm các Vị Hồng Y, Tổng Giám mục, Giám mục hướng dẫn các người hành hương. Tôi cũng chào thăm Nhà Cầm quyền, đến dự thánh lễ, đại diện một dân tộc, thuộc mọi tầng lớp xã hội và sinh sống tại các góc trời khác nhau trên trái Ðất này, đã biết nêu gương về sự thánh thiện". ÐTC nói thêm: "Ước gì các Chân phước mới, gương mẫu của sự gắn bó với đời sống, can đảm trong đức tin và tinh thần hòa giải, ở trên trời bầu cử cho các người đồng hương của mình, thúc đẩy họ giữ vững sự khôn ngoan Kitô, một sự khôn ngoan đã làm vinh danh lịch sử quê hương và nuôi dưỡng những nỗ lực của dân tộc, để biết chỗi dậy, sát cánh, tiến lên mỗi ngày thêm cao mãi về hòa thuận, tình liên đới và tinh thần huynh đệ Kitô".
Về việc kính nhớ Vị Tử đạo, ÐTC nhấn mạnh rằng: "Trong những hoàn cảnh khác nhau, tôi đã nhắc lại sự cần thiết kính nhớ các Vị Tử đạo. Chúng tá của các Ngài không được quên đi. Các Ngài là những chứng nhân hùng hồn hơn cả của chân lý đức tin. Ðức tin này biết đem lại một khuôn mặt nhân đạo bằng cả sự chết dữ dội hơn cả và biểu lộ vẻ xinh đẹp của khuôn mặt này trong những đau khổ dữ dội nhất. Ðiều cần thiết là các Giáo hội địa phương hãy làm hết sức có thể để không mất đi hay quên đi việc kính nhớ tất cả những ai đã chịu tử đạo".
Với những lời khuyên bảo này, chúng ta hiểu ngay rằng: tại sao ÐTC tôn phong lên bậc Chân phước và Hiển Thánh nhiều vị như vậy, cách riêng các Vị Tử đạo. Chúng tôi chỉ xin nhắc lại những vụ tôn phong đông hơn cả lên bậc Hiển Thánh và Chân phước mà thôi: Tháng 5 năm 1984, ÐTC tôn phong 103 Chân Phước Tử đạo Ðại Hàn lên bậc Hiển Thánh. Tháng sáu năm 1988, 117 Chân phước Tử đạo Việt nam. Mồng một tháng 10 Năm Thánh 2000, 120 Chân phước Tử đạo Trung quốc. Và Chúa nhật 11.3.2001, 233 Vị Tử đạo Tây ban nha lên bậc Chân phước.
Với 233 Chân phước mới, trong 22 năm Triều Giáo Hoàng, Ðức Gioan Phaolô II đã cất nhắc lên danh dự bàn thờ 1,229 Vị Ðầy tớ Chúa (đa số là các Vị Tử đạo) và 446 Chân phước lên bậc Hiển Thánh (cũng đa số là Các Vị Tử đạo).
Từ năm 1588, năm
thành lập Bộ Phong Thánh, cho đến
năm 1978 (hết Triều Giáo Hoàng của
Ðức Phaolô VI (1963-1978), các Vị
Tiền nhiệm của Ðức Gioan Phaolo
II đã tôn phong tất cả 1,310 Vị
Chân phước và 300 Vị Hiển
Thánh.