Huấn Ðức của ÐTC
trong ngày Lễ Phong Chân Phước
cho 233 vị Tử Ðạo Tây Ban Nha
sáng Chúa Nhật 11 tháng 3/2001
tại Quảng Trường Thánh Phêrô

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Huấn Ðức của ÐTC trong ngày Lễ Phong Chân Phước cho 233 vị Tử Ðạo Tây Ban Nha sáng Chúa Nhật 11 tháng 3/2001, tại Quảng Trường Thánh Phêrô.

 Thánh lễ Phong Chân Phước cho 233 vị Tử Ðạo trong thời nội chiến tại Tây Ban Nha từ năm 1936-1939, đã được cử hành tại Quảng Trường Thánh Phêrô ở Roma, lúc 10 giờ sáng, Chúa Nhật 11 tháng 3/2001, với sự tham dự của khoảng 50 ngàn tín hữu, đa số từ Tây Ban Nha đến.

 Các sử gia nghiên cứu về thời kỳ nội chiến Tây ban Nha, đã cho biết rằng, trong thời gian ba năm, 1936-1939, Giáo Hội công giáo Tây Ban Nha đã bị thiệt hại nặng nề, với con số những người bị giết chết, vì sự thù ghét đối với đức tin kitô; các sử gia cho biết con số như sau: 12 giám mục, 283 nữ tu, 2,000 đan sĩ và khoảng hơn 4,000 linh mục đã bị giết chết. Ðó là chưa kể con số khoảng 50 ngàn thường dân bị sát hại trong cuộc nội chiến nầy.

 Trong số những người bị giết chết nầy, chỉ có một số ít đã được ÐTC Gioan Phaolô II đã cất nhắc lên bậc chân phước, trong lai lần phong chân phước: lần thứ nhất vào năm 1992, ÐTC đã phong 122 vị chân phước, và lần thứ hai, chúa nhật 11 tháng 3/2001, ÐTC phong 233 vị. Tổng cộng là 355 vị chân phước tử đạo, từ con số hàng chục ngàn người bị giết chết. Và các vị tử đạo được tôn phong lên bậc chân phước, tức bậc Á Thánh, trong hai lần vừa qua, không một vị nào đã dấn thân trong lãnh vực tranh đấu chính trị hay ý thức hệ của thời nội chiến Tây Ban Nha 1936-1939. Tất cả những vị chân phước được tôn phong, là những người đã bị giết chết oan uổng vì sự thù ghét đối với Ðức Tin Kitô và vì thù ghét Giáo Hội công giáo.

 Từ khi lên kế vị thánh Phêrô tại ngai tòa Roma, từ năm 1978 đến nay, ÐTC Gioan Phaolô II đã nhiều lần tôn phong hàng loạt những vị chân phước hoặc những vị thánh: chẳng hạn như năm 1984, ÐTC đã tôn phong 103 vị thánh tử đạo Ðại Hàn và 99 vị thánh tử đạo thời Cách Mạng Pháp; năm 1988, phong 117 vị thánh Tử Ðạo Việt nam, năm 1992, ÐTC phong 122 chân phước tử đạo Tây ban Nha; năm 1999, ÐTC phong 120 vị thánh tử đạo Trung Quốc; và Chúa Nhật 11 tháng 3/2001, ÐTC phong 233 vị chân phước tử đạo Tây Ban Nha; như thế, xét theo con số, thì lần phong chân phước Chúa Nhật 11 tháng 3/2001, là lần phong chân phước đông hơn cả. Hơn nữa, ÐTC Gioan Phaolô II đã đạt được con số kỷ lục về việc phong chân phước và phong thánh: Ngài là vị giáo hoàng đã phong con số đông nhất các vị Chân Phước và Hiển Thánh; trong hơn 22 năm làm giáo hoàng, ÐTC Gioan Phaolô II đã tôn phong tổng cộng 1,200 vị chân phước, và 446 vị hiển thánh. Ðây là con số cao nhất, con hơn con số tổng cộng tất cả các vị thánh và chân phước đã được các vị giáo hoàng khác tôn phong, trong lịch sử giáo hội công giáo từ trước đến nay.

 Giảng trong thánh lễ, ÐTC đã giải thích và áp dụng bài Phúc Âm của Chúa Nhật II Mùa Chay, nói về việc Chúa Biến Hình, vào trong cuộc đời chứng nhân tử đạo của các vị tân chân phước. Tuy nhiên, các phóng viên và các cơ quan truyền thông đã lưu ý nhiều đến đoạn ÐTC kêu gọi chấm dứt tình trạng bạo lực tại Tây Ban Nha.Ngài đã nói như sau: "Tôi muốn trao phó cho lời cầu bàu của các vị Tân Chân Phước một ước nguyện đã được ăn rễ sâu trong tâm hồn anh chị em: đó là ước nguyện chấm dứt nạn bạo lực tại Tây Ban Nha. Trong vài chục năm qua, anh chị em đã đau khổ vì hàng loạt những hành động đáng ghét của bạo lực và sự giết hại, đã gây ra nhiều nạn nhân và nhiều đau khổ. Nạn khủng bố phát sinh từ sự hận thù. Nạn khủng bố là hoàn toàn bất công và chỉ gây thêm bất công mà thôi. Với bạo lực, con người cuối cùng chỉ bị thiệt thòi mà thôi. Không một lý do nào, không một ý thức hệ nào có thể biện minh cho nạn khủng bố. Chỉ Hòa Bình mới xây dựng cho các dân tộc. Nạn khủng bố là kẻ thù của nhân loại." Ðó là những lời kêu gọi mạnh mẽ của ÐTC trong bài giảng Thánh Lễ Phong chân phước cho 233 vị Tử Ðạo Tây Ban Nha, và được các cơ quan truyền thông lưu ý phổ biến. Trong một chương trình khác, chúng tôi sẽ chia sẽ với quý vị và các bạn nhiều hơn về những điểm nội dung khác nữa của bài giảng đầy ý nghĩa nầy.

 Cuối thánh lễ, trước khi ban phép lành kết thúc, ÐTC nói thêm vài lời huấn đức về mẫu gương tôn sùng Mẹ Maria nơi các vị tân chân phước, rồi đọc kinh Truyền Tin. ÐTC đã nói như sau:

 Anh chị em rất thân mến,
Trước khi kết thúc buổi cử hành long trọng nầy, tôi muốn gởi lời chào chúc thân tình và lời cám ơn đến tất cả anh chị em đến hiện diện nơi đây để nói lên lòng mộ mến sống động đối với các vị tân chân phước.

 Cùng với các ngài, chúng ta hãy hướng nhìn về Mẹ Maria rất thánh, mà Ðức Tin cho phép chúng ta chiêm ngắm như là Nữ Vương các Thánh Nam Nữ của mọi thời đại mọi quốc gia. Một cách đặc biệt, như là Mẹ và là Nữ Vương các Thánh Tử Ðạo, Mẹ hiện diện đặc biệt bên cạnh các ngài trong giờ phút thử thách, như Mẹ đã hiện diện dưới chân Thập Giá bên cạnh Chúa Giêsu Con Mẹ.

 Những vị tân chân phước chúng ta vừa tôn phong đã tin tưởng vào Mẹ, Người Nữ Ðồng Trinh trung thành, trong những giây phút bi thảm của cuộc bách hại. Khi các ngài bị ngăn cản không cho bày tỏ Ðức Tin một cách công khai, hoặc, tiếp đó, trong cảnh tù ngục, các ngài gặp được sự nâng đỡ liên lỉ trong Chuổi Môi Khôi được đọc riêng tư hoặc theo những nhóm nhỏ, để đương đầu với giây phút cuối cùng. Thật là hữu ích biết là chừng nào, lời kinh truyền thống kính Ðức Maria nầy, lời kinh đơn sơ nhưng cũng có ý nghĩa rất sâu xa! Trong mọi thời đại, Chuổi Môi Khôi là một trợ lực hữu hiệu cho biết bao tín hữu.

 Ước gì cũng được như vậy cho chúng ta đây nữa! Chúng ta hãy xin Mẹ Maria ban cho chúng ta ơn nầy, qua lời kinh Truyền Tin. Một cách đặc biệt, chúng ta hãy cầu nguyện cho những cộng đoàn kitô đang đau khổ chịu bách hại vì Ðức Tin, ngõ hầu, với sức mạnh của Chúa Thánh Thần, họ có thể làm chứng cho tình yêu đối với Chúa Kitô, Ðấng "khi chịu đau khổ (trên thập giá), đã không nói lời hăm dọa, nhưng phó thác mọi sự cho Ðấng phán xử công bằng" (1Phêrô 2, 23).

 Nguyện xin Mẹ Maria, Mẹ của niềm hy vọng, cầu cùng Chúa ban cho chúng ta được ơn sống kết hiệp mật thiết với Chúa Kitô trong giờ phút gặp thử thách, để cảm nghiệm được vinh quang sáng ngời của sự Phục Sinh của Chúa.

 Sau những lời trên, ÐTC xướng kinh truyền tin và cuối cùng ban phép lành kết thúc thánh lễ Phong Chân Phước cho 233 vị tử đạo Tây Ban Nha.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page