Sáng thứ bẩy, ngày 3 tháng 3/2001, sau thánh lễ đồng tế trong nhà nguyện riêng, ÐTC đã tiếp chung Hội Ðồng Giám Mục Cộng hòa Panama (gồm 8 vị) đến Roma "viếng Toà Thánh". Sau diễn văn chào mừng và tường thuật về tình hình Giáo hội tại Panama của Ðức Cha José Luis Lacunza Maestrojuan, chủ tịch HÐGM Panama, ÐTC đọc diễn văn dài, trong đó ngài nêu lên những chỉ thị cần thiết cho công việc mục vụ và truyền giáo tại các Giáo phận của Panama trong lúc bước vào Ngàn Năm mới.
Trước hết, ÐTC nhắc lại Tông Huấn Hậu Thượng Hội Ðồng Giám Mục Ðặc Biệt về Mỹ Châu, có tựa đề là "Giáo hội tại Châu Mỹ", và chuyến viếng thăm của ngài tại Panama mồng 5 tháng 3 năm 1983 (18 năm trước).
Thượng Hội Ðồng Giám Mục về Châu Mỹ đã mở một con đường mới trong bối cảnh mới của việc rao giảng Tin Mừng tại Lục địa này, một Lục địa càng ngày càng lại gần nhau hơn, không còn nhiều chia rẽ và những hàng rào phân cách, mà trước đây xem ra không thể vượt khỏi, để đi đến chỗ đoàn kết và hiệp thông với nhau hơn.
Ngoài THÐGM về Châu Mỹ, ÐTC nhấn mạnh đến Ðại Toàn Xá vừa kết thúc. Trong Tông thư "Khởi Ðầu Ngàn Năm Mới" (Novo Millennio ienunte), ngài đã yêu cầu tất cả Giáo hội và mỗi giáo phận "đừng bỏ qua kho tàng quí báu này, bằng cách đem ra thực hành những dốc quyết và những đường lối hoạt động cụ thể".
Nhắc lại các bổn phận của Vị chủ chăn giáo phận, ÐTC nhấn mạnh cách riêng đến "sứ vụ rao giảng Tin Mừng của mỗi giám mục, như là người lãnh đạo và hướng dẫn một phần Dân Chúa đã được phú thác cho. Phải rao giảng Chúa Giêsu Kitô mà thôi, vì Người là "lời đáp lại dứt khoát về ý nghĩa cuộc đời, về những câu hỏi nền tảng của con người nam cũng như nữ thuộc mọi thời đại của Lục địa Châu Mỹ" (xem Ecclesia in America, số 10).
Ðể thành công trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng, các Giám mục cần quan tâm cách riêng đến các linh mục, những người cộng tác trực tiếp của mình. "Phải gần gũi họ, phải quan tâm đến những nhu cầu tinh thần và vật chất, đến những hoàn cảnh làm việc của họ, nhiều lúc đầy khó khăn. Cần phải củng cố sự hiệp thông của họ với giám mục của mình, người mà họ chờ đợi những khuyến khích cần thiết để sống và để thi hành sứ vụ linh mục một cách quảng đại".
Ðể cộng tác vào mục vụ và truyền giáo, Giám mục phải dành ưu tiên cho việc cổ võ các ơn kêu gọi linh mục, tu dòng. Nhưng cần nhớ điều này: các ơn kêu gọi cần được nâng đỡ bằng chứng tá đời sống gương mẫu của các linh mục và tu sĩ nam, nữ. Vì thế ÐTC nhấn mạnh: "Ðời sống của họ, sự hòa hợp huynh đệ và lòng nhiệt thành của họ đối với việc rao giảng Tin Mừng là yếu tố đầu tiên và có sức thuyết phục cho việc nẩy sinh các ơn kêu gọi mới" (xem Pastores dabo vobis, số 41).
ÐTC cũng nói đến những khó khăn và cản trở trong việc rao giảng Tin Mừng tại Panama, cũng như tại nhiều nơi trên thế giới. Sự khác biệt từ miền này qua miền khác, do bởi chủng tộc và văn hóa khác nhau, rồi những thay đổi quá nhanh chóng trong xã hội, gây lạc hướng cho rất nhiều người, cách riêng cho giới trẻ, vốn bị cám dỗ bởi tính ích kỷ, bởi hưởng thụ, bởi bạo động, bởi nạn ma túy, bởi dục tính vô trách nhiệm... Ðứng trước những khó khăn này, ÐTC khuyên các vị chủ chăn Panama "đừng nhường bước truớc bất cứ cám dỗ nào về thất vọng, trái lại hãy lại gần họ, hãy khuyến khích họ, hãy thức tỉnh họ, hãy cứu thoát họ khỏi một cuộc sống giả tạo, không có một ý nghĩa, một lý tưởng cao thượng nào cả. Ðối với nhiều thanh niên ngày nay, có thể nói lên với Thánh Augustino, rằng "Ai mà không ước muốn sự thật, sự sống"? Nhưng không phải tất cả tìm được con đường đúng". ÐTC nói đến những phương tiện để thông truyền các giá trị đạo đức và nhân bản cho giới trẻ, cách riêng bằng việc giảng dạy giáo lý, việc cử hành Phụng vụ cách nghiêm trang sốt sắng, bằng sự khám phá việc cầu nguyện cá nhân và cộng đồng v.v... (xem Tertio Millennio Adveniente, số 33).
Một điểm quan trọng khác ÐTC lưu ý các giám mục là vấn đề Hôn nhân và Gia đình. Về hai vấn đề này, ÐTC đã có dịp nói đến trong chuyến viếng thăm mục vụ ngày 5.3.1983 tại Panama. "Gia đình không những là tế bào của xã hội, nhưng còn là nơi đặc biệt của việc truyền thông đức tin. Vì thế phải chiếm chỗ nổi bật trong chuơng trình rao giảng Tin Mừng, để đáp lại chương trình của Thiên Chúa về Hôn nhân và để chính các tổ ấm trở nên nguồn mạch chiếu sáng về các giá trị Tin Mừng. Trong dịp này tôi đã nhấn mạnh rằng: Hôn nhân là một lịch sử của tình yêu giữa người nam và người nữ, một con đường của sự trưởng hành con người và người tín hữu. Chỉ trong việc biểu lộ tình yêu giữa hai người mỗi ngày mỗi thêm mãi mới có thể củng cố tình yêu thương bền bỉ trong suốt cả cuộc đời của đôi bạn" (trích bài giảng thánh lễ cho các gia đình, Panama 5.3.1983).
ÐTC nói tiếp như sau: "Quan niệm cao quí này về Hôn nhân và Gia dình là một thách đố liên lỉ cho Giáo hội của Ngàn năm mới và cũng cho Xứ sở các Ðức Cha nữa, vì chúng ta nhận thấy nhiều thái độ, luật lệ cản trở việc thực hiện đầy đủ chương trình của Thiên Chúa về gia đình. Vì thề cần phải đẩy mạnh mục vụ về gia đình và việc chuẩn bị tương xứng về Hôn nhân, quan tâm cách riêng đến các gia đình , bằng việc kêu gọi trách nhiệm của nhà cầm quyền, cách riêng về những chương trình giáo dục và thu nhận thanh niên vào xã hội".
Nhắc lại Hiến chế tín lý về Giáo Hội "Ánh Sáng muôn dân" (Lumen gentium), ÐTC khuyến khích các giám mục hãy trở nên hình ảnh của Vị Chủ chăn nhân lành, không những lo lằng đến các con chiên sốt sắng, nhưng hãy đi tìm những con chiên lạc, hãy quan tâm đến những người hèn yếu, những ai gặp khó khăn trong việc sống đức tin và ơn Bí tích Rửa tội, hãy chú ý cách riêng trong việc giúp đỡ các người nghèo khổ, bênh vực các nhóm thiểu số, cổ võ việc thăng tiến con người và công việc giáo dục. ÐTC nói như sau: "Tôi khuyến khích các Ðức Cha không những tiếp tục các công việc này, nhưng còn đưa ra những sáng kiến mới khác về đức ái (xem Novo Millennio ineunte, số 50), để đối phó với việc lan rộng những hiện tượng loại trừ ra ngoài lề xã hội và văn hóa cũng như những hình thức mới của cảnh nghèo khổ cả vật chất lẫn tinh thần... đang xuất hiện trong lúc bước vào ngàn năm mới này. Giáo hội phải luôn luôn cổ võ việc thăng tiến toàn diện con người, không phải chỉ về phương diện vật chất mà thôi, nhưng cả về chiều kích xã hội và cộng đồng nữa. Giáo hội luôn cố gắng cổ võ và bênh vực phẩm gia đích thực của con người - phẩm giá này, một đàng gồm các quyền căn bản bất khả xâm phạm và đàng khác mang theo trách nhiệm, tình liên đới và cộng tác để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho mọi người, mọi dân tộc". Việc xây dựng thế giới như vậy là sứ vụ riêng biệt của người giáo dân. Vì thế ÐTC nhấn mạnh đến sự quan tâm cách riêng đến việc huấn luyện Kitô vững chắc, để người giáo dân có khả năng thi hành bổn phận xã hội của mình, để họ biết đem các giá trị Tin Mừng vào trong các lãnh vực văn hóa, khoa học, chính trị.
Trong phần kết thúc
diễn văn, nhắc lại hoàn cảnh
địa dư của Panama, ngã ba đường
của việc thông thương ( kênh dào
Panama ), ÐTC nói: "Ðịa thế của
Xứ sở các Ðức Cha
là một lời mời gọi để
các Cộng đồng giáo hội tại
đây trở nên gương mẫu
trong khả năng hợp nhất các nỗ
lực , để đối thoại với
mọi người và để tạo
nên những giây liên kết bền
bỉ, nhưng luôn luôn trong việc tôn
trọng sự khác biệt của các
nền văn hóa. Xin Mẹ Maria đồng
hành với các Ðức Cha
trong Thừa tác vụ và xin Mẹ che
chở các con cái yêu quí của
Panama".