Huấn Ðức của ÐTC
trưa Chúa Nhật 25 tháng 2/2001:
ý nghĩa của Công Nghị đối với Giáo Hội

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Huấn Ðức của ÐTC trưa Chúa Nhật 25 tháng 2/2001: ÐTC nhìn lại Công Nghị Hồng Y vừa qua và nói về ý nghĩa của Công Nghị đối với Giáo Hội.

 Lúc 9:30 sáng Chúa Nhật ngày 25 tháng 2/2001, ÐTC đi thăm một giáo xứ thuộc vùng phía tây của thành Roma; giáo xứ có tên là "giáo xứ Ðức Maria Giáng Sinh". Cao điểm của chuyến viếng thăm là Thánh Lễ do ÐTC cử hành cho cộng đoàn giáo xứ. Sau bài phúc âm, ÐTC đã chia sẽ vài lời dựa trên bài Phúc Âm và câu xướng trước Phúc âm của Lễ Chúa Nhật VIII mùa thường.

 Trước hết, ÐTC trích lại câu xướng trước khi đọc Phúc Âm: "Lạy Chúa, xin mở rộng tâm hồn con và chúng con sẽ hiểu được Lời Chúa", rồi giải thích như sau:

 "Lời khẩn cầu của câu xướng trước Phúc Âm dẫn đưa chúng ta về với chủ đề của thánh lễ Chúa Nhật VIII Mùa Thường. Chúa Giêsu là vị Thầy đích thực, đấng thông truyền cho con người sự thật cứu rỗi. Tất cả những ai lắng nghe Ngài, đều được mời "hãy hiểu", nghĩa là "hãy tiếp nhận trong tâm hồn những lời nói của Chúa và hãy diễn dịch những lời đó trong những chọn lựa cụ thể về nếp sống.

 Chúa Giêsu không chỉ thông truyền một giáo lý đến từ Thiên Chúa, nhưng còn nhất là Mẫu Gương để chúng ta noi theo; Chúa đã không để lại cho chúng ta đơn thuần một tuyển tập những giáo huấn cần phải học; Ngài vạch ra cho chúng ta một con đường để đi qua, vừa đặt mình làm gương cho chúng ta noi theo.

 Chúng ta hãy mở rộng tâm hồn đón tiếp Ngài: và như thế chúng ta bước vào trong mầu nhiệm tình thương của ngài, một tình thương soi sáng cho toàn thể cuộc sống."

 2. "Ðồ đệ không hơn Thầy; và có được chuẩn bị đến đâu, cũng chỉ bằng thầy mà thôi" (Lc 6, 40).

 Sống theo Chúa Kitô, Vị Thầy của chúng ta, chúng ta học biết được rằng để làm môn đệ của Người, cần phải theo Người nhất là trong khả năng yêu thương, như chính Người mô tả cho chúng ta biết trong Phúc âm theo thánh Luca mà chúng ta đang đọc trong những Chúa nhật thời gian nầy. Ðiểm then chốt của sứ điệp Người là tình thương yêu, và nhất là yêu thương kẻ thù, một tình thương không biết đến sự trả thù và sẵn sàng tha thứ. Ðó là lòng nhân từ và sự sẵn sàng yêu thương luôn luôn, cả với giá phải trả là chính mạng sống mình, theo như mẫu gương của Thiên Chúa (x. Lc 6, 37 - 38). Ðó là giáo huấn của Chúa mà chúng ta cần lảnh nhận và thông truyền cách trung thành. Ðó là trường học duy nhất để huấn luyện nên những nhà truyền giáo của Tin Mừng, những kẻ được mời gọi trở nên những vị hướng dẫn khôn ngoan và vững chắc cho anh chị em mình (x. Lc 6, 39).

 Ngoài ra, ÐTC cũng nới lên niềm vui mừng được cử hành thánh lễ trong Nhà Thờ mới vừa được khánh thành của giáo xứ, và ÐTC khuyên như sau:

 "Anh chị em hãy làm sao để Ngôi Thánh Ðường nầy trở thành dấu chỉ hữu hình cho sự hiệp nhất và hiệp thông, vượt qua được sự phân tán vì phải cử hành phụng vụ tại nhiều chổ khác nhau và phải dạy giáo lý tại nhiều nơi trong thời gian qua." ÐTC đã nhấn mạnh đến sự hiệp thông của cộng đoàn kitô, và khuyến khích mọi thành phần hãy đặt ra cho mình câu hỏi: tôi đóng góp như thế nào để làm tăng trưởng sự hiệp thông hoàn toàn trong Giáo Hội. ÐTC nhân dịp viếng thăm nầy mà trao cho cộng đoàn giáo xứ "Bức Thơ mà Ngài đã gởi cho Giáo Phận Roma", để tổng kết về những thành quả của Năm Thánh vừa kết thúc và cũng để giúp suy tư chuẩn bị cho Công Hội của Giáo Phận Roma vào tháng sáu tới. ÐTC khuyên mọi người hãy dùng thời gian Mùa Chay sắp đến mà suy nghĩ và thực hiện cuộc xét mình, dựa theo sự gợi ý của Bức Thơ.

 Kết thúc bài giảng, ÐTC nhắc đến câu phúc âm: "Tại sao con nhìn thấy cọng rác nơi mắt anh chị em, mà quên đi cây đà trong mắt mình?" ( Lc 6,41), rồi ngài nhắc nhở như sau:

 "Với những lời trên, Chúa Giêsu trao cho chúng ta một hướng dẫn, mà chúng ta có thể gọi là "có tính cách mục vụ". Cám dổ thông thường là kết án những tật xấu, những tội lội của kẻ khác, mà không thể nhìn thấy những tật xấu của mình với cùng sự sáng suốt như vậy. Làm sao chúng ta có thể biết được là mắt của mình được lành sạch, hay không bị cây đà cản trở? Chúa Giêsu trả lời cho chúng ta như sau: "Người ta biết được cây tốt hay xấu là nhờ vào những quả của nó!" (Lc 6,44) Sự phân định nầy là hồng ân của Chúa, và chúng ta cần cầu nguyện không ngừng, để xin Chúa ban cho ơn biết phân định nầy."

 Sau khi đi thăm giáo xứ về, đến giờ trưa, ÐTC xuất hiện nơi cửa sổ phòng làm việc, để đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật với các tín hữu hiện diện tại quảng trường Thánh Phêrô. Trước khi nguyện kinh, ÐTC nói vài lời huấn đức, và lần nầy, ngài nói về ý nghĩa của Công Nghị Hồng Y vừa qua, với những lời như sau:

 Anh chị em rất thân mến,
Công Nghị vừa qua để thiết lập 44 vị Tân Hồng Y, vài tuần sau khi bế mạc Năm Thánh, chắc chắn sẽ là biến cố đáng ghi nhớ trong lịch sử của Giáo Hội. Cha muốn dừng lại một lần nữa nói về biến cố và ý nghĩa của nó, một biến cố không những có liên hệ với những vị tân hồng y và những cộng đồng giáo hội mà các vị thuộc về, nhưng còn có liên hệ đến toàn thể đại gia đình của Thiên Chúa và sứ mạng của nó trong thế giới ngày nay.

 Một luồng gió của niềm hy vọng được canh tân như đã phủ lấy toàn dân kitô. Trong thời gian Năm Toàn Xá và cả trong những ngày nầy nữa, được vang lên cách mạnh mẽ lời mời gọi hãy nhìn lên tương lai. Giáo Hội nhìn lên phía trước và muốn "ra khơi", với sức năng động thiêng liêng được kinh nghiệm sống Năm Thánh khơi dậy giữa lòng giáo hội. Sức năng động nầy không thể nào không cũng cố và làm phong phú những yếu tố thuộc về bản chất của cộng đoàn giáo hội: tức sự hiệp nhất của giáo hội, sự thánh thiện, tính cách công giáo và tính cách tông đồ của giáo hội. Sự gia tăng con số thành viên Hồng Y Ðoàn, vừa làm nổi bậc sự hiệp nhất của Nhiệm Thể Giáo Hội quanh đấng kế vị thánh Phêrô, vừa nhấn mạnh đến chiều kích công giáo của giáoi hội, một chiều kích được phản chiếu nơi xuất xứ của các vị Hồng Y từ khắp nơi trên thế giới.

 Người ta có thể thắc mắc: làm sao Giáo Hội có thể duy trì sự trung thành đối với ơn gọi của mình, trong một thời mà nền văn hóa thắng thế xem ra như thường đi ngược lại với chiều hướngï đòi hỏi của Tin Mừng? Màu đỏ của phẩm phục các Hồng Y, trả lời cho câu hỏi trên một cách tượng trưng. Như mọi người biết, Màu Áo Ðỏ gợi nhớ máu của các vị tử đạo, những chứng nhân cho Chúa Kitô cho đến mức hy sinh cuối cùng. Bằng chính đời sống mình, các vị Hồng Y phải làm cho con người nhìn thấy được tình yêu đối với Chúa Kitô, một tình yêu không dừng lại trước bất cứ hy sinh nào. Mầu gương sống của các ngài khuyến khích tất cả mọi người kitô hãy phục vụ Chúa, là Thầy chúng ta, một cách quảng đại, vừa cảm thấy mình thành phần sống động của một Nhiệm Thể Duy Nhất là Giáo Hội.

 Ðiều kiện cần thiết để thực hiện trách vụ rất đòi hỏi nầy là sự say mê chiêm niệm dung mạo của Chúa. Cha đã viết điều nầy trong tông thư "Khởi đầu ngàn năm mới", và nhiều lần cha đã có dịp nhắc lại điều nầy. Thật vậy, nếu việc lắngnghe Lời Chúa bị thiếu đi, nếu đời sống cầu nguyện và sự gặp gỡ nội tâm với Chúa bị yếu đi, thì người ta dễ dàng rơi vào trong thái độ sống chỉ lo hoạt động mà không đạt được kết quả gì; đây là một cám dỗ khá thường xảy ra, nhất là trong thời đại chúng ta.

 Chúng ta hãy khẩn cầu sự trợ giúp đặc biệt của Ðức Maria, Mẹ của Giáo Hội, cho quý vị Tân Hồng Y. Khi cùng nhau nguyện kinh Truyền Tin, chúng ta hãy khẩn cầu Mẹ xin cùng Chúa ban cho tất cả mọi tín hữu một sức quảng đại để làm chứng cho Phúc Âm một cách xác tín hơn và trung thành.

 Sau những lời trên, ÐTC đọc kinh Truyền Tin và ban phép lành cho mọi người.
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page