Huấn Ðức của ÐTC
trưa Chúa Nhật 18 tháng 2/2001:
Kỷ niệm 1,700 năm Bí Tích Rửa Tội
của Dân Tộc Armeni

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

Huấn Ðức của ÐTC trưa Chúa Nhật 18 tháng 2/2001: Kỷ niệm 1,700 năm Bí Tích Rửa Tội của Dân Tộc Armeni.

 Chúa Nhật, ngày 18 tháng 2/2001, ÐTC Gioan Phaolô II đã chủ sự phụng vụ Thánh Thể theo nghi thức Armeno bên trong Ðền Thờ Thánh Phêrô, để mừng kỷ niệm 1,700 năm Dân Tộc Armeni lảnh nhận bí tích Rửa Tội. Trong bài giảng thánh lễ, ÐTC nói lên thao thức của ngài một ngày nào đó sẽ được đến viếng thăm và hôn kính đất nước Armeni.

 Sau đó, đến giờ trưa, ÐTC đã xuất hiện tại cửa sổ văn phòng làm việc của Ngài, để đọc kinh truyền tin với dân chúng tụ họp tại quảng trường thánh Phêrô. Và trước khi đọc kinh, ÐTC đã nói vài lời huấn đức nhắc đến lịch sử tử đạo nêu gương của dân tộc Armeni, với những lời như sau:

 Anh chị em rất thân mến,
Sáng nay, trong đền thờ thánh Phêrô, cha đã vui mừng chủ sự Phụng Vụ Thánh Thể, nhân dịp mừng kỷ niệm 1,700 năm Bí Tích Rửa Tội được trao ban cho dân tộc Armeni. Thật vậy, truyền thống lịch sử xác định cuộc trở lại với đức tin kitô vào năm 301, khi vua Tiridate thứ III cùng với gia đình và toàn thể cộng đoàn được rửa tội do bởi thánh Gregorio, vị được gọi với biệt hiệu riêng là "Ðấng hướng dẫn". Kể từ giây phút ấy, Tin Mừng và căn cước của dân tộc Armeni đồng hành chung với nhau, không thể tách rời ra được nữa, Như thế, đất nước Armenia được nhìn nhận như là đất nước đầu tiên đón nhận Kitô giáo, cả trước khi kitô giáo được chấp nhận trong đế quốc Roma.

 Nhìn lại 17 thế kỷ lịch sử của dân tộc Armeni, người ta nhận thấy được như thế nào cuộc tử đạo đã kết thành yếu tố thường hằng trong lịch sử của dân tộc. Trong nhiều dịp, dân tộc Armeni đã phải trả giá bằng những đau khổ dữ dằn cho ý chí muốn sống trung thành với căn cước kitô riêng của mình, cho đến những biến cố bi thảm vào cuối thế kỷ thứ 19 và đầu thế kỷ 20. Trong dịp đặc biệt nầy, chúng ta muốn tôn vinh lễ hy sinh của những người kitô armeni; những anh chị em nầy, kể cả những ai sống lưu vong nước ngoài, đã luôn mang theo với mình ánh sáng Tin Mừng, vừa giữ gìn toàn vẹn phần gia tài thiêng liêng và văn hóa.

 Với lời chào chúc chân thành gởi đến những anh chị em Armeni, chúng ta bảo đảm với họ tình liên đới liên lỉ của toàn thể Giáo Hội. Ðất nước Armeni là cái nôi của một nền văn minh đặc biệt, như bằng chứng là những kho tàng nghệ thuật và văn hóa của dân tộc Armeni.

 Sau khi đã vượt qua được biết bao giờ phút khó khăn, ước chi giờ đây dân tộc Armeni được sống trong hòa bình và với thiên tài đặc biệt của mình góp phần cho sự tăng trưởng văn hóa và tinh thần của nhân loại.

 Chúng ta hãy trao phó những nguyện ước nầy cho Ðức Nữ Maria rất thánh, Ðấng mà những anh chị em Armeni chúng ta tôn kính với lòng đạo đức sâu xa. Phụng vụ của những anh chị em nầy mang đặc tính thánh mẩu sâu xa. Những anh chị em Armeni gọi Ðức Nữ Ðồng Trinh là ASTVAZAZIN, Mẹ Thiên Chúa, và chạy đến khẩn cầu Mẹ dưới tước hiệu là Nữ Vương của Ðất Nước Armenia. Một trong những danh ca chính chúc tụng Mẹ Maria, là thánh Gregorio thành Narek, vị thánh tiến sĩ cao cả của Giáo Hội Armeni. Nguyện xin Ðức Nữ Ðồng Trinh luôn luôn bảo vệ dân tộc Armeni đáng mến và dẩn đưa dân tộc nầy bước vào mùa đặc biệt của niềm hy vọng được canh tân và của sự thịnh vượng.

 Sau những lời trên, ÐTC đọc kinh truyền tin và ban phép lành.

 Sau phép lành, ÐTC còn ở lại bên cửa sổ để nhắc đến vài vấn đề thời sự nổi bật. Trước hết ÐTC nhắc đến trận động đất bên El Salvador, và kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy quảng đại nâng đỡ Ðất nước El Salvador đáng quý mến nầy. ÐTC cũng đã không quên nạn bạo lực tiếp tục gia tăng bên Miền Trung Ðông. Nhiều mạng sống con người đang bị hy sinh tại Israel cũng như tại những vùng đất của người Palestina, vì vòng lẩn quẩn của hận thù và trả thù, và viển tượng hòa bình càng ngày càng xa vời. ÐTC kêu gọi thêm như sau: "Chúng ta hãy cầu nguyện ngõ hầu vòng lẩn quẩn của bạo lực, hết sức dã man trong những lúc gần đây, biết nhường chổ cho sự tin tưởng và tôn trọng lẩn nhau, ngõ hầu người ta có thể đi lại con đường đối thoại, với quyết tâm, và cuối cùng có thể đạt đến hòa bình trong công bằng." ÐTC cũng đã nhắc đến việc ngài vừa gởi thơ đến các tín hữu của giáo phận Roma, sau kinh nghiệm đặc biệt sống Ðại Năm Thánh. Trong thơ, ÐTC mời gọi các tín hữu hãy nhớ lại con đường đã đi trong những năm qua, từ Công Nghị Mục Vụ cho đến các Tuần Ðại Phúc. ÐTC nói như sau: "Ðược phong phú hóa bởi những hồng ân đích thực của Thiên Chúa, giờ đây chúng ta hãy hướng đến việc hoạch định chương trình cho tương lai. Ðó là điều mà Giáo Hội tại Roma muốn thực hiện trong một Ðại Hội sẽ được tổ chức vào tháng sáu tới đây, và hiện nay đang được chuẩn bị trong các giáo xứ và các cộng đoàn".

 Cuối cùng, ÐTC chào chúc mọi người một ngày Chúa Nhật an lành.

 Trước khi kết thúc, chúng tôi xin được nhắc lại đây vài chi tiết về Giáo Hội Armeni. Có thể nói là có hai cộng đồng Giáo Hội Armeni: giáo hội Armeni tông truyền, và giáo hội Armeni công giáo.

 TRỞ LẠI DÒNG LỊCH SỬ, bắt đầu từ năm 451, khi từ chối chấp nhận những định tín của Công Ðồng Chalcédoine, về Chúa Giêsu Kitô, Giáo Hội Armeni đã tách ra sinh hoạt độc lập với Giáo Hội Công Giáo Roma, và cả Giáo Hội Ðông Phương Byzantine. Tính chung, những anh chị em kitô Armeni được chia thành ba tòa giáo chủ: Tòa Giáo Chủ Etchmiadzine nằm tại Ðất Nước Armeni ngày nay, Tòa Giáo Chủ SIS, trước đây nằm trong lảnh thổ quốc gia Thổ Nhỉ Kỳ, nhưng sau biến cố đau thương bị người Thổ Nhỉ Kỳ tàn sát vào năm 1915, thì tòa giáo chủ nầy được dời sang Antelias ở Liban. Tòa Giáo Chủ thứ ba gồm những anh chị em kitô Armeni hiệp thông với Giáo Hội Công Giáo Roma, do Ðức Giáo Chủ Công Giáo Nesres Bedros XIV chăm sóc mục vụ, và gồm có khoảng 350,000 tín hữu sinh sống bên trong Ðất Nước Armeni, và tại Liban và Syrie. Giáo Hội Armeni tông truyền, hiện do Ðức Karekin II chăm sóc, với hai tòa Giáo Chủ, gồm có khoảng 3 triệu rưỡi tín hữu, sinh sống bên trong đất nước Armeni, và bên ngoài như tại Nga, miền Trung Ðông, bên Bắc Mỹ, và Âu Châu.

 Tương quan đại kết giữa Giáo Hội công giáo Roma và Giáo Hội Armeni Tông Truyền hiện nay rất tốt đẹp. Ngày 13 tháng 12 năm 1996, ÐTC Gioan Phaolô II đã ký nhận bản tuyên ngôn chung với Ðức Giáo Chủ Karekin I; và sau đó, ngày 9 tháng 11 năm 2000, ÐTC Gioan Phaolô II ký nhận bản tuyên ngôn chung với người kế vị của Ðức Giáo Chủ Karekin I, là Ðức Karekin II. Trong tuyên ngôn năm 2000 nầy, cả hai vị lảnh đạo Giáo Hội đã xác nhận tính cách bổ túc cho nhau của hai giáo hội Công Giáo Roma và Giáo Hội Armeni Tông Truyền, vừa tuyên xung chung "cùng một đức tin".
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page