ÐTC tiếp Ngoại Giao đoàn cạnh Tòa Thánh
dịp Ðầu Năm mới

Prepared for internet by Msgr. Peter Nguyen Van Tai
Radio Veritas Asia, Philippines

ÐTC tiếp Ngoại Giao đoàn cạnh Tòa Thánh dịp Ðầu Năm mới.

 Lúc 11 giờ trưa hôm thứ bẩy, 13 tháng Giêng 2001, tại Phòng Khánh Tiết của Phủ Giáo Hoàng, được trang trí bông hoa, tham đỏ, trong bầu khí long trọng, trang nghiêm, ÐTC tiếp chung Ngoại Giao đoàn cạnh Tòa Thánh, đến chúc mừng Năm mới. Ðây là buổi gặp gỡ truyền thống, nhưng luôn luôn được chờ đợi nhiều, không những nơi các nhà ngoại giao cạnh Tòa thánh, nhưng còn cả nơi Giới chính trị thế giới và truyền thông xã hội. Người ta chờ đợi bài diễn văn quan trọng của ÐTC đọc trong dịp này, về tình hình thế giới và về những giải pháp Tòa Thánh đề nghị với các vị trách nhiệm các quốc gia và cộng đồng quốc tế, để cùng nhau giải quyết các vấn đề, và để cùng nhau cộng tác trong tình huynh đệ, đưa thế giới đến cuộc chung sống hòa bình, xứng đáng phẩm giá con người, được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa.

 Trong dịp này, ÐTC đã nêu lên trong bài diễn văn đọc trước ngoại giao đoàn rằng: "Mọi người và mỗi một người là người anh em của tôi". Một câu rất đơn sơ, nhưng bao hàm ý nghĩa rất sâu rộng và việc thực hiện đầy đủ lời này sẽ đem lại thành quả tốt đẹp cho các dân tộc và trên cả thế giới.

 Ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh gồm 174 vị đại sứ đại diện 174 quốc gia lớn nhỏ trên thế giới. Tòa Thánh, ngoài việc trao đổi vị đại diện tại các quốc gia có liên hệ ngoại giao với mình, còn cử thêm một số đại diện tại các tổ chức quốc tế khác nhau. Vì thế số các nhà ngoại giao Tòa Thánh lên tới 184 vị. Tòa Thánh như thế có một Ngoại giao đoàn đông đảo vào bậc nhất, sánh với các cường quốc.

 Buổi tiếp kiến được bắt đầu bằng diễn văn của Giáo sư Giovanni Galuzzi, công giáo, đại sứ của Cộng hòa San Marino (một quốc gia nhỏ, độc lập, với khoảng 400 ngàn dân cư, nằm về phía trung-đông nước Ý). Ðại sứ là Niên trưởng Ngoại giao đoàn, nhân danh các bạn đồng nghiệp chúc mừng ÐTC được nhiều bình an, hạnh phúc và sức khỏe trong Năm mới, để hướng dẫn Giáo hội trong lâu dài. Tiếp đến, vị Ðại sứ niên trưởng nhắc lại những biến cố lớn của Năm Thánh, cách riêng Ngày thế giới Thanh niên, với sự tham dự của hai triệu bạn trẻ, đến từ khắp thế giới, rồi Ngày Toàn xá của giới chính trị, những người có trách nhiệm lớn lao trong mỗi quốc gia và trong Cộng đồng quốc tế. ÐTC đã đặt Thánh Thomas More, thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Anh quốc, người đã liều mạng sống để trung thành với lương tâm, với đức tin, làm Thánh Quan Thầy của những người làm chính trị, với mục đích nhắc lại cho các nhà chính trị hãy sống liêm khiết, theo gương Thánh nhân, trong sứ vụ và trách nhiệm của những người lãnh đạo.

 Ðại sứ niên trưởng cũng nhắc đến tình hình thế giới và cuộc hành hương lịch sử của ÐTC tại Ai cập, tại Thánh địa, trước hết để sống lại nguồn gốc Kitô Giáo, những cũng để gặp gỡ các tôn giáo, các chính phủ trong miền, để cổ võ hòa hình và cộng tác giữa các dân tộc trong miền khói lửa này. Ðại sứ cũng nhấn mạnh đến cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hai miền Bắc-Nam Hàn, một biến cố hứa hẹn nhiều trong tương quan với hòa bình tại Á Châu và cũng là một gương sáng để các phe tranh chấp ngồi lại đối thoại với nhau, cùng tìm giải pháp cho các vấn đề khó khắn, bằng hòa đàm, bằng hiểu nhau, thay vì bằng chiến tranh.

 Trong diễn văn đáp từ, trước hết ÐTC cảm ơn Ðại sứ Niên trưởng đã nhân danh các bạn đồng nghiệp chúc mừng Năm mới. Ngài cũng gửi lời cầu chúc Năm mới đến từng Vị đại diện và đến quốc gia của mỗi một vị.

 ÐTC nhắc đến Năm Thánh vừa kết thúc. Nhìn vào các người hành hương tuốn đến Roma, ÐTC nhận thấy rằng "tâm tình thiêng liêng còn rất sống động trong tâm hồn con người". Ngài nhắc đến Ngày Toàn xá của giới chính trị, và nói rằng: "Ðây là dấu hiệu của thiện chí và của sự sẵn sàng đón nhận chuyến viếng thăm của Thiên Chúa".

 Nói đến Do thái và Palestine, nơi đây cơn khủng hoảng mỗi ngày mỗi trầm trọng, ÐTC nhấn mạnh đến việc tôn trọng các quyền của mỗi một người và của mỗi một dân tộc. Ðể giải quyết vấn đề, cần phải ngồi lại đối thoại với nhau, cần phải thi hành những thỏa ước đã ký kết và cần phải tuân theo những nghị quyết của Liên hiệp quốc. Hai bên phải hiểu rằng : nếu muốn sống hòa bình bên cạnh nhau, không thể cứ tiêu diệt nhau bằng vũ lực, trái lại phải tìm giải pháp công bình, để giải quyết các vấn đề.

 Nhìn về Châu phi, ÐTC nhắc đến những chiến tranh vô tận, những tham nhũng có tính cách phá hoại, những đau khổ của người dân như tại Sudan, tại các nước miền Ðại Hồ. ÐTC vui mừng vì giữa Ethiopie và Eritrea đã cùng nhau ký thỏa ước tại Algérie, chấm dứt chiến tranh giữa hai quốc gia anh em này.

 Nói đến Châu Âu, ÐTC nhắc đến nạn khủng bố tại Tây ban nha và đang đe dọa một số quốc gia khác. Ngài khuyên các quốc gia Châu Âu, vốn có một nguồn gốc Kitô từ những thế kỷ đầu, hãy quảng đại mở cửa đón tiếp các người cùng cực đến gõ cửa tìm công ăn việc làm và một đời sống xứng đáng con người.

 Quay sang Châu Mỹ, ÐTC lưu ý các nhà ngoại giao đến những cảnh nghèo khổ tại đây, những chiến tranh du kích kéo dài từ nhiều năm. Cần phải tìm giải pháp để giúp người dân nghèo khổ được sống trong an bình.

 Nhìn sang Châu Á, ÐTC vui mừng về cuộc đối thoại thông nhất giữa hai miền Bắc-Nam Hàn. Nhắc đền những vụ bách hại các tín hữu Kitô tại Indonesia, Ðức Gioan Phaolô II quả quyết rằng: "Nếu mọi người nhìn vào người khác như anh em của mình, thì thế giới sẽ trở nên khác ngay".

 Nhắc đến thế kỷ XX vừa qua đi, ÐTC nói: "Ðây là một thế kỷ đã thực hiện được những tiến bộ vĩ đại về khoa học, kỹ thuật chưa tùng có, những cũng là một thế kỷ được đánh dấu bằng hai đại thế chiến, bằng những chế độ độc tài Quốc xã và Cộng sản, bằng những ý thức hệ, bằng những đạo luật sát nhân, cho phép phá thai, làm cho chết êm dịu, bằng việc làm ô nhiễm môi sinh, đến độ "nghẹt thở".

 ÐTC nhắc lại bài giảng Ngày Ðầu Năm Dương lịch 2001, ngày cầu nguyện cho hòa bình thế giới, và nói như sau: "Năm nay là năm LHQ ấn định là năm của đối thoại giữa các nền văn minh. Vì thế, trong sứ điệp về Ngày cầu nguyện cho Hòa bình thế giới, tôi đã đề nghị suy tư về đề tài: "Ðối thoại giữa các nền văn hóa để xây dựng nền văn mình Tình yêu". ÐTC quả quyết mạnh mẽ rằng: "Trong thế kỷ này chúng ta hãy cùng nhau cứu vãn nhân loại. Khoa học, kỹ thuật hãy phục vụ con người".

 Trong phần cuối diễn văn, Ðức Gioan Phaolô II nhấn mạnh: "Qua trung gian quý vị, Giáo Hội xin nhắc lại với các chính phủ của các Ngài rằng: Giáo hội sẽ luôn luôn bênh vực con người, bênh vực phẩm giá con người, bênh vực tự do lương tâm và tự do tôn giáo của mỗi một con người. Xin Thiên Chúa che chở các Ngài, Gia đình và Quốc gia của các Ngài".
 
 


Back to Radio Veritas Asia Home Page